Nhưng cho dù có cố gắng đến mấy thì điệp khúc rau rừng, cơm độn sắn, cơm độn ngô và những ngày hết gạo thì ăn sắn, ăn ngô vẫn cứ là điệp khúc bền bỉ của người đồng bào thiểu số vùng biên cương! - Liêu Thái
Sau khi tấm ảnh người đàn ông đi xe máy chở người chết cuốn chiếu, chạy qua đường phố của tỉnh Sơn La (vào hôm 12 tháng 9 năm 2016) được lưu truyền trên mạng, Thời Báo – Canada đã kêu gọi độc giả góp tay ủng hộ gia đình của nạn nhân. Số tiền nhận được là 1,800.00 Gia Kim, và đã được những thân hữu của toà soạn – ở VN – mang đến tận tay gia đình của người xấu số, ở Sơn La.
Chuyến đi ngắn ngủi này đã được chính những người trong cuộc ghi lại dưới hình thức một bài viết (“Những Đồng Tiền Ánh Sáng”) và đã được đăng trên tờ Thời Báo (ấn bản Tonronto, Canda) số 2371, ra ngày 26 tháng 10 năm 2016. Xin được trích dẫn những đoạn chính yếu:
Xe xuất bến Mỹ Đình từ 20g đêm thứ Sáu, tới 5g30 sáng thứ Bảy thì tới thị trấn Sơn La. Từ đây, chúng tôi bắt chuyến xe khác đi huyện Quỳnh Nhai, bản Mường Sại, hỏi dò để tìm tung tích nhằm trao tiền từ thiện của bà con kiều bào từ tâm…
Có lẽ, khi làm việc thiện thì thường được gặp may. Cái may mắn chúng tôi gặp không chỉ bởi thời tiết râm mát rất thuận lợi cho việc leo sườn núi, mà vừa bước chân từ đò lên bờ, chưa biết phải theo đường mòn nào về bản, thì một người đàn ông tự giới thiệu là cháu ông Pe.
Chúng tôi nhận ra ngay vì ảnh chụp anh đăng trên báo. Anh tên Lò Văn May, cháu gọi ông Pe bằng bác ruột (có nơi gọi là cậu). Anh tình nguyện dẫn chúng tôi lên nhà, và cõng giúp balô hành lý của chị Hà. Chỉ khoảng 3 km đường dốc, cũng đủ để nhóm người thành thị lười vận động phải thở bằng tai, cứ một đoạn dốc ngắn là phải dừng hẳn lại, để bắt kịp hơi thở. Có đoạn đường mòn, bề ngang chỉ vừa lọt một người, bước không khéo, trượt chân sẽ rơi xuống suối cạn.
Người ta bảo phúc bất trùng lai, nhưng chúng tôi lại gặp may nữa. Anh Lò Văn Muôn, con nuôi của ông Pe, người bó xác chị Lò Thị Phanh chở sau xe máy từ bệnh viện về nhà, sống cách đó những 20 km, cũng có mặt, dù chúng tôi không hề có manh mối gì để báo trước.
Khi chúng tôi vào nhà, ông Pe vẫn nguyên vẻ lúng túng thô sơ chất phác của người miền núi, chào chúng tôi bằng mấy câu tiếng Kinh bập bõm. Nói với con cháu, ông vẫn dùng tiếng dân tộc Thái trắng.
Bên trong căn nhà tối om, đập vào mắt chúng tôi trước tiên là người đàn ông nằm ườn trên giường, phanh cả áo xống; trước đám người lạ vẫn giữ nguyên tư thế, cứ chòng chọc nhìn khách.
Anh Muôn giải thích, người đang nằm tên Lò Văn Sương là em chị Phanh, sinh năm 1981, bị câm và ngớ ngẩn từ bé. Anh Sương lập gia đình với một cô gái quá lứa không lấy gì làm khôn ngoan, và mấy năm nay vẫn chưa có con ... quần áo trên người anh ta cũng đồ từ thiện.
Chúng tôi ra phía cầu thang sau nhà, nhìn xuống vườn. Một mùi xú uế tanh lợm bốc lên. Túp lều lợp cỏ gianh, vây quanh vách qua loa bằng tấm cật nứa. Đây là nơi nhốt Lò Văn Hom, người anh sinh đôi với Sương.
Em chị Lò Thị Phanh, anh Lò Văn Hom bị xích vì mắc bệnh tâm thần. Ảnh: Thời Báo Canada.
Anh này sinh ra khôi ngô khoẻ mạnh, đi học đến lớp 5 thì phát bệnh. Gia đình không tiền chạy chữa, bệnh cứ thế ngày một nặng thêm.
Một mình ông cụ tuổi bát tuần vừa nuôi con hai con trai điên khùng ngớ ngẩn, nhất là từ khi bà Pe chết cách đây ba năm, thì không còn đủ sức canh chừng người điên. Sau một lần anh Hom bỏ nhà lang thang vào tận rừng sâu, tìm mãi mới thấy, cả nhà sợ anh chết thú dữ ăn mất xác, nên đã xích lại.
Con người phải trần trụi xích xiềng như vậy, mất tự do hơn cả con bò, con chó trong nhà. Thật sống không bằng chết. Nhìn ông Pe ngoài 80, vợ chết, con gái chết, ngồi lau nước mắt bên 2 đứa con điên, ngẫm thấy, đời người thật nhiều nỗi thống khổ, không ai giống ai. Nhưng chắc chắn nỗi đau về con cái là nỗi đau lớn nhất…
Ngay rìa miếng đất của ông Pe có một sườn nhà sàn theo qui cách dân tộc Thái nhưng không mái, không thưng vách, chơ vơ cái cốt nhà, trên sàn tre đặt mấy nông cụ đi nương. Trước sự tò mò của chúng tôi, anh Muôn bảo đây là nơi ở của bà Bạc Thị Ún, người cháu gọi ông Pe bằng cậu, nay cũng đã già, mồ côi cha mẹ, không chồng không con, được ông bà Pe mang về nuôi từ nhỏ. Hôm nay, bà này đang đi làm ở nương ngô và ở lại trong chòi canh rẫy.
Trong khi chờ gặp cháu Pó theo mợ từ rẫy về, anh Muôn dẫn chúng tôi đến thăm mồ chị Phanh, theo lời dặn dò của người chuyển tiền về từ bên Toronto. Cách nhà 2 cây số, nhưng vốn nơi đây là Rừng Ma, hoang vắng, lại là nơi tái định cư, nên âm u hoang dại, nếu ai yếu bóng vía và không quen nơi thâm sơn cùng cốc dễ bị giật mình.
Đứng trước nhà mồ chị, tôi đã khấn vái:“Chúng tôi ở xa tới, mang giùm những đồng tiền hảo tâm của kiều bào quyên góp giúp gia đình chị và cháu bé. Chị sống khôn chết thiêng thì chứng giám chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Xin phù hộ cho cha chị đủ sức khoẻ, cháu Pó được khôn lớn, được chăm lo học hành từ ân nghĩa này. Cũng xin xin bao bọc cho chúng tôi chuyến về bình yên.”
Trên đường quay về nhà khi được hỏi về nguồn sống của gia đình ông Pe, anh Muôn thú nhận, bản thân anh cũng không nuôi được bố, vì hoàn cảnh khó khăn. Mỗi năm, ông cụ thiếu cái ăn khoảng 2 tháng, vì trong gia đình người ăn thì đông mà người làm lại không. Cứ lần hồi, làm con tắc kè, tự ăn đuôi mà sống cho qua ngày.
Chúng tôi trở lại nhà họ sau khi leo leo xuống 2 km đường đồi núi cũ, đúng lúc cháu Pó từ nương về theo người mợ. Cô con dâu ông Pe, 31 tuổi, có thân hình của đứa trẻ suy dinh dưỡng 14 tuổi với gương mặt bà già 60 với những nếp nhăn hằn sâu. Cô lúng búng chào mọi người rồi ra đứng lơ ngơ phía đầu hồi.
Cả gia đình, ai cũng có cặp mắt mờ đục, u uẩn, buồn bã, bằng chứng của tuyệt vọng, như bất cứ đôi mắt của người nghèo miền sơn cước nào mà chúng tôi đã gặp. Ánh nhìn mông lung, mắt mở nhưng không thấy ngày mai...
Chúng tôi chào cháu bé. Nó chào lại bằng đôi mắt to mòng mọng nước, ngơ ngác, luôn mở to như kiếm tìm. Con bé 7 tuổi mà nhấc lên, nhẹ sọp, toàn xương. Hỏi gì cũng không nói. Đưa cho túi bánh hộp sữa thì cầm, rồi khép nép ra ôm cánh tay ông ngoại. Đúng là gà con lạc mẹ. Móng tay cáu bẩn. Cái mũ và bộ quần áo ai đó mới mua cho ở chợ núi, nhìn tươm tất, nhưng vẫn không làm con bé bớt phần ai oán.
Vào độ tuổi phải được cha mẹ ôm ấp nâng niu, thì nó đã mồ côi bố từ khi mới lên 2. Sơn La vốn là một điểm đen ma tuý, mà huyện Quỳnh Nhai cũ là nơi khai thác vàng với những chủ bưởng khét tiếng vùng Tây Bắc. Cơn lốc vàng đã mang theo ma tuý, điếm đĩ và vô vàn tệ nạn khác, khuấy đảo vùng núi bình yên. Bố bé Pó đi làm thuê, có đồng nào nướng hết đồng đó vào ma tuý, để rồi mắc nghiện và chết vì SIDA.
Ông Lò Văn Pe cháu Lò Thị Pó. Ảnh: Thời Báo Canada
Nay mất nốt mẹ, hàng ngày sống giữa hai người cậu điên, một người mợ chậm chạp về trí tuệ và ông ngoại già nua, nên hầu như cả ngày nó không có cơ hội học và sử dụng ngôn ngữ của loài người. Tương lai con bé ra sao? Hoàn toàn mờ mịt. Rồi lại chôn chân ở xó rừng này.
Tường trình của Thuận, Hà và Phú (Miền bắc Việt Nam 21/10/2016).
Có lẽ ngay ở Bắc Hàn cũng không dễ tìm được một nơi mà điều kiện sinh sống của người dân khốn cùng và tồi tệ như tại thôn Mường Sại. Có bao nhiêu “xó rừng” tương tự ở khắp nước Việt Nam nhưng không ai hay biết vì chưa ai từng đi theo một thây ma đến tận những nơi đây?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét