Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2017

Nước Úc trước tương lai bất định






Từ 28-30/03/2017, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) triệu tập tất cả các đại sứ, ủy viên cao cấp và tổng lãnh sự từ khắp nơi trên thế giới về thủ đô Canberra để bàn về các mục tiêu ngoại giao, thương mại và chính sách phát triển trong bối cảnh chính trị toàn cầu bất định hiện nay.



Đây là lần đầu tiên DFAT triệu tập hơn một trăm chuyên viên ngoại giao hàng đầu của mình về thủ đô để cùng nhau vạch ra một sách lược nền tảng làm lộ trình hướng dẫn cả quốc gia đối phó với những thử thách, cơ hội và nguy cơ trong vòng năm đến mười năm tới. Lộ trình này nhằm bảo vệ và phát huy quyền lợi quốc tế của Úc và định hình cung cách can dự của Úc với thế giới. Sách lược hay khung sườn này có tên gọi chính thức là Sách Trắng Chính Sách Ngoại Giao (Foreign Policy White Paper – FPWP).



Trong lịch sử hình thành liên bang Úc từ năm 1901 đến nay, đây là lần thứ ba,  không thiếu tính cách cấp bách và quan trọng, để rà lại toàn bộ chính sách ngoại giao. Lần đầu tiên là vào năm 1997 có tên gọi “Về Quyền lợi Quốc gia”, và lần thứ hai vào năm 2003 “Phát huy Quyền lợi Quốc gia”.



Một vài nét đại cương về Úc



Theo thông tin của DFAT thì Úc đang xếp hạng thứ ba, chỉ sau Mỹ và Anh, trong số các quốc gia cung cấp giáo dục hàng đầu thế giới. Sáu trường đại học của Úc được xếp hạng đầu danh sách 100 trường đại học uy tín nhất thế giới. Năm 2016, Úc có hơn 440.000 sinh viên học sinh quốc tế đến đây học, mang lại 19,5 tỷ đô la cho nền kinh tế quốc gia. Úc có hơn một ngàn đại học, cơ quan đào tạo, trường và viện ngôn ngữ tiếng Anh, cung cấp hơn 25.000 khóa học khác nhau. Số sinh viên học sinh đến từ Trung Quốc chiếm nhiều nhất, 27,3 phần trăm tổng số; rồi đến Ấn Độ, 10,8 phần trăm; Việt Nam 4,4 phần trăm. Dân số khoảng 24 triệu người, và nền kinh tế đứng thứ 12 trên thế giới.



Tuy trên thực tế Úc là một quốc gia độc lập theo thể chế tự do cấp tiến hàng đầu trên thế giới hiện nay, về mặt hình thức Úc vẫn theo chế độ quân chủ lập hiến, và người đứng đầu quốc gia (Head of State) là Nữ Hoàng Anh hiện nay, Elizabeth II. Ngược dòng lịch sử, từ khi thành lập Liên bang Úc cho đến khi Thế chiến II chấm dứt, chính sách ngoại giao và quốc phòng của Úc hoàn toàn được định đoạt bởi mẫu quốc, hay đế chế, Anh. Cố Thủ tướng Robert Menzies từng tuyên bố là Úc sẽ không tự động nhắm mắt làm theo Anh quốc, nhưng vài tháng sau khi Thế chiến II bắt đầu, Úc vẫn làm theo Anh. Việc tham gia cả hai cuộc Thế chiến nhưng không có chính sách độc lập về ngoại giao và quốc phòng đã để lại những hậu quả tai hại cho giới lãnh đạo và quốc gia Úc thời đó.



Qua bài học lịch sử đắt giá, Úc hiểu rất rõ tầm quan trọng của nền an ninh quốc phòng. Là một quốc gia với vỏn vẹn bảy triệu dân thời hậu chiến trên mảnh đất rộng mênh mông, Úc không thể không nghĩ đến đồng minh và nước đỡ đầu. Theo cựu Thủ tướng Malcolm Fraser, một cách tự nhiên Úc vẫn nhìn về Anh để tìm sự bảo hộ thời hậu chiến, tuy vai trò của Anh đã không còn như xưa nhưng giới lãnh đạo quốc gia Úc đã không thấu hiểu ưu tiên chiến lược của Anh, vào thời điểm đó là Bắc Phi, Trung Đông và Âu Châu. Ngoài ra, có khuynh hướng vận động một hình thức liên minh an ninh giống như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho vùng Thái Bình Dương nhưng Mỹ không tỏ vẻ quan tâm lắm và Anh thì không muốn nó xảy ra nếu không có mình tham gia.



Tuy nhiên vào những năm đầu thập kỷ 1950, vì Mỹ không bao giờ muốn Nhật trở thành một quốc gia hiếu chiến nữa và muốn ký hiệp ước hoà bình với Nhật, trong đó Úc đóng vai trò quan trọng, cho nên tiếng nói của Úc được lắng nghe tại Hoa Thịnh Đốn. Vì thế nên liên minh an ninh Úc, Tân Tây Lan và Mỹ (Australia, New Zealand and the United States – ANZUS) được hình thành vào năm 1951. Vai trò của ANZUS rất quan trọng và hiệu quả, thật ra không phải để kìm chế sự lớn mạnh của Nhật mà chủ yếu là chống lại mối đe dọa của cộng sản khi Chiến tranh Lạnh ngày càng leo thang. Lúc đầu, Úc hơi dè dặt trong việc đưa quân tham chiến tại Triều Tiên, nhưng để thu hút sự chú ý của Mỹ, lãnh đạo Úc thời đó đã hành động nhanh chóng và quả quyết, trước khi Mỹ tham gia tích cực và trực tiếp tại Malaya và Đông Nam Á. Làm đồng minh của một siêu cường như Mỹ là tối quan trọng đối với nền an ninh quốc phòng của Úc; nhưng hơn thế nữa, Mỹ và Úc còn chia sẻ các giá trị chung về văn hoá, xã hội, kinh tế, chính trị và nhiều địa hạt khác. Vì thế nên Úc đã không ngần ngại làm đồng minh, mà một số người cho rằng, vô điều kiện của Mỹ từ thời hậu chiến. Úc đã theo Mỹ tham chiến tại Việt Nam, tại Chiến tranh Vùng vịnh lần thứ nhất và thứ hai , và Afghanistan.



Sách Trắng Chính Sách Ngoại Giao



“Những gì chúng ta có thể chứng kiến không chỉ là sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, hoặc sự đi qua của một giai đoạn đặc biệt của lịch sử hậu chiến tranh, mà còn là sự kết thúc của lịch sử nữa: đó là, điểm kết thúc của sự tiến hóa về ý thức hệ nhân loại và sự phổ quát hóa nền dân chủ cấp tiến Tây phương như là hình thức cuối cùng của sự cai trị con người.” (Francis Fukuyama)



Sau khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, Mỹ là siêu cường không đối thủ trên thế giới, và quan điểm ‘Sự kết thúc của lịch sử’ (The End of History) của học giả Francis Fukuyama, tuy gây nhiều tranh cãi trong giới khoa học chính trị, nhưng diễn biến chính trị thế giới đã xảy ra phần lớn như thế, mãi cho đến những năm gần đây.



Theo giáo sư Hugh White, hai yếu tố ảnh hưởng to lớn lên mô hình này. Một, sức mạnh kinh tế, đặc biệt từ Trung Quốc, đã diễn ra quá nhanh, nhanh hơn sự tiên liệu của nhiều người. Hai, chủ nghĩa dân tộc vẫn tồn tại và trở lại một cách mạnh mẽ, có khả năng gây tranh chấp quyết liệt như đã từng xảy ra vào thế kỷ 19 và 20. Mỹ hiện đang bị thách thức trên ba vùng: Trung Đông, Đông Âu và Đông Á. Chính trị quyền lực đang trở lại một cách mạnh mẽ.Trong bối cảnh chính trị bất định nêu trên, các nhà lãnh đạo quốc gia Úc đều thấy nhu cầu cấp thiết hoạch định chính sách ngoại giao một cách triệt để.



Có ba điều đáng nói về FPWP lần này: một, bối cảnh; hai, trí tuệ tập thể; và ba, tính minh bạch.



Kể từ sách trắng “Phát huy Quyền lợi Quốc gia”, thế giới đã thay đổi quá nhiều và quá nhanh trong 13 năm qua. Mỹ bây giờ không còn như Mỹ hồi xưa, nhất là dưới thời đại của Trump, không còn chủ trương bảo vệ trật tự thế giới tự do (liberal international order) bằng mọi giá, như thời hậu Thế chiến II cho đến gần đây. Trung Quốc bây giờ cũng không còn như Trung Quốc hồi xưa, không còn nghèo nàn lạc hậu, và rõ ràng không “trỗi dậy hoà bình” như đã rao giảng trong vài thập niên qua. Trung Quốc đã và đang thách thức Mỹ, muốn bá chủ trong vùng, và tham vọng qua mặt Mỹ để bá chủ toàn cầu một ngày nào đó, một khả năng không thể loại bỏ. Các chế độ độc tài và phi dân chủ đã trở lại và đang huy động lực lượng. Chiến tranh Lạnh đã chấm dứt gần ba thập niên, nay Nga, Trung Quốc và các thể chế dân chủ phi tự do đã trở lại và đang thách thức trật tự thế giới tự do. Nguy cơ chiến tranh leo thang trong vùng, và lan toả trên bình diện rộng lớn hơn như Châu Á Thái Bình Dương, hay toàn cầu, không phải là điều khó tưởng tượng nếu những mâu thuẫn và tranh chấp không được giải quyết một cách khôn khéo.



Cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 45 của Mỹ năm ngoái, và kết quả của nó, đã cho thấy xu hướng bảo hộ mậu dịch nói riêng và quyền lợi quốc gia nói chung, trong đó các chính sách ngoại giao phải phục vụ cho mục tiêu này, đã thắng thế.



Tóm lại, bối cảnh chính trị quốc tế hiện nay và trong những năm tới bao gồm: nguy cơ của một Trung Quốc trổi dậy không hoà bình; xu hướng đơn và song phương phương lấn át đa phương, và quyền lợi nhất thời của Mỹ là trên hết; xu hướng dân tuý trỗi lên khắp nơi với nền kinh tế theo chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi; Nga và Bắc Hàn tiếp tục thách thức và đâm thọc Mỹ và đồng minh tại Đông Âu và Đông Á; và mối đe dọa của khủng bố trên bình diện toàn cầu.



Quan ngại trước bối cảnh này, bắt đầu vào tháng Tám năm 2016, Ngoại Trưởng Úc Julia Bishop đã chính thức công bố nhu cầu rà xét lại toàn bộ chính sách ngoại giao của Úc. Thật ra, theo giới chuyên môn về ngoại giao thì hành động như thế tuy chính đáng nhưng vẫn còn quá chậm so với nhu cầu và tốc độ phát triển của thế giới hiện nay.



Để làm được việc này, chính phủ Úc tìm cách huy động sự tham gia tích cực và toàn diện của mọi công dân Úc. Có hai mục tiêu chính ở đây: vận dụng trí tuệ tập thể và sự hậu thuẫn của toàn dân. Như đã nói trên, ngoài kinh nghiệm thực tiễn và kiến thức chuyên nghiệp của hơn một trăm chuyên viên ngoại giao hàng đầu của chính phủ Úc về tham dự, DFAT nói riêng và hầu như tất cả các cơ quan chính phủ Úc nói chung ghi nhận tầm quan trọng trong việc đóng góp ý kiến và sáng kiến của mọi công dân.



Nói đến ngoại giao, một quốc gia càng lớn và mạnh thì tầm hoạt động càng trải rộng và sâu trên nhiều địa hạt đan xen lẫn nhau. Đối với Úc, ngoài chính sách đối ngoại, các địa hạt phát triển trực tiếp hay gián tiếp quyền lợi quốc gia bao gồm: thương mại, đầu tư và ngoại giao kinh tế; sáng tạo; an ninh; chống khủng bố; môi trường; và phát triển toàn cầu.



Trong thời gian qua, DFAT đã mở các cuộc hội nghị bàn tròn với nhiều cơ quan nghiên cứu chuyên môn, các chuyên gia và các tổ chức xã hội dân sự để đón nhận ý kiến. Ngoài ra DFAT cũng kêu gọi và mở rộng đón nhận mọi đệ trình (submission). Các ý kiến, vấn đề và đệ trình thu thập được sẽ được đúc kết và bàn thảo rốt ráo trong nghị trình ba ngày vừa qua. Sau đó các nhà lãnh đạo ngoại giao Úc sẽ chia ra thành nhiều nhóm khác nhau để đi đến các tiểu bang, lãnh thổ, vùng và cả thôn quê hầu gặp gỡ và trao đổi với các nhóm kinh doanh và cộng đồng, giải thích làm thế nào công việc của họ làm ở nước ngoài mang lại lợi ích cho tất cả người Úc và ghi nhận các phản hồi về cách nào DFAT có thể phục vụ cộng đồng tốt hơn.



FPWP sẽ được hoàn tất sau các cuộc vận động trí tuệ và thảo luận rộng rãi này. Ngôn ngữ sử dụng sẽ phải khôn khéo và chuyên nghiệp ngoại giao, bởi rằng sau khi hoàn tất, toàn bộ nội dung của chiến lược sẽ được công bố rộng rãi cho toàn dân Úc biết. Điều đó cũng có nghĩa quan hệ của Úc với các nước trong vùng, với Trung Quốc, Mỹ hay Liên Hiệp Quốc, đều công khai minh bạch. Đó là điểm hay của nền dân chủ cấp tiến, nhưng cũng là cơ hội các thế lực đen tối trục lợi. Nhưng sức mạnh của nền dân chủ nằm ở chỗ sự hiểu biết và trí tuệ của đa số người dân.



Riêng về tính minh bạch, thì trên trang mạng cũng như bài phát biểu của bà Thư Ký Frances Adamson, người đứng đầu cơ quan DFAT, trước Thượng viện Úc vào ngày 2 tháng Ba vừa qua, cho biết tổng cộng tốn khoản 1,1 triệu đô la cho tiền vé máy bay (hoàn toàn do DFAT tài trợ) và chỗ ở cho các viên chức ngoại giao từ khắp nơi về, và 70 ngàn đô la cho các khoản chi khác gồm địa điểm, thức ăn và các đồ cần dùng khác. Bà Adamson cũng cho hay cuộc họp mặt như thế này tại Canberra sẽ tiết kiệm được 400 ngàn đô la (không thì cũng phải gặp ở nơi khác). Tuy chỉ tốn khoản gần 1,2 triệu đô la để thực hiện một nhiệm vụ mang tầm chiến lược về ngoại giao, thương mại, và an ninh quốc phòng, việc chi tiêu tiền thuế của người dân, dù ít hay nhiều, đều phải chính đáng, và phải được giải thích cho công luận và quốc hội rõ đó là cách hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất, sau khi đã điều nghiên tất cả những hình thức khác rồi.



Vài suy nghĩ sau cùng



Nghiên cứu cách hình thành và thực hiện chính sách của Úc hay các nước tiên tiến văn minh, chúng ta có thể rút ra được nhiều bài học cho đất nước Việt Nam. Qua bài này, tôi mong rằng người Việt Nam một ngày nào đó sẽ hết sức cố gắng học hỏi cách làm việc, cách hoạch định chính sách chiến lược một cách thông minh, khoa học, hiệu quả, và nhất là dân chủ, của người Úc hay Tây phương nói chung, để có được tầm nhìn chiến lược lâu dài cho Việt Nam, chứ không loay hoay xoay sở hay phản ứng theo từng vấn đề.



Úc may mắn không phải nằm sát kẻ phương Bắc khổng lồ, luôn đe dọa đến nền hoà bình và phát triển như Việt Nam. Nhưng phải tính toán kỹ lưỡng vì quyền lợi quốc gia lâu dài của mình, thì vấn đề đối với Việt Nam càng cần thiết và cấp bách hơn bao lần. Người Việt Nam, nhất là ở tầm lãnh đạo, cần có tầm nhìn sâu rộng và chiến lược dài hạn, trước một Trung Quốc ngày càng quyền lực và có mộng bá quyền khu vực và thế giới. Muốn có một chính sách để ‘thoát Trung’ một cách khôn khéo, và muốn thi hành chính sách đó một cách hiệu quả, giới lãnh đạo Việt Nam không có sự chọn lựa nào khác ngoài sự vận dụng trí tuệ và sức mạnh của toàn dân làm vũ khí. Nhưng trong tình trạng hiện nay, những người quan tâm và yêu nước có thể trông đợi gì?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét