Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

3825 - Cụ Tổng hay câu chuyện nhà Golden?

Ánh Liên


Tổng bí thư Đảng Cộng sản VN Nguyễn Phú Trọng được truyền thông nhà nước ca ngợi là 'Người đốt lò vĩ đại', một số khác gọi ông là 'Người cộng sản cuối cùng' vì những chỉ đạo và hành vi gộc giáo điều.

Tuy nhiên, khi HN T.Ư 7 kết thúc, dư luận nhận ra ông Tổng Bí thư dù sao cũng là một cá nhân, và thực tế ông đã già. Những giả thuyết hay luận thuyết âm mưa trong một nền chính trị không minh bạch với sự 'ngã ng8x' của nhân vật này và sự đi lên của nhân vật kia đổ vỡ, và tất cả trả về 0.


Công cuộc chống tham nhũng một thời với lời ví von 'cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy' hay thậm chí 'chống tham nhũng, ai nhụt chí thì dẹp sang một bên', thậm chí còn bạo hơn với quan điểm kông có 'vùng cấm' trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhưng khi sự 'phấn khởi, hồ hởi, thúc đẩy' không đáp lại như kỳ vọng, thì cụ Tổng lại bày tỏ mong muốn nhận được sự cảm thông từ nhân dân, bởi 'kê khai tài sản cán bộ là vấn đề rất khó, nhạy cảm'. Ở ngưỡng quan điểm này, dường như ông Tổng dọn đường cho sự khuất từ yêu cầu của lời kêu gọi 'công khai tài sản' của các vị trí thức và lão thành cách mạng trước đó.

Dư luận lờ mờ nhận ra, người cộng sản được coi là cương trực có gì đó lờ mờ, khuất tất, và bất nhất.

TBT Nguyễn Phú Trọng.
Tiếp đó, người đứng đầu ĐCSVN một thời từng coi Cương lĩnh đảng trên Hiến pháp, sau dần mong muốn 'phải nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp'; tiếp đó lại nhắc nhở (hay chỉ đạo): cán bộ lãnh đạo các cấp phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật. Nghĩa là thay vì sử dụng bộ khung tối cao trong điều chỉnh hành vi cán bộ là 'Cương lĩnh đảng' thì nay, cụ Tổng lại nhờ cậy vào yếu tố thứ cấp là Hiến pháp và pháp luật. Điều này có phải là một sự 'mâu thuẫn' nội tại, hay bản thân cụ Tổng Bí thư đã lúng túng trước đường hướng xây dựng lại đảng đi kèm với chống nội xâm do chính đảng tạo ra? (*)

Trong sự lúng túng đó, cụ Tổng lại trở về giá trị Cộng sản xưa với quan điểm 'Cán bộ lãnh đạo các cấp phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật' hay 'công quyền là vì dân cho nên không được mảy may vì riêng tư'. Thực ra, cụ Tổng cũng nhại lại quan điểm xưa thời ông cụ Hồ Chí Minh, nhưng cái thời kỳ đó tính liêm chính còn tồn tại, lập trường và quan điểm cách mạng còn sở hữu mạnh, một Trần Dụ Châu làm Cục trưởng Cục Quân nhu Quân đội Nhân dân Việt Nam vì tham nhũng mà y án tử hình. Trong khi đó, trong mắt cụ Tổng, pháp luật phải kèm tính nhân văn, mà nhân văn là để 'đồng chí' mình biết sửa sai; và bối cảnh lúc này lại là tham nhũng một cách tràn làn, chứ không còn ở mức hiện tượng như xưa. Do đó, học tập xưa của cụ Tổng chỉ là học tập cái hình thức ngôn từ, còn bản chất hành vi kèm theo dường như là một khoảng cách còn rất xa.

Thế nên, dư luận sau những ngày thăng hoa với chiến dịch đốt lò, nay dường như nghi ngờ về đường hướng và phương pháp chỉ đạo chống tham nhũng của cụ Tổng. Khi cụ Tổng chỉ đạo 'chống tham nhũng cần tất cả phải nhất trí và đồng lòng' thì đồng nghĩa chống tham nhũng đang đi vào ngõ cuộc. Lý do rất đơn giản: nội bộ những người cộng sản hình thức hiện thời không ít thì nhiều đều tham nhũng, đặc biệt là tham nhũng quyền lực. Cuộc chiến chống tham nhũng giờ đây không nằm ở 'nhất trí, đồng lòng' ở các cán bộ đảng viên; mà nó phải nằm ở sự 'trao quyền chống tham nhũng' cho người dân.

Một Facebooker nêu lên cách thức chống tham nhũng hiệu quả đó là: ban hành luật biểu tình; thực thi luật trưng cầu dân ý; trả lại quyền giám sát tối cao của quốc hội; tự kê khai tài sản cá nhân. Đấy mới là những phương thức gốc gác để triệt tiêu vấn đề tham nhũng. Và dĩ nhiên, tính làm gương luôn cần thiết bằng với việc cụ Tổng công khai tài sản cá nhân trước bàn dân thiên hạ. Thế nhưng cho đến nay, cụ Tổng vẫn lờ đi cái 'Thư Yêu Cầu Công Khai Bản Kê Khai Tài Sản', do 70 người ký tên đấy.

Cụ Tổng một mình chống mafia nên không thể công khai? Tuổi già nên khiến cụ đãng trí trong chỉ đạo? Cụ đang lúng túng đứng giữa sự kiên trung giữ gìn chế độ như một người cộng sản với nghĩa vụ của một đảng viên chống tham nhũng do chính đảng tạo ra?... 

Tất cả vẫn chưa có một câu trả lời chính đáng, nhưng dường như sự già cả và uy tín cụ Tổng đang đi xuống. Và dù bản thân người viết có cảm tình với cụ trong sự quyết liệt chống tham nhũng thế nào đi chăng nữa, thì câu chuyện cụ Tổng với những chỉ đạo bất nhất có phần giống như câu chuyện Nhà Golden (tiểu thuyết của tác gia Salman Rushdie): Vào thời suy đồi này, người ta chỉ biết gồng mình hợm hĩnh với tư lợi – những kẻ khoa trương rỗng tuếch không biết giới hạn là gì miễn có lợi cho những mục đích vặt vãnh – chúng sẽ tự xưng là lãnh tụ và ân nhân vĩ đại, ra tay vì đại nghĩa, và gọi tất cả những ai chống lại là đồ nói láo, đồ ganh tị hèn hạ, đồ ngu, đồ đơ, và – đảo ngược hẳn sự thật – gọi họ là đồ bất lương, thối nát.'

Ấy là khi cụ gọi những người thay đổi Hiến pháp 2013 là 'suy thoái đạo đức'.

Ấy là khi cụ gọi những người biểu tình bị bắt là 'bất hảo cả'.

Ấy là khi cụ gọi những người bàn về tam quyền phân lập, xã hội dân sự là 'tự diễn biến, tự chuyển hoá'.

Vâng vâng, và vâng vâng!!!

Và cụ gọi những tham quan là 'đồng chí', 'đảng viên ĐCSVN', và ứng xử họ bằng luật nhưng nhân văn.

Ghi chú:


(*) Có lúc nào, cụ Tổng nghĩ về sự hợp nhất giữa Hiến pháp trong cương lĩnh và cương lĩnh trong Hiến pháp bằng một Bộ luật về Đảng, như tác giả Trúc Giang trên Việt Nam Thời Báo đã chỉ ra, bởi chỉ có như vậy thì cụ mới thực sự bớt 'lúng túng' trong khâu xử lý và chỉ đạo của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét