Thứ Tư, 27 tháng 6, 2018

3780 - Lòng vòng chuyện yêu nước

Nguyễn Thông


Mấy ngày qua, yêu nước thành một chủ đề nóng. Ngay cả thời chiến tranh người ta cũng không nhắc tới yêu nước nhiều đến thế. Yêu nước tuôn ra từ mồm quan chức, chạy rối rít trong những con chữ trên mấy tờ báo quốc doanh. Chỉ có điều, không phải người nói, người viết về lòng yêu nước tự bày tỏ tình yêu của mình, mà chủ yếu để dạy dỗ cách yêu nước, phê phán kiểu yêu thế này thế nọ. Đối tượng tiếp nhận “lời hay ý đẹp” chẳng phải ai khác mà chính là nhân dân.

Có lẽ sau rất nhiều năm, sự phản kháng của dân chúng với nhà cai trị ở xứ này bùng nổ mạnh mẽ, rộng khắp như vậy. Mặc dù cả bộ máy cầm quyền lúc nào cũng rao giảng chính quyền là chính quyền nhân dân (hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân), nhà nước của dân, vì dân, do dân, dân là gốc, v.v.. nhưng đây đó, lúc này lúc khác, vẫn phát ra sự phản kháng của dân chúng đối với thể chế cai trị. Dù vụ việc lớn hay nhỏ, chính quyền đều quy chiếu vào sự bất mãn cá nhân, hành vi sai trái, vi phạm pháp luật, bị lôi kéo, bị thế lực thù địch lợi dụng. Phần lớn những cuộc nổi dậy đều liên quan tới đất đai, những vụ Đoàn Văn Vươn (Tiên Lãng, Hải Phòng), Đặng Ngọc Viết (Thái Bình), Văn Giang-Ecopark (Hưng Yên), Dương Nội (Hà Tây cũ), Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội)… đều dính tới đất, cụ thể là chuyện cướp đất-mất đất. Dĩ nhiên phần thua thuộc về dân bởi họ không có bất cứ vũ khí gì ngoài nỗi oan ức, sự cùng đường và tâm lý “con giun xéo lắm cũng quằn”. Điều họ nhận được không phải đất mà luôn là tòa án, nhà tù, gia đình tan nát, tha phương cầu thực, thậm chí cái chết. Cả hệ thống chính trị, nhất là bộ máy tuyên truyền, coi họ như giặc, kẻ xấu xa, cùi hủi, xã hội cần phải loại trừ, cách ly, xa lánh. Trong cuộc đấu giữa nhân dân và “chính quyền nhân dân” gần nửa thế kỷ nay, dân luôn bị dồn vào bước đường cùng, thua thiệt.

Những cuộc vùng dậy ấy, không có yếu tố yêu nước, chỉ có yếu tố quyền lợi. Chính vì thế nó dễ bị đè bẹp, người ngoài dễ bị đánh lừa, còn người phản kháng trở nên cô độc, thậm chí bị chê cười, lên án. Nhưng cần hiểu dân không phải chỉ biết đòi, đấu tranh cho quyền lợi của chính mình. Dân luôn là thực thể làm những điều cao quý, lớn lao hơn những đòi hỏi vật chất tầm thường. Ở dân, trước hết là tình yêu đất nước, nói gọn là yêu nước.

Tuy nhiên, trong mắt và trong suy nghĩ của nhà cai trị, dân chúng chỉ như đàn cừu bị dẫn dắt, sai phái. Nhà cai trị độc quyền tất tật, kể cả quyền yêu nước. Yêu nước cũng phải đúng quy trình, đúng chỉ đạo, đúng đường lối. Mọi hành vi, lời nói yêu nước của dân chúng nếu không được nhà cầm quyền xét duyệt, cho phép thì đều không phải yêu nước mà là nhẹ dạ, quá khích, tự phát, do thế lực thù địch xúi giục…

Chả nhẽ nhân dân, dân Việt ta tệ hại đến thế ư. Tôi còn nhớ hồi học cấp 2, đứa học trò nào cũng phải thuộc mấy câu của cụ Hồ “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại kết thành làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó nhấn chìm tất cả lũ cướp nước và bán nước”. Lời cụ phổ cập tới mức bất cứ bài tập làm văn nào chúng tôi cũng tìm cách lôi vào bằng được, thậm chí khi mở bài, mười đứa thì chín đứa giống ở câu “dân ta…”.

Đành rằng nhận định ấy của cụ Hồ nhưng có lẽ không được đúng lắm. Yêu nước không phải là độc quyền hoặc nét đặc biệt của dân ta. Dân nước nào cũng yêu nước cả thôi. Chẳng nhẽ dân Lào, dân Thái không yêu nước bằng dân ta. Nhưng cụ đúng ở chỗ dân và lòng yêu nước không thể tách rời. Muốn tìm lòng yêu nước, hãy tìm ở dân. Cụ Phan Bội Châu cũng từng khẳng định “dân là dân nước, nước là nước dân”.

Nay thì thể chế này đang chê bai dân, đẩy dân vào thế đối kháng. Nhà nước đóng vai cai trị dân, vậy cùng lúc hàng nghìn người đứng dậy phản kháng, chống đối, thậm chí đốt phá, xung đột, đổ máu, rồi nhà nước đổ riệt cho họ bị giật dây, lợi dụng, vậy nhà nước đã làm gì mà sinh nông nỗi ấy. Một vài người, hoặc hàng chục người bị coi là “quá khích”, bị lợi dụng thì còn có thể tin, chứ mấy ngàn người đồng lòng xuống đường, cùng lúc diễn ra trên nhiều vùng đất nước, thì khó có thể bảo do giật dây, lợi dụng, nhẹ dạ cả tin. Đó chỉ có thể là trách nhiệm của dân với đất nước. Cần phải hiểu điều này thì mới có thể giải quyết những vụ đứng lên phản kháng của dân một cách có lý có tình. Cố tình phủ nhận lòng yêu nước của dân, quy tất cả vào sự vi phạm pháp luật chỉ làm cho khoảng cách giữa nhà nước và nhân dân ngày càng rộng, mối bất bình ngày càng cao, niềm tin ngày càng giảm, sự căm hờn ngày càng tăng, mối nguy mất nước ngày càng nghiêm trọng.

Xem thường lòng yêu nước của dân, chà đạp lên lòng yêu nước ấy, không cần nói ra ai cũng biết, sẽ có ngày thành người lữ hành đơn độc trên con đường tự diệt vong.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét