Chủ Nhật, 25 tháng 3, 2018

1581 - Luật là … Tao!



Hôm qua, báo Tiếng Dân có đăng bài của tác giả Linh Quang: Lãnh đạo CSGT (PC67) Công an TP.HCM bao che cho Trung úy Võ Thành Tâm nói về vụ một trung úy CSGT không công nhận bằng lái quốc tế của ông Vũ Thanh Tùng, một người Đức gốc Việt. Bài viết cũng dẫn link đến các video clip, ghi lại cuộc tranh cãi giữa ông Tùng và viên sĩ quan CSGT với thái độ hống hách, lý luận cùn, của viên cảnh sát này.
Trong bài viết trên báo Tiếng Dân, bức ảnh thứ hai cho thấy ông Tùng đã xuất trình đầy đủ giấy tờ, gồm có bằng lái quốc tế màu xám, hình dạng như một cuốn sổ nhỏ, mỏng có giá trị đến ngày 14.04.2018, do quận Mettmann, thành phố Düsseldorf, tiểu bang Nordrhein-Westfallen cấp ngày 14.04.2015. Theo luật của Đức bằng lái quốc tế này có giá trị 3 năm.
Ngay bên dưới là bằng lái quốc nội của ông Vũ Thanh Tùng dùng trong Liên Âu. Bằng lái quốc nội nằm đè lên thông hành (Reise Pass) của Ông Tùng.
Việt Nam gia nhập hiệp ước Wienner về Giao Thông Đường Phố năm 2014. Hiệp ước này khởi thủy được bàn thảo ở phiên họp của Liên Hiệp Quốc từ ngày 07.10 đến 08.11.1968. Hiệp ước được ký kết sau đó, quy định về những luật lệ giao thông căn bản, các ký hiệu trên đường phố, được tu chỉnh nhiều lần để thống nhất về các ký hiệu giao thông và một số thỏa thuận về bằng lái xe. Sự thay đổi cuối cùng có hiệu lực vào ngày 23.04.2016.
Bằng lái nội địa của ông Vũ Thanh Tùng trong video clip cho thấy, đó là bằng lái chính thức của chính phủ Đức cấp cho mọi công dân đã thi đậu lý thuyết, thực hành về lái xe trên đường phố, là bằng lái quốc tế. Bằng này có giá trị trong 28 nước thuộc Liên Minh Âu Châu (EU). Một số nước khác ngoài EU công nhận bằng lái này trong một thời hạn khi “chính chủ” là du khách như Mỹ, Canada, Mexico…
Tôi không biết luật giao thông ở VN quy định như thế nào về bằng lái quốc tế và bằng lái của EU, bởi cho dù có gia nhập hiệp ước Wienner 1968 đi nữa, việc áp dụng đúng những điều khoản trong hiệp ước vẫn lệ thuộc vào sự giải thích tùy tiện (theo sự hiểu biết về công pháp quốc tế của nhân viên thừa hành) của các nước đã ký, nhất là đối với các nước độc tài, cộng sản.
Sự đòi hỏi của trung úy CSGT Võ Thành Tâm, ngoài bằng lái quốc tế do Đức cấp phát, ông Tùng phải có thêm bằng lái trong nước của Đức nữa mới đủ điều kiện để lái ở Việt Nam không sai. Tuy nhiên ông trung úy cảnh sát Tâm không biết rằng cái thẻ plastic nhỏ giống như credit card ông đang cầm trên tay chính là bằng lái nội địa của Đức, hoặc có thể ông biết nhưng giả vờ ngu dốt để chứng minh rằng công an có quyền làm tất cả những gì mình thích bởi… Luật Là Tao.
Bởi vì nếu ông Tùng về Đức để xin cấp một bằng (chỉ dùng lái) trong nước, chắc chắn nhân viên thừa hành sẽ chỉ đường cho ông tới… nhà thương điên.



Bằng lái xe của một người dân sống ở Đức, có giá trị ở 28 nước trong Liên minh châu Âu.

Theo sự hiểu biết hạn hẹp của người viết, chính phủ Đức đã ra sắc luật yêu cầu người dân Đức đổi bằng lái mới. Tất cả các bằng lái được cấp từ 2013 trở về trước (nếu không theo mẫu mã hiện hành) sẽ phải đổi lại, qua hình thức thống nhất trong 28 quốc gia EU (EU- Führerschein) với kích thước của một thẻ tín dụng (credit card). Thời hạn chấm dứt để đổi là ngày 19.01.2033.
Sau khi đổi, bằng lái cũ sẽ không còn giá trị nữa, sẽ bị tiêu hủy, cắt góc nếu “chính chủ” muốn giữ làm kỷ niệm, vài trăm năm sau có thể đem bán đấu giá, kiếm tiền uống bia lai rai.
Vụ lùm xùm về bằng lái này được loan truyền trên mạng xã hội rộng rãi qua một video. Thượng cấp của “ngài trung úy” là thượng tá Trần Văn Thương lập tức họp báo, bênh vực thuộc cấp, tuyên bố tỉnh… như ruồi:
“Trung úy Võ Thành Tâm cương quyết xử lý bằng hình thức tạm giữ xe ô tô của Việt kiều Đức là đúng, vì ‘ngoài giấy phép lái xe quốc tế ra, thì phải có thêm một giấy phép lái xe của quốc gia kèm theo, thì mới hội đủ điều kiện để điều khiển xe lưu thông’, nhưng trong thời điểm kiểm tra, ông Vũ Thanh Tùng chỉ xuất trình bằng lái quốc tế, mà không xuất trình được bằng lái của quốc gia (tức là bằng lái của CHLB Đức), cho nên ‘đồng chí Võ Thành Tâm đã tiến hành lập biên bản và tạm giữ phương tiện cùng giấy chứng nhận đăng ký xe theo qui định’.”



Thượng tá Trần Văn Thương, Phó trưởng phòng CSGT (PC67) Công an TP.HCM. Ảnh: internet

Trong khi đó, nhiều ý kiến bình luận trên Facebook, chửi rủa “ngài trung úy” Võ Thành Tâm và thượng tá Trần Văn Thương là NGU. Tuy nhiên cũng có một vài người “ráng” ra sức bênh vực công an như ý kiến sau đây của nick Lê Thế Bình, trong bài báo trên Tiếng Dân: “Bạn nhầm rồi , bằng lx quốc tế + bằng quốc nội của nước họ nữa mới có giá trị trên tất cả các nước tham gia công ước Viena 1968 !”. Hai cái bằng lái sờ sờ ra đó còn nhầm, cãi gì nữa?
Một ý kiến khác được trích dẫn trên facebook của luật sư Nguyễn Hữu Thống, đăng trong bài viết: “KIẾN NGHỊ: cần đuổi cổ ngay thằng này ra khỏi ngành và đăng tải lên tất cả các cơ quan truyền thông, báo chí, với mục đích cho chính phủ Đức và khối EU cũng như thế giới nhìn thấy sự cương quyết loại bỏ những thành phần xấu xa này, nhầm lấy lại tiếng thơm, niềm tin cho ngành”.
Hóa ra dân VN ta gần 73 năm dưới chế độ CS vẫn không nhìn ra được thực chất của vấn đề. Phải thấy rõ ràng rằng, trung úy Võ Thành Tâm, thượng tá Trần Văn Thương không hề NGU. Họ làm viêc, hành xử có nguyên tắc, có chủ trương, đường lối rõ rệt.
Chỉ có những người ngây thơ, nhẹ dạ, không hiểu cộng sản là gì mới chửi rủa, phê phán, chỉ trích Võ Thành Tâm, Trần Văn Thương là NGU.
Tác phong, cách hành xử trong lúc làm việc của Võ Thành Tâm, những lời bênh vực thuộc cấp của Trần Văn Thương nói lên bản chất của đa số công an, cảnh sát nói riêng, của cán bộ, đảng viên cộng sản nói chung khi tiếp xúc với dân bởi vì Luât Là Tao.
Võ Thành Tâm đã đánh hơi được Vũ Thanh Tùng là con mòng béo. Chỉ có thế. Ít nhiều gì Tùng cũng phải chi bộn bạc mới lấy xe ra được. Còn mong mạng xã hội hay tòa lãnh sự Đức ở Sài Gòn giúp ích gì cho mình trong vụ này ư? Cứ mà nằm mơ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét