Sáng ngày 26-10, một số cá nhân đưa tin trên facebook về giấy triệu tập lần thứ 1 của cơ quan an ninh điều tra TP.HCM. Người được triệu tập là một trẻ em. Mặc dù giấy triệu tập có ghi thêm dòng trong ngoặc đơn là “Lê Thị Khanh người giám hộ”, song xét về quy định liên quan tố tụng, đây là một tắc trách nghiêm trọng của nguyên tắc tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên.
Không rõ phía nhận giấy triệu tập có đến cơ quan an ninh điều tra hay không, tuy nhiên vẫn cần lên tiếng cảnh báo về sự tùy tiện của những người tiến hành tố tụng trong những trường hợp thế này.
Bộ Luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) không có những quy định về nguyên tắc tố tụng hình sự riêng cho người cho thành niên. Tuy nhiên, Thông tư liên tịch số 01/2011/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH năm 2011 (TTLT số 01/2011/TTLT) hướng dẫn thi hành một số quy định của BLTTS đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên, đã đưa ra một số quy định có tính nguyên tắc về trách nhiệm của cơ quan, người tiến hành tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến người chưa thành niên.
Trước tiên, cơ quan an ninh điều tra của Công an TP.HCM lẽ ra không sử dụng mẫu giấy triệu tập như vầy, mà cần sử dụng mẫu giấy mời để có thể “Bảo đảm giữ bí mật thông tin cá nhân của người chưa thành niên. Mọi hoạt động tố tụng liên quan đến người chưa thành niên phải được tiến hành trong môi trường thuận tiện cho việc bảo đảm bí mật đời tư và danh dự, nhân phẩm của người chưa thành niên”, như quy định tại Điều 3. “Trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng” của TTLT số 01/2011/TTLT.
Trước hàng loạt tin tức về người bị tạm giữ hành chính, tạm giữ hình sự chết bất thường tại đồn công an, trong trường hợp cụ thể ở đây, lẽ ra cơ quan an ninh điều tra phải “Áp dụng các biện pháp phù hợp, cần thiết theo quy định của pháp luật để bảo đảm người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên cũng như người thân thích của họ được an toàn về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác khi các quyền ấy bị đe dọa hoặc bị xâm hại” (Điều luật đã dẫn).
Lưu ý, với nội dung thể hiện trên giấy triệu tập, cho thấy dấu hiệu vi phạm Điều 15. “Lấy lời khai người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên” của TTLT số 01/2011/TTLT.
Theo quy định này, việc lấy lời khai người chưa thành niên có thể thực hiện tại nơi ở của người đó. Nơi lấy lời khai người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên cần được bố trí theo cách thức thích hợp để họ cảm thấy an toàn, thoải mái. Điều tra viên, Kiểm sát viên khi tiến hành lấy lời khai người bị hại, người làm chứng là người chưa thành niên phải có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành của họ.
Khi lấy lời khai của trẻ em như cụ thể trường hợp ở bài viết này là ‘cha biểu tình phản đối dự luật đặc khu’, cơ quan tiến hành tố tụng phải mời người mẹ của trẻ, người đỡ đầu, hoặc người đại diện hợp pháp khác hoặc thầy cô giáo của trẻ em đó tham dự. Điều 15 của TTLT số 01/2011/TTLT còn yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng có thể mời đại diện cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên hoặc cán bộ trợ giúp khác tham gia để hỗ trợ cho trẻ em được mời đó.
Một chút bên lề liên quan việc người dân Sài Gòn từng xuống đường phản đối dự luật đặc khu. Tâm lý sợ đám đông trong đội ngũ lãnh đạo, quản lý thể hiện ngày càng rõ rệt. Việc dùng các thủ đoạn để giải tán đám đông càng làm cho mâu thuẫn xã hội nhiều khi trở nên rất gay gắt, gây bức xúc trong nhân dân, vi phạm quyền tự do hiến định của người dân.
Chuyện gửi giấy triệu tập một trẻ em để phục vụ điều tra về một công dân thực thi quyền biểu tình hiến định, cho thấy về bản chất dân chủ và tính chất nhân dân của Nhà nước trên con đường xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam còn rất dài, và đang là thách thức rất lớn của tân chủ tịch nước, tân trưởng ban cải cách tư pháp Nguyễn Phú Trọng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét