Dự án BOT cầu Đồng Nai thu phí tại trạm Sông Phan từ Tháng Giêng, 2009, đến Tháng Bảy, 2014, mới dừng. (Hình: Người Lao Động)
ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Trong khi Bộ Giao Thông Vận Tải ưu ái quá mức, cho phép chủ đầu tư dự án BOT cầu Đồng Nai thu phí từ xa tận Bình Thuận sớm gần một năm thì chủ đầu tư này lại gian dối, bỏ ngoài sổ sách hàng trăm tỷ đồng nhằm kéo dài thời gian thu phí.
Theo báo Người Lao Động, mới đây Kiểm Toán Nhà Nước đã “bóc mẽ” dự án đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến tránh hai đầu cầu từ ngã ba Tân Vạn đến điểm cuối tuyến tránh thành phố Biên Hòa theo hình thức BOT.
Kết quả kiểm toán cho thấy, chủ đầu tư có được số tiền hơn 176 tỷ đồng (hơn $7.7 triệu) sau năm năm rưỡi thu phí từ trạm thu phí Sông Phan, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, cách cầu Đồng Nai đến… 150 cây số, nhưng lại không đưa vào sổ sách của kế hoạch tài chính. Việc này làm tăng chi phí vốn đầu tư, tăng tỷ lệ chiết khấu dự án và là nguyên nhân làm tăng thời gian hoàn vốn của dự án.
Lật lại hồ sơ dự án đầu tư xây dựng cầu Đồng Nai mới nhưng lại thu phí ở Bình Thuận, mới thấy quá nhiều điều phi lý đến mức khó hiểu. Từ việc ký hợp đồng BOT, đặt trạm thu phí từ xa, áp thời gian thu phí…, Bộ Giao Thông Vận Tải và chủ đầu tư BOT đã tính toán hết sức chi ly nhằm qua mặt nhiều cơ quan chức năng.
Cụ thể, Bộ Giao Thông Vận Tải ký hợp đồng BOT xây cầu Đồng Nai với tổng công ty Xây dựng số 1, trong đó thỏa thuận chủ đầu tư được thu phí tại trạm thu phí Sông Phan.
Tháng Sáu, 2008, cầu Đồng Nai được khởi công, dự kiến cuối năm 2009 mới thông xe, đóng barie thu phí. Thế nhưng Tháng Mười, 2008, ông Mai Văn Đức, cục trưởng Cục Đường Bộ Việt Nam, đã ký văn bản yêu cầu Khu Quản Lý Đường Bộ 7 bàn giao trạm thu phí Sông Phan cho BOT cầu Đồng Nai thu phí. Toàn bộ những thỏa thuận và hàng loạt văn bản “lót đường” này đều thực hiện trước khi Văn Phòng Chính Phủ và Bộ Tài Chính có ý kiến.
Điều phi lý tiếp theo là khi triển khai thu phí tại đây, Bộ Giao Thông Vận Tải và chủ đầu tư không hề thông báo cho tỉnh Bình Thuận biết. Đến lúc trạm thu phí này bị người dân Bình Thuận phản đối quyết liệt vì đặt sai chỗ thì Cục Đường Bộ Việt Nam đưa ra giải thích: “Nếu đặt trạm thu phí trong phạm vi dự án ở hai đầu cầu Đồng Nai sẽ gây tắc nghẽn giao thông do xe đi qua khu vực này rất lớn. Ngoài ra, khu vực này đã có quá nhiều trạm thu phí và không bảo đảm khoảng cách tối thiểu 70 cây số theo quy định. Vì vậy, kế hoạch tốt nhất là chọn trạm thu phí Sông Phan, dù cách công trình BOT cầu Đồng Nai rất xa.”
Cục Đường Bộ còn lập luận phải cho thu phí sớm mới có thể hoàn vốn, còn nếu đợi cầu xây xong mới thu thì phải mất đến 33 năm và ngân hàng… không tài trợ vốn.
Sau rất nhiều phản ứng của người dân, công luận và chính quyền địa phương, cuối cùng chủ đầu tư BOT cầu Đồng Nai mới tuyên bố dừng thu phí ở trạm Sông Phan sau 5 năm 6 tháng và lập trạm thu phí mới ở gần cầu Đồng Nai. Với trạm thu phí mới này, chủ đầu tư chỉ được thu thêm 9 năm 8 tháng kể từ Tháng Bảy, 2014, đến Tháng Hai, 2024, trong tổng thời gian thu là 15 năm 2 tháng.
Tuy nhiên, sau đó Bộ Giao Thông Vận Tải và chủ đầu tư ký tiếp phụ lục hợp đồng BOT nâng thời gian thu phí hoàn vốn lên 18 năm 4 tháng. Đáng chú ý, trong phụ lục hợp đồng, số tiền 176 tỷ đồng thu từ trạm Sông Phan đã được chủ đầu tư bỏ ra ngoài sổ sách, không đưa vào kế hoạch tài chính. Ngoài ra, còn điều chỉnh vốn đầu tư cao hơn thực tế, chênh lệch hơn 200 tỷ đồng (hơn $8.7 triệu).
Theo báo Người Lao Động, với việc ém nhẹm hơn 176 tỷ đồng từ nguồn thu tại trạm thu phí Sông Phan, cố tình không đưa vào kế hoạch tài chính để nâng thời gian thu phí, ngoài gian dối của chủ đầu tư còn cho thấy trách nhiệm lớn thuộc về các đơn vị của Bộ Giao Thông Vận Tải, như Vụ Đối Tác Công Tư; Vụ Tài Chính, Tổng Cục Đường Bộ, Ban Quản Lý Dự Án 7 và đặc biệt là lãnh đạo Bộ Giao Thông Vận Tải. (Tr.N)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét