Thứ Bảy, 27 tháng 10, 2018

6917 - “Cáo phó” cho Đảng



             Khu vực tự do mậu dịch Shanghai, Pudong district. Hình minh họa.


Cùng lúc với sự tiết lộ bí mật của ông Trắng là những thông tin được một phụ nữ, tạm gọi là bà Xanh, một tài sản bí mật quý giá lâu nay của FBI, cung cấp. Các yêu cầu về tài chánh của bà Xanh nhiều hơn, hai triệu đô la, vì bà tự nhận có mức độ quen biết sâu hơn. Bà Xanh tự nhận không những biết về Bộ Chính trị mà còn biết rất rõ về người kế vị của Đặng Tiểu Bình, tức Giang Trạch Dân (Jiang Zemin). Bà biện luận rằng ông Đặng lẫn ông Giang đều kiên quyết ủng hộ Hoa Kỳ. Ông Giang còn ủng hộ nhiều hơn cả ông Đặng và còn thích hát nhạc Elvis Presley bằng tiếng Anh. Bà chế nhạo ý tưởng cho rằng Khổng Tử sẽ được đề cao trở lại hoặc các môn học Mác Xít sẽ bị loại bỏ khỏi chương trình giáo dục quốc gia. Bà khẳng định rằng phe diều hâu chỉ là những nhà tư tưởng bên lề, ngoài giòng chính, già nua và nhanh chóng mất những ảnh hưởng vốn không còn bao nhiêu cả.
Khác với ông Trắng, bà Xanh đã không, và không thể, tiết lộ tên hoặc địa điểm của bất kỳ một điệp viên Trung Quốc nào tại Hoa Kỳ. Bà cũng không nhận diện ra được bất cứ điệp viên nào trong các tấm hình cung cấp. Bà tự nhận là không có kiến thức nào về các đường hầm bí mật dài hàng dặm nằm dưới thủ đô Bắc Kinh mà các viên chức cao cấp của ĐCSTQ dùng để đi lại. Bà cũng không nhận diện ra được bất kỳ tài liệu mật nào của Trung Quốc.
Nhưng khác với ông Trắng người nói tiếng Anh phần lớn khó hiểu được, bà Xanh nói tiếng Anh thông thạo. Bà lạc quan về hầu hết mọi địa hạt chính sách mà Hoa Kỳ hợp tác với Trung Quốc. Không như ông Trắng người tỏ vẻ lo lắng và ngay cả khiếp sợ về việc gặp mặt lại đồng hương của mình, bà Xanh lại sẵn sàng hiểm nguy cả tính mạng để bay về lại Trung Quốc một năm một hoặc hai lần để thu thập các tin tình báo mới.
Vào thời đó, Ts Pillsbury biện luận rằng Hoa Kỳ có thể giữ cả hai người trong số người được lưu giữ bởi chính quyền, nhưng các đồng nghiệp của ông không đồng ý. Cộng đồng tình báo Hoa Kỳ phát đạt nhờ sự đồng thuận. Bà Xanh giải quyết được vấn đề và họ theo phe bà và cung cấp số tiền bà yêu cầu.
Tuy thế, Ts Pillsbury, vì tò mò chứ không nhất thiết tin tưởng ông Trắng vào lúc đó, cũng đã tiếp tục gặp và trao đổi với ông Trắng sau đó. Họ trao đổi nhau bằng Hán ngữ. Ts Pillsbury thắc mắc làm thế nào mà chủ thuyết Mác sẽ được loại bỏ khỏi ý thức hệ quốc gia và chương trình giáo dục quốc gia? Ông Trắng trả lời rằng ông đã từng được nghe về kế hoạch thiết lập chương trình “giáo dục yêu nước”. Sẽ có hàng trăm cơ sở giáo dục yêu nước khắp nơi, các tượng đài lịch sử mới, và các viện bảo tàng mới để phục vụ cho kỹ nghệ du lịch. Lãnh đạo chính trị sẽ hỗ trợ tài chánh cho các chương trình truyền hình, phát thanh và phim ảnh ghi chép các biến cố “thế kỷ quốc nhục” mà Trung Quốc đã hứng chịu vì các thế lực ngoại bang, như Nhật Bản và Hoa Kỳ. Họ sẽ tuyên bố rằng Hoa Kỳ ra sức phong tỏa Trung Quốc và tìm cách ngăn chặn Trung Quốc trở lại một thời vinh quang.
Ông Trắng cho rằng giới trẻ và trí thức Trung Quốc đã yêu Hoa Kỳ qua biến cố Thiên An Môn, nhưng lãnh đạo Trung Quốc sẽ không bao giờ để điều đó xảy ra lần nữa. Họ sẽ bôi nhọ Hoa Kỳ, sẽ tìm cách hồi sức (rejuvenation), chấm dứt nỗi nhục do bàn tay của Tây phương gây ra. Ông Trắng kết luận: “Hai con chim, một hòn đá”. Ts Pillsbury hỏi: “Hai chim ở đây là ai?” Ông Trắng trả lời rằng thứ nhất là sẽ không còn đe dọa từ Liên Sô nữa; nó đã sụp đổ rồi, nên Bắc Kinh không cần Hoa Kỳ bảo vệ nữa. Con chim thứ nhì là Hoa Kỳ. Trung Quốc muốn làm bá chủ.
Theo Ts Pillsbury thì Hoa Kỳ đã bỏ lỡ cơ hội, vì kể từ năm 1972 cho đến biến cố Thiên An Môn, đó là lần đầu tiên Hoa Kỳ có cơ hội nhìn lại Trung Quốc với cặp mắt khác ngoài màu hồng. Nhưng Tổng thống Bush lúc đó, mặc dầu biết các nhà cải cách Trung Quốc bị thanh trừng và Chủ tịch nước Triệu Tử Dương bị quản thúc, vẫn bám vào quan niệm sai lầm cũ. Đối với cả hai nhà cải cách thật sự là Hồ Diệu Bang, người đã qua đời, và người kế vị, Triệu Tử Dương, thì Hoa Kỳ quyết định không nâng cao số phận của họ. Không ai biết họ là người cải cách thật sự. Không ai biết mức độ cải cách mà họ đã vận động ở thượng tầng lãnh đạo. Các thông tin đó chỉ đến sau này, từ các người đào ngũ từng làm việc trực tiếp với họ Triệu và họ Hồ trong các cải cách chính trị dân chủ. Tóm lại, theo Ts Pillsbury thì Hoa Kỳ bấy lâu nay đã hỗ trợ cho những nhà cải cách giả và bỏ rơi những nhà cải cách thật, và đây là điều mà sau này trở lại ám ảnh Hoa Kỳ.
Để hoàn tất bản báo cáo của mình, Ts Pillsbury được gửi sang Paris để phỏng vấn những đảng viên ĐCSTQ đã vượt thoát được và đang được chính quyền Pháp cho trú ẩn. Họ chọn một lãnh đạo và thành lập một chính quyền lưu vong với hy vọng được Tây phương công nhận. Tổng thống Bush không quan tâm đến tổ chức này. Các chi tiết trong hồi ký của các nhà hoạt động này (những người từng làm việc trực tiếp dưới họ Hồ họ Triệu, muốn xây dựng một hệ thống chính trị như Hoa Kỳ), đồng thuận và hỗ tương nhau, nhưng vào thời đó nó không đủ và lại đến quá trễ. Thêm vào đó bà Xanh khẳng định họ Giang, người được họ Đặng chọn lấy, là thuộc phe cải cách và hát nhạc Elvis Presley. Sau vụ thảm sát Thiên An Môn, ngày 5 tháng Sáu năm 1989, Tổng thống Bush tuyên bố rằng ông tin các lực lượng dân chủ sẽ vượt qua các biến cố bất hạnh tại Quảng trường Thiên An Môn. Nhưng ngay trong thời điểm nổi dậy và bị đàn áp đó, Tổng thống Bush tiếp tục ra lệnh cho Lầu Năm Góc hoàn thành lời hứa chuyển giao ngư lôi, hệ thống radar, và các thiết bị quân sự khác cho Trung Quốc. Vì đã hoàn toàn thuyết phục bởi chủ trương của Nixon lúc đó nên ông không thể có một cái nhìn khác đi được. Thêm vào đó quan điểm của ông Bush được hỗ trợ bởi giới lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ rất sẵn lòng duy trì mối quan hệ và các cơ hội làm ăn đang phát triển bởi vì thị trường Trung Quốc có nhiều hứa hẹn trở thành lớn nhất trên thế giới.
Quan điểm của Tổng thống Bush về Trung Quốc đã bị ông Bill Clinton phê phán nặng nề trong cuộc tranh cử năm 1992. Trong cuộc tranh cử, ông Clinton phê phán ông Bush nâng niu “những kẻ tàn sát của Bắc Kinh”. Sau khi đã thắng cử, Tổng thống Clinton vào lúc đầu nhiệm kỳ đã có quan điểm cứng rắn nhất đối với Trung Quốc so với các tổng thống tiền nhiệm như Eisenhower, Kennedy và Johnson. Warren Christopher, Bộ trưởng Ngoại giao của Clinton, điều trần trước Ủy ban Ngoại giao Thượng viện rằng “Chính sách của chúng tôi là sẽ tạo điều kiện cho những sự chuyển hóa rộng lớn và ôn hòa tại Trung Quốc từ cộng sản đến dân chủ bằng cách khuyến khích các lực lượng tự do hóa về kinh tế và chính trị”.
Quan điểm mạnh mẽ của Tổng thống Clinton được thể hiện cao nhất vào ngày 28 tháng Năm năm 1993, khi ông đã mời 40 nhà đối kháng Trung Quốc, kể cả những người đại diện cho Đức Đạt Lai Lạc Ma và lãnh đạo phong trào sinh viên Thiên An Môn, đến Nhà Trắng. Đây là một sự khiển trách chưa từng thấy theo cái nhìn của Bộ Chính trị Trung Quốc, và đe dọa toàn bộ mối quan hệ giữa hai quốc gia.
Theo ông Trắng, người vẫn tiếp tục giữ mối quan hệ với nguồn của mình tại Trung Quốc, cho biết các chuyên viên tình báo Trung Quốc nắm rõ sự chia rẽ bên trong nội bộ chính quyền Clinton về Trung Quốc, do đó họ đã ra sức thi hành chiến lược vận động để chuyển hóa. Họ chủ trương thành lập một liên minh để ủng hộ đường lối Bắc Kinh. Họ nghiên cứu kỹ lưỡng quan điểm của từng người trong chính quyền Clinton, và dồn mọi nỗ lực để vận động và hỗ trợ cho những cá nhân nào ủng hộ mối quan hệ với Trung Quốc. Các doanh nghiệp và những người ủng hộ tài chánh chính cho chiến dịch vận động tranh cử của ông Clinton bây giờ đi vận động trực tiếp với tổng thống. Họ yêu cầu ông không nên gây nguy hại cho viễn ảnh cơ hội buôn bán máy bay Boeing cho Trung Quốc, cũng như những vệ tinh thương mại của Mỹ nếu sử dụng hỏa tiển Trung Quốc thì tiết kiệm được hàng trăm triệu đô la vân vân… Họ cũng nỗ lực vận động quốc hội Hoa Kỳ mềm mỏng hơn trong bang giao với Trung Quốc, chủ yếu dựa trên quyền lợi kinh tế của cử tri.
Trong bài kế tiếp và cũng là sau cùng về đề tài này, tôi sẽ trình bày về nỗi ám ảnh và các bài học rút tỉa.
(Úc Châu, 23/10/2018)
Tài liệu tham khảo:
Bài viết này chủ yếu dựa vào chương 4: Mr White and Ms Green, trang 84 đến 102, của tác phẩm “Cuộc chạy đua một trăm năm” của Michael Pillsbury, “The Hundred Year Marathon”, Henry Holt and Company, February 2015.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét