Một dàn khoan dầu của Iran ở vùng Vịnh, ngày 25/07/2005 REUTERS/Raheb Homavandi/File Photo
Hoa Kỳ yêu cầu tất cả các nước trên thế giới ngưng mua dầu hỏa của Iran trễ nhất là từ ngày 04/11/2018, nếu không muốn bị trừng phạt. Một viên chức cao cấp của bộ Ngoại Giao Mỹ vừa đi một vòng châu Á và châu Âu để thúc giục các đối tác theo con đường duy nhất : bỏ Iran là điều kiện để chơi với Mỹ.
Sau quyết định rút bỏ hiệp định hạt nhân 2015, nước Mỹ của Donald Trump tiến hành chiến lược bóp nghẹt kinh tế Iran. Trong cuộc trao đổi với báo chí tại Washington ngày 26/06/2018, một nhà ngoại giao Mỹ mà AFP không cho biết danh tính, khẳng định « vì an ninh quốc gia, Hoa Kỳ cảnh báo các đối tác là phải ngưng nhập khẩu dầu hỏa Iran một cách « tuyệt đối » chậm lắm là vào ngày 04 tháng 11 tới» . Nhà ngoại giao này cho biết đã đi một vòng châu Âu và châu Á và sẽ trao đổi với Ấn Độ và Trung Quốc để đưa ra yêu cầu tương tự .
Thời điểm này là đúng sáu tháng theo kỳ hạn mà tổng thống Donald Trump tuyên bố khi thông báo quyết định rút khỏi hiệp định hạt nhân được chính quyền Barack Obama ký với Iran vào năm 2015.
Vào ngày 08/05, Donald Trump thông báo quyết định « xé » hiệp định mà ông cho là thiếu hiệu quả ngăn chận Iran chế tạo bom hạt nhân. Cùng lúc tổng thống Mỹ tái lập những biện pháp trừng phạt trực tiếp Iran và các nhà đầu tư, xí nghiệp quốc tế tiếp tục kinh doanh với Iran. Các công ty này có từ 90 ngày đến 180 ngày để rút khỏi thị trường Iran nếu muốn được tiếp tục buôn bán với Mỹ. Chỉ riêng nước Pháp, các công ty lớn như Peugeot, Renault, Total chọn giải pháp này vì không có hy vọng gì thuyết phục được Mỹ đặc cách. Washington cho biết « không dung thứ » một lĩnh vực nào.
Áp lực của Mỹ dường như đạt được hiệu quả trông thấy. Theo viên chức Mỹ nói trên, con số xí nghiệp quốc tế bỏ Iran « không ngờ nhiều như vậy ».
Iran mới là « kẻ thù nguy hiểm số một »
Câu hỏi then chốt là vì sao Washington muốn bóp nghẹt kinh tế Iran ?
Theo lập luận của Washington, Iran là thủ phạm gây rối loạn tình hình Trung Cận Đông qua các tổ chức võ trang thuộc hệ phái Shia như lực lượng dân quân Hồi giáo ở Irak, tổ chức Hezbollah ở Liban, tổ chức Hamas ở Gaza và trực tiếp tham chiến ở Syria, ủng hộ triệt để lãnh đạo Bachar Al Assad qua lực lượng vệ binh cách mạng do tướng Kacem Soleimani chỉ huy. Cũng chính Iran đòi « xóa sổ » Israel và kêu gọi lật đổ vương triều Ả Rập Xê Út, hai đồng minh của Mỹ trong khu vực.
Nếu dựa vào tuyên bố của tổng thống Donald Trump muốn « làm thay đổi chế độ chính trị » ở Iran thì rõ ràng không phải Nga, Trung Quốc hay Bắc Triều Tiên mà chính Iran mới là kẻ thù nguy hiểm số một.
Theo Mediapart, chiến lược của Washington xoay chung quanh bốn trục trong đó « bóp nghẹt kinh tế » chỉ là một : vô hiệu hóa tiến công của Iran về biên giới Israel, cắt đứt dưỡng khí kinh tế, ủng hộ các phong trào đối lập và thúc đẩy thành lập « trục » Israel- Ả Rập Xê Út.
Gây thêm khó khăn
Chưa có thể dự báo kế hoạch này sẽ đạt hiệu quả đến đâu ? Tuy nhiên, với một nền kinh tế mong manh vì nhiều thập niên cấm vận, tỉ lệ thất nghiệp cao, đời sống dân chúng khó khăn, tiền mất giá, thì sự kiện Teheran tập trung nhân lực, tài lực vào cuộc chiến ở Syria, ủng hộ các tổ chức Hồi Giáo Shia ở Irak, Liban… là nguyên nhân gây bất bình trong dân chúng với những cuộc biểu tình phản kháng từ cuối năm 2017 và cuộc đình công của tiểu thương Iran đang diễn ra.
Được đặt câu hỏi về cuộc đình công của tiểu thương Iran, từng làm cho chế độ vương quyền Iran sụp đổ vào năm 1978, viên chức ngoại giao Mỹ nói trên thẩm định : dân chúng quá mệt mỏi và bất bình thái độ của chính quyền cũng như tình trạng tham ô làm giàu của thành phần chỉ huy Vệ binh cách mạng và giáo quyền. Bản thân ngoại trưởng Mike Pompeo cũng gửi nhiều thông điệp trên mạng nhấn mạnh đến « các cuộc biểu tình ngày càng nhiều tố cáo đời sống khó khăn, tệ nạn bất công xã hội và tham ô ».
Sau khi chận nguồn đầu tư, chiến thuật bóp nghẹt kinh tế bước sang giai đoạn hai : cắt nguồn ngoại tệ từ dầu hỏa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét