Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2018

3645 - Trung tâm thương mại "ma" giữa lòng Bangkok


Getty ImagesBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES

Nằm bên rìa khu Phố Tàu lúc nào cũng nhộn nhịp ở Bangkok, ít ai để ý thấy giữa những sợi dây điện thòng xuống bắc ngang qua thành phố như mạng nhện và những tiệm ăn vỉa hè đầy màu sắc với những món trang trí lấp lánh rẻ tiền là thương xá Nightingale Olympic, nơi từng là một trung tâm bán lẻ và biểu tượng tinh thần cho cả khu vực trong gần chín thập niên.

Dù đã bị lãng quên, tòa nhà kỳ quặc nhiều tầng chia ô đã trở thành tượng đài lịch sử của chính nó và với người phụ nữ đang giữ hồn cho nơi này.

Courtney LichtermanBản quyền hình ảnhCOURTNEY LICHTERMAN
Image captionAroon Niyomvanich đã làm việc tại thương xá Nightingale Olympic được 86 năm, nơi bà bắt đầu công việc từ năm 10 tuổi

Giờ đây đã 96 tuổi, Aroon Niyomvanich bắt đầu công việc của bà tại Thương xá Nightingale Olympic, trung tâm thương mại lớn đầu tiên trong thành phố, khi bà mới 10 tuổi. "Tôi được sinh ra trong một cửa hàng," bà nói với tôi từ góc bàn làm việc tại sảnh bán hàng chính.
Bên trong, trung tâm thương mại Nightingale Olympic giống như một bảo tàng sống hơn là một tòa nhà thương mại - một bộ phim của Wes Anderson trong đời thực. Các kệ hàng đầy những món đồ dệt kim còn nguyên trong hộp nằm đối diện với những chiếc vợt tennis căng lưới từ thời thập niên 1970.
Ở khu vực đồ lót, những chiếc áo ngực lớn từ chất liệu đăng ten treo hờ hững trên đám móc quần áo han gỉ, có vẻ như được giữ thẳng đứng bằng một quả cân tạm thời trong một túi sản phẩm khuyến mãi của trung tâm Nightingale từ thập niên 1960. Các tủ trưng bày hàng vàng ố qua năm tháng vẫn còn chưng những chai nước hoa hiếm đã bay hơi từ các hãng như Schiaparelli hay Christian Dior. Nhiều vết nứt rạn rất sâu đang dần lan ra trên cổ con mannequin trong cửa hàng, và hàng hóa trong tiệm như thể sẽ tan thành bụi cát nếu người ta chạm phải.
Tủ kính sau bàn làm việc của bà Niyomvanich để lẫn lộn nhiều món đồ khác nhau, từ ảnh chụp gia đình, huy chương thể thao, đến một bộ sưu tập nhỏ các nhân vật trong phim hành động. Một cuộn lịch mở đến trang nhà vua Vajiralongkorn, một trong rất nhiều hình ảnh của Hoàng gia Thái xung quanh cửa hàng, treo nổi bật trên tường. "Mọi thứ ở đây đều có ý nghĩa," bà nói.



Napittha TiyaBản quyền hình ảnhNAPITTHA TIYA
Image captionNgày nay, trung tâm thương mại Nightingale Olympic trông như một bảo tàng sống hơn là một trung tâm thương mại

Mở cửa vào năm 1930, với vị trí ban đầu ở bên đường đối diện, Nightingale Olympic là một dự án đầy tham vọng của Nat, anh trai bà Niyomvanich. Ông bắt đầu việc kinh doanh sau khi cha mẹ qua đời. Nghe theo lời trăng trối của mẹ bên giường bệnh là phải giữ cho gia đình luôn bên nhau, vị doanh nhân đã thuê tất cả sáu anh chị em và 3 người cháu gái và cháu trai nhỏ tuổi để gầy dựng trung tâm thương mại. Là một trong hàng triệu gia đình người Trung Quốc sống ở Thái Lan, gia đình họ là "gia đình Trung Hoa kiểu mẫu," thbà Niyomvanich giải thích, có nghĩa là "không tranh cãi không đấu đá", một quy tắc khiến bà cảm thấy luôn có trách nhiệm trực tiếp phải duy trì sự thịnh vượng của cửa hàng.
Ban đầu cửa hàng bán các loại mỹ phẩm và quần áo mà người mua có thể trả giá, cho đến khi khách hàng đề nghị gia đình nên bán thêm các mặt hàng cao cấp hơn. Đề nghị đó dẫn đến những chuyến đánh hàng từ Châu u mua nước hoa đắt tiền, dụng cụ thể thao, và nhạc cụ. (Tên của cửa hàng tự nó cũng là sự gợi nhắc cho những chuyến đi đầu tiên: "Nightingale" là tên một trong những nhãn hiệu nhạc cụ, "Olympic" là tên từ một nhãn hàng dụng cụ thể thao). Dù còn nhỏ, bà Niyomvanich đã luôn có mặt trong mọi hoạt động của nơi này; bà du lịch khắp thế giới với anh trai để tìm mua những món hàng hóa có thể duy trì danh tiếng của trung tâm là nơi lý tưởng để tìm những món hàng ngoại nhập.
Nhiều năm sau, trong thập niên 1930 hoặc đầu 1940 (bà không nhớ rõ lắm), Niyomvanich và anh trai được Merle Norman, một thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng đương thời, chọn làm đại diện ở Thái Lan. Thương vụ trở thành một hợp đồng lớn, dẫn đến việc anh trai bà và bà trở thành chuyển từ vai trò đại diện thương hiệu sang huấn luyện kinh doanh.
Buộc phải tái định cư sau khi khu vực này bị đánh bom trong Thế Chiến thứ Hai, cửa hàng cuối cùng dọn về vị trí như bây giờ - một tòa nhà bảy tầng nơi bà Niyomvanich không chỉ làm việc, mà sống luôn tại đây. Chỉ có tầng một và hai của tòa nhà mở cửa cho khách, 5 tầng còn lại là văn phòng, nhà, nhà kho và nhà bếp ở tầng áp mái.



The Nightingale OlympicBản quyền hình ảnhTHE NIGHTINGALE OLYMPIC
Image captionTrung tâm thương mại Nightingale Olympic đã trở thành biểu tượng của hoạt động mua sắm ở Bangkok từ những năm 1930

Vẫn còn một phần nhỏ bán hàng mỹ phẩm ở tầng một, nhưng bà Niyomvanich giải thích ở tầng ba của tòa nhà từng có một thẩm mỹ viện của riêng thương hiệu Merle Norman khiến tên tuổi của Nightingale Olympic được đưa vào bản đồ. Thẩm mỹ viện đã đóng cửa hơn 30 năm, nhưng tôi vô cùng thích thú khi bà đề nghị dắt tôi đi tham quan.
Một lúc sau, chúng tôi bước ra khỏi thang máy để vào tầng ba hơi tối tăm. Bà Niyomvanich bật công tắc để lộ ra một nơi được giữ gìn gần như nguyên vẹn, thuộc hạng sang thời thập niên 1950 dành cho phụ nữ và lối sống xa hoa, tràn ngập trong sắc hồng neon (màu hồng Schiaparelli). Những cuộn tóc bằng nhựa, vẫn còn quấn quanh vài lọn tóc trông ma mị, xếp gọn trên một xe đẩy đang dần han gỉ, trong khi các bình xịt nằm yên trong những tủ bán hàng, dù không còn chút khí nào để xịt. Mặt bàn xếp đầy chai lọ và các tuýp kem và hóa chất chắc chắn đã quá hạn sử dụng từ lâu.
Cuốn lịch đặt hẹn vẫn còn mở trên chiếc bàn đón khách từ giữa thế kỷ trước, như thể đang chờ đợi một bóng ma của tiếp tân để bắt đầu nhận đặt chỗ.
"Tất cả chúng đều còn hoạt động," Niyomvanich nói, chỉ vào những chiếc máy tập thể dục từ thời xưa vốn từng một thời xoa bóp và thúc đẩy tầng lớp cao cấp ở Bangkok tìm đến với thể thao. Nhìn cách bà mô tả lại từng chiếc máy hoạt động ra sao, người ta có thể dễ dàng tưởng tượng ra hình ảnh căn phòng thời xưa: những chiếc bụng cử động qua lại từng động tác trong khi khách hàng ngả người trên bồn gội đầu bằng sứ hồng, nhân viên thoa dầu gội đầu lên tóc họ chuẩn bị làm tóc.
"Tại sao bà lại để nguyên thẩm mỹ viện trong tình trạng như thời còn hoạt động?" Tôi hỏi.
Bà Niyomvanich đáp một cách ngoại giao: "Bởi vì nó có ý nghĩa."



Barcroft Media/Getty ImagesBản quyền hình ảnhBARCROFT MEDIA/GETTY IMAGES
Image captionThẩm mỹ viện đã ngừng hoạt động tại trung tâm Nightingale Olympic từng một thời đón tiếp giới giàu có ở Bangkok

Ngày nay một số ít nhân viên tận tâm, hầu hết đã từng làm việc ở đây vài thập niên trước, vẫn làm việc ở các quầy bán hàng. Họ mặc áo thun kiểu đánh golf màu hồng rực rỡ, trông như những quý cô xinh xắn trong đội bóng polo sau giờ thi đấu. Dù cửa hàng gần như không có khách, nơi đây vẫn tiếp tục có hoạt động kinh doanh bình thường với những khách hàng trung thành mua hàng và bán lại ở các vùngq quê xa xôi. Bà Niyomvanich nói thương hiệu mỹ phẩm Merle Norman vẫn là sản phẩm bán chạy nhất tại Nightingale Olympic.
Mục tiêu của bà là giữ cho Trung tâm Nightingale Olympic như xưa, nhưng bà cũng cho biết nếu con cái các thế hệ sau trong gia đình muốn hiện đại hóa nơi này, bà cũng sẽ ưng thuận thôi. Vấn đề quan trọng hơn là ai sẽ chịu trách nhiệm về cửa hàng khi đến thời điểm. Niyomvanich là người duy nhất trong số các anh chị em, và bà là người sống lâu hơn rất nhiều họ hàng thế hệ sau lẽ ra phải thừa kế nơi này. Bà không còn nhớ mình đã có bao nhiêu cháu chắt, và cho biết hầu hết các cháu đều theo đuổi sự nghiệp riêng. Các con của anh trai có lẽ là người thừa kế phù hợp hơn cả, nhưng họ đều đã 60 - 70 tuổi.
Dù rằng khu vực xung quanh đã có những dấu hiệu phát triển trở lại (như một tiệm hớt tóc nam thời thượng vừa mở cửa bên đường), tôi hỏi bà nếu có ai đề nghị mua lại trung tâm Nightingale Olympic thì sao, và nhận được một nụ cười buồn.
"Không ai dám hỏi đâu," bà nói.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét