Thứ Bảy, 30 tháng 6, 2018

3827 - Tại sao ‘Đồng thuận Bắc Kinh’ chưa tồn tại?

Biên dịch Lê Xuân Thuận


Bốn thập niên trôi qua dường như là đủ để nhận ra logic ẩn sau mô hình phát triển của Trung Quốc. Nhưng 40 năm sau khi Đặng Tiểu Bình khởi xướng “cải cách và mở cửa”, “Đồng thuận Bắc Kinh”, tức mô hình phát triển đối lập với “Đồng thuận Washington”, vẫn chưa được định ra rõ ràng.
Qua nhiều năm, Trung Quốc đã chuyển đổi nền kinh tế chỉ huy đóng cửa sang một nền kinh tế với độ mở lớn hơn dựa trên cơ chế thị trường. Công nghiệp và dịch vụ dần thay thế nông nghiệp trở thành động lực tăng trưởng chính và Trung Quốc chuyển từ quốc gia bắt chước phương Tây về công nghệ thành quốc gia sáng tạo toàn cầu. Trong thời gian này, Trung Quốc giải quyết được nhiều thách thức lớn từ nợ quá mức, dư thừa công suất tới ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và tham nhũng.
Đây là một quá trình hết sức phức tạp. Theo nhà kinh tế Cai Fang thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc, quá trình này chỉ có thể hiểu được trong bối cảnh lịch sử, dân số và địa lý độc nhất vô nhị của Trung Quốc, chưa kể đến các xu hướng công nghệ và toàn cầu nói chung. Tất cả các nhân tố này góp phần định hình các thể chế và cách quản trị của Trung Quốc.
Nhưng nhà quan sát Trung Quốc kỳ cựu Bill Overholt, một trong những người đầu tiên dự báo sự trỗi dậy của Trung Quốc, lập luận trong cuốn sách mới nhất của ông China’s Crisis of Success(Khủng hoảng từ sự thành công của Trung Quốc) rằng những cải cách của Trung Quốc được thúc đẩy bởi “nỗi sợ hãi và sự đơn giản” (fear and simplicity). Những yếu tố này cũng chính là động lực cho sự phát triển ở Đông Á sau năm 1945.
Những tổ chức quan sát khác như Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hay các think-tank như Trung tâm Nghiên cứu Fairbank về Nghiên cứu Trung Quốc của Đại học Havard không đồng ý với ý kiến nào trong số trên. Các tổ chức này không quen với việc đánh giá một nền kinh tế có khác biệt lớn với phương Tây về mặt ảnh hưởng, bao gồm những khía cạnh lý luận, giá trị, di sản lịch sử cũng như thể chế và cách quản trị truyền thống.
Hãy nhìn vào cách thức quản trị. Tín điều kinh tế phương Tây cho rằng nhà nước không nên can thiệp nhiều vào thị trường. Trong khi đó, với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, không rõ là nhà nước có nên tách biệt khỏi thị trường trong cả lý luận lẫn thực tế hay không.
Hàng nghìn năm qua, sự kiểm soát của nhà nước là chiến lược quản trị mặc định của Trung Quốc với một chính quyền trung ương mạnh giám sát sự ổn định cũng như ngăn chặn nạn bè phái và đấu đá giữa các khu vực gây ra hỗn loạn. Vì thế, khi muốn gia tăng trách nhiệm giải trình của lãnh đạo, Trung Quốc không chú trọng vào việc tạo ra một hệ thống dựa trên cơ chế thị trường hay dân chủ mà chú trọng ban hành các đạo luật hạn chế lạm dụng quyền lực và thúc đẩy sự lưu thông hàng hoá, vốn, nhân lực và thông tin.
Trong phạm vi hạn chế của cách tiếp cận độc đoán này, việc thử nghiệm và điều chỉnh vốn có ý nghĩa quan trọng đối với sự tăng trưởng của Trung Quốc phải được thực hiện bởi chính quyền địa phương, những cơ quan này được hưởng thẩm quyền đáng kể dù không chắc chắn trong việc thực hiện các công việc trên. Ý tưởng ở đây là bằng cách sử dụng chuyên môn của chính quyền địa phương (và thị trường), Trung Quốc có thể thúc đẩy tăng trưởng mà không phá vỡ liên kết xã hội hay làm xói mòn sự toàn vẹn quốc gia.
Đến nay, sự quản trị của Trung Quốc không thể tránh khỏi sai sót. Về mức độ cạnh tranh thị trường, vẫn còn nhiều nghi ngại về sự thống trị của khu vực kinh tế nhà nước cũng như hiệu quả của những quy định và việc tuân thủ luật pháp, tiêu chuẩn hay thông lệ quốc tế. Mặc dù đã chứng tỏ được sự khả năng cung cấp cơ sở hạ tầng “cứng” như đường cao tốc, đường sắt, sân bay, chính quyền Trung Quốc vẫn còn rất nhiều việc phải làm để phát triển cơ sở hạ tầng “mềm” như giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, năng lượng, môi trường và tài chính.
Do đó, Trung Quốc tiếp tục vật lộn với câu hỏi làm thế nào để cân bằng giữa nhà nước và thị trường nhằm đảm bảo trách nhiệm giải  trình, tính cạnh tranh thị trường và cung cấp đầy đủ các hàng hoá công cho khoảng một phần năm dân số thế giới. Những thách thức này trở nên nghiêm trọng hơn do sự thay đổi chóng mặt của công nghệ, toàn cầu hóa (và những phản ứng chống toàn cầu hóa) cùng những toan tính địa chính trị.
Nhưng có thể thấy cách tiếp cận của phương Tây về thị trường tự do cũng không hoàn toàn hiệu quảVai trò của nhà nước, tính bằng tỷ trọng của khu vực công trong GDP, cũng như sự can thiệp của luật pháp đối với các hoạt động tư nhân, đã gia tăng ở hầu hết các nền kinh tế kể từ đầu thế kỷ 20.
Đặc biệt, Mỹ là một ví dụ so sánh tốt với Trung Quốc. Giống như Trung Quốc, Mỹ là một nền kinh tế lớn. Ngoài ra, Mỹ là tiêu chuẩn vàng toàn cầu trong nhiều lĩnh vực từ công nghệ, quốc phòng tới nghiên cứu và phát triển.
Trái ngược với di sản lấy nhà nước làm trọng tâm của Trung Quốc, kinh nghiệm lịch sử của Mỹ đã làm thấm nhuần trong mỗi công dân và các nhà lãnh đạo nước này một cam kết đối với tự do, bao gồm thị trường tự do và sự tự trị của địa phương. Quyền lực và quy mô của chính quyền liên bang Mỹ gia  tăng rất chậm cho tới những năm 1930, khi Chính sách kinh tế mới (New Deal) gồm những chương trình liên bang, các dự án đầu tư công và các quy định và cải cách tài chính – được ban hành để đối phó với cuộc Đại Suy thoái.
Chính quyền liên bang Mỹ một lần nữa mở rộng trong và sau Thế chiến II, phản ánh nền bá quyền toàn cầu mới của Mỹ và sự thịnh vượng của tầng lớp trung lưu nước này (phần lớn nhờ vào trợ giúp của Chính sách kinh tế mới trong việc sở hữu nhà ở và hoạt động công đoàn). Chính phủ đảm nhận vai trò lớn hơn trong các lĩnh vực từ quốc phòng, chính sách đối ngoại tới chăm sóc y tế và an sinh xã hội.
Nhưng dù chính quyền liên bang gia tăng quản lý trong một số lĩnh vực, Mỹ vẫn dựa rất nhiều vào thị trường, dẫn tới sự gia tăng bất bình đẳng thu nhập, xuống cấp cơ sở hạ tầng và tình trạng thâm hụt ngân sách cũng như nợ chính phủ không bền vững. Cuộc suy thoái toàn cầu sau khủng hoảng tài chính năm 2008 càng làm gia tăng ngờ vực về Đồng thuận Washington.
Do đó, những thách thức căn bản nhất của Mỹ – như thu hẹp bất bình đẳng, hỗ trợ các điều kiện tài chính và ngân sách ổn định, và đảm bảo một môi trường bền vững – cũng chính là những thách thức mà Trung Quốc phải đối mặt và không quốc gia nào có được một “đồng thuận” rõ ràng và đủ tin cậy để khắc phục được những khó khăn đó. Trong bối cảnh đó, nên có sự hợp tác giữa hai nước để mang lại cho thế giới các hàng hóa công toàn cầu – bao gồm cả hoà bình.
Vấn đề cốt lõi là hai bên cần hướng tới những mục tiêu chung đồng thời thừa nhận những bất đồng về một số khía cạnh tư tưởng nhất định. Ở đây, Mỹ cần công nhận rằng hợp tác toàn cầu không phải là một trò chơi có tổng bằng không và sự vươn lên của Trung Quốc không nên được coi như một mối đe doạ. Trong khi đó, Trung Quốc – cùng với các nền kinh tế mới nổi khác như Ấn Độ – có thể đóng góp cho một sự tái cân bằng toàn cầu, qua đó giúp củng cố sự ổn định kinh tế và địa chính trị thế giới.
Andrew Sheng (Thẩm Liên Đào), thành viên của Viện Quốc tế Châu Á tại Đại học Hồng Kông và thành viên Hội đồng tư vấn về Tài chính bền vững của UNEP, cựu chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Hợp đồng Tương lai Hồng Kông (HKSFC,) và hiện là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh.
Xiao Geng (Tiểu Cảnh), Viện trưởng Viện IFF, là giáo sư tại Đại học Hồng Kông và là nghiên cứu viên tại Viện Quốc tế Châu Á thuộc Đại học Hồng Kông.
Nguồn: Andrew Sheng, Xiao Geng, “Why There Is No “Beijing Concensus””, Project Syndicate, 27/2/2018.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét