Làm Thầy (chưa nói đến chính học trò đang là nạn nhân ở ngay trước mặt) khi chứng kiến cảnh “công an nhân dân” bắt người vô cớ và thẳng tay đánh đập, nhục mạ hàng trăm người vô tội thuộc đủ mọi thành phần tại trại tra khảo dã chiến Tao Đàn, Tp HCM, hôm 17/6/2018 như thế mà không dám phản ứng, không dám nói thẳng được đôi lời thì có là Thầy, là Trí thức hay không?
Cứ cho là ông Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn và ông Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông của trường (là nhân chứng) cùng có chung lập trường “chống bọn phản động” đi nữa thì việc hai ông im lặng trước tội ác bạo lực của công an là đương nhiên đồng lõa. Với học hàm học vị cao như thế, mà 2 ông làm ngơ trước tiếng kêu gào gần như tuyệt vọng của cô học trò đang gặp nạn thì trường sẽ “giáo dục và đào tạo” ra những ai?
Mở đầu thư ngỏ trên Facebook của em Trương Thị Hà là 4 chữ “Thầy Hạ kính mến” và văn phong thư ngỏ thật lễ phép, cho dù nội dung rất đắng chát, tự nó đã chứng tỏ tư cách cá nhân em. Em đúng là một học trò giỏi và ngoan. Tinh tế trong nhận xét và vẫn lễ độ với thầy. Đại học ở các nước phương Tây rất trân quý những sinh viên như em. Vì đó là nền tảng của Tự do. Nhưng liệu rồi “thầy” của em có trả lời hay không? Nếu không, thì sẽ thêm một chuyện “khôi hài ứa nước mắt” cho ngành giáo dục!
Vì khi trò hỏi mà thầy không trả lời, hoặc không dám trả lời thì tự nó sẽ nói lên tất cả. Ở đây, còn có thêm nhân chứng là Trưởng phòng Truyền thông của trường. Liệu trường có dám “truyền thông” sự việc nầy để công luận phán xét?
Là lớp trưởng của “lớp học chăm chỉ nhất, đoàn kết nhất và có thành tích học tập cao nhất khóa học” thì ông Hạ cũng như ông Nam không thể không biết em Trương Thị Hà. Không thể không biết tư cách của học sinh Lớp trưởng lớp 17/2, khóa 2017 – 2020. Thế nhưng khi nghe công an mắng là “con điếm”, “con đĩ”, “con phản động”, “bị đuổi học” và công an 2 còn dữ dội hơn “Loại này làm đĩ, làm điếm, chứ Lớp trưởng gì. Tao khinh!” mà 2 “thầy” cũng im lặng thì đấy không phải là cái tát vô mặt cô học trò mà tát thẳng vô mặt 2 ông “thầy” ngay tại chỗ. Thế nhưng, 2 “thầy” vẫn im lặng. “Đức im lặng” của 2 “thầy” đạt đến đỉnh như thế thì quả thật là phi thường!
Đến lúc quá căng thẳng, học trò thống thiết van xin “thầy” gọi giúp luật sư “Thầy chỉ cần thông báo cho các Luật sư của em thôi, chỉ cần vậy thôi, thầy ơi. Em sẽ biết ơn thầy suốt đời ạ”. Và “thầy” trả lời: “Thầy không biết về luật”?
Vâng, bây giờ và mãi về sau “Em sẽ biết ơn thầy suốt đời ạ”! Biết ơn vì nhờ cú va đập trực tiếp giữa tình nghĩa thầy/trò thời nay, nói rộng hơn là trí thức XHCN, để em (và thế hệ em) thấy rõ bản chất của chế độ!
Chính nhờ cú va đập nầy sẽ cứu em ra khỏi sự băng hoại đạo đức của xã hội đã rơi xuống tận đáy và cũng là đầm lầy nhân cách XHCN để vươn lên đứng thẳng làm người!
Rất tiếc lúc đó không ai có thể còn giữ được iphone để chụp ảnh nét mặt của 2 “thầy”, chờ đến “ngày thầy giáo” hàng năm, sẽ gửi kèm ảnh đó với bó hoa chúc mừng (!)
Với cháu Trương Thị Hà, trước cháu đã có Nguyễn Phương Uyên, người vượt qua nỗi sợ hãi khi đứng vững được giữa Tòa Án Nhân Dân mấy năm trước vì họ kết án Phương Uyên tội đã viết “Đi chết đi CSVN” bằng máu! Hôm nay cháu đang trực diện với 2 “thầy” của trường cháu đang theo học và cũng là sự trực diện của học sinh với với hệ thống trường đại học để thấy rõ 2 thầy của cháu chỉ là “nhà dáo” cho một chế độ bán nước không hơn không kém. Còn cháu, vô tình trở thành một nhà giáo Nhân văn, nói được tiếng nói của lương tâm!
Sẽ không có mấy “thầy” XHCN nào có thể trả lời được những điều cháu vừa kể ngoại trừ chính cháu và thế hệ trẻ người VN yêu nước!
_____
Ghi chú: Bài viết của cô Trương Thị Hà đăng trên Facebook vài tiếng thì bị gỡ bỏ. Tiếng Dân đã đăng lại tại đây: Em đau vì thầy lặng im trước hành vi chà đạp nhân phẩm của công an.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét