Vào ngày này năm 1914, trong tháng đầu tiên của Thế chiến I, quân Đức đã bắt đầu đóng quân tại làng Louvain của Bỉ . Chỉ trong vòng năm ngày, họ đã thiêu rụi và cướp phá nhiều thị trấn, thảm sát hàng trăm thường dân.
Nằm giữa thủ đô Brussels và thị trấn Liege, nơi diễn ra giao tranh nặng nề trong những tuần đầu tiên khi người Đức xâm lược, trong con mắt dư luận quốc tếLouvain trở thành biểu tượng cho bản chất tàn bạo kinh hoàng của cỗ máy chiến tranh Đức. Từ những ngày đầu tiên họ xâm lược nước Bỉ, vi phạm tính trung lập của quốc gia nhỏ bé này trên con đường tiến đánh nước Pháp, người Đức đã chiếm đóng và phá hủy nhiều vùng nông thôn và làng mạc dọc đường hành quân, giết chết một số lượng lớn dân thường, gồm cả phụ nữ và trẻ em.
Những hành động tàn bạo này, mà Đức tuyên bố là phản ứng trước sự kháng cự dân sự bất hợp pháp đối với hành động chiếm đóng của Đức. Sự kháng cự được tổ chức và thúc đẩy bởi chính phủ Bỉ và các nhà lãnh đạo khác trong cộng đồng, đặc biệt là Giáo hội Công giáo, và được trực tiếp tiến hành bởi các tay súng bắn tỉa (franc-tireurs) – những người đã tham gia Chiến tranh Pháp-Phổ vào năm 1870-1871.
Thực tế, loại kháng chiến dân sự này – mặc dù được cho phép bởi Công ước Hague năm 1899 và 1907, vốn bị người Đức phản đối – không xuất hiện đáng kể tại thời điểm Đức xâm lược Bỉ, nhưng vẫn được dùng như một cái cớ để biện minh cho việc Đức theo đuổi lý thuyết khủng bố do nhà lý luận quân sự nổi tiếng người Phổ sống vào thế kỷ 19, Karl von Clausewitz, phát triển. Theo Clausewitz, thường dân của quốc gia thù địch không nên được miễn khỏi tác động của chiến tranh, mà thay vào đó nên bị buộc phải cảm nhận tác động của chiến tranh để gây áp lực khiến chính phủ của họ đầu hàng.
Sự kiện Louvain bị thiêu rụi diễn ra ngay sau vụ thảm sát ở làng Dinant, gần Liege, vào ngày 23/08, trong đó binh sĩ Đức đã giết chết 674 thường dân theo mệnh lệnh từ chỉ huy trưởng của họ. Hai ngày sau, quân đội nhỏ bé nhưng cứng rắn của Bỉ đã đột ngột tấn công Tập đoàn quân số 1 của Đức, dưới sự chỉ huy của Tướng Alexander von Kluck, buộc người Đức phải rút lui trong tình trạng hỗn loạn khỏi Louvain. Sau đó, người Đức tuyên bố rằng các thường dân đã bắn vào lính Đức, hoặc đã bắn từ các mái nhà trong làng để gửi tín hiệu cho quân đội Bỉ, hoặc thậm chí là để tiếp cận quân đội Pháp hoặc Anh. Ngược lại, người Bỉ sẽ tuyên bố rằng chính lính Đức đã tự bắn nhau do nhầm lẫn trong bóng tối. Bất kể chuyện gì đã xảy ra thì người Đức thiêu rụi Louvain chẳng phải để trừng phạt hành vi cụ thể nào của người Bỉ, mà để đưa ra một ví dụ cho thế giới thấy điều sẽ xảy ra với những ai dám chống lại nước Đức hùng mạnh.
Trong năm ngày tiếp theo, khi Louvain cùng các tòa nhà của nó – bao gồm cả trường đại học và thư viện nổi tiếng, được thành lập năm 1426 – cháy thành tro bụi, đã có một sự phản đối kịch liệt trong cộng đồng quốc tế, cùng dòng người tị nạn chạy trốn khỏi làng và các nhân chứng xuất hiện khắp báo chí nước ngoài. Richard Harding Davis, một phóng viên người Mỹ ở Bỉ, đã đến Louvain bằng tàu quân sự vào ngày 27/08; bản báo cáo của ông sau đó xuất hiện trên tờ New York Tribune dưới tiêu đề “Đức đánh phá Louvain, phụ nữ và giáo sĩ bị bắn” (GERMANS SACK LOUVAIN; WOMEN AND CLERGY SHOT). Một tuyên bố của Berlin do Đại sứ Quán Đức tại Washington, D.C. đưa ra đã xác nhận sự kiện này, rằng “Louvain bị trừng phạt bằng sự hủy diệt cả thành phố.” Báo chí của phe Hiệp Ước như phát điên, đặc biệt là các biên tập viên người Anh đã gọi đây là hành động Phản bội Văn minh (Treason to Civilization) và nhấn mạnh người Đức đã chứng tỏ mình là hậu duệ không phải của tác gia vĩ đại Goethe mà là của bạo chúa khát máu Attila Hung Nô.
Khi chiến tranh kết thúc, người Đức đã sát hại khoảng 5.521 thường dân Bỉ (và 896 thường dân Pháp). Trên hết, các hành động của Đức ở Bỉ là nhằm chứng minh cho phe Hiệp Ước rằng Đế quốc Đức là một quyền lực ghê gớm cần phải tuân phục, và những người chống lại quyền lực đó – dù là binh lính hay thường dân, tham chiến hay trung lập – đều sẽ nhận lại sự hủy diệt hoàn toàn. Trớ trêu thay, với nhiều người ở các nước thuộc phe Hiệp Ước, và phần còn lại của thế giới, một kết luận khác đã xuất hiện từ ngọn lửa thành Louvain: Đức phải bị đánh bại bằng mọi giá, không thỏa hiệp, bởi chiến thắng của Đức có nghĩa là thất bại của nền văn minh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét