Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

1101 - Đài Loan: Phong trào báo chí “ngoài đảng” đã thúc đẩy tự do báo chí trong thời kỳ độc tài như thế nào

Quỳnh Vi




Ba thế hệ của các tạp chí “ngoài đảng” (dangwai – 黨外) đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc đấu tranh đòi hỏi dân chủ, tự do ngôn luận và gầy dựng lực lượng quần chúng chống lại chế độ độc tài trong thời kỳ thiết quân luật của Quốc Dân Đảng ở Đài Loan những năm 1970-90.
Trước năm 1979, đã có một vài nỗ lực nhắm đến việc phát hành các ấn phẩm của phe đối lập, trong đó bao gồm tờ Đài Loan Chính luận (台灣政論). Thế nhưng, tất cả đều là những cố gắng nhỏ lẻ và vắn số vì vừa ra đời thì đã bị đảng cầm quyền đương thời đóng cửa ngay lập tức.
Tuy nhiên, tình hình Đài Loan có chuyển biến vào năm 1979. Sau khi Hoa Kỳ không còn công nhận tính chính danh của Quốc Dân Đảng (Kuomintang – KMT) đối với lãnh thổ Trung Quốc vào tháng 12/1978, thì Đài Loan rơi vào một giai đoạn hoang mang và căng thẳng khi nhà cầm quyền trì hoãn các cuộc bầu cử Viện Lập pháp. Cùng lúc đó, phe “ngoài đảng” đã thành lập được một liên minh, tuy vẫn còn lỏng lẻo.
Vào mùa hè năm 1979, hai nhóm của phe “ngoài đảng” cho ra mắt tạp chí. Một với tên gọi Niên đại 80 (8十年代) do Khang Ninh Tường (Kang Ning-hsiang) điều hành và Giang Xuân Nam (Antonio Chiang) chủ biên. Tờ thứ hai là Tạp chí Formosa – Mỹ lệ đảo (美麗島) do nhà hoạt động lão thành Hoàng Tín Giới (Huang Hsin-chieh) đứng đầu.
Đến mùa thu cùng năm, cả hai tờ báo nói trên đều trở nên nổi tiếng, nhưng cũng đồng thời gặp phải sự kiểm soát vô cùng nghiêm ngặt từ các nhóm cảnh sát chìm. Ngoài ra, họ còn bị các băng đảng côn đồ mượn danh “ủng hộ thống nhất” và các “anh hùng chống Cộng” tấn công khá dữ dội.
Sự kiện Tạp chí Formosa 

Cảnh sát trấn áp người biểu tình trong Sự kiện Cao Hùng năm 1979. Ảnh: The Peoplenews Taiwan
Tất cả những sự kiện nói trên đã tích tụ và bùng phát trong một vụ việc mà ngày nay được biết đến rất rộng rãi: Sự kiện Tạp chí Formosa, xảy ra vào ngày Quốc tế Nhân quyền 10/12/1979 ở Cao Hùng (hay còn gọi là Sự kiện Cao Hùng – Kao-hsiung Incident).
Tình hình khi đó trở nên thật tồi tệ sau khi cảnh sát bao vây một đám đông khoảng 10.000 người đang tụ tập ôn hòa, và sử dụng hơi cay để trấn áp họ.
Hiện trường ngay lập tức rơi vào trạng thái hỗn loạn. Ba ngày sau, chính quyền KMT đã bắt giữ hầu như toàn bộ nhân vật lãnh đạo của phong trào “ngoài đảng”, và cáo buộc họ với các tội danh “nổi loạn” và “âm mưu lật đổ chính quyền”.
Ba phiên tòa liên quan đến Sự kiện Tạp chí Formosa đã diễn ra từ tháng Ba đến tháng Năm 1980. Đối với giới quan sát quốc tế thì các phiên tòa này đã phô bày sự thật trần trụi về chế độ chính trị và nền tư pháp vô cùng thiếu khách quan của Đài Loan khi đó. Tờ Chicago Tribune của Mỹ đã giật tít bài bình luận của họ về sự kiện này là “Phiên tòa hài kịch”.
Tại thời điểm ấy, không có một tờ tạp chí nào của phe “ngoài đảng” được chính quyền KMT cấp phép xuất bản. Tuy nhiên, vào cuối năm 1980, phe KMT lại quyết định tiến hành các cuộc bầu cử cơ quan lập pháp vốn đã bị trì hoãn trước đó. Thân nhân của những vị lãnh đạo phong trào “ngoài đảng” đã thay họ ứng cử và đã đắc cử vào một số vị trí quan trọng.

Một số bìa báo của các tạp chí “ngoài đảng” đầu thập niên 1980. Ảnh: hi-on.org.tw.
Mùa xuân năm 1981, các tờ tạp chí đối kháng ấy rốt cuộc cũng đã thấy được chút ánh sáng cuối đường hầm: tờ Niên đại 80 được mở trở lại cùng thời điểm bà Hứa Vinh Thục thành lập tờ Thâm canh (Cultivate – 深耕) và ông Châu Thanh Ngọc với Tạp chí Quan hoài (CARE Magazine – 關懷).
Đến mùa hè năm 1982, con số các tạp chí do các nhóm “ngoài đảng” xuất bản đã lên đến khoảng một tá.
Và cũng từ mùa hè ấy cho đến cả một năm tiếp theo, những tờ tạp chí này đã được “tiếp sức” bởi một thế hệ thứ hai của các tạp chí “ngoài đảng”. Đó là các tờ Bác quan (Taiwan Panorama – 博觀) do luật sư Vưu Thanh (You Ching – 尤清) – một thành viên trong Sự kiện Cao Hùng – chủ biên, tờ Tung hoành (Vertical-Horizontal – 縱橫) và tờ Chung cổ lâu (Bell Drum Tower – 鐘鼓樓) do Hoàng Thiên Phúc xuất bản và sau đó được Tuần san Bồng Lai đảo (Neo Formosa Weekly – 蓬萊島) tiếp quản.
Chế độ kiểm duyệt của KMT
Trong thời kỳ này, KMT có bốn cấp độ kiểm duyệt:
  1. Gỡ bỏ hoặc bôi đen để che đi những bài báo “có vấn đề”;
  2. Cấm xuất bản (mặc dù vậy các tạp chí vẫn tiếp tục “xuất bản chui”);
  3. Tịch thu các ấn phẩm; và
  4. Đình chỉ giấy phép xuất bản (các tạp chí lách được điều luật này bằng cách đăng ký dưới vài tên gọi na ná nhau).
Chính quyền KMT phải kiểm duyệt các ấn phẩm này bởi vì chúng phô bày tình trạng giam giữ tồi tệ các tù nhân chính trị trong Sự kiện Cao Hùng; các thảo luận về tình hình Đài Loan bị cô lập trên chính trường  quốc tế; diễn giải về việc xây dựng một đảng phái chính trị đối lập; cũng như viết về những câu chuyện chẳng hay ho gì về đảng KMT và về gia đình của lãnh tụ chuyên chế Tưởng Giới Thạch (Chiang Kai-shek).
Hơn thế nữa, các tờ tạp chí này cũng mổ xẻ những vụ mưu sát chính trị xảy ra vào đầu thập niên 1980: Vụ án mưu sát mẹ và cặp con gái song sinh của luật sư nhân quyền Lâm Nghĩa Hùng (Lin I-hsiung) vào ngày 28/2/1980, vụ ám sát học giả Đại học Carnegie Mellon – một người Mỹ gốc Đài – Trần Văn Thành (Chen Wen-cheng) vào tháng 7/1981.
Ngoài ra, còn một vụ mưu sát ngay trên đất Hoa Kỳ: Nhà văn Lưu Nghi Lương (Henry Liu) vì ông này đã chắp bút cho một cuốn tiểu sử không được tốt đẹp gì về tổng thống Đài Loan khi đó, Tưởng Kinh Quốc (Chiang Ching-kuo).
Thế hệ 3G của các tạp chí “ngoài đảng”

Chân dung một gương mặt nổi bật trong thế hệ 3G của các tạp chí “ngoài đảng” – Trịnh Nam Dung. Ảnh: Gerrit van der Wees
Từ đầu năm 1984, thế hệ thứ ba của các tạp chí “ngoài đảng” lần lượt xuất hiện: Lâm Chính Kiệt (Lin Cheng-chieh) thành lập tờ Tiền Tiến (Progress – 前進), Trịnh Nam Dung (Deng Nan-jung) với Tuần san Thời đại Tự do (Freedom Era Weekly – 自由時代 ). Những tờ báo này có chút khác biệt với các thế hệ đi trước, đó là chúng được khởi xướng bởi những cá nhân không có liên hệ gì với Sự kiện Cao Hùng.
Thế hệ báo chí 3G này và những con người đứng đằng sau nó cũng chính là những nhân tố giúp tổ chức các cuộc xuống đường.
Nhưng lại một lần nữa, nỗ lực đòi tự do và dân chủ từ phía các nhà hoạt động lại phải đối mặt với việc chính quyền KMT gia tăng mức độ kiểm duyệt.
Đầu năm 1985, một chiến dịch tịch thu các ấn phẩm báo chí được KMT triển khai một cách mạnh mẽ với sự tham gia của hơn 1.000 cảnh sát. Chính quyền cũng bắt đầu sử dụng các thủ tục “pháp lý” để đối phó với một số tờ tạp chí, trong đó có Tuần san Bồng Lai đảo và bắt giam Trần Thủy Biển (Chen Shui-bian) – người sau này trở thành tổng thống Đài Loan dân chủ.
Đến tháng 9/1985, 95% tổng số các ấn phẩm phát hành đã bị chính phủ tịch thu.

Một cuộc biểu tình đòi hỏi chấm dứt thiết quân luật ở Đài Loan. Ảnh: outreachfortaiwan.org.
Mặc dù là vậy, các nỗ lực đòi hỏi chấm dứt thời kỳ thiết quân luật và chuyển đổi sang mô hình dân chủ đại diện vẫn tiếp tục dâng cao qua các cuộc xuống đường.
Phong trào “ngoài đảng” – là tên về sau người ta đặt cho họ – ngày càng hiệu triệu được nhiều người dân hơn tham gia các cuộc biểu tình. Một trong những cuộc biểu tình được biết đến nhiều nhất là “Chiến dịch ruy băng xanh lá” (Green Ribbon Campaign) do Trịnh Nam Dung khởi xướng vào ngày 19/5/1986.
Cùng lúc đó, ở Washington D.C., một nhóm nhỏ các Thượng nghị sỹ và Dân biểu Mỹ thường xuyên tổ chức các buổi điều trần về tình hình thiếu dân chủ và vi phạm nhân quyền ở Đài Loan, kêu gọi chính quyền KMT chấm dứt chế độ thiết quân luật và chuyển đổi sang thể chế dân chủ.
Chấm dứt thời kỳ thiết quân luật 
Vào nửa cuối năm 1986, tình hình chính trị Đài Loan thay đổi nhanh chóng” với các thành viên lãnh đạo phong trào “ngoài đảng” thành lập đảng Dân tiến. Tiếp đến, tổng thống Đài Loan khi đó – Tưởng Kinh Quốc – tuyên bố với báo Washington Post vào tháng Mười là chính quyền KMT sẽ chấm dứt thời kỳ thiết quân luật.
Đến tháng Mười Hai, các cuộc bầu cử Viện Lập pháp được tiến hành với nhiều thắng lợi quan trọng cho phe dân chủ đối lập.
Đến ngày 14/7/1987, Tưởng Kinh Quốc thực hiện đúng lời hứa của mình khi bãi bỏ tình trạng thiết quân luật. Tuy nhiên, một đạo luật An ninh Quốc gia lại được lập ra để thay thế cho nó. Trong đó có Điều 100 tiếp tục ngăn cản quyền tự do ngôn luận của người dân.
Tưởng Kinh Quốc qua đời vào ngày 13/1/1988 và Phó Tổng thống Lý Đăng Huy (Lee Teng-huilên thay thế. Tuy vậy, cơ chế chính trị phi dân chủ vẫn tồn tại ở Đài Loan.

Đám tang ông Trịnh Nam Dung, người đã tự thiêu để đòi hỏi quyền tự do ngôn luận ở Đài Loan. Ảnh: The Peoplenews.
Một trong những người vẫn tiếp tục đấu tranh cho “quyền tự do ngôn luận 100%” là Trịnh Nam Dung. Vào tháng 12/1988, ông đã công bố trên tạp chí của mình một bản dự thảo Hiến pháp của một nước Cộng hòa Đài Loan dân chủ và tự do.
Đối với chính quyền khi đó thì hành vi tự công bố dự thảo Hiến pháp của ông Trịnh đã vi phạm pháp luật, và vì vậy họ đã cáo buộc ông với tội “nổi loạn”. Cảnh sát đã bao vây văn phòng của Trịnh Nam Dung trong suốt ba tháng trời.
Ngày 7/4/1989, sau ba tháng vây hãm, cảnh sát đã tấn công vào văn phòng tòa soạn của ông. Nhưng thay vì để cảnh sát bắt và chịu thẩm vấn, tù đày, Trịnh Nam Dung đã chọn tự thiêu, dùng chính thân xác mình để biểu đạt tính tối thượng của quyền tự do ngôn luận.
Dần dần, áp lực từ trong và ngoài nước cùng với bàn tay dẫn dắt của Tổng thống Lý Đăng Huy đã mang đến những kết quả mang tính thay đổi to lớn vào tháng 5/1992, khi đạo luật An ninh Quốc gia và Điều 100 bị xóa bỏ.
Tổng thống Lý Đăng Huy tiếp tục ban hành các điều luật song song với việc sửa đổi Hiến pháp để trao cho người dân Đài Loan quyền bầu cử trực tiếp các nhà lập pháp, mở đường cho cuộc tổng tuyển cử chức vụ tổng thống được cử hành năm 1996.
Quỳnh Vi lược dịch từ bài viết Taiwan’s “outside the party” magazines on the road to democratization của tác giả Gerrit van der Wees – một cựu nhân viên ngoại giao Hà Lan tại Đài Bắc từ năm 1980 đến 2016 – đăng trên báo Taipei Times ngày 23/1/2018.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét