Thứ Hai, 26 tháng 3, 2018

1602 - Khi Tần Thủy Hoàng “sống lại”



Tập Cận Bình nâng ly trong một chuyến thăm Việt Nam. Ảnh: VOA/EPA
Tập Cận Bình nâng ly trong một chuyến thăm Việt Nam. Ảnh: VOA/EPA

Thế giới đang chứng kiến một khuynh hướng chính trị đáng lo ngại với nhiều rủi ro cho an ninh toàn cầu khi những quốc gia được coi là cái nôi của chủ nghĩa Cộng sản đang hình thành những thể chế độc tài toàn trị, tập quyền hơn cả thế kỷ trước đó.
Tham vọng quyền lực của các Hoàng đế Đỏ không có giới hạn và không có kiểm soát, sự trở lại của những mô hình xã hội và Nhà nước không tôn trọng các giá trị về Nhân quyền và Tự do, nơi mà tiếng nói đấu tranh dân sự bị đàn áp tàn bạo và những tội ác chống lại loài người được nhà cầm quyền hậu thuẫn, dung túng như ở Nga, Trung Quốc, Venezuela, Syria… không hứa hẹn điều gì tốt đẹp cho chính dân tộc và quốc gia đó, mà thậm chí, còn có thể là chỉ dấu Khải huyền cho thế giới hôm nay.
Ngày 17.03.2018, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc lần thứ XIII, tại Đại lễ đường Trung Hoa, họ Tập đắc cử lần hai để trở thành Hoàng đế thực sự với quyền lực tập trung tuyệt đối – Chủ tịch nước kiêm Tổng bí thư Đảng cầm quyền và bí thư quân ủy Trung ương.
Trước đó, 2900 đại biểu cũng đã thông qua việc sửa đổi hiến pháp để dỡ bỏ qui định giới hạn hai nhiệm kỳ liên tiếp đối với chức vụ Chủ tịch nước, đồng thời đưa “tư tưởng chính trị Tập Cận Bình” vào Hiến pháp của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Một động thái chưa từng có kể từ thời Mao Trạch Đông, chuẩn bị cho việc “Hoàng đế Tập” có thể “trị vì” cho đến hết đời ở đất nước “đèn lồng đỏ treo cao”. Điều phải nói đến là tham vọng bá quyền của Hoàng đế Đỏ này, lớn hơn nhiều so với Mao Trạch Đông hay những người tiền nhiệm khác trước đó, “năng lực lãnh đạo” của ông ta cũng đã được khẳng định trong cuộc thanh trừng nội bộ đẫm máu để thống nhất quyền lực ở mức độ cao nhất trong nhiệm kỳ vừa qua.
Giấc mộng Trung hoa” với  “một vành đai, một con đường” về kinh tế và quân sự là mục tiêu và đường lối của họ Tập nhằm đưa Trung Quốc trở lại vị thế trung tâm thế giới như đã từng có trong lịch sử 5000 năm của dân tộc Hoa Hạ khi gương cao ngọn cờ chủ nghĩa dân tộc cực đoan với khát vọng thống trị thế giới, giống như Hitler của thế kỷ trước.
Dù Bắc Kinh lựa chọn biểu tượng chú gấu trúc dễ thương làm hình ảnh cho “sứ giả ngoại giao” và những lời có cánh “ve vuốt” của ông Tập Cận Bình khi nói rằng “sự trỗi dậy hòa bình” của Trung Hoa và “con đường tơ lụa” sẽ mang đến thịnh vượng cho thế giới, không ai tin. Những gì mà Trung Quốc đang làm ở Châu Phi, các nước Trung Á, Đông Nam Á và Châu Mỹ La Tinh không khác gì chủ nghĩa thực dân đã từng làm cách đây hơn 100 năm.
Với sự thâm hiểm vốn dĩ của chủ nghĩa thực dân, Trung Quốc đang biến những quốc gia phụ thuộc về kinh tế, đã mắc vào những “món nợ thể chế”, thông qua những khoản vay “dễ dãi” nhưng tàn độc, trở thành những “quốc gia nô lệ” và thị trường tiêu thụ cho hàng hóa giá rẻ, độc hại. Thâm hụt thương mại được Trung Quốc sử dụng như một vòi bạch tuộc hút cạn kiệt nguồn ngoại tệ dự trữ, khiến cho quốc gia đó không thể trang trải các khoản nợ quốc tế và tiếp tục lún sâu vào những khoản vay phải trả bằng tài nguyên, các thương hiệu quốc gia hay từng phần lãnh thổ như họ đang làm với Việt Nam, Cambodia, Venezuela, Peru, Hy Lạp, các nước Châu Phi…
Bằng sự kiên nhẫn, người Trung Quốc đã dành 30 năm theo sách lược của họ Đặng, “ẩn mình chờ thời” và bằng mọi phương sách của binh pháp Tôn Tử để đạt được mục đích, trở nên giàu có hơn, lớn mạnh hơn và quan trọng là làm suy yếu những đối tác làm ăn, láng giếng lân bang và đối thủ cạnh tranh của họ. Lũng đoạn và tha hóa chính trị bằng việc mua chuộc giới chức các nước sở tại bằng tiền, gái, dịch vụ và hàng hóa xa xỉ, lobby mua bán chức vụ… để dễ dàng giựt dây, chi phối, chiếm lợi ích là những gì mà Trung Quốc thực hiện suốt nửa thế kỷ qua. Những thể chế độc tài trên khắp thế giới đều được Trung Quốc liệt nhiệt ủng hộ bằng những khoản vay hào phóng và rất nhiều… súng để đàn áp, bắn giết người dân ở quốc gia đó. Đổi lại, Trung Quốc có tài nguyên, thị trường và nô lệ.
Thảm họa về kinh tế, xã hội ở Venezuela – một quốc gia từng giàu có bậc nhất Châu Mỹ La tinh với nguồn tài nguyên dầu mỏ tưởng chừng “không bao giờ cạn” – có thể được coi là số phận tiêu biểu cho những “đối tác chiến lược toàn diện” của Bắc Kinh.
Một ví dụ hiện thực tuyệt vời cho những tác phẩm của George Orwell như “Trại súc vật” hay “1984” đang diễn ra ở Venezuela, Tân Cương – Tây Tạng… Đây không phải là câu chuyện châm biếm hay trào phúng mà nó là một bi kịch thực kinh hoàng cho hàng trăm triệu người dân đang sống trong đói khát cùng cực, bị tước đoạt nhân phẩm và những quyền cơ bản của con người, bị theo dõi giám sát từng hành vi thông qua hệ thống an ninh mạng, camera thông minh theo dõi 24/7. Hệ thống kiểm soát và xếp hạng tín dụng xã hội và bộ máy đàn áp, mật vụ khổng lồ của những nhà cầm quyền chuyên chế độc tài hơn cả những chế độ phong kiến tập quyền trong 5000 năm lịch sử có thể tạo ra.
Thế giới hiện đại thật khó hình dung nổi những tội ác chống lại loài người như việc mổ cướp nội tạng sống của những tù nhân lương tâm, những người tập Pháp Luân Công hay người Ngô Duy Nhĩ… đang được tiến hành rất qui mô, hệ thống, dưới sự bảo kê của nhà cầm quyền trong các cơ sở y tế quân đội dưới thời Giang Trạch Dân và đến tận ngày hôm nay. Tuy nhiên, nếu hiểu về lịch sử và văn hóa Trung Quốc, người ta sẽ thấy sự ác độc là bản chất của những tên bạo chúa này.
Một nhà văn phương Tây có nói “Không có dân tộc tội lỗi mà chỉ có những thể chế tội lỗi.” Nhưng ở một quốc gia mà suốt chiều dài lịch sử luôn ca ngợi những hình tượng độc tài độc ác như những vị thần, từ Tần Thủy Hoàng đến Mao Trạch Đông và giờ đây là Giang Trạch Dân và Tập Cận Bình, những nhà độc tài giết người vẫn được ca tụng như những “lão phật gia” trong nhận thức của đa số người dân thì có lẽ tội lỗi đã trở thành một phần “giá trị cốt lõi” của những tên bạo chúa khiến cho chủng tộc đó khốn đốn và bị vạ lây.
Tập Cận Bình lên ngôi “Hoàng đế”, ông ta nói về “giấc mộng Trung Hoa” khi Trung Quốc đã trở thành siêu cường kinh tế. Tuy nhiên, sẽ còn một chặng đường dài để quốc gia này trở thành siêu cường quân sự, và đặc biệt là siêu cường về “quyền lực mềm văn hóa” – điều không thể tạo dựng được trên nền tảng xã hội độc tài.
Thật khôi hài, dù trở nên giàu có hơn rất nhiều so với cách đây 50 năm, nhưng “tầng lớp tinh hoa” Trung quốc lại sẵn sàng lưu vong sang những quốc gia “thù địch” để kiếm tìm sự an toàn hơn về chính trị, hay đơn giản có được một môi trường “văn minh” hơn, thực phẩm, không khí sạch hơn. Phía dưới lớp áo phồn hoa rực rỡ của những đô thị như Thượng Hải, Thâm Quyến, Bắc Kinh… là một nền tảng xã hội và kinh tế đang “lắc lư” với những khoản nợ công lên tới 30.000 tỷ USD, khoảng 259% GDP, một cấu trúc kinh tế khổng lồ về qui mô nhưng lạc hậu về kỹ nghệ, tiêu tốn năng lượng, ô nhiễm và sử dụng tài nguyên lớn hơn nhiều so với các quốc gia thuộc thế giới thứ nhất.
Sau nhiều thập kỷ duy trì mức lương công nhân và đồng Nhân dân tệ thấp để làm lợi thế cạnh tranh thu hút đầu tư và chính từ tư duy “mèo trắng, mèo đen” của họ Đặng, Trung quốc đã hy sinh môi trường cùng nhiều các giá trị về dân sinh để phát triển kinh tế bằng mọi giá. Giờ đây, hậu quả về sự suy thoái môi trường trầm trọng trên diện rộng, hệ sinh thái và môi sinh bị tàn phá đang trở thành nguyên nhân hàng đầu gây ra các bất ổn về xã hội và kinh tế.
Sự chênh lệch khủng khiếp về mức sống của những quan chức, tư bản Đỏ và thân hữu của Đảng so với đại đa số người dân cũng là một trong những nguyên nhân tạo ra những bất mãn sâu sắc trong lòng xã hội. Tuy nhiên, tất cả lý do đó không phải là “gót chân Asin” của chế độ.
Tập Cận Bình sợ một thứ hơn nhiều những mâu thuẫn và bất công xã hội, đó là tính lý tưởng và chính danh của thể chế từ lâu đã không còn. Tất cả chỉ được gắn kết lại với nhau bằng hai chữ “Lợi, Dục” và tham vọng không đáy của những “đồng chí lãnh đạo”. Học thuyết Mác, Lê, Mao đã bị thực tiễn của lịch sử vứt vào sọt rác từ lâu cho dù đảng cố gắng tẩm liệm và xức nước hoa cùng nhiều công trình tưởng niệm các “lãnh tụ vĩ đại”. Thay vào đó, một Tư Tưởng Tập Cận Bình và một tham vọng to lớn khơi gợi từ ý thức Đại Hán được đưa ra để thay thế những học thuyết lỗi thời.
Ông ta cần đến một sức mạnh đoàn kết lớn với chất kết dính “lý tưởng” thay vì một cấu trúc xã hội đang mủn ra như bìa các-tông gặp nước vì sự băng hoại đạo đức. Và cách có được sức mạnh và quyền lực nhanh nhất đó là chiến tranh. Cuộc chiến hôm nay chắc chắn khác với 50 năm trước nhưng dù nó ở dưới hình thức nào, qui mô nào thì nó vẫn là phương thức ưa thích nhất của những độc tài.
Thế giới đang chứng kiến cuộc “tái sinh” của những Tần Thủy Hoàng ở Trung Quốc hay Sa hoàng ở Nga và những gì đang diễn ra ở những “địa ngục” Syria hay Venezuela mới chỉ là bắt đầu cho cơn ác mộng của thời đại.
Trước khi Peter Navarro viết “Death by China” từ rất lâu, người ta đã nói về “họa da vàng” như một mối nguy tiềm ẩn cho các quốc gia có người Trung Quốc du nhập và sinh sống. Đầu thế kỷ 20, ở Việt Nam, nhà báo Đào Trinh Nhất đã cảnh báo những rủi ro về kinh tế, xã hội, chủng tộc mà những cộng đồng người Hoa kiều có thể ảnh hưởng đến chính sách quản trị của cộng đồng và quốc gia trong tác phẩm “Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ” xuất bản lần đầu năm 1924.
Nghiên cứu này, vẫn có giá trị tới tận ngày hôm nay, và cùng với “Death by China” của Peter Navaro, đó là những tác phẩm cần phải được xem như “hệ tọa độ” trong việc định vị các chính sách liên quan đến Trung Quốc. Nhất là đối với Việt Nam, một quốc gia có quá nhiều ân oán lịch sử và những mối liên quan chằng chịt từ ý thức hệ, kinh tế, chính trị, văn hóa… thì việc định hình một sách lược toàn diện để không bị đè nát dưới bước chân của con voi mà vẫn giữ được bản sắc nhân văn, nền độc lập và phát triển là khẩn cấp vào lúc này. Tuy vậy, thật khó mà tin được những lãnh đạo CSVN đang đắm chìm trong dục lạc, tham lam và gian manh như thể chế hiện tại, lại có thể có được một viễn kiến hay quyết tâm tạo ra sự thay đổi mang tính lịch sử cho “con thuyền không bến” Việt Nam.
Một lời nhận định rất hay của  Malcolm Gladwell khi bình phẩm tác phẩm Sụp đổ của Jared Diamond về quá trình suy tàn của các nền văn minh và thể chế xã hội như sau: Các xã hội thường không bị giết chết. Các xã hội thường tự tử: Họ tự cắt cổ tay, và trong nhiều thập kỷ sau đó, chỉ biết đứng nhìn mình chảy máu cho đến chết.
Với Việt Nam, dân tộc này đang vừa bị bức tử và cũng vừa tự mình cắt cổ tay bởi sự tham tàn, ngu xuẩn, hèn hạ của nhóm “tinh hoa Cộng sản” đang duy trì quyền lực đảng phái bằng mọi giá, cùng với sự thờ ơ, vô cảm của bầy cừu đang ngoan ngoãn xếp hàng để chờ đến lượt vào lò mổ của người bạn vàng “4 tốt và 16 chữ vàng” trên con đường dẫn tới “Thiên đường XHCN”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét