Thứ Sáu, 29 tháng 6, 2018

3836 - Một nước Mỹ thất thường

Văn Cường


Bản thân Tổng thống Trump chỉ là hiện thân đầy đủ nhất của các xu hướng và tình cảm đã âm ỉ ở Mỹ một thời gian. Mỹ đang ngày càng trở thành một quốc gia “bình thường”, mất dần ý thức về chủ nghĩa ngoại lệ và sứ mệnh của họ - một khuynh hướng đã đạt đến đỉnh điểm trong một thập kỷ dài sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Việc Trump rời bỏ thỏa thuận Iran cho thấy cách thức ra quyết định chính sách đối ngoại về căn bản đã thay đổi sau năm 2008.
Quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) (hay còn gọi là Thỏa thuận Iran) vào ngày 8/5 vừa qua đã làm dấy lên một loạt suy đoán đầy giận dữ giữa các học giả và chuyên gia về tác động của động thái này. Có nhiều biến số đang diễn ra. Các đồng minh châu Âu của Mỹ đều cảm thấy bất an, trong khi Israel, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Saudi Arabia đã chào đón tuyên bố này trong hân hoan. Người Iran thì giận dữ, nhưng nền kinh tế của họ đang trong tình trạng tồi tệ, phần lớn là vì họ đang bị dàn mỏng ở Syria. Nga một mặt có thể hưởng lợi từ quan hệ rạn nứt xuyên Đại Tây Dương đang dần bộc lộ và giá dầu tăng đột biến; mặt khác, họ phải đối mặt với viễn cảnh bị mắc kẹt trong một cuộc xung đột công khai giữa Iran và Israel ở Syria, với số phận còn chưa ngã ngũ của nhân vật ủy nhiệm quý giá của họ là Assad, người mà Nga đã đầu tư quá nhiều máu và của cải. Bên lề của toàn bộ những điều này là Tổng thống Trump, theo tất cả những thông tin thu thập được, đang thích thú với tính khó đoán của chính mình.
Tác giả sẽ để lại những tiên liệu cụ thể về cái kết của câu chuyện này cho những tâm hồn gan dạ và chuyên nghiệp hơn. Tuy nhiên, thật thú vị khi quan sát quyết định từ bỏ JCPOA trong một bối cảnh lịch sử rộng lớn hơn. Tác giả cho rằng nó cho thấy vai trò mới của Mỹ trên sân khấu thế giới – với tư cách là một bên tham gia “thất thường” – đã được củng cố. Đây không đơn giản là kết quả của việc Tổng thống Trump lên nắm vị trí cao nhất, hay bất kỳ sản phẩm nào của ý thức hệ theo kiểu Trump, dù hiểu theo cách nào. Bản thân Tổng thống Trump chỉ là hiện thân đầy đủ nhất của các xu hướng và tình cảm đã âm ỉ ở Mỹ một thời gian. Mỹ đang ngày càng trở thành một quốc gia “bình thường”, mất dần ý thức về chủ nghĩa ngoại lệ và sứ mệnh của họ - một khuynh hướng đã đạt đến đỉnh điểm trong một thập kỷ dài sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc (khoảng năm 1989-2003).
Nhưng một quốc gia “bình thường” – đặc biệt là một nền dân chủ khó kiểm soát – vẫn là cường quốc chiếm ưu thế trên thế giới, thì có lẽ không phải điều gì đáng ăn mừng. Trong vòng vài năm tới, vai trò của Mỹ trên thế giới sẽ ít liên quan tới bất kỳ tập hợp các giá trị hay ý thức hệ bao quát nào rõ ràng. Hành vi của nước này sẽ là sản phẩm của một nền chính trị trong nước ngày càng dân chủ hóa và cạnh tranh khốc liệt. Điều này không phải để nói rằng người ngoài sẽ không thể dự đoán hành vi của họ. Ngược lại, các “trường phái” tư duy chính sách đối ngoại của Walter Russell Mead – cái gọi là các phái Jackson, Jefferson, Wilson và Hamilton – phần lớn vẫn tồn tại và còn giá trị. Điều đã thay đổi ở bên trong nước Mỹ là khả năng hòa hợp một cách có ý nghĩa những tầm nhìn này và định hình một cách tiếp cận dài hạn hơn với thế giới. Chính sách đối ngoại đang trở thành một môn thể thao bạo lực giữa các phe phái. Kết quả là thiếu một mục tiêu chặt chẽ, và nhận thức ngày càng tăng giữa cả các đồng minh lẫn địch thủ rằng Mỹ vốn không đáng tin cậy.
Tất nhiên, đúng là Mỹ chưa bao giờ có một cách tiếp cận hoàn toàn ổn định với thế giới. Nhận định dài như một cuốn sách của Stephen Sestanovich, cho rằng Mỹ đang dao động giữa “chủ nghĩa tối đa” và “chính sách thu mình” ít nhất kể từ năm 1945, là một trong những cách chắt lọc tinh tế một hiện tượng mà nhiều nhà sử học về Chiến tranh Lạnh đã tốn giấy mực trong nhiều năm. Tuy nhiên các mục tiêu cuối cùng của Mỹ trong Chiến tranh Lạnh có thể dễ dàng nhận ra và thấu hiểu, ngay cả nếu giới chính sách đối ngoại của Mỹ tranh cãi một cách cay đắng về cách tốt nhất để theo đuổi chúng. Ở các cấp cao trong giới học thuật và chính phủ, những người như George Kennan hiểu rằng Chiến tranh Lạnh là một sự tiếp nối và phóng tác của đại chiến lược biển mang tính bước ngoặt thế kỷ của Alfred Thayer Mahan về bá quyền và sự đàn áp.
Họ có thể lúng túng và loạng choạng trên con đường đi đến chiến thắng, nhưng trong suốt Chiến tranh Lạnh, Mỹ nhìn chung đã đi theo một hướng. Các lựa chọn chiến lược của họ được xây dựng dựa trên một sự đồng thuận về việc truyền bá rộng rãi các giá trị của Mỹ và đối đầu với Liên Xô. Sự biến mất sau một đêm của Liên Xô vào năm 1991 được coi là một chiến thắng, nhưng nó cũng khởi động một quá trình được mô tả đúng đắn nhất là một dạng “mộng du” trong chính sách đối ngoại. Các nhà vạch kế hoạch và các chiến lược gia đã gắng sức áp dụng những quy tắc đã dẫn dắt Mỹ trong gần một thế kỷ để bước vào một thế giới đã mất đi câu chuyện tổ chức then chốt.
Năm 1992 đã chứng kiến nỗ lực đầu tiên theo hướng này: Paul Wolfowitz, làm việc cho Bộ trưởng Quốc phòng Dick Cheney, đã giám sát việc soạn thảo một văn kiện chiến lược được nhằm để vạch ra một tiến trình cho đất nước trong thập kỷ tiếp theo. Nó đã nhanh chóng bị rò rỉ cho tờ New York Times và gây ra một sự ồn ào quá mức trong giới truyền thông. Được nhìn nhận trong bối cảnh lịch sử rộng lớn hơn của đại chiến lược Mỹ, văn kiện này chỉ là lời tuyên bố lại các nguyên tắc cơ bản của Mahan với ngôn từ sắc bén: Không một cường quốc bá quyền cạnh tranh nào được phép xuất hiện ở bất cứ đâu trên thế giới. Nhưng kể từ khi bị rò rỉ sau Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, mà vào lúc đó được coi là hình mẫu để giải quyết các vấn đề như Saddam Hussein, văn kiện của Wolfowitz được cho là đã thể hiện đầy ngoạn mục sự kiêu ngạo của Mỹ - một nỗ lực thô lỗ nhằm phá vỡ một sự trình diễn sôi nổi của bài hát “Kumbaya” ngay khi nó đang vào đà.
Giữa những tiếng la ó của công chúng, bản dự thảo đã nhanh chóng được các nhân viên của Cheney ỉm đi và viết lại thành thứ gì đó có tính xoa dịu hơn. Nhưng ngay cả tại thời điểm sôi sục nhất, văn kiện của Wolfowitz cũng không giải quyết được cuộc khủng hoảng ở trung tâm chính sách đối ngoại của Mỹ dưới cái bóng của Chiến tranh Lạnh. Năm 1992, dư luận chính thống bị choáng váng bởi ý tưởng rằng ai đó trong giới tinh hoa chính sách đối ngoại Mỹ đã che giấu điều có vẻ như là những tham vọng đế quốc thầm kín. Ngẫm lại, vấn đề thực sự là ngay cả khi tham vọng nhất, Mỹ vẫn cảm nhận được cái bóng của Liên Xô ngay cả khi nó đã biến mất.
Theo lời kể của Sestanovich, cả George H.W.Bush và Bill Clinton đều là những tổng thống “pha trộn”: Bush cho thấy sự nhiệt tình theo “chủ nghĩa tối đa” trong cách ông xử lý việc thống nhất nước Đức và theo đuổi cuộc can thiệp ở Panama và Kuwait, nhưng lại yên vị với tư tưởng “thu mình” vào cuối nhiệm kỳ của mình; Clinton bắt đầu như là một nhà lãnh đạo “nội bộ” với tầm nhìn hướng vào trong nước, nhưng vào nhiệm kỳ thứ 2 đã can dự gần như điên cuồng ra bên ngoài. Và trong khi điều này là sự thoát ra khỏi tiền lệ của Chiến tranh Lạnh (trong đó các đời tổng thống thường có xu hướng gắn với một hướng giải quyết), sự dao động theo quan sát của Sestanovich không lột tả hết được sự nhất quán sâu sắc hơn: Êkíp chính sách đối ngoại của Bill Clinton đã dành 8 năm triển khai việc diễn đạt một cách lý tưởng hơn, mềm mỏng hơn về vai trò của Mỹ trên thế giới mà, nếu tước bỏ các chi tiết của nó, sẽ chỉ thể hiện sự thay đổi trong giọng điệu.
Kế hoạch cũ về bá quyền và sự đàn áp – lần đầu được Mahan đưa ra, sau đó là Kennan và Wolfowitz – hiện được hợp thức hóa thông qua chủ nghĩa đa phương và toàn cầu hóa, sao cho luôn đảm bảo sự chi phối và lãnh đạo của Mỹ trong các thể chế toàn cầu. Nhà đàm phán thương mại của Clinton, Charlene Barshefsky, đã châm biếm rằng toàn cầu hóa kinh tế đang khiến cho các liên minh quân sự trở nên lỗi thời. Tuy vậy (hoặc kết quả là), NATO đã mở rộng về phía Đông, khéo léo chuyển mình từ một liên minh an ninh tập thể thành một phương tiện để củng cố các giá trị, tầm ảnh hưởng và phương thức hành động của phương Tây. Việc tiếp tục tấn công và áp đặt các vùng cấm bay ở Iraq được biện minh bằng việc đưa ra các nghị quyết hiện thời của Liên hợp quốc. Đối với cuộc can thiệp vào Kosovo, Clinton thậm chí không để tâm đến những chi tiết tinh tế đó. Trước khi sắp mãn nhiệm, ông đã lặp lại cụm từ đáng ghi nhớ của Ngoại trưởng Madeline Albright mọi lúc mọi nơi: Mỹ là “quốc gia không thể thiếu”.
Tuy nhiên, việc rõ ràng thiếu vắng một nhiệm vụ tổng quát đã bao trùm lên mọi thứ. Lập luận của Albright trước Colin Powell về cuộc can thiệp vào Bosnia – “Khả năng quân sự đỉnh cao mà ông lúc nào cũng nhắc đến có nghĩa lý gì khi chúng ta không thể dùng đến nó?” – đã nắm bắt thập kỷ này một cách hoàn hảo. Thời gian nắm quyền của Clinton có đặc trưng là cuộc kiếm tìm ý nghĩa và đường hướng. Khi Liên Xô tan rã, Saddam Hussein và Slobodan Milosevic cũng sẽ phải làm như vậy.
Khi những kẻ không tặc buộc 2 chiếc máy bay chở khách đâm thẳng vào tòa tháp đôi vào năm 2001, cả Dick Cheney và Paul Wolfowitz đều đang trong chính phủ. Và với Chiến lược an ninh quốc gia nhanh chóng được đưa ra vào năm 2002, “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu” đã ra đời. Văn kiện này là một nỗ lực khác nhằm thiết lập một tiến trình vững chắc cho một chính sách đối ngoại thiếu đường lối về mặt tinh thần của Mỹ, truyền bá sự hân hoan chiến thắng mang tính dân chủ trong những năm của Clinton, và tinh thần kiểu Mahan trong bản dự thảo năm 1992. Tuy nhiên, vai trò mà trước đây bị Liên Xô bỏ trống cuối cùng cũng đã được lấp vào – bởi “các mạng lưới ngầm gồm những cá nhân có thể đưa sự hỗn loạn lớn và đau khổ đến đất nước của chúng ta với phí tổn còn ít hơn cả chi phí để mua một chiếc xe tăng”.
Chưa đầy một năm sau, rất nhiều xe tăng Mỹ đã lăn bánh tiến vào Iraq để lật đổ chế độ của Saddam Hussein.
Trong khi đó, ở Chicago, một tháng sau khi Chiến lược an ninh quốc gia của Bush được công bố và một ngày sau khi một nghị quyết cho phép sử dụng sức mạnh quân sự ở Iraq được đưa ra trước Quốc hội, một thượng nghị sĩ trẻ đã phát biểu tại một cuộc biểu tình chống chiến tranh đã nhấn mạnh: “Tôi không phản đối tất cả các cuộc chiến tranh. Tôi phản đối những cuộc chiến tranh ngu ngốc”.
Và ở thành phố New York, một sinh viên theo học chương trình thạc sĩ chuyên ngành nghệ thuật thậm chí còn trẻ hơn, người đã chứng kiến cảnh tòa tháp đôi sụp xuống, đã quyết định rằng anh đã chọn sai con đường nghề nghiệp. Anh ta đã trở thành cánh tay phải cho cựu Chủ tịch Ủy ban đối ngoại thượng viện Lee Hamilton, đầu tiên là tại Trung tâm Wilson ở Washington, DC, sau đó phục vụ với tư cách nhân viên của Hamilton trong Ủy ban 11/9. Cuối cùng, trong nhóm nghiên cứu về Iraq, người đó đã nghiên cứu tìm cách giải thoát nước Mỹ khỏi cuộc chiến tranh xấu xí và không cần thiết của mình “với lòng tự trọng”.
Tổng thống Barack Obama và Phó Cố vấn an ninh quốc gia về thông tin chiến lược Ben Rhodes đại diện cho một thế hệ đang nổi lên được định hình bởi chấn thương do Iraq gây ra. Chúng ta sẽ không có một bức tranh đầy đủ hơn về các động lực bên trong nhiệm kỳ tổng thống của Obama cho đến khi có nhiều hồi ký hơn xuất hiện, nhưng những gì chúng ta đã có từ các báo cáo và phỏng vấn báo chí cho thấy một bước đột phá quan trọng thoát khỏi quá khứ. Obama đã dành 3 tháng trong năm 2009 để chống lại toàn bộ đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia kỳ cựu của ông, những người ủng hộ mở rộng cam kết của Mỹ trong cuộc chiến tại Afghanistan. Cuối cùng ông cũng đồng ý gửi thêm quân, nhưng đặt ra một khung thời gian chặt chẽ cho việc rút quân cuối cùng: Toàn bộ số binh lính bổ sung sẽ về nước trước năm 2012. Một cảnh tương tự cũng diễn ra đối với những lời kêu gọi can thiệp vào Libya, với việc Obama cuối cùng – và bất đắc dĩ – phải đồng ý “lãnh đạo từ phía sau” với tư cách một liên minh phương Tây lật đổ Muammar Qaddafi. Cuối cùng, tại Syria, Obama đã chiến thắng đội ngũ cố vấn và ý kiến của giới tinh hoa chính sách đối ngoại của ông nói chung – “những kẻ khoác lác”, như Rhodes thường gọi họ một cách khinh thường – và cố gắng giữ can dự của Mỹ trong xung đột này ở mức tối thiểu.
Việc bác bỏ các cuộc chiến tranh “ngu ngốc” không phải là toàn bộ câu chuyện trong nhiệm kỳ tổng thống của Obama. Ông đã kiên trì theo đuổi thỏa thuận Iran như là một chiến lược được che đậy sơ sài nhằm giảm sự can dự của Mỹ nhiều hơn ở vùng Đại Trung Đông trong trung hạn. Ông đã tìm cách chuyển trách nhiệm về Nga (một “cường quốc khu vực” đang bộc lộ sự yếu đuối) cho các nước châu Âu và nói đãi bôi về chính sách “xoay trục sang châu Á” mà cuối cùng ông cũng không tài trợ đúng mức. Sestanovich không sai khi xác định Obama là một vị tổng thống theo hướng “thu hẹp” kinh điển theo hình mẫu của Eisenhower và Nixon. Nhưng nếu chỉ nghĩ về Obama theo những thuật ngữ này thì chúng ta đã bỏ lỡ một thay đổi lớn lao quan trọng đã diễn ra trong nhiệm kỳ của ông.
Trong suốt Chiến tranh Lạnh, tất cả các chính quyền đều miễn cưỡng về việc làm thế nào để thoái thác những di sản của chính quyền tiền nhiệm. Yếu tố gây cản trở là sự tồn tại của Liên Xô. Trong giai đoạn giữa sự biến mất bất ngờ của Liên Xô và sự kiện 11/9, không cần bất kỳ sự thoái thác nào; các cuộc can thiệp ở nước ngoài của George H.W. Bush và Bill Clinton nhìn chung đều thành công, không tốn kém và kết quả là được người dân ủng hộ. Các cử tri đều hài lòng, và họ chúc phúc cho bất cứ điều gì giới tinh hoa nói họ định làm. George W. Bush hẳn đã bước vào nhiệm kỳ của mình với lời phàn nàn về sự tích cực thái quá của Clinton trên sân khấu thế giới, nhưng ông gần như chấp nhận những tiền đề khái quát về tính không thể thiếu của Mỹ và tính phổ quát của các giá trị Mỹ mà 10 năm “mộng du” đã cố ý để lộ ra. Thực tế rằng sự kiện 11/9 đã mang lại một sự chuyển hướng rõ ràng ở phía Bush, từ một “người bảo thủ đầy lòng trắc ẩn” chỉ tập trung vào các vấn đề trong nước thành một người vô cùng hăng hái với tinh thần truyền giáo của Mỹ, cho thấy ông gần như không khác gì những người tiền nhiệm của mình.
Iraq là thảm họa lớn đầu tiên sau Chiến tranh Lạnh, và nó đã dẫn đến chính sách “thu hẹp” – như Hàn Quốc và Việt Nam trước đây. Nhưng nếu không có những chỉ trích về Chiến tranh Lạnh, nó cũng có nghĩa là không có tính hợp pháp vốn có trong các chính sách thay thế được vị tổng thống “thu hẹp” này đề xuất. Người ta có thể đồng tình hoặc không đồng tình với những lựa chọn mà Obama đưa ra, nhưng không còn có thể nói chắc tương tự về nguyên nhân căn bản đằng sau sự phán xét của ai đó. Vẫn không có khuôn khổ nào lớn hơn để dựa vào đó chúng ta có thể đánh giá thành tích của chính sách này hay chính sách kia, vì Mỹ vẫn không có mục tiêu chính sách đối ngoại cụ thể trong một thế giới được người dân của họ coi là hoàn toàn hợp pháp.
Những lời kêu gọi nhân đạo, uy tín, tầm ảnh hưởng khu vực và sự tín nhiệm lớn hơn đều đang đối mặt với Obama về Syria. Những lời buộc tội rằng ông đang bán đứng các đồng minh giá trị ở Trung Đông và việc khiến những hỗn loạn hiện nay trở nên sâu sắc hơn đã thúc giục ông dấn sâu vào thỏa thuận Iran. Nhưng Obama đã nhún vai, không hề nao núng và đáng chú ý là không lợi dụng hay trả giá cho các chính sách của ông. Với một chân đã bước ra khỏi cửa, sự ủng hộ trong nước của ông đối với chính sách đối ngoại gần như ngang bằng, chia tách rõ ràng theo phe phái. Xét cho cùng, chính trị là tất cả những gì có ý nghĩa tại nước Mỹ ngày nay.
Khi tác giả lắng nghe Donald Trump phát biểu tranh cử vào tháng 10/2016, tác giả nhớ rằng mình đã lưu ý đến giọng điệu chua cay Trump dùng để tấn công sự ngu ngốc của giới tinh hoa Mỹ khi xử lý vấn đề chính sách đối ngoại. Tất nhiên ông đã trực tiếp tấn công Hillary Clinton và các đề xuất của bà, nhưng ông đã liên hệ hồ sơ thành tích của bà với lịch sử lâu dài hơn và đáng buồn về sự can dự của Mỹ ở Trung Đông. Và ngoài bản thân sự tấn công này, tác giả bị ấn tượng bởi cách bài phát biểu đã thu hút đám đông như thế nào, nhiều người trong số đó là cựu chiến binh hoặc gia đình của các cựu chiến binh trong những cuộc chiến thất bại mà ông đang lên án. Ngữ điệu gay gắt hơn, giọng điệu kịch liệt hơn. Nhưng thực chất lại khiến tác giả nghĩ đến Obama. Kể từ lúc đó, càng có nhiều điểm tương đồng hơn. Cuối cùng Trump cũng bị các cố vấn của ông ép buộc phải miễn cưỡng tăng quân ở Afghanistan. Và giống như Obama, ông đã tiếp tục nhấn mạnh rằng sự tham gia của Mỹ ở Syria tối đa chỉ dừng ở mức bên lề.
Nhưng những khác biệt được thể hiện rõ ràng hơn, với thỏa thuận Iran là một ví dụ cụ thể. Những người ủng hộ cho mỗi vị tổng thống buộc tội cho người kia là đã bỏ rơi các đồng minh. Nhưng đồng minh nào: châu Âu hay Trung Đông? Cả 2 vị tổng thống đều cam kết “không làm những điều ngu ngốc”. Nhưng điều gì ngu ngốc hơn: mạo hiểm tiến hành chiến tranh phòng ngừa với Iran hiện nay mà có thể dễ dàng bị cuốn vào một xung đột lớn trong khu vực, hay đánh cược vào việc thúc đẩy một sự sắp xếp lại trong khu vực, mà cuối cùng có thể bao gồm cả một Iran vũ trang hạt nhân, với hi vọng giúp Mỹ thoát khỏi Trung Đông?
Phải thừa nhận những điều này đã được đơn giản hóa quá mức, nhưng chúng nhằm minh họa cho một luận điểm: Nếu không có câu chuyện lớn hơn ràng buộc Mỹ trong một sứ mệnh duy nhất, những bất đồng chính sách đối ngoại đã biến thành cuộc tranh cãi phe phái ầm ĩ không tài nào phân xử. Xét cho cùng, các chuyên gia có thể tranh luận ủng hộ cả 2 bên trong bất cứ vấn đề nào trong số này. Và dù sao đi nữa, các chuyên gia không có khả năng giúp ích gì, vì chính xác là họ bị buộc tội lên kế hoạch và tiếp tay cho hiện trạng, mà cả Obama lẫn Trump đều đắc cử bằng cách công khai chỉ trích người kia theo cách của họ.
Phần lớn trong động cơ rộng lớn hơn của Obama/Trump đã được Adam Garfinkle trình bày một cách hùng hồn vài tuần trước. Ông viết: “Thực tế rằng 2 vị tổng thống này đến từ 2 điểm khác nhau trên quang phổ chính trị Mỹ cho thấy họ có thể đại diện cho một ‘mức độ bình thường’ mới.” Tác giả cho rằng điều này rất có thể là đúng. Nhưng đồng thời, “mức độ bình thường” mới đó không nhất thiết phải báo trước một sự đồng thuận mới xuất hiện về chủ nghĩa biệt lập. Thay vào đó, chúng ta có thể hướng đến một giai đoạn dân chủ và bất hòa một cách khác thường, trong đó các vấn đề an ninh quốc gia được thảo luận theo những thuật ngữ ngày càng mang tính phe phái.
Và nhắc đến việc theo phe phái, ý của tác giả là sự tùy tiện. Hãy xem xét sự tương đồng trong nước: Ngay dù mức thâm hụt ngân sách ngày càng tăng không thể tránh được cho thấy một mối đe dọa đối với tương lai của đất nước về lâu dài, thực tế rằng một cuộc bầu cử có thể được hoãn lại quá giới hạn thời gian cũng đồng nghĩa với việc cả 2 bên đều lịch thiệp sử dụng nó như một chiếc dùi cui chống lại đối thủ của mình nhưng sau đó lại theo đuổi các ưu tiên của họ trong khi nắm quyền. Các chuyên gia được tập hợp để hỗ trợ trong từng tình huống, nhưng điều đó không thực sự quan trọng. Nhìn chung, các lợi ích chính trị thấp đến mức không thể duy trì, và cái giá phải trả cho việc thiếu nghiêm túc, nếu có, sẽ bị các lợi ích chính trị ngắn hạn lấn át.
Để khẳng định điều đã rõ ràng, tất cả điều này có thể chấm dứt nếu và khi một thách thức phù hợp bên ngoài nảy sinh, vừa tạo ra một câu chuyện thống nhất để tập hợp cử tri, vừa chấn chỉnh các chính trị gia và các nhà hoạch định chính sách đi vào một phân tích thiết thực hơn về những gì cấu thành nên lợi ích quốc gia. Nhiều người ngày nay nhìn vào Trung Quốc và tưởng tượng và hi vọng, điều gì như vậy sẽ xảy ra, có lẽ sớm hơn thay vì muộn hơn.
Đồng thời, có lẽ tốt nhất là không nên quá lạc quan về các cuộc đấu tranh “mang tính định nghĩa” sẽ giải quyết hộ chúng ta các vấn đề của chúng ta. Lịch sử thường không diễn biến một cách trình tự như vậy – nó tương đồng chứ không lặp lại. Và đừng quên rằng chính sự nhiệt tình đối với cuộc đấu tranh “mang tính định nghĩa” đã mang lại cho chúng ta cuộc chiến tranh Iraq, mà đã góp phần không nhỏ giải thích lý do tại sao cuộc tranh cãi về chính sách đối ngoại của chúng ta lại diễn ra theo cách này. Có lẽ chúng ta nên cố gắng hơn nữa, dù với hi vọng mong manh, để củng cố sự đồng thuận đối với các điều kiện riêng của chúng ta.
Damir Marusic là tổng biên tập trang The American Interest. Bài viết được đăng trên The American Interest.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét