Ảnh: Jeff Chiu/AP
Ngày 20/3/2018, đứng trước những sự kiện tiêu cực trong ngành giáo dục, từ việc phong hàm cho hơn 1000 GS, PGS, việc bắt giáo viên quỳ, việc phụ huynh tấn công thầy và sau cùng việc 600 giáo viên tại Đắk Lắk mất việc cũng như đứng trước làn sóng lên án của dư luận, báo Quân Đội Nhân Dân (QĐND) đã cho đăng bài có tựa “Những cái nhìn sai trái, lệch lạc về nền giáo dục Việt Nam”, trong đó tác giả lên án tất cả những ai có ý kiến phê phán các hiện tượng tiêu cực và kết án họ là “xuyên tạc trơ trẽn”.
Báo QĐND cho rằng đây chỉ là “một số người có cái nhìn chưa khách quan” trước những trường hợp “đơn lẻ”. Thực tình mà nói thì có lẽ rất nhiều người trong chúng ta cũng mong muốn có một cuộc thăm dò ý kiến hay một cuộc khảo sát độc lập để có một cái nhìn chính xác và khách quan, nhưng điều này là không thể. Có lẽ một cuộc khảo sát như thế sẽ phanh phui ra rất nhiều sự việc khác, rất nhiều tiêu cực khác mà nhà nước không muốn cho ai biết, và cứ ai có ý kiến trái chiều hoặc lên tiếng phê phán thì tức khác bị chụp cho cái mũ “sai trái, xuyên tạc, phủ nhận tính nhân văn và ưu việt của nền giáo dục cách mạng”.
Báo QĐND cho hay đó “đơn lẻ chỉ là một số người”, nhưng những người này đều là những nhà giáo có nhiều năm trong nghề, không hề có ý đồ chính trị, thậm chí đó là những tên tuổi lớn như Hoàng Tụy, Ngô Bảo Châu, Đặng Đình Áng, Nguyễn Tiến Dũng, Đàm Thanh Sơn… Tuy nhiên, còn hàng trăm, hàng ngàn thầy cô khác cũng như những người quan tâm đến giáo dục, các phụ huynh… nhưng vì nhiều lý do khác nhau không dám lên tiếng.
Báo QĐND cho rằng những tiêu cực gần đây chỉ là “những trường hợp đơn lẻ” thế thì cho hỏi bệnh thành tích, giả dối, việc bằng giả có phải đơn lẻ hay đã lan tràn trên khắp cả nước? Dự án 34.000 tỷ đồng cho đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa năm 2014 có thể coi là “nhỏ lẻ” được không? Bạo lực học đường: trò đánh nhau, thầy trò đánh nhau, phụ huynh đánh thầy… hiện tượng này đã có từ hồi nào và phải chăng ngày càng nhiều? 600 cô giáo bị cho thôi việc vì Uỷ ban Nhân Dân huyện đã tuyển sai suốt ba nhiệm kỳ sẽ phải xử lý thế nào? Việc mỗi cô phải chung chi 300 triệu để đứng lớp sẽ xử lý ra sao? Đây đều là những việc cực kỳ nghiêm trọng và có gì đảm bảo sẽ không tiếp diễn trong những tháng ngày tới.
Báo QĐND còn cho rằng “nền giáo dục được hầu hết người VN chấp nhận”. Thử hỏi thế tại sao trong thời gian ngắn gần đây, những chính sách giáo dục đưa ra đều bị các thầy cô phản đối kịch liệt, cụ thể là mô hình Trường học mới nhập khẩu từ Colombia (đề án VNEN), dự án nhập khẩu chương trình Phần Lan, dự án tích hợp các môn học, việc đổi mới sách giáo khoa… Đó là chưa kể đến nguyện vọng của giáo chức từ bao năm nay vẫn chưa được cứu xét như giao quyền tự chủ cho các trường, chú trọng dạy làm người hơn dạy chữ, tăng cường cơ sở vật chất, tăng lương giáo viên… vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng thì không thể nói “được hầu hết người VN chấp nhận” được.
Theo báo QĐND thì VN đang là một “điểm sáng” trên bản đồ giáo dục thế giới khi đăng cai và tổ chức thành công nhiều kỳ thi Olympic Toán, Vật Lý, Hoá học, Sinh học…” Đó là minh chứng sinh động thể hiện giáo dục Việt Nam đang chủ động hội nhập thế giới, không ngừng tiếp cận chuẩn mực giáo dục quốc tế để làm mới, làm giàu cho nền giáo dục của quốc gia mình”.
Trước tiên, tôi cũng nghĩ rằng việc các em học sinh đạt các giải cao về khoa học là một điều đáng mừng. Nhưng gọi đó là “điểm sáng trên bản đồ giáo dục thế giới” thì e rằng hơi “bị lạc quan”. Một thầy giáo đã cho rằng người học sinh đam mê các cuộc thi Olympic sẽ dành hết thời gian học của mình ở các lớp trên cho những đam mê của mình, và ngay cả nếu như cậu ta đạt được những thành tích xuất sắc, thì cái giá phải trả cũng rất lớn, bởi vì để làm được điều này, một phần của cuộc sống sáng tạo của cậu sẽ bị mất đi. Chúng ta đã nghe đến các học sinh thành danh sau khi đoạt huy chương, nhưng ít nghe nói đến những thất bại, thậm chí có em đã phải tự tử.
Rồi “làm mới, làm giàu cho nền giáo dục của quốc gia mình”, tôi thấy điều này coi bộ không đúng. Theo thầy Trần Phương, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Tài năng và là người nhiều lần dẫn dắt học sinh đi dự thi Olympic thì các em sau khi đoạt huy chương đều được gia đình lo cho đi du học và 80% đều ở lại nước ngoại phục vụ trong các công ty như Facebook, Amazon, Google, Microsoft, có nghĩa là toàn thứ “giãy chết”, thế thì “làm mới, làm giàu cho nền giáo dục của quốc gia mình” ở chỗ nào? Và cũng chính thầy Trần Phương, khi được hỏi về lời khuyên cho các nhân tài thì thầy đã trả lời tuốt tuột là “các em nên theo ngành Khoa học Máy tính, vì nó đồng hành với dòng chảy thời đại của cách mạng 4.0, các em sẽ là công dân toàn cầu, dễ được Mỹ, Anh cấp thẻ xanh và dễ đạt được thành công về khoa học và tài chính để làm cơ sở có được hạnh phúc dài lâu”.
Tôi còn nhớ hồi dạy ở ĐH Bách Khoa, tôi đã có dịp nghe một cây đại thụ của làng toán miền Nam là giáo sư Đặng Đình Áng. Ông đã chỉ trích nặng nề các cuộc thi Olympic mà ông gọi nôm na là “luyện gà chọi”. Theo ông, nó chẳng giúp ích gì cho toán học cũng như khoa học nước nhà.
Bản thân tôi cũng lấy làm vui mừng khi các em học sinh cũng như các đồng nghiệp đạt thành tựu cao, nhưng qua những nhận xét ở trên, rút cuộc tôi cũng bắt buộc thú nhận rằng những hào quang ấy không giúp ích gì nhiều cho đất nước. Có thể có người không đồng ý và cho rằng những nhân tài ấy cũng làm rạng danh nước nhà và đóng góp cho khoa học nhân loại. Tôi còn nhớ trong một buổi hội thảo về người Việt ở nước ngoài vào năm 2008 (?), nhà nước đánh giá rằng 4 tỷ USD kiều hối không quan trọng bằng hàm lượng chất xám, vậy mà 80% nhân tài và hàng chục nghìn du học sinh chọn “giẫy chết” thì không chỉ là một sự phí phạm mà rõ ràng nền giáo dục nước nhà không thể gọi là “một gam màu tươi sáng được”.
Tôi đánh giá bài viết trên báo QĐND chỉ có tác dụng chữa cháy kiểu VN là đứng xa xa dùng cái ca múc nước để dập một trận hỏa hoạn dữ dội. Tôi có thể nói như thế khi căn cứ vào các sự kiện đã được đề cập trên báo chí và đặc biệt là theo dõi các lời nhận xét của người đọc. Phải nói là tuyệt đại đa số họ đều có cái nhìn mà theo báo QĐND là “một màu đen xám xịt”. Chắc chắn trong số này có nhiều người là đảng viên, là công nhân viên, là những người có một đời sống tương đối khá giả và có ý tưởng bênh vực chế độ, nhưng mọi người đều có một nhận xét chung về “cái gam màu xám xịt” của nền giáo dục nước nhà.
Thiết nghĩ giới lãnh đạo nói chung và giới lãnh đạo giáo dục và báo QĐND nên tìm ra các luận cứ nào chắc chắn và khả tín hơn chứ cứ chữa cháy kiểu này thì thật là phản tác dụng và chỉ góp phần đưa nền giáo dục ngày một xấu đi.