Thứ Ba, 25 tháng 4, 2017

Đôi giày cũ

FB Luân Lê



Image may contain: 1 person, sitting and shoes


Hôm nay, một phóng viên người Mỹ của tờ báo New York Times, gặp và phỏng vấn tôi về vấn đề thực thi luật pháp trong quá trình tố tụng tại Việt Nam thông qua vụ án cháu Đỗ Đăng Dư.
Điều tôi bất ngờ hơn cả đối với chàng phóng viên này không phải ở khuôn hình với mái tóc mỳ tôm màu vàng rêu sậm đen, cũng không phải tuổi đời hay sự nhanh nhẹn trong lời nói của anh ấy, mà là đôi (giày) sục cũ nát đến bật cả đế đang hiện diện trước mắt tôi và thỉnh thoảng lại "ngọ ngoạy" một cách rất tự nhiên theo những ngón chân bên trong khi chúng cử động.

Tôi vừa trả lời những câu hỏi, vừa thầm nghĩ về nó, đôi giày dưới gầm bàn của anh chàng ấy. Nó cũ đến mức có thể bỏ đi ra bãi rác ngay được nếu nó rơi vào tay một nhà nào đó mà được cho là có điều kiện đối với chỉ ở Việt Nam.

Tôi không nghĩ và tưởng tượng ra được sao người ta, mà thực chất là người Mỹ, lại có thể xềnh xoàng đến mức lạ lùng như thế. Có lẽ họ quá giàu có, văn minh và đầy đủ nên chẳng cần bất kỳ thứ hình thức nào để trang điểm lên cho mình mà tỏ vẻ khoe mẽ và thể hiện đẳng cấp với xung quanh.

Đó không phải là một chân lý hay giá trị sống trong tầm thức và cách giáo dục của họ.

Không phải họ thờ ơ với vật chất, mà là vì họ hiểu nó quan trọng, nhưng hơn hết để đem lại chúng thì đó lại là sự sáng tạo trong lao động để làm ra thứ gì đó cho nhân loại. Đó mới là mục đích của họ chứ không phải đề cao thứ vật chất hữu hình đó lên trên tất cả mà xem thường tất thảy những giá trị còn lại trong cuộc sống.

Chẳng bởi thế, vị tỷ phú giàu có thứ hai thế giới, Warrent Buffet, khi người ta hỏi tại sao ông chẳng thiếu tiền mà sao lại không khi nào thấy ông mặc đồ hiệu? Ông chỉ nhún vai rất đỗi nhẹ nhàng và trả lời, thực ra tôi mua đồ hiệu đó chứ, nhưng cứ khi mặc lên người tôi là nó lại trở nên tầm thường. Bạn thân của ông, Bill Gates, nếu tính tổng giá trị đồ ông mặc trên người sẽ có giá trị không quá 500 USD. Còn giàu có và nổi tiếng trong giới điện ảnh như Keanu Reeves thì sao? Anh ấy sống như một kẻ vô gia cư và đi ra phố rất tự tin trên một đôi giày rách nát như của một người ăn mày thiếu thốn không đủ sống vậy.

Có lẽ, cách mà người Mỹ, hay những quốc gia văn minh khác biểu đạt, đó không phải là những đồng tiền, mà là cách họ cư xử đối với con người và cách tạo ra thành quả cho thế giới này hưởng thụ trong sự kinh ngạc cùng sự học hỏi không ngừng nghỉ.

Như bà Merkel đã nói, khi có một điều gì đó để biểu lộ, người ta không cần tới trang điểm. Và ông Buffet thì nói, quả thực dễ dàng và chẳng có gì nhàm chán hơn là nếu chỉ có đi làm rồi về nhà bật tivi lên mà nằm thườn ra xem và nhai bỏng ngô.

Tôi ít khi thấy người Mỹ thể hiện đẳng cấp của mình thông qua bề ngoài hay những phương tiện vật chất. Có những người còn tỏ ra coi thường điều đó và coi nó thật là một điều tệ hại nếu anh ta chẳng có chút đóng góp nào cho xã hội anh ta sống.

Quay lại đôi giày cũ được nhắc đến để nói về sự giản đơn của những con người với những giá trị sống khác, khi đất nước họ có quá nhiều thứ để biểu đạt, để hãnh diện và tự hào, và họ là cường quốc nhưng không khi nào ta thấy họ dùng tiền bạc để định giá hay biểu đạt chính mình và tự mãn.
Họ luôn sống và làm việc như một kẻ thiếu thốn.

Nghĩ đến đôi giày cũ, tôi nghĩ đến câu chuyện cảm động của nhà vật lý học người Anh, William Henry Bragg, người đã đoạt giải vật lý Nobel năm 1915, với kỷ niệm thời thơ ấu bị bạn bè lăng nhục và xem thường chỉ bởi vì người cha nghèo khó của mình chỉ có một đôi giày làm quà tặng để cho cậu con trai bé nhỏ đi suốt 2 mùa đông liên tiếp. Cậu bé đánh lại đám bạn lăng nhục mình và bị mời lên phòng hiệu trưởng. Nhưng chỉ nhờ một tờ giấy ngắn ngủi được đặt sẵn trong túi áo của cậu mà người cha này nhắn tới thày hiệu trưởng ngôi trường mà cậu bé đang học, nó đã khiến người thày đó thay vì trách cứ đã lại cảm thông sâu sắc với cậu bé đang chứa đầy nỗi ấm ức trước mặt. Đôi giày cũ, và kèm theo sự lăng nhục, nó đã biến thành động lực để sau này cậu bé ấy trở thành một nhà khoa học danh tiếng trong sự thán phục của những người bạn đã từng dè bỉu và cười cợt ông.

Đôi giày cũ, và tư duy con người không cũ, đã làm nên những điều mà những kẻ ham mê và theo đuổi vật chất không bao giờ có cơ hội chạm tới được.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét