Quan điểm của một số người dân khi cho rằng cảnh sát điều khiển xe cứu hỏa – mặc dù là đang làm nhiệm vụ – vẫn phải chịu một mức trách nhiệm nhất định đối với người khác khi tham gia giao thông, là hoàn toàn tương đồng với tư duy án lệ về vấn đề này tại Mỹ.
Vấn đề đang được tranh cãi trong vụ việc Pháp Vân – Cầu Giẽ vốn không hề mới trong các tòa án Mỹ, thậm chí còn thường xuyên xảy ra là khác. Luôn luôn có một câu hỏi được đặt ra đối với các nhân viên công vụ Hoa Kỳ: Đó là quyền ưu tiên được quy định trong pháp luật dành cho họ khi thực thi nhiệm vụ liệu có đồng nghĩa với việc họ sẽ hoàn toàn được miễn trừ trách nhiệm pháp lý khi sự cố xảy ra?
Câu trả lời là không.
Điều này có nghĩa là ở Mỹ, cho dù là xe cứu hỏa và các loại xe cứu hộ khác – tuy cũng có quyền ưu tiên khi thi hành nhiệm vụ tương tự như ở Việt Nam – nhưng đó không phải là một đặc quyền tuyệt đối.
Quy chuẩn cẩn trọng cho dân thường và Sự tắc trách hiển nhiên của nhân viên công vụ
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi sẽ đề cập đến một khái niệm pháp lý trong luật Mỹ – đó là hành vi coi thường bất cần (reckless disregard). Khái niệm này còn được biết đến với tên gọi sự tắc trách hiển nhiên (gross negligence) trong luật Dân sự.
Nhưng muốn nói về sự tắc trách hiển nhiên, thì chúng ta cần hiểu rõ một người anh em họ hàng của khái niệm này trước: Quy chuẩn cẩn trọng – Standard of Care. Quy chuẩn này có thể được hiểu trong phạm vi dành cho người tham gia giao thông như sau.
Mỗi một người khi tham gia giao thông đều phải tuân thủ quy chuẩn cẩn trọngđược luật định ra. Ở Mỹ, khi gây ra tai nạn thì ngoài vi phạm luật giao thông, một người còn bị xem là đã tắc trách khi hành vi của họ nằm dưới mức của quy chuẩn cẩn trọng. Hành vi tắc trách có thể bị nạn nhân khởi kiện ở tòa dân sự để đòi bồi thường cho những thương tích do hành vi đó gây ra.
Quy chuẩn cẩn trọng có xuất xứ từ các án lệ ở Anh, và ngày nay, đa số các tiểu bang ở Mỹ đều có các điều luật Dân sự để luật hóa quy chuẩn này.
Để cùng tìm hiểu quy chuẩn cẩn trọng là gì, chúng ta có thể dùng hai ví dụ khi bạn tham gia giao thông bằng xe ô tô như sau.
Ví dụ thứ nhất, nếu bạn lái xe quá nhanh và vượt quá tốc độ do luật quy định thì rất hiển nhiên là bạn đã vi phạm quy chuẩn cẩn trọng rồi. Hơn thế, bạn đã vi phạm luật Giao thông cho dù là bạn ở Việt Nam hay ở Mỹ.
Ví dụ thứ hai thì có chút lắt léo hơn, đó là khi bạn lái xe đúng tốc độ luật cho phép trong một đêm khuya có mưa lớn.
Khi bạn đi đúng tốc độ trong một ngày trời quang mây tạnh là đúng y luật không có gì phải bàn cãi. Tuy nhiên, trong một đêm khuya mưa to thì một người Mỹ xử sự theo quy chuẩn cẩn trọng sẽ không chỉ tiếp tục lái xe đúng tốc độ mà còn cần phải đi chậm lại và không bám sát theo chiếc xe đằng trước.
Bởi vì sự cẩn trọng sẽ nhắc nhở bạn rằng, trời mưa lớn trong đêm tối sẽ ảnh hưởng đến tầm nhìn, phanh xe sẽ khó ăn hơn vì lực ma sát với mặt đường bị giảm, và vì vậy lái xe đúng tốc độ vẫn dễ gây ra tai nạn. Nếu bạn gây ra tai nạn khi lái xe – tuy đúng tốc độ theo quy định – trong một đêm mưa to thì hành vi của bạn khá chắc chắn sẽ bị tòa phán là đã nằm dưới mức của quy chuẩn cẩn trọng – fell below the standard of care.
Khi một người hành xử dưới mức của quy chuẩn cẩn trọng và gây ra tai nạn, thì họ phải chịu trách nhiệm pháp lý cho hành vi của mình.
Do đó, thông thường thì các hành vi vượt đèn đỏ, đi ngược làn, lái xe quá tốc độ cho phép theo luật định, hoặc lái đúng tốc độ nhưng trong một hoàn cảnh nguy hiểm (như ví dụ thứ hai ở trên), v.v. đều bị tòa án Mỹ phán là những hành vi nằm dưới quy chuẩn cẩn trọng đối với người bình thường và là hành vi tắc trách.
Đó là về phần người dân và quy chuẩn cẩn trọng dành cho họ. Còn nếu nói đến các xe cứu thương, cứu hộ, xe cảnh sát và xe cứu hỏa, v.v. ở Mỹ, thì không những các phương tiện này có đặc quyền khi thi hành nhiệm vụ, mà người điều khiển chúng còn không bị dùng cùng một quy chuẩn để xác định trách nhiệm pháp lý khi xảy ra tai nạn.
Khi xe cứu hỏa thi hành nhiệm vụ và có được quyền ưu tiên, ví dụ như chạy quá tốc độ quy định hay vượt đèn đỏ, thì hành vi của lính cứu hỏa điều khiển xe không bị xem xét chiếu theo quy chuẩn cẩn trọng. Điều này có nghĩa là hành vi của họ được đặc quyền bảo vệ để không bị xem là hành xử dưới chuẩn mực của quy chuẩn này như người dân bình thường.
Vậy nếu nhân viên công vụ gây ra tai nạn khi đang làm nhiệm vụ và sử dụng quyền ưu tiên thì phải dùng chuẩn mực gì để xem xét trách nhiệm pháp lý của họ, hay là không có chuẩn mực gì cả?
“Coi thường” sự an toàn và tính mạng của người dânkhông phải là hành vi được bảo vệ bởi quyền ưu tiên
Chúng ta không cần đi sâu vào chi tiết là luật Mỹ có hay không có đặc quyền cho phép xe cứu hỏa đi vào đường ngược chiều khi làm nhiệm vụ. Chúng ta sẽ giả dụ là luật Mỹ có cho phép, và vụ việc Pháp Vân – Cầu Giẽ xảy ra tại xứ sở cờ hoa.
Nói đơn giản, khái niệm pháp lý coi thường bất cần hay sự tắc trách hiển nhiên sẽ quyết định liệu người điểu khiển xe cứu hỏa trong vụ việc có phải chịu trách nhiệm pháp lý cho hành vi của mình hay không.
Một nhân viên công vụ, ví dụ như cảnh sát hay lính cứu hỏa, nếu gây ra tai nạn khi đang thi hành nhiệm vụ thì chỉ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi hành vi của người đó bị xem là đã coi thường và bất cần đến sự an toàn và tính mạng của người dân.
Hành vi như thế nào thì sẽ bị xem là coi thường và bất cần tính mạng, cũng như sự an toàn của dân chúng?
Vụ kiện Campbell kiện Thành phố Elmira ở bang New York năm 1994 liên quan đến một xe cứu hỏa vượt đèn đỏ, có thể giúp chúng ta nhận thức rõ hơn về định nghĩa pháp lý của “coi thường bất cần“.
Theo bản án, thì chiếc xe cứu hỏa của thành phố Elmira trên đường làm nhiệm vụ đã vượt đèn đỏ khi đang ở tốc độ 10-15 dặm/giờ tại một ngã tư và đã đâm vào một người lái xe máy. Tại tòa, khá tương tự như vụ việc Pháp Vân – Cầu Giẽ, lời khai của các nhân chứng có phần mâu thuẫn nhau: Xe cứu hỏa có hay không gia tăng tốc độ khi tiến vào ngã tư, xe có hụ còi báo hiệu và người khác có ai nghe thấy còi hay không, hoặc người điều khiển xe cứu hỏa có nhận biết đèn giao thông là màu gì trước khi đạp ga tiến vào ngã tư hay không?
Tòa phúc thẩm trong vụ việc đã tuyên rằng, hành vi gia tăng tốc độ của xe cứu hỏa khi tiến vào một ngã tư và vượt đèn đỏ có thể bị xem là một việc làm coi thường an toàn và tính mạng của những người tham gia giao thông khác.
Điều này có nghĩa là tuy xe có quyền ưu tiên và luật cho phép họ vượt đèn đỏ khi thi hành nhiệm vụ, nhưng điều đó không đồng nghĩa là họ có thể làm ra hành vi nguy hiểm (gia tăng tốc độ trước khi tiến vào ngã tư) với một thái độ bất cần và coi thường đến sự an toàn của những người xung quanh. Nếu làm ra hành vi bất cần và coi thường đến an nguy của người khác thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Chúng ta có thể cùng xem lại đoạn video clip của vụ tai nạn Pháp Vân – Cầu Giẽ để thấy rằng có cơ sở để xác định trách nhiệm pháp lý từ cả hai bên dựa trên các định nghĩa pháp lý về quy chuẩn cẩn trọng và coi thường bất cần ở trên.
Thứ nhất, nếu áp dụng quy chuẩn cẩn trọng dành cho tài xế xe khách thì có vẻ là tốc độ của xe trong hoàn cảnh trời mưa và sương mù là không an toàn. Vào khoảng 3 giây trước khi vụ tai nạn xảy ra, có một chiếc xe khác đi trước xe khách và đã an toàn vượt qua đoạn đường xảy ra tai nạn. Như đã nói ở trên, yếu tố hoàn cảnh đường xá có thể buộc tài xế phải đi dưới tốc độ cho phép để không vi phạm quy chuẩn cẩn trọng.
Thứ hai, xe cứu hỏa – tuy có quyền ưu tiên đi ngược đường – nhưng họ không thể lái vào đường ngược chiều với một thái độ bất cần và coi thường an toàn của những người xung quanh. Ở đây, xe cứu hỏa vốn có thể an toàn lái trước vào làn đường trong cùng, rồi từ từ tham gia giao thông sau khi quan sát rõ ràng tốc độ của các xe đang chạy trên đường ngược chiều.
Như vậy, nếu là ở Mỹ thì bồi thẩm đoàn trong một vụ án dân sự có thể sẽ cho rằng cả hai bên đều phải chịu trách nhiệm trong vụ tai nạn này.
Một điều đáng lưu ý đó là vai trò của tòa án và cơ quan tư pháp Hoa Kỳ trong việc thiết lập nên các định nghĩa pháp lý cho các quy chuẩn và khái niệm nói trên. Khi một vụ tai nạn giao thông xảy ra thì các án lệ, các vụ kiện dân sự mới là những thứ định hình các định nghĩa pháp lý, chứ người dân không chỉ trông chờ vào kết luận của cơ quan điều tra, cảnh sát.
Phán quyết của tòa án mới là nơi quyết định cuối cùng về trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét