Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

1112 - Tại sao cứ cổ xúy sự phân biệt và miệt thị vùng miền?

Ánh Liên (VNTB) 


Việc báo Tuổi Trẻ Online (TTO) đặt tiêu đề cả trên mặt báo lẫn trên fanpage, đã vô tình (hay hữu ý) cổ súy cho nạn phân biệt vùng miền – vốn đang tồn tại dai dẳng trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là tại khu vực miền Nam.

Tuổi Trẻ gần đây đã đăng tải bài viết mang tiêu đề: Tại sao lễ hội áo dài TP.HCM lại chọn thiếu nữ Hà Nội đại diện?

TTO và câu hỏi có cổ xúy cho phân biệt vùng miền?

‘Nhưng, là một người sinh ra và lớn lên tại TP.HCM, tôi có hơi chạnh lòng khi thấy người đại diện cho một lễ hội của TP.HCM không phải là một cô gái của thành phố mình. Đây đã là lần thứ 2 liên tiếp Đỗ Mỹ Linh được chọn làm hình ảnh đại diện của Lễ hội áo dài TP.HCM.’, tác giả Bích Tiên trong bài viết trên Tuổi Trẻ bày tỏ.

Chỉ với tiêu đề với câu hỏi ‘tại sao’, và sự ‘chạnh lòng’ của tác giả Bích Liên đã vô tình khơi mào một sự phân biệt vùng miền về mặt báo chí.

Dường như TTO và tác giả Bích Tiên quên rằng, đây là lễ hội áo dài, và dù nó tổ chức ở bất kỳ địa phương nào, thì áo dài vẫn là một trang phục chung của dân tộc Việt Nam. Đại diện là người Hà Nội, với trang phục áo dài, và trình diễn tại Tp. Hồ Chí Minh phải là một hình ảnh đẹp đó chứ sao không? Ít nhất nó cũng cho thấy bắc nam không chỉ sum họp một nhà về mặt địa lý, mà người Việt nam cũng hòa hợp cả về tinh thần chung.

Việc báo Tuổi Trẻ đặt tiêu đề cả trên mặt báo lẫn trên fanpage, đã vô tình (hay hữu ý) cổ súy cho nạn phân biệt vùng miền – vốn đang tồn tại dai dẳng trong xã hội Việt Nam, đặc biệt là tại khu vực miền Nam.

'Bắc kỳ' và sự phân biệt bắc-nam
Phân biệt sắc tộc và tôn giáo ở Việt Nam không trầm trọng như Myanmar (trong khu vực ASEAN) hay các nước thuộc vùng trung đông. Tuy nhiên, Việt Nam lại nhức nhối chuyện kỳ thị vùng miền; giữa miền Bắc và Nam, giữa những miền Bắc với các tỉnh Thanh – Nghệ - Tĩnh; giữa miền Nam với các tỉnh Quảng Ngãi – Bình Định; giữa miền Bắc với các tỉnh miền Tây và ngược lại. Nhận thức này xuất phát từ sự khác nhau về văn hóa, sinh hoạt cộng đồng (như đề cập trên), nhưng đồng thời nó cũng thể hiện tính không tôn trọng bản sắc vùng miền, tính cổ súy vùng miền, cái nhìn cực đoan về tính chất và liên kết vùng miền liên quan đến tiêu cực trong đời sống xã hội.

Chính những đặc trưng về văn hóa đa vùng miền ở nước ta đôi khi tạo ra một sự va chạm nhất định về lối sống và cách xử sự, trong khi đó – những dấu vết liên quan đến lịch sử cũng vô tình tạo ra sự hiện diện kỳ thị ‘Bắc kỳ’ ngay trong lòng người miền Nam. Khi những thay đổi văn hóa – kinh tế, thậm chí sự đi xuống của chính trị gây ra những biến dạng địa tầng tại khu vực miền Nam, lập tức yếu tố phân biệt vùng miền, kỳ thị người miền Bắc trỗi dậy. Không ít người miền Nam coi sự hiện diện của người miền Bắc là mầm mống sự tai họa, thậm chí kêu gọi vạch lại lằn ranh giới tuyến 17 trong tâm thức.

Xin visa Nyukan (Nhật Bản) khó khăn, một du học sinh đăng bài miệt thị 'Bắc Kỳ'
Trên mạng xã hội Facebook có nhiều fanpage mang tính kỳ thị vùng miền như: Hội Những người miền nam ghét bọn bắc kỳ; Hội ghét dân Bắc kỳ;... Trong đó, fanpage mang tên: Viet Conservative & Classical Liberal – nhóm bí mật này công kích tất cả các cá nhân, tổ chức có nguồn gốc miền Bắc, sử dụng cụm từ miệt thị là ‘Bắc Kỳ’ để tiến hành khơi mào các chủ đề khác nhau. Vấn đề là, những chủ đề phân biệt vùng miền sâu sắc đó lại được hưởng ứng bởi không ít bạn trẻ người miền Nam.

Nhà báo Nguyễn Thị Hậu, người mà trong thờ thơ ấu vào Sài Gòn hay về quê nội ngoại, bà đều nhận được cái nhìn khiếm nhã với lời dè bỉu: “Nó nói tiếng gì không phải tiếng Việt mình?’. Sự trải nghiệm đến từ chính việc, ‘Tiếng Viêt phải là tiếng Sài Gòn, miền Tây chứ không phải tiếng ‘nước Bắc’.”

Bước ra từ sự kỳ thị thời thơ ấu giúp nữ nhà báo nhận ra rằng, ‘Những định kiến chính trị, sự ác cảm với chính quyền, sự tự tôn “trung tâm” tự hào “chuẩn mực” một cách quá đáng… đều là những chất đốt rất tốt cho cái lò kỳ thị Bắc Nam bùng cháy dữ dội.’ Và cũng theo bà, hệ quả của sự kỳ thị là sự ‘dồn nén về tinh thần, khủng hoảng niềm tin, sự hụt hẫn trầm trọng văn hóa ở khía cạnh tri thức nhân văn’.

Trở về với câu chuyện áo dài Tp. Hồ Chí Minh của báo TTO, có thể đây là một chiêu trò câu view (lượt truy cập) của báo này, nhưng có thể nó là cách thức cổ súy phân biệt vùng miền. Ít nhất về mặt tôn chỉ báo chí – một tiêu đề hoặc nội dung nhỏ liên quan đến vùng miền nếu xử lý vụng về như bài đăng tải trên sẽ gián tiếp tạo ra một sự bài xích vùng miền trong xã hội (hiện diện rõ nhất là trên Facebook), gây tổn thương nhân cách, phẩm giá con người; xâm phạm trực tiếp quyền con người; xé bỏ sự tôn trọng văn hóa bản địa tại một đất nước với hơn 50 dân tộc anh em như Việt Nam. Cách đưa quan điểm hẹp hòi (dù là cảm xúc cá nhân) nêu trên cũng đi ngược lại tinh thần Điểm b, Khoản 1, Điều 9  - Luật báo chí 2016 về các hành vi bị nghiêm cấm, theo đó: Cấm gây hằn thù, kỳ thị, chia rẽ, ly khai dân tộc, xâm phạm quyền bình đẳng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam;

Cần nhắc lại, áo dài không thuộc địa phương nào, quyền mặc áo dài trong một cuộc trình diễn áo dài càng không phải phụ thuộc vào vùng đất nào. Sài Gòn – Tp. Hồ Chí Minh hay Sài Gòn - Gia Định là vùng đất mở với tuổi đời 300 năm. Nhìn tổng quát, nó như một Hoa Kỳ thu nhỏ - là miền đất cơ hội của những người nhập cư với đa sắc về mặt văn hóa. Và sự 'nhỏ nhen' mang tính 'chạnh lòng' và câu hỏi hơi hướng 'phân biệt/ kỳ thị vùng miền' đó trên TTO là một sự sai trái. 


Bởi đúng như Facebooker Jasmine DT phản hồi trên fanpage TTO: Thời đại của công dân toàn cầu, sao còn phân biệt người sinh ra ở HN hay Tp HCM hay một địa phương khác. Đó là tư duy thiển cận, hẹp hòi, định kiến!.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét