Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

3822 - Nữ nhà báo “cách mạng” viết về Thủ Thiêm và Bí thư Nguyễn Thiện Nhân


Nhân ngày “Nhà báo CM Việt Nam 21.6.2018”, tôi cũng muốn góp kể đôi chuyện về nhà báo. Chuyện hay thì ít, chuyện buồn nhiều. Kể sao cho xiết. 

Nhân đọc bài bình luận của nhà báo Ánh Liên trên VNTB về câu nói độc đáo của ông Nguyễn Thiện Nhân “'Tôi nói giọng bắc, nhưng tôi người nam' trong cuộc gặp gỡ Thủ Thiêm 21.6, ông (bà?)  Liên dẫn nguồn đài BBC và băn khoăn rằng “Câu nói trên được BBC Việt ngữ dẫn lại từ báo Tuổi Trẻ, nhưng vẫn cần thêm sự kiểm chứng tính chính xác của nó về mặt có hay không, và trong ngữ cảnh nào”. 

Chưa biết nhà báo Ánh Liên sẽ “kiểm chứng tính chính xác” bằng cách nào khi ông băn khoăn chưa hắn tin cậy báo Tuổi Trẻ hoặc chưa tin đài BBC. Tôi xin dẫn ra một nguồn tin chính xác giúp củng cố cơ sở bình luận sâu sắc của ông.


Một người dân Thủ Thiêm trong đợt tiếp xúc với lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh.
Theo tôi, trang FB của một nhà báo Tuổi Trẻ trực tiếp đi dự buổi Nguyễn Thiện Nhân gặp dân Thủ Thiêm là một nguồn đáng tin cậy. Có thể FB tin cậy hơn bài đăng trên báo chính thống. Nhiều người bạn kết nối friends nổi tiếng của Hương Quỳnh giúp tôi xác nhận đây không phải trang FB giả mạo. Tôi xin dẫn lại để giúp nhà báo Ánh Liên không còn băn khoăn. 

Trước hết để hình dung một nét phác thảo chân dung tinh thần nhà báo, chúng ta có thể đọc bài thơ cô thích vào ngày 15 tháng 6, ngày biểu tình bị trấn áp bi thảm ở Sài Gòn mà cô đã linh tính trực cảm thấy khi nó sắp xảy ra. 

Một bài thơ “lẩy Chế Lan Viên” có vẻ già trước tuổi, tuy thích hợp cảnh và tình, xác thơ họ Chế, hồn thơ nhà báo đương đại. Nhà báo vốn dựa vào sự kiện, vậy mà có lúc phải tựa vào thi ca để sống.

Một nhà báo “cách mạng” còn trẻ mà đã sớm nhận ra thân phận của mình:

“Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp
Giấc mơ con đè nát cuộc đời con
Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp
Một mái nhà yên rủ bóng xuống tâm hồn.

Trăm cơn mơ không chống nổi một đêm dày
Ta đành mặc cho mưa tuôn và gió thổi
Lòng ta thành con rối
Cho cuộc đời giật dây...”

Bạn đọc đã coi tường thuật trên báo Tuổi Trẻ về cuộc gặp Nguyễn Thiện Nhân – dân Thủ Thiêm. Tất nhiên bài báo được viết cẩn thận và biên tập kỹ. Dù thế nào thì nó vẫn chưa trung thực như nhật ký FB không bị kiểm duyệt của một nữ nhà báo. Nhà báo Hương Quỳnh cũng đi gặp gỡ bí thư Nguyễn Thiện Nhân tuy không được phân công viết bài. Vậy thì cô viết FB, tờ báo của riêng cô.


Ở Thủ Thiêm làm gì có ai quan tâm đến 21-6. Đúng thế. Nhưng ngày 20-6, giữa những bức xúc Thủ Thiêm lại nghe được, ngẫm được về nghề báo.

Ngồi ở hàng ghế phía trên giữa những người phụ nữ trên tay trĩu nặng chồng đơn từ, hồ sơ, phía trước là một hàng ngang những anh nhà báo lăm lăm máy ảnh, máy quay phim, mình nghe: “Đám nhà báo này đông quá, chắn chỗ, không thấy đường...", “Cả chục năm, mỗi lần xảy ra cưỡng chế lại gọi nhà báo, mà có mấy ai xuống đâu. Có người xuống rồi về cũng không thấy đăng…”, “Nhà báo nào có đèn xanh cho đăng mới đăng được. Bữa trước có ông nào cho đèn xanh, đăng quá trời mấy ngày rồi lại im…”,“Nay tiếp xúc, chắc đăng ngày nay ngày mai nữa rồi lại thôi…”...

Ngồi nghe. Im lặng. Cay đắng. Vâng, đúng thế. Nghề này ở xứ này, “Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao"...

Một người đanh thép: “Chúng tôi đi khiếu nại không đặt nặng vấn đề vật chất mà mong những sai phạm đến mức tội ác ở đây phải được làm rõ. Thế lực này mạnh lắm, mạnh hơn bà đại biểu Quốc hội kiêm phó Bí thư nên không nên trách bà. Thế lực này bao năm điều khiển được chính quyền, điều khiển được toà án, bịt miệng được báo chí. Cho đến tận hôm nay vẫn điều khiển được báo chí chứng tỏ vẫn còn rất mạnh…”.

Ngồi nghe. Im lặng. Chua chát. Vâng, đúng thế. Nghề này ở xứ này, đôi khi chỉ để giữ im lặng không nghiêng bút về phía thế lực nào đó cũng đã là quá khó.

Ngồi nghe. Dưới kia cô Loan như điên như dại từng cơn khi thấy người đã từng ra lệnh đập nhà cô, cưỡng chế chiếc giường và tấm bạt cuối cùng căng trên đống xà bần, đang chễm chệ ngồi đó. Phải nhăn mặt vì không khí hội trường chốc chốc lại náo loạn nhưng cũng phải nhăn mặt vì thương. Mười mấy năm vùi trong khiếu nại, không ít người Thủ Thiêm đã không còn giữ được trạng thái tâm lý bình thường. Nghĩ đến sứ mệnh của “nhà báo cách mạng” bảo vệ người yếu thế mà cũng phải nhăn mặt.

Ngồi nghe. Thế rồi nghĩ đến cái còn lại ở Thủ Thiêm sau khi đã mất gần như tất cả: ấy là người dân. Những người dân vẫn lương thiện dù bị đẩy vào đường cùng mất nhà cửa, tài sản, sinh kế. Người dân xoay xở đổi nghề: lái xe, buôn bán, làm thuê, lầm lũi trong khu nhà tạm cư không đủ tiêu chuẩn sống, chắt chiu từng đồng theo đuổi cuộc khiếu nại. Người dân giận hờn tức uất, nói “Không tin ai cả" nhưng rồi lại vẫn kiên nhẫn trình bày, kiên nhẫn gửi đơn, kiên nhẫn chờ đợi… Dân vẫn còn đã là quá nhiều.

Ngồi nghe. Ông Bí thư Nguyễn Thiện Nhân rất chân thành kể về chuyến thăm Thủ Thiêm lần thứ nhất của ông, lặp đi lặp lại “Tôi không có gạt bà con". Một người đứng lên: “Tôi thấy lời hứa của ông còn tư duy nhiệm kỳ. Ông chỉ còn hai năm mà lại bảo giải quyết cho tất cả dân Thủ Thiêm còn cần thời gian dài...”. Ông Bí thư có vẻ giận nhưng vẫn kiên nhẫn lặp lại, nhấn mạnh: “Tôi không gạt bà con... Tôi nói giọng Bắc nhưng là người miền Nam...”. Nghe giọng ông thật thà. Chợt vui. Cuối cùng mình cũng góp được một giọt nước nào đó để xoa dịu Thủ Thiêm. (…)

Ngồi nghe. Cuối ngày mấy đồng nghiệp mệt mỏi xếp máy tính và quay sang tự chúc nhau ngày 21-6. Mình không thích nhắc đến ngày này là ngày báo chí, nhất lại là báo chí cách mạng. Những gì bà con Thủ Thiêm nói đến nhà báo đã đủ cay đắng. Tôn vinh giá trị thì quan trọng hơn việc kỷ niệm ngày thành lập một tờ báo nào đó, dù có là tờ báo đầu tiên hay không… Vậy thì, giá trị nào của 21-6?

Tất nhiên là giá trị của báo chí. Nghề này ở xứ này. Khi nào thì 21-6 được gọi là Ngày Sự thật Việt Nam?"

Kết

Trên mạng xã hội một tuần qua, danh ngôn “nói giọng bắc nhưng là người miền Nam” cuả bí thư Nguyễn Thiện Nhân được lan truyền. Bình luận khá rôm rả. Hai chều trái ngược. Có người bảo, đó là nghệ thuật cắt xén lắp ghép để chia rẽ kỳ thị dân tộc. Có người khẳng định đó là sự thật.

Tôi biết các vị lãnh đaọ cao cấp khá thận trọng khi phát ngôn chính thức trước hội nghị. Họ có đội ngũ trợ lý, thư ký hùng hậu soạn sẵn văn bản, phê duyệt cẩn thận. Như ông Nguyễn Xuân Thắng giám đốc Học viện chính trị quốc gia HCM có sẵn một Ban chuyên môn soạn diễn văn để ông khỏi bị hớ khi phát biểu dịp lễ lạt. Nói gì đến các uỷ viên BCT như ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thiện Nhân… Ngoại trừ khi các ông đi gặp gỡ trực tiếp cử tri hay dân oan. Câu hỏi của dân bật ra tại chỗ, các ông không có thời gian cho thư ký chuẩn bị. Vì thế các ông nói luôn theo tiềm thức. Mặt khác các ông muốn tỏ ra thân mật gần gũi, nên ưa nói nôm na dễ hiểu. Như ông Nguyễn Phú Trọng trả lời cử tri chất vấn về chuyện tịch thu tài sản tham nhũng, ông nói “đó là ta đánh ta, khó lắm” rồi lại “đó là chuyện nhạy cảm”. Nói xong về nhà chắc các ông sẽ hối hận. VÌ ột chính khách không thể phát ngôn tuỳ tiện như vậy dù nó là sự thật.

Trở lại phát ngôn của ông Nguyễn Thiện Nhân. Mặc dù dẫn chứng nhân chứng sống là nhà báo Hương Quỳnh đi tác nghiệp ghi chép lại, tôi vốn đã khẳng định từ trước. Đã hơn một lần ông Nhân nói điều này gần tương tự. Khi tiếp xúc dân oan Thủ Thiêm, ông Nhân cảm thấy gần gũi và thoải mái để tâm sự. Có thể, ông vô tình cảm xúc trút ra điều ấp ủ bấy lâu về những đồng chí “nói giọng bắc” của ông. Mặt khác có lẽ ông dự đoán ẩn ức của bà con Thủ Thiêm mà nói đón lõng để lấy lòng tin của bà con. Nếu quả thật trong tâm ông Nhân nghĩ vậy thì quả là biểu lộ một sự rạn vỡ khó lành của giàn lãnh đạo cao cấp. Chẳng phải sự phân biệt kỳ thị của dân gian sau hơn 4 chục năm đất nước thống nhất, như một số ý kiến phản bác trên mạng xã hội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét