Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

3823 - Việt Nam ép Facebook, Google chọn quyền riêng tư hoặc tăng trưởng


Việt Nam, Luật An ninh mạng, Facebook, Google
Ông chủ Facebook Mark Zackerberg trong lần tới Việt Nam du lịch năm 2011-AFP
Luật An ninh mạng của Việt Nam có thể sẽ buộc tập đoàn Google và Facebook phải chọn giữa thâm nhập nền kinh tế số phát triển nhanh nhất châu Á hoặc bảo vệ quyền riêng tư người dùng.
Luật An ninh mạng, có hiệu lực vào 1/1/2019 sau khi Quốc Hội thông qua vào tháng 6/2018, yêu cầu các công ty nước ngoài phải lưu trữ dữ liệu và mở văn phòng tại Việt Nam, theo Bloomberg.
Nếu vậy, các công ty này sẽ buộc phải nộp các dữ liệu của người dùng bị nghi ngờ có các hoạt động chống phá chính quyền, bao gồm truyền bá các tin tức làm ảnh hưởng đến Hà Nội hoặc gây tổn hại kinh tế.
"Nếu họ tuân thủ luật này, họ sẽ vi phạm các điều khoản về cung cấp dịch vụ của chính mình trong bảo vệ quyền riêng tư của người dùng," Tim Bajarin, Giám đốc Creative Strategies Inc được Bloomberg trích lời.
Động thái của Việt Nam càng cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan của các công ty công nghệ đang dựa vào các nước vốn cảnh giác về sự phát triển của mạng xã hội.
Apple đã phải mở trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc và chặn hàng loạt ứng dụng nhằm tuân thủ luật nước này. Indonesia cũng đe dọa sẽ cấm các nhà cung cấp mạng xã hội nếu họ không tuân thủ yêu cầu lọc các nội dung được cho là tục tĩu.
Việt Nam với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu trẻ tuổi đang là sự thèm muốn của các công ty công nghệ số. Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng trung bình 6.3% trong khoảng 2005-2017, nhưng thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 6 lần từ năm 2000, theo số liệu của chính phủ.


Việt Nam, Luật An ninh mạng, Facebook, GoogleBản quyền hình ảnhHOANG DINH NAM

Nhưng luật An ninh mạng có thể làm sứt mẻ sự phát triển kinh tế số của đất nước bằng cách làm cho chi phí khởi nghiệp tăng cao và đẩy các doanh nghiệp chạy sang thị trường khác, Eddie Thai, một đối tác tại TP Hồ Chí Minh với 500 dự án khởi nghiệp, cho hay.
Không giống Trung Quốc, Việt Nam không chặn Facebook hay Twitter, nhưng lại tăng cường bắt giữ các nhà hoạt động từ năm 2016.
Năm ngoái, chính phủ tuyên bố đã triển khai 10.000 nhân viên an ninh không gian mạng để chống lại cái mà chính phủ cho rằng sự gia tăng của các 'quan điểm lệch lạc'.
Facebook và Google từ chối bình luận về việc họ có tuân thủ luật của Việt Nam hay không. Tuy nhiên Hoàng Phước Thuận, Giám đốc Cục An ninh mạng thuộc Bộ Công an nói với truyền thông trong nước rằng không công ty nào phản đối.
Các công ty thuộc thung lũng Silicon tuân thủ theo luật này có thể đồng lõa một cách không trực tiếp với chính phủ trong các cuộc đàn áp các nhà hoạt động, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền khu vực châu Á, cho hay trên Bloomberg.
Chưa rõ chính phủ Việt Nam sẽ làm gì với những công ty không tuân thủ Luật An ninh mạng. Các quan chức chính phủ, người nỗ lực tìm kiếm đầu tư nước ngoài và ủng hộ phát triển kinh tế số, chỉ ra rằng họ sẽ không chặn các dịch vụ, ông Vũ Tú Thanh, đại diện cao cấp của Việt Nam tại Hội đồng Kinh doanh Mỹ-châu Á nhận định. Thành viên của hội đồng này bao gồm cả Google và Facebook.


Chính phủ Việt Nam, dù vậy, trước đó đã gây sức ép để các công ty trong nước ngưng quảng cáo trên YouTube và các trang khác có video chống chính phủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét