Bà Bùi Hằng trong một lần biểu
tình chống Trung Quốc.AFP photo
Những người phụ nữ bất đồng chính
kiến hay những người đấu tranh vì dân chủ nhân quyền ở Việt Nam phải hi sinh rất
nhiều trong đời tư và có những đóng góp lớn lao cho cộng đồng, xã hội. Tuy
nhiên, những đóng góp của họ chỉ được một bộ phận xã hội nhất định công nhận,
còn ngoài ra bị tảng lờ trong các sự kiện trao giải, vinh danh của nhà cầm quyền.
Giải thưởng những phụ nữ ảnh hưởng
nhất Việt Nam 2017
Vừa qua, tạp chí Forbes Việt Nam
đã công bố danh sách 50 người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam 2017. Danh sách
này ghi nhận những người phụ nữ có vai trò nổi bật trong các lĩnh vực hoạt động
của họ, bao gồm chính trị, kinh doanh, hoạt động xã hội và từ thiện, khoa học –
giáo dục, giải trí, nghệ thuật và thể thao. Trong đó có những gương mặt quen
thuộc như bà Nguyễn Thị Kim Ngân Ủy viên bộ Chính trị đảng Cộng sản Việt Nam;
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam, Chu Thị Thanh Hà - Chủ tịch HĐQT FPT Telecom, Công
ty cổ phần Viễn thông FPT, Hoàng Ngọc Bích - Chủ tịch Mạng lưới người tự kỷ Việt
Nam, Tạ Bích Loan - Nhà báo, trưởng ban VTV6, ca sĩ Đông Nhi, Mỹ Tâm,…
Tạp chí Forbes Việt Nam cho báo
giới biết trong lĩnh vực chính trị mặc dù tỷ lệ nữ tham gia vẫn còn ít hơn rất
nhiều so với nam nhưng họ đã vươn lên những vị trí có ảnh hưởng lớn. Còn trong
lĩnh vực kinh doanh Forbes cho rằng có thể thấy rõ qua vai trò lãnh đạo của họ
trong các công ty dẫn đầu nền kinh tế. Bà Nguyễn Lan Anh, thư ký tòa soạn tạp
chí Forbes Việt Nam nhận định rằng con số 50 ít ỏi cho thấy phụ nữ Việt Nam,
trong môi trường được cho là tiến bộ về vấn đề phụ nữ, vẫn còn tồn tại sự bất
bình đẳng trên nhiều lĩnh vực và thiếu cơ hội phát triển cá nhân. Định kiến xã
hội, quan niệm xã hội vẫn khiến cho nhiều phụ nữ bị thiệt thòi và thiếu tự do lựa
chọn.
Chúng tôi có cuộc trò chuyện ngắn
với chị Trang Hạ là nhà văn nổi tiếng ở Việt Nam, và cũng là một trong 50 nhân
vật nữ được Forbes xếp vào danh sách những người ảnh hưởng nhất Việt Nam 2017.
Nhà văn Trang Hạ được biết đến là người viết nhiều tác phẩm về thân phận phụ nữ
và những số phận bất hạnh trong cuộc sống. Chị cho biết cảm xúc khi được Forbes
vinh danh:
Trang Hạ phát hiện ra một điều rất
thú vị là 10 năm trước nếu như phụ nữ chỉ tâm sự về chuyện chồng ngoại tình hay
than thở mẹ chồng nàng dâu trên các trang mạng xã hội thì 10 năm sau những chủ
đề về xã hội, chính trị, hay những cuộc vận động về xã hội, về những quyền, đã
hấp dẫn nhiều hơn trong tâm trí độc giả nữ. Vì thế thay vào việc vui mừng bản
thân, Trang Hạ cảm thấy hài lòng vì mình đã tạo ra được một nhóm đông đảo phụ nữ
quan tâm đến các vấn đề xã hội.
Những nữ hoạt động vì dân chủ bị
tảng lờ
Cựu tù nhân chính trị Phạm Thanh
Nghiên. Courtesy of danlambao
Hiện tại ở Việt Nam có vô số các
giải thưởng cho những người phụ nữ có cống hiến trong các lĩnh vực khác nhau
như Giải thưởng phụ nữ Việt Nam tôn vinh các tập thể, cá nhân phụ nữ; Giải thưởng
Kovalevskaia cho những phụ nữ có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu
khoa học, giải thưởng Môi trường Việt Nam cho phụ nữ,… Tuy nhiên có một điều dễ
nhận thấy rằng trong vô số các giải thưởng này không hề có giải thưởng nào từng
vinh danh những người phụ nữ bất đồng chính kiến, hay những người đứng lên đấu
tranh vì nền dân chủ, nhân quyền cho người dân Việt Nam như Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc
Như Quỳnh, Phạm Thanh Nghiên, Trần Thị Nga, Cấn Thị Thêu,… Thậm chí hoạt động của những người này còn bị quy vào các tội
danh như chống phá nhà nước, gây rối trật tự công cộng, lợi dụng các quyền tự
do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, …
Ngay trong danh sách những phụ nữ
có ảnh hưởng nhất Việt Nam 2017 do Forbes bình chọn, tên tuổi của các nhà hoạt
động nổi tiếng này cũng không một lần được xướng lên. Nghệ sĩ Kim Chi, từ Sài
Gòn, bày tỏ suy nghĩ của bà trước tình hình này:
Tại vì những người như Cấn Thị
Thêu, Trần Thị Nga, mẹ Nấm, Phạm Thanh Nghiên và còn hàng loạt những người khác
hay xuống đường với cô, họ không muốn nhắc đến những người đó vì họ sợ những
người đó, họ căm ghét những người đó. Tiếng nói của những người đó có thể làm ảnh
hưởng đến uy tín và thậm chí có thể làm sụp đổ cả chế độ nên họ không ưa. Mà
không ưa thì họ không thừa nhận thôi.
Những đóng góp của các nhà nữ hoạt
động vì dân chủ không những không được công nhận trong nước, mà thậm chí khi quốc
tế quyết định trao giải cho họ, Việt Nam còn lên tiếng phản đối. Cuối tháng 3 vừa
qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức vinh danh 13 phụ nữ từ các nước trên toàn cầu
với giải thưởng Phụ nữ Quả cảm Quốc tế 2017, trong đó có blogger Mẹ Nấm của
Việt Nam. Tuy nhiên khi quyết định vừa được thông báo, Việt Nam lập tức lên tiếng
phản đối cho rằng Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải thưởng cho một cá nhân đang bị tạm
giam để điều tra vì hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam là một hành động thiếu
khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ hai nước.
Chị Phạm Dung, một người dân ở Hải
Phòng cho biết:
Em nghĩ nhà cầm quyền họ luôn né
tránh những vấn đề nhạy cảm nhất là những người có tư tưởng đối lập chính trị
,vậy họ không bình chọn và công bố những phụ nữ đó là điều dễ hiểu.
Nhiều nhà hoạt động cho biết họ
thường bị bắt và tra hỏi rằng có phải họ nhận tiền của những người nước ngoài để
tổ chức những hành động này không. Tuy nhiên, hồi giữa tháng 4, Nhà hoạt động
vì quyền công nhân Đỗ Thị Minh Hạnh đã trình bày trên mạng xã hội rằng để đấu
tranh cho nền dân chủ có thể họ phải đánh đổi cả cuộc sống bình yên, sự an
toàn, và thậm chí là mạng sống của họ nên không một ai có thể hi sinh những điều
quý giá đó vì mấy đồng tiền, mà tất cả xuất phát từ lòng yêu nước, thương dân.
Cũng trong đầu năm 2017, nữ cựu tù chính trị Phạm Thanh Nghiên được chọn vào
danh sách 5 nhân vật chung kết cho giải thưởng Người Bảo vệ Nhân quyền Trước Hiểm
nguy năm 2017 của Tổ chức Front Line Defenders.
Giải thưởng này được trao cho
nhân vật có những đóng góp đặc biệt vào công cuộc bảo vệ và cổ xúy quyền con
người trong cộng đồng của họ. Cá nhân nhân vật này phải đối diện những hiểm
nguy lớn lao. Front Line Defenders nêu rõ rằng bà Phạm Thanh Nghiên từng bị tù
4 năm do hoạt động nhằm công khai những vi phạm và bảo vệ quyền cho thân nhân của
những ngư dân bị phía Trung Quốc giết hại. Sau khi mãn án tù, bà bị quản chế,
nhưng trong thời gian đó vẫn tiên phong tiến hành nhiều chiến dịch về nhân quyền,
đồng thời cùng sáng lập nên Mạng lưới Blogger Việt Nam. Nhà bà Nghiên từng bị
khám xét, bản thân bà từng bị chặn không cho đi khám bệnh theo hẹn, cửa nhà bị
khóa trái từ bên ngoài, và thậm chí kết hôn cũng không được cấp giấy hôn thú.
Nhà văn Trang Hạ lại cho rằng những
nhà nữ hoạt động vì dân chủ nhân quyền không được nêu tên trong danh sách 50
người phụ nữ có ảnh hưởng nhất Việt Nam 2017 là do những đóng góp của họ không
khớp với các tiêu chuẩn mà tạp chí Forbes đề ra:
Cá nhân Trang Hạ cho rằng mỗi một
danh sách đều có một chuẩn để bầu chọn riêng theo tiêu chí của họ. Ví dụ một
danh sách về hoa hậu thì không thể nào họ sử dụng tiêu chuẩn của học sinh giỏi.
Cho nên dù bạn giỏi giang đến mấy đi chăng nữa cũng khó được vào các danh sách
khác. Hoặc đơn giản hơn khi biết tin mình lọt vào danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng
nhất Việt Nam, bản thân Trang Hạ cũng thực sự bất ngờ vì rất nhiều người mình gặp
trong đời sống giỏi giang và xứng đáng hơn mình.
Họ có xứng đáng?
Bà Cấn Thị Thêu tại tòa phúc thẩm
ở Hà Nội hôm 30/11/2016. AFP photo
Tuy nhiên một bộ phận người dân lại
cho rằng những người như mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh thừa sức được vào danh
sách của Forbes này. Họ cho rằng những người như mẹ Nấm không những có ảnh hưởng
rất lớn trong cộng đồng mà xét về cuộc sống cá nhân họ đã phải hi sinh rất nhiều.
Mẹ Nấm hiện đã bị bắt giữ vì tội tuyên truyền chống phá nhà nước. Tuy nhiên mẹ
của cô cho biết là cô chỉ hoạt động nhằm đòi khởi tố Formosa, về biển chết, về
Trung Quốc chiếm đảo Hoàng Sa- Trường Sa của Việt Nam, mong muốn một cuộc sống
tốt đẹp, một môi trường trong lành hơn, quyền của con người được tôn trọng hơn
chứ không làm gì “chống phá nhà nước” cả.
Chị Dung cho biết quan điểm của
chị về những người như mẹ Nấm:
Tôi nghĩ bối cảnh Việt Nam hiện
nay phải nói là ngàn cân treo sợi tóc hay nói cách khác là trên đe dưới búa,
trong thì nhà cầm quyền luôn đàn áp bắt bớ những tiếng nói đối lập ...ngoài thì
anh bạn ''vàng'' luôn tìm cách nuốt đứa ''con hoang''. Và ít ai dám lên tiếng 1
cách mạnh mẽ kiên trì bền bỉ như mẹ Nấm, được rất nhiều người ủng hộ ,được nhiều
người trong và ngoài nước biết đến. Chị là 1 tấm gương sáng chói trong phong
trào đấu tranh dân chủ cho Việt Nam. Tôi nghĩ chị ấy rất xứng đáng được bình chọn
là nguoi có tầm ảnh hưởng lớn tại Việt Nam.
Nghệ sĩ Kim Chi cũng đồng tình,
bà cho biết rằng những nhà nữ hoạt động vì dân chủ xứng đáng được vinh danh hơn
ai hết vì họ là phụ nữ chân yếu tay mềm, lại hay đau ốm như Phạm Thanh Nghiên
chẳng hạn, nhưng mặc dù bị tù đày, đánh đập, đe dọa, họ vẫn kiên cường dấn thân
đứng lên đấu tranh đến cùng, không mệt mỏi:
Họ là những người dám sống dám chết
cho đất nước, là con cháu bà Trưng bà Triệu. Họ mới là những người để cho tôi
kính trọng và trong trái tim tôi họ là những tượng đài tồn tại mãi mãi, mọi
tình cảm tôi đều dành cho họ.
Thiết nghĩ rằng những giải thưởng
một mặt cũng chỉ là “cái danh, cái mác” như một số người nhận định. Những người
dấn thân luôn nói rằng họ sống và làm việc hết mình để cống hiến cho xã hội chứ
không phải làm việc vì giải thưởng. Tuy nhiên, một mặt khác, giải thưởng cũng
thể hiện sự công nhận, ghi danh và lan tỏa những đóng góp của họ đến với cả cộng
đồng trong nước và thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét