Quan sát các cuộc tranh luận gần đây về nhiều vấn đề của Việt Nam đương đại, có thể ghi nhận một vài điểm mấu chốt khiến các cuộc tranh luận đôi khi trở nên gay gắt, quá khích và không dẫn đến đâu cả.
1. Công dân vs. Thần dân
Cách nhìn nhận và đánh giá một vấn đề xã hội cụ thể, trong đa số trường hợp, là hệ quả trực tiếp từ tâm thế của con người.
Một công dân với ý thức về quyền làm chủ đất nước thì hiểu rằng quyền lực của nhà nước và của mọi nhân viên công quyền, bao gồm cả nguyên thủ quốc gia, hoàn toàn do người dân ban trao chứ không phải tự nhiên mà có, lại càng không tồn tại vĩnh viễn. Quyền lực đó là phương tiện để chính quyền phục vụ dân chúng, bảo vệ quyền tự do của người dân chứ không phải biến thành công cụ để hạn chế tự do hay đe dọa và đàn áp. Người dân có thể thu hồi quyền lực đã ban trao nếu nhà nước không đáp ứng được kỳ vọng của mình.
Tâm thế công dân khiến một người tư duy và hành xử tự do, có trách nhiệm và đầy tự tin của một ông chủ: khen ngợi khi chính quyền phục vụ tốt, phê bình và sa thải chính quyền yếu kém. Tuy nhiên, cũng cần tránh thái độ cực đoan coi thường nhân viên công quyền và thiếu tôn trọng họ.
Ngược lại, một thần dân mặc định chấp nhận quyền cai trị của nhà nước, coi việc bị cai trị như số phận và sợ hãi trước quyền lực của chính quyền. Hệ quả là thần dân tư duy và hành xử như một nô lệ, thiếu tự tin và vô trách nhiệm trước những vấn đề chung của đất nước.
Thần dân suy nghĩ theo kiểu mọi việc đã có đảng và nhà nước lo, ngửa tay nhận ơn huệ do chính quyền ban phát mà quên rằng nhà nước chính là đối tượng được mình ban trao quyền lực, giao nhiệm vụ và được trả công để phục vụ mình. Ngay cả một nhà nước kiến tạo cũng sẽ nhanh chóng tha hóa thành nhà nước cai trị khi con người tự coi mình là thần dân của nó.
2. Đất nước vs. Chính quyền
Rất phổ biến trong các cuộc tranh luận liên quan đến ủng hộ hay phản đối một chính sách, một quyết định của chính quyền là tình trạng người này quy chụp người kia là phản động, chống phá đất nước, không yêu nước.
Đất nước và chính quyền tuy có quan hệ hữu cơ nhưng vẫn là hai thực thể hoàn toàn khác biệt. Thứ nhất, trong khi đất nước là duy nhất và tương đối trường tồn thì chính quyền chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn hạn theo nhiệm kỳ. Ngay cả những triều đại phong kiến bền vững nhất trong lịch sử cũng chỉ kéo dài vài trăm năm. Thứ hai, ta không thể lựa chọn đất nước để sinh ra nhưng có toàn quyền lựa chọn chính quyền bằng lá phiếu của mình. Có chính quyền đặt quyền lợi đất nước lên trên lợi ích cá nhân, phe nhóm, đảng phái nhưng cũng có chính quyền sẵn sàng hi sinh lợi ích của đất nước để duy trì quyền lực của mình.
Có thể khẳng định không mấy dè dặt rằng tuyệt đại đa số loài người chứ không chỉ riêng người Việt đều yêu quê hương, đất nước của mình, bởi yêu nước chính là yêu những điều bình thường, giản dị gắn với cuộc sống hàng ngày của mỗi người: ngôi nhà, mảnh vườn, góc phố, dòng sông, gia đình, họ hàng, bạn bè. Mỗi người có một cách yêu nước, không ai giống ai và không ai nên phán xét tình yêu của người khác.
Trong số những người yêu nước, người ủng hộ, người không ủng hộ chính quyền là việc rất bình thường trong một xã hội đa nguyên lành mạnh và văn minh. Chấp nhận thực tế rằng mỗi người yêu nước theo những cách khác nhau, việc tranh luận sẽ chỉ giới hạn ở sự khác biệt về quan điểm để từ đó giúp mỗi người có góc nhìn đa chiều và đầy đủ hơn thay vì nâng quan điểm, chụp mũ và quy kết cảm tính, phí thì giờ vô ích.
Không thừa nhận người khác yêu nước theo cách khác mình, việc hòa hợp, hòa giải dân tộc sẽ rất khó trở thành hiện thực.
3. Mâu thuẫn lợi ích
Một người có xu hướng đánh giá khách quan hơn về một vấn đề nào đó khi không có lợi ích liên đới. Tuy nhiên, điều kiện lý tưởng này thường bất khả khi tranh luận các chủ đề chính trị bởi mỗi người đều là một phần của câu chuyện và chịu ảnh hưởng trực tiếp từ các quyết định chính trị. Thái độ và phản ứng của từng người không chỉ phụ thuộc vào thông tin và lập luận lý tính mà còn chịu ảnh hưởng rất lớn bởi lợi ích liên quan của họ trong vấn đề đó.
Do sự khác biệt ít nhất về tâm thế, nhận thức và lợi ích, sẽ ngày càng có thêm nhiều quan điểm và ý kiến trái chiều trong mọi vấn đề. Điều này thoạt nhìn có vẻ kém trật tự so với tỷ lệ đồng tình gần như tuyệt đối đã trở nên quen thuộc bấy lâu nay, nhưng nó phản ánh chính xác thực tế sinh động và phong phú của cuộc sống nơi mỗi người là một cá thể độc đáo và duy nhất.
Đó cũng là đặc trưng của một xã hội dân chủ và văn minh. Tuy còn lâu mới hoàn hảo, nó luôn tốt hơn bất cứ hình thức độc quyền nào: từ độc quyền tư tưởng đến độc quyền tư duy, từ độc quyền lịch sử đến độc quyền quá khứ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét