Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Lũng đoạn ngoại hối






Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) tại Florida, Hoa Kỳ, ngày 7 tháng 4 năm 2017. AFP photo



Nhằm thuyết phục Chính quyền Trung Quốc cùng hợp tác để giải quyết hồ sơ Bắc Hàn, Chính quyền Hoa Kỳ đã tỏ ý hòa dịu với Bắc Kinh về những mâu thuẫn kinh tế giữa hai nước.



Điển hình là tuần qua, Chính quyền Donald Trump thông báo việc không nêu danh Trung Quốc là quốc gia có chính sách lũng đoạn ngoại hối. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu lũng đoạn ngoại hối là gì và phân tích bài toán ngoại hối của Bắc Kinh.



Lũng đoạn ngoại hối là gì



Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuận Nghĩa. Thưa ông, sáng Chủ Nhật 16 trong tin nhắn qua mạng xã hội Twitter, Tổng Thống Donald Trump cho biết Chính quyền của ông không đặt Trung Quốc vào danh mục các quốc gia can tội lũng đoạn ngoại hối vì Bắc Kinh đang hợp tác với Hoa Kỳ để giải quyết vấn đề Bắc Hàn.



Trong bối cảnh căng thẳng về an ninh tại vùng Đông Bắc Á trước thái độ khiêu khích của chế độ Cộng sản Bắc Hàn, quyết định kinh tế đó từ phia Hoa Kỳ cũng làm nhiều người phân vân về lập trường dời đổi của ông Donald Trump, nhưng trước hết, quý thính giả của chúng ta cũng muốn rõ “lũng đoạn ngoại hối” hay “currency manipulation” là gì? Xin đề nghị ông phân tích cho hồ sơ kinh tế rắc rối này.



Nguyễn-Xuân Nghĩa: Quả thật, đây là một hồ sơ rắc rối mà nếu không hiểu ra, người ta có thể kết luận sai và nhất là không thấy trước nhiều biến động bất ngờ và nguy hiểm sau này.



Dù không lệ thuộc nặng vào xuất khẩu bằng nhiều nền kinh tế khác như Nam Hàn, Đức hay Trung Quốc, kinh tế Hoa Kỳ bị nhập siêu quá lớn và quá lâu. Vì vậy, năm 2015, Quốc hội Mỹ có một đạo luật về phát huy và kiểm soát ngoại thương theo đó, Bộ Ngân Khố - là Bộ Tài Chính của các nước khác – phải báo cáo một năm hai lần về quan hệ buôn bán với các đối tác chính và chỉ ra trường hợp cạnh tranh bất chính bằng tỷ giá đồng bạc quá thấp gọi là lũng đoạn ngoại hối, hầu Chính quyền có biện pháp đối phó thích ứng.



Về chuyên môn, khi phân tích tỷ giá hay hối suất đồng bạc và chính sách kinh tế đối ngoại của các nước đối tác, Bộ Ngân Khố Mỹ có ba tiêu chuẩn thanh lọc về nạn lũng đoạn ngoại hối hay hối đoái, là 1/ đạt thặng dư mậu dịch với Hoa Kỳ, ít ra hơn 20 tỷ đô la trở lên; 2/ đạt thặng dư cán cân vãng lai, cụ thể là 3% của tổng sản lượng GDP; 3/ đơn phương can thiệp liên tục vào thị trường ngoại hối qua 12 tháng trước, khi mua ngoại tệ xứ khác đến ngạch số tổng cộng cao bằng 2% của Tổng sản lượng, nhằm làm giảm giá nội tệ của mình. Từ đó, vào Tháng Tư và Tháng 10 mỗi năm, Bộ Ngân Khố Mỹ công bố báo cáo khảo sát cho Quốc hội và quốc dân, gần đây nhất là phúc trình hôm 14 vừa qua, với kết luận đáng chú ý là có sáu nước thuộc diện “cần theo dõi” là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức và Thụy Điển vì vi phạm một hay hai trong ba tiêu chuẩn nói trên, nhưng không xứ nào can tội “lũng đoạn ngoại hối”, kể cả Trung Quốc là nền kinh tế có mức xuất siêu cao nhất với Hoa Kỳ, lên tới hơn 300 tỷ đô la vào năm ngoái.



Nguyên Lam: Nếu vậy thì việc khảo sát đó là nhiệm vụ chuyên môn của Bộ Ngân Khố, và có phải rằng năm nay Trung Quốc thoát tội lũng đoạn ngoại hối không là quyết định chính trị của Tổng thống như người ta cứ tường thuật. Thưa ông, vì sao lại có nghịch lý này?



Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết, từ năm 1994 tới nay, Hoa Kỳ chưa bao giờ chính thức kết án một quốc gia nào đó đã can tội lũng đoạn hối đoái. Thứ hai, mươi năm về trước thì Bắc Kinh cố tình phá giá đồng Nguyên so với Mỹ kim của Hoa Kỳ để bán hàng cho rẻ nên Quốc hội Mỹ, nhất là từ đảng Dân Chủ, có phản ứng đả kích mạnh vì vậy mới ban hành đạo luật năm 2015.



Thực tế thì Bắc Kinh dần dần chấm dứt biện pháp đó từ giữa năm 2014 trở đi và năm ngoái còn điều chỉnh lại, trước tiên là hạ giá chậm hơn rồi lại còn nâng giá, cho nên từ mấy tháng nay so với đô la Mỹ thì đồng Nguyên tăng giá được 1%. Sự thật thì Bắc Kinh lâm vào cái thế kẹt mà giới kinh tế gọi là “tam đa đoan”, hay ba điều bất khả, là trong ba chính sách thì chỉ áp dụng được hai mà thôi.



Nguyên Lam: Xin ông vui lòng trình bày cho cái thế kẹt đó của lãnh đạo Trung Quốc.



Nguyễn-Xuân Nghĩa: Về lý luận kinh tế, người ta nói đến ba chính sách bất khả tương dung: một là có chính sách ngoại hối ổn định với một tỷ giá nhất định; hai là có chính sách tự do tư bản, là không kiểm soát dòng vốn ra hay vào lãnh thổ: và ba là có chính sách tiền tệ của một cơ chế độc lập. Trong ba chính sách ấy thì các nước chỉ thi hành được hai, nếu muốn áp dụng cả ba thì dễ bị khủng hoảng như nhiều nước đã bị, là Mexico năm 94-95, các nước Đông Á năm 97-98 hay Argentina vào đầu thế kỷ 21. Nay Trung Quốc cũng chẳng thoát định luật ấy.



Chúng ta không quên là các đồng bạc của Mỹ, Âu, Anh, Nhật đều được thả nổi cho lên xuống theo quy luật cung cầu của thị trường, mà Bắc Kinh lại chủ yếu neo đồng Nguyên của họ vào đô la Mỹ theo một tỷ giá họ định ra mỗi ngày và cho phép giao dịch trong biên độ là 1% rồi 2%, chứ không thả nổi. Từ giữa năm 2014, Mỹ kim lại lên giá cho nên nếu để đồng Nguyên tăng theo thì sẽ thành cao giá hơn so với đồng Euro hay đồng Yen và khó xuất khấu hơn. Nếu thả neo cho lỏng tức là can thiệp bằng cách bán Mỹ kim để đồng Nguyên sụt giá thì bị kết tội lũng đoạn hối đoái và vừa bị nạn tẩu tán tư bản vừa mất dự trữ ngoại tệ!



Năm qua, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc từ gần 4000 tỷ đô la đã mất một phần tư, nay chỉ còn gần 3000 tỷ thôi. Dù là kho đạn khá dày thì họ cũng phải dùng vào mục tiêu khác và chung cuộc thì khó vượt qua sóng gió vì núi nợ quá cao ở nhà, trong khi kinh tế vẫn cần xuất khẩu nếu không thì suy trầm dẫn tới động loạn xã hội. Người ta cứ sợ hãi hay đả kích Chính quyền Trump là nhượng bộ Trung Quốc mà chẳng thấy ra nguy cơ khủng hỏang của Bắc Kinh khi nay mai đồng Mỹ kim lại còn tăng giá!



Bài toán ngoại hối của Bắc Kinh



Nguyên Lam: Ông vừa nêu ra một nghịch lý rất lạ là Mỹ kim sắp lên giá làm Bắc Kinh có thể bị khủng hoảng chứ không ở vào thế mạnh về kinh tế trong quan hệ với Hoa Kỳ. Thưa ông, chuyện ấy là gì vậy?



Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin miễn bình luận về thế kẹt của lãnh đạo Bắc Kinh tại Đông Á khi gặp mâu thuẫn với Nhật Bản và muốn gây sức ép với cả Nam Hàn lẫn Bắc Hàn về an ninh mà không đạt kết quả trước sự thúc giục của Hoa Kỳ. Xin đề nghị là ta nên nhìn qua lĩnh vực không là chính trường hay chiến trường mà là thị trường, vốn chẳng có giới hạn trong/ngoài nhưng lại ảnh hưởng đến sinh hoạt toàn cầu, trước hết là qua một biểu hiện bất ngờ là giá cả. Đó là tỷ giá đô la. Mỹ kim lên giá hay không thì do thị trường quyết định và chính thị trường ấy mới gây khó cho kinh tế Trung Quốc.



Về thị trường thì trong khối kinh tế Âu-Mỹ-Nhật, Hoa Kỳ tạm phục hồi sau vụ Tổng suy trầm 2008-2009. Vì vậy, Ngân hàng Trung ương Mỹ bắt đầu nâng lãi suất khỏi số không từ Tháng 12 năm ngoái, tăng lần nữa vào Tháng Ba vừa qua và sẽ còn tăng nếu kinh tế có chỉ dấu nóng máy là lạm phát. Phái nói thêm rằng đáng lẽ họ tăng lần đầu từ Tháng Tám năm ngoái mà lại tạm hoãn vì sợ gây ra khủng hỏang cho Trung Quốc khi ấy. Cho nên thế mạnh của Hoa Kỳ nằm ở chỗ đó mà có lẽ Bắc Kinh cũng thấy ra.



Nguyên Lam: Trên diễn đàn này, ông nhiều lần nói đến tương quan mạnh yếu giữa hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới với thế mạnh của nền kinh tế Hoa Kỳ. Phải chăng một biểu hiện của thế mạnh đó chính là vị trí của đồng Mỹ kim, cho nên nếu tiền Mỹ lên giá thì Bắc Kinh vất vả?



Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thưa rằng sau vụ Tổng suy trầm 2008-2009 và biện pháp tăng chi ít công hiệu của Chính quyền Barack Obama, Ngân hàng Trung ương Mỹ ráo riết hạ lãi suất tới sàn rồi ba lần áp dụng biện pháp tiền tệ bất thường là “nâng mức lưu hoạt có định lượng” hay “quantitative easing”, nôm na là bơm tiền vào nền kinh tế, tổng cộng khoảng 4500 tỷ đô la, cho nên Mỹ kim sụt giá mạnh. Khi tình hình kinh tế khả quan hơn thì ngoài việc nâng lãi suất, Ngân hàng Trung ương Mỹ sẽ hút lại lượng tiền đó, như thông báo “vuốt nhọn lại chính sách tiền tệ” vào Tháng Sáu 2013. Vì vậy, từ năm 2014, đồng Mỹ kim bắt đầu lên giá sau khi nằm dưới đáy.



Khi tiền Mỹ rẻ, các nước thoái mái đi vay, nhưng khi tiền Mỹ lên giá thì xứ nào lỡ vay bằng Mỹ kim sẽ vất vả như Việt Nam và nhất là Thái Lan, Malaysia và Indonesia trong vùng Đông Nam Á. Chuyện ấy chẳng dính gì tới ông Donald Trump vì trong 15 năm qua tổng số nợ bằng Mỹ kim tăng gấp năm và nay lên tới 10 ngàn tỷ đô la. Riêng các nước đang phát triển lại còn vay quá nhiều, trong 10 năm qua, tổng số tín dụng của họ đã tăng từ 16 ngàn tỷ lên 56 ngàn tỷ đô la, hơn gấp đôi Tổng sản lượng. Hoàn cảnh của Trung Cộng càng khốn đốn hơn với một núi nợ thuộc mức tỷ lục mà diễn đàn này đã phân tích từ lâu, và ngày nay họ đang đến lúc tính sổ.



Nguyên Lam: Thưa ông, bây giờ, nhìn vào tương lai thì người ta nên chờ đợi những gì?



Nguyễn-Xuân Nghĩa: Kinh tế Mỹ đã hồi phục nhưng vì sự nghiệp chính trị, Chính quyền Trump phải cố hoàn tất việc cải cách kinh tế và thuế khóa để thúc đẩy tăng trưởng và tạo thêm việc làm. Khi sản xuất đã tăng thì lãi suất sẽ còn tăng và Ngân hàng Trung ương có thể hút bớt tiền ra khỏi nền kinh tế để tránh lạm phát như bà Thống đốc Janet Yellen vừa thông báo.



Vì vậy các thị trường tài chính đều ước đoán năm nay Mỹ kim còn tăng giá thêm từ 10 tới 15%, lên tới mức kỷ lục, cho nên sẽ trở thành khan hiếm hơn cho các nước Âu Châu và Á Châu đã vay vào bằng Mỹ kim. Chúng ta không quên Mỹ kim là ngoại tệ sử dụng phổ biến nhất, chiếm hơn 40% nghiệp vụ thanh toán trên toàn cầu, so với gần 33% của đồng Euro, 7,5% của đồng Anh kim, 3% của đồng Yen Nhật và chỉ có 1,7% của đồng Nguyên. Trong vị trí bá chủ thực tế của đô la Mỹ, nếu hối suất lên tới mức kỷ lục so với các ngoại tệ khác thì các nước đang phát triển mà vay quá nhiều sẽ bị thiếu tiền, bị suy trầm hoặc suy thoái, đó là tương lai của Trung Quốc với núi nợ đang thuộc loại kỷ lục của thế giới.



Nguyên Lam: Nếu như vậy, có lẽ việc Hoa Kỳ xá tội lũng đoạn ngoại hối cho Trung Quốc chỉ là đòn ngoại giao mà thôi. Nhưng ông Donald Trump cũng than phiền việc Mỹ kim lên giá, cho nên thưa ông nếu đô la tăng giá làm hàng hóa của Mỹ khó bán hơn thì liệu Chính quyền Trump có biện pháp gì không?



Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đấy mới là điều đáng ngại. Tôi xin nhắc lại chuyện xưa: Trong thời Chiến tranh lạnh, kinh tế Hoa Kỳ vừa bị lạm phát vừa bị suy trầm từ năm 1980 nên Ngân hàng Trung ương mới ráo riết tăng lãi suất với hậu quả là từ 1980 tới 1985 là Mỹ kim lên giá 50% so với tiền Nhật, Đức, Anh, Pháp. Vì vậy, Chính quyền Ronald Reagan mời bốn nước họp tại New York vào Tháng Chín năm 1985 để cùng phối hợp biện pháp hối đoái, là hạ giá Mỹ kim so với đồng Yen Nhật và đồng Đức Mã cho Hoa Kỳ dễ xuất khẩu hàng chế biến. Nhưng hậu quả của biện pháp ngoại hối từ Hiệp ước Plaza này là tiền Nhật quá rẻ lại thổi lên bong bóng và làm dân Mỹ khi ấy khiếp sợ kinh tế Nhật và có phản ứng chống Nhật Bản. Thế rồi khi bóng bể thi Nhật bị suy sụp từ 1991 cho tới nay, mặc dù Nhật là đồng minh chiến lược chứ không là đối thủ đòi thách đố Hoa Kỳ như Trung Quốc đời nay. Ngày nay, khi đô la lên giá tới kỷ lục mà ông Trump than phiền chuyện ấy thì ta nên e sợ chủ trương “Nước Mỹ Trên Hết” của ông.



Nhìn trên đại thể thì Nhật Bản đã bị như vậy mà không chết vì có dân chủ, Trung Quốc thì khó gấp bội. Kết luận thì thị trường đang kéo cái neo của Trung Quốc xuống đáy mà Bắc Kinh buông neo thì mất tiền và bị chính trường Mỹ kết tội. Cho nên là mâu thuẫn Mỹ-Hoa chưa giảm và Nội các Donald Trump lại có toàn loại doanh gia nắm vững quy luật thị trường nên có thể biết ra đòn vào nơi và vào lúc nguy hiểm nhất! Đấy mới là chuyện nên theo dõi sau này.



Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn kỳ này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét