Ngày 24 tháng 3 năm 1926, cụ Phan Châu Trinh qua đời. Một đám tang lạ lùng đã diễn ra trên đất nước ta. Toàn dân – không phân biệt giai cấp, đảng phái, tôn giáo – đã tự nguyện để tang cho một người đã từng “Đập Đá Ở Côn Lôn”. Đám tang lớn đến mức mà Nguyễn Ái Quốc, trong một báo cáo gửi quốc tế cộng sản, đã viết “trong lịch sử người An Nam chưa hề được chứng kiến một sự kiện to lớn như vậy bao giờ”.
Gần 100.000 người đã đi theo linh cữu ông, kéo dài trên hai cây số, trong khi đó dân số Sài Gòn – Chợ Lớn khi ấy chỉ khoảng 350.000 người. Hầu hết các tỉnh trong nước đều cử người về Sài Gòn dự đám tang, rồi sau đó trở về địa phương mình tổ chức lễ truy điệu. Thật sự đã diễn ra một quốc tang, trong toàn quốc, cho một người vốn dĩ là kẻ thù của chế độ đương thời – một chế độ thực dân phong kiến vô cùng hà khắc, tàn bạo.
Nhân dân đã tự nguyện long trọng tiễn đưa nhà ái quốc yêu quý của mình về nơi an nghỉ cuối cùng. Từ quốc tang này, một lớp người mới được thức tỉnh đã lên đường, tiếp bước, kề vai sát cánh gánh vác sứ mệnh “Cái trách nhiệm nòi giống của dân tộc Việt Nam, tôi không nhường cho ai được cả“, mà cụ Phan và các bậc tiền bối đã để lại.
Lịch sử diễn ra sau đó đã chứng tỏ quốc tang cụ Phan Châu Trinh là một báo hiệu cho thời kỳ mới của dân tộc.
Hôm nay, trên đất nước Việt Nam cũng đang diễn ra quốc tang theo Nghị định số 105/2012/NĐ-CP ngày 17/12/2012 của Chính phủ, chỉ dành cho 4 chức danh, nhưng sao nó im ắng lạ thường.
Quốc tang của chủ tịch nước mà không có đau buồn, không có nước mắt của nhân dân. Quốc tang mà im ắng hơn cả Thành phố tang dành cho ông Nguyễn Bá Thanh – cựu bí thư Đà Nẵng.
Sự im ắng lạ thường của quốc tang này cũng là một báo hiệu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét