Thời kỳ đổi mới nền kinh tế Việt Nam đến
nay đã được hơn 30 năm. Trong số tất cả các hệ lụy đau thương mà đảng cộng sản
và nhà cầm quyền Việt Nam gây ra cho nhân dân, thì vấn đề cướp đất là một trong
hai tội ác lớn nhất, cùng với ô nhiễm môi trường. Quá trình cướp đất này bắt đầu
từ thập kỷ 90 của thế kỷ trước, thập kỷ những năm 2000 bắt đầu giai đoạn khốc
liệt, và thập kỷ hiện tại đạt tới đỉnh điểm của guồng quay cướp đất.
1/ Tại sao nói là cướp đất?
Về lập luận của nhà cầm quyền, cũng như
những luật, văn bản pháp lý mà nhà cầm quyền vận dụng, hợp thức hóa tiến trình
cướp đất, đó là điều luật: đất đai thuộc sở hữu toàn dân, người dân không có
quyền sở hữu mà chỉ có quyền sử dụng. Cùng với đó là các chính sách đô thị hóa,
chính sách phát triển công nghiệp, khu công nghiệp. Toàn bộ các điều luật và
chính sách đi kèm việc thu hồi đất (cách gọi của nhà cầm quyền) phục vụ mục
đích chung (làm đường giao thông, mở rộng đô thị, xây khu công nghiệp...) đều
có đầy đủ, và về lý thuyết có thể làm vỏ bọc hoàn hảo cho dã tâm trục lợi trong
việc này. Đại khái, trên cơ sở đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước có thể
thu hồi đất (quyền thu hồi đất xuống tới cấp huyện) để phục vụ cho mục tiêu
chung là phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Phát triển kinh tế - xã hội
trong việc thu hồi đất là mở rộng đô thị, xây dựng các khu dân cư, chung cư,
xây dựng các nhà máy, xí nghiệp và khu công nghiệp. Đó cũng là việc xây dựng
các công trình quốc gia về quân sự, về văn hóa, xã hội. Khi thu hồi đất, các
đơn vị có trách nhiệm tính toán, bồi thường để không thiệt hại cho người dân có
đất, đang sử dụng đất đai. Đồng thời, nếu thu hồi đất người dân đang dùng làm
tư liệu sản xuất, tức là đất nông nghiệp, thì phải đào tạo, chuyển đổi nghề
nghiệp cho những lao động của các hộ dân bị thu hồi đất. Đó là toàn bộ quy
trình, quy định về việc thu hồi đất của người dân cho mục đích chung, công ích.
Với quy trình này, nếu nhà cầm quyền các
cấp thực hiện đầy đủ, đồng thời không vụ lợi, không trục lợi thì sẽ không có bất
kỳ điều gì xảy ra. Tuy nhiên, với sự độc quyền lãnh đạo, quyền lực tuyệt đối và
không hề bị kiểm soát, giám sát đồng thời giá cả đất đai đã tăng chóng mặt do mấy
cơn sốt đất, các cấp lãnh đạo làm sao có thể bỏ qua một miếng mồi ngon có trị
giá hàng chục tỷ, trăm, ngàn tỷ đồng như vậy? Ban đầu, người ta còn lập dự án,
thông qua dự án và tiến hành các thủ tục tối thiểu. Càng về sau, những vấn đề về
thủ tục càng bị bỏ qua, không cần biểu diễn nữa, và làm một cách trắng trợn. Rất
nhiều nơi hiện nay, khi thu hồi đất xong, nhà cầm quyền xây dựng hạ tầng qua
loa như đường đi, hệ thống điện... rồi phân lô bán nền ngay. Khốn nạn nhất là
có nhiều nơi, những hộ dân bị thu hồi đất có thể mua ngay lại đất của nhà mình
với giá gấp nhiều lần giá nhà nước đền bù thu hồi đất. Ví dụ, ở phường Dương Nội,
quận Hà Đồng, Hà Nội nhà cầm quyền thu hồi đất với giá 201.600 đồng/1m2 có thể
bán ngay cho chủ nhà với giá 35 triệu đồng/1m2.
Như vậy, người dân đang sinh sống, làm
ăn yên ổn trên mảnh đất thổ cư của gia đình, đất nông nghiệp thì với chính sách
sỡ hữu toàn dân về đất đai, nhà cầm quyền đã áp giá một cách vô cùng rẻ mạt,
thu hồi toàn bộ đất đai của người dân và bán với giá gấp rất nhiều lần để trục
lợi, chia chác. Việc dùng sức mạnh để lấy của, lấy gia tài của người khác trong
khi họ không mong muốn đó chính là hành vi ăn cướp, toàn bộ quá trình này là cướp
đất đã và đang diễn ra khắp đất nước. Thảm cảnh của hàng triệu dân oan trên khắp
cả nước đã diễn ra. Sự phản kháng của người dân cũng diễn ra khắp nơi, từ anh
nông dân Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng đến Đặng Ngọc Viết ở Thái Bình,
nông dân Dương Nội, Hà Đông, Văn Giang - Hưng Yên... và vừa qua là Đồng Tâm - Mỹ
Đức.
2/ Guồng quay bạo tàn
Có thể nói, quá trình cướp đất như một
guồng quay và không có điểm dừng. Guồng quay có thể hiểu trên hai khía cạnh. Thứ
nhất, muốn cướp được đất, không chỉ một cơ quan, một đơn vị nào có thể làm được,
mà phải kết hợp rất nhiều ngành. Thông thường sẽ có doanh nghiệp đứng ra lập dự
án, có thể là sản xuất, có thể là khu công nghiệp và cũng có thể làm khu dân
cư, chung cư. Dự án sẽ nhanh chóng được các cấp ủy, chính quyền và ban ngành
đoàn thể thông qua. Một ngành quan trọng nhất mà không một dự án nào có thể bỏ
qua, đó là công an. Công an để thị uy và trấn áp ngay lập tức những phản kháng
của những hộ dân, gia đình bị thu hồi đất. Và để hiệu quả cho việc trấn áp,
cũng như đạt mục đích cuối cùng là cướp được đất, các ngành kiểm sát và tòa án
luôn sẵn sàng để vào cuộc, xử lý ngay những người chống đối. Tất cả đều diễn ra
nhịp nhàng, ăn khớp. Một khía cạnh nữa của guồng quay cướp đất, đó là tất cả
các địa phương, tất cả các quận, huyện trong cả nước đều diễn ra tình trạng cướp
đất. Sự khác biệt có chăng chỉ là mức độ nhiều ít đất đai cướp được, hoặc mức độ
tàn khốc trong việc cướp đất. Bởi vì quyền thu hồi đất được cấp huyện thực hiện
nên không một địa phương nào có thể thoát khỏi guồng quay tàn bạo này. Với một
sự chênh lệch vô cùng lớn về giá cả đất đền bù và giá thị trường, mức lợi nhuận,
hay chính xác hơn là số tiền cướp được quá lớn khiến cho guồng quay không thể dừng
lại được. Hết lớp cán bộ này đến lớp cán bộ khác, hết quan chức này đến quan chức
khác, người bị bắt vào tù vì tham nhũng đất đai, người sau lên lại tiếp tục cướp
đất và rút kinh nghiệm của người trước. Cũng phải nói rằng, trong một số trường
hợp, tại một số địa phương, việc cướp đất diễn ra quá tàn bạo, không ngụy trang
khéo léo (tức là hợp thức hóa bằng các nghị quyết, chính sách, văn bản) và quan
trong nhất là ăn chia không đều, đã có nhiều quan chức, cán bộ đã bị mất chức,
vào tù. Nhưng cán bộ vào tù, guồng quay cướp đất vẫn không dừng lại và chưa biết
khi nào dừng lại...
(còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét