Thứ Năm, 28 tháng 6, 2018

3796 - Lý giải sự sùng bái nhà họ Kim tại Triều Tiên

Lê Như Mai



Người ta có thể dễ dàng vẽ tranh biếm họa về sự kỳ quặc của chế độ độc tài Triều Tiên. Ông Kim Jong-un, với kiểu tóc úp bát thời trang thập niên 1930 (người ta cho rằng mái tóc đó là nhằm khiến ông Kim trông giống ông nội mình, Kim Il-sung [Kim Nhật Thành], người sáng lập chế độ), bộ quần áo kiểu Mao Trạch Đông lỗi thời, và thân hình thấp, mập mạp, khiến ông trông gần như là một nhân vật hoạt hình. Người dân trịnh trọng coi ông Kim là một thiên tài có quyền lực tuyệt đối. Ông được tôn thờ như là một vị chúa và thường xuyên được người dân vây quanh. Trong số những người vây quanh đó, có những quân nhân cấp cao nhất với loạt huân chương dày đặc, cười nói hoặc vỗ tay, hoặc reo hò nhiệt liệt.

Tất nhiên, như chúng ta đã biết, cuộc sống ở Triều Tiên không hề vui vẻ gì. Nạn đói diễn ra thường xuyên đã làm suy kiệt dân số nước này. Có đến 200.000 tù nhân chính trị bị bắt giam như nô lệ tại các trại lao động tàn bạo, nơi mà việc họ không bị tra tấn đến chết đã là một điều may mắn. Tự do ngôn luận cũng không tồn tại. Ở đây, người dân không chỉ bị cấm thể hiện sự nghi ngờ về địa vị thần thánh của ông Kim, mà họ còn cần phải thường xuyên ca ngợi những cống hiến của lãnh tụ nếu muốn tồn tại.
Dường như, thậm chí là có thể, rất nhiều người dân Triều Tiên hành xử như là những tín đồ chỉ bởi vì họ buộc phải làm thế. Số khác phải làm theo vì họ không biết đến phương án nào tốt hơn. Giống như người dân ở những nơi khác, người dân Triều Tiên tự động tuân thủ các quy chuẩn của thế giới xung quanh họ mà không suy nghĩ thấu đáo đến việc các quy chuẩn đó có đáng để tuân thủ hay không. Tuy nhiên, đối với một vài người, cũng có thể là rất nhiều người Triều Tiên, dường như họ đã thực sự tin vào sự thần thánh của Triều đại họ Kim, điều mà cũng giống như bao sự thần thánh hóa khác (hay thậm chí là các niềm tin tôn giáo), được cấu thành từ các mảnh ghép nhỏ của các nền văn hóa, tín ngưỡng và truyền thống khác.
Đức tin sùng bái đối với nhà họ Kim vay mượn một chút từ Chủ nghĩa Stalin, một chút từ Đạo Cơ đốc cứu thế, một chút từ sự thờ phụng ông bà tổ tiên kiểu Khổng giáo, một chút từ tục nhập đồng (shamanism) bản địa, và một chút từ sự tôn thờ hoàng đế của người Nhật Bản, những người đã cai trị Bán đảo Triều Tiên vào nửa đầu thế kỷ 20. Cha của ông Kim, Kim Jong-il, được cho là sinh ra trên Núi Paektu. Đó là một nơi thiêng liêng mà một người gấu có tên là Tangun, cha tổ thần thánh của vương quốc Triều Tiên đầu tiên, đã sinh ra vào hơn 4.000 năm trước. Thời khắc lúc ông Kim Jong-il, người được gọi là “Lãnh tụ kính yêu” (cha của ông Kim Jong-il là Kim Il-sung được gọi là “Lãnh tụ vĩ đại”), sinh ra đã khiến tiết trời đông chuyển sang xuân, và được rọi vào bởi một vì sao sáng trên thiên đường.
Tất cả những điều này nghe có vẻ khôi hài, nhưng những câu chuyện về các phép màu của bất kỳ tín ngưỡng nào cũng đều như vậy. Vấn đề là người dân Triều Tiên tin vào những điều đó.
Nếu xét trên phương diện này, người Triều Tiên không hề kỳ quặc hơn các tín đồ ở bất kỳ nơi nào khác. Thường thì có những lý do hợp lý giải thích tại sao các tín ngưỡng nhất định lại có một sức hút mạnh mẽ. Hồi giáo và Cơ Đốc giáo tìm thấy những người sẵn sàng cải sang đạo của mình trong số những người bị xã hội ruồng bỏ và những người bị áp bức bởi họ được bình đẳng dưới con mắt của Chúa. Trong khi đó, niềm tin của người Triều Tiên không được bao trùm như vậy. Thật vậy, cốt lõi của tín ngưỡng đó là nhận thức về sự thuần khiết sắc tộc, ý thức về việc bảo vệ chủ nghĩa dân tộc thiêng liêng trước các thế lực thù địch bằng mọi giá.
Tương tự như Ba Lan, đất nước có hình tượng Cơ Đốc đậm nét về tinh thần hy sinh vì dân tộc, bán đảo Triều Tiên đã có lịch sử bị đô hộ bởi các cường quốc, chủ yếu là Trung Quốc, nhưng ngoài ra còn có Nga, và đáng chú ý nhất là Nhật Bản, từ khi nước này tiến hành các cuộc xâm lược tàn bạo vào thế kỷ 16. Người Mỹ là những kẻ đến sau. Tuy vậy, lòng thù hận chủ nghĩa đế quốc Mỹ công khai tại Triều Tiên không chỉ xuất phát từ cuộc Chiến tranh Triều Tiên dã man trong quá khứ, mà còn xuất phát từ chính lịch sử lâu dài bị ngoại bang đàn áp của Triều Tiên.
Sự đô hộ của các cường quốc ngoại bang đã tạo nên hai thái cực hợp tác và đấu tranh trong lịch sử Triều Tiên. Một số thành phần trong giai cấp thống trị thuộc các triều đại khác nhau của Triều Tiên đã chọn bắt tay với các cường quốc bên ngoài, còn một số lại chọn đấu tranh chống lại các thế lực ngoại bang. Điều này sản sinh ra những mối thù sâu sắc giữa chính những người dân Triều Tiên với nhau.
Kim Il-sung bắt đầu sự nghiệp của mình với tư tưởng hợp tác. Stalin đã lựa chọn rất kỹ lưỡng, đưa ông lên làm nhà lãnh đạo bù nhìn của chế độ Cộng sản Triều Tiên. Điều này khiến huyền thoại về ông Kim như là một vị anh hùng chống Nhật trong Thế chiến II, và về sau là người chống lại Mỹ và những kẻ “hợp tác với ngoại bang” Hàn Quốc, trở nên càng quan trọng hơn.
Chủ nghĩa dân tộc Triều Tiên, với lòng tôn sùng tinh thần tự chủ, được biết đến với tên Tư tưởng Chủ thể (Juche), vừa mang tính tôn giáo lại vừa mang tính chính trị. Bảo vệ triều đại nhà Kim, được xây dựng nên như là một biểu tượng của sự phản kháng của Triều Tiên trước các thế lực ngoại bang, là một nhiệm vụ thiêng liêng. Và khi sự thiêng liêng đó tiếp quản nền chính trị, việc thỏa hiệp gần như trở nên bất khả thi. Người ta có thể thương lượng về những xung đột lợi ích, nhưng không thể thương lượng về các vấn đề được coi là linh thiêng.
Donald Trump, một nhà phát triển bất động sản, tin rằng mọi thứ đều có thể mang ra thương lượng được. Trong kinh doanh, không có điều gì là thiêng liêng cả. Tư tưởng để tạo nên một thỏa thuận của Trump đó là lấn át các bên khác bằng lừa lọc và đe dọa, vì thế mà Trump đã hứa sẽ “hủy diệt Triều Tiên hoàn toàn” (một lời hứa mà có thể đồng nghĩa với cái chết của hơn 20 triệu người). Khó có thể tưởng tượng được rằng, ông Kim Jong-un, với tư cách là người bảo vệ thần thánh cho nhân dân của mình, sẽ có thể bị thuyết phục ngồi xuống bàn đàm phán vì những lời hăm dọa lớn tiếng như vậy.
Có thể là, ông Kim, và thậm chí một số thần dân trong bộ máy cai trị chuyên quyền của ông, sẽ thà bị tiêu diệt còn hơn là chịu đầu hàng. Đó sẽ không phải là lần đầu tiên một đức tin sùng bái biến thành một vụ tự sát.
Tuy vậy, có một rủi ro khác mà nhiều khả năng sẽ xảy ra. Bởi lẽ, các dòng trạng thái nhuốm màu thù địch trên Twitter và những lời phát biểu công khai đầy nạt nộ của Trump thường được đính chính sau đó bởi các thành viên cấp cao trong nội các Mỹ thông qua các phát biểu thận trọng hơn. Vì thế, ông Kim có lẽ sẽ không coi trọng những lời đe dọa đó, mà có thể nghĩ rằng những lời Trump nói chỉ là dọa dẫm, lừa bịp và Trump sẽ không bao giờ thực hiện những lời đe dọa của mình.
Suy nghĩ này có thể thúc đẩy ông Kim tiến hành những hành động thiếu thận trọng, chẳng hạn như nhắm một tên lửa vào đảo Guam, hành động sẽ khiến Mỹ cảm thấy phải đáp trả tương xứng. Hậu quả gây ra sẽ thật thảm khốc đối với không chỉ những người dân Triều Tiên tin vào sứ mệnh thiêng liêng của nhà họ Kim, mà còn đối với hàng triệu người dân Hàn Quốc, những người chỉ sống cách biên giới Triều Tiên 35 dặm mà không hề sùng bái chế độ họ Kim.
Ian Buruma, chủ biên của tờ The New York Review of Books, là tác giả của hàng loạt cuốn sách, trong đó có cuốn Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the Limits of Tolerance and Year Zero: A History of 1945.



Nguồn: Ian Buruma, “The North Korean Cult”, Project Syndicate, 09/10/2017.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét