Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

6953 - Vì sao rút hồ sơ vụ quy hoạch Ba Son về Bộ Công an?



Dòng tộc nhà Phạm Nhật Vượng tiếp tục gặp vận đen khi cú áp phe sang nhượng AVG – MobiFone đang vướng vòng lao lý, thì mới đây cơ quan điều tra Bộ Công an lại yêu cầu chính quyền TP.HCM cung cấp toàn bộ hồ sơ pháp lý vụ quy hoạch khu công xưởng Ba Son thành nơi kinh doanh bất động sản, với tên gọi Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn.

Việc cơ quan điều tra của Bộ Công an yêu cầu chính quyền TP.HCM gửi toàn bộ hồ sơ pháp lý quy hoạch, chỉ định thầu Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn Ba Son, số 2 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, tuy tiếng là liên quan vụ án Ngân hàng TMCP Đông Á, song thực tế cho thấy đây là diện tích đang ăn nên làm ra của tập đoàn Vingroup thuộc dòng tộc nhà Phạm Nhật Vượng.

Ba Son bị xóa sổ

Trung tuần tháng 11-2015, báo chí đồng loạt đưa tin UBND TP.HCM đã phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son, phường Bến Nghé, quận 1 do Tổng Công ty Ba Son - Công ty TNHH MTV (Bộ Quốc phòng) thực hiện và làm chủ đầu tư.

Theo đó, Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son có quy mô 25,29 ha, phía Đông và Đông Nam giáp sông Sài Gòn, phía Tây Nam giáp đường Tôn Đức Thắng và cầu Thủ Thiêm 2, phía Tây và Tây Bắc giáp đường Nguyễn Hữu Cảnh, phía Bắc giáp rạch Thị Nghè.

Sau đó, UBND TP.HCM tiếp tục có quyết định điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu trung tâm hiện hữu thành phố (930 ha) tại Tiểu khu Ba Son (rộng 42,91 ha). Theo quyết định này, diện tích mặt nước sông Sài Gòn đã giảm từ 20,47 ha xuống còn 17,62 ha (giảm 2,85 ha).

Vị trí Vinhomes (thuộc Vingroup) tại khu vực Ba Son. Ảnh: Google Map
Thế nhưng không bao lâu sau, khi cái tên Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Thương mại TP.HCM bất ngờ xuất hiện tại dự án Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son, thì báo chí mới nhận ra thực sự thông tin không như đã đăng tải hồi tháng 11-2015.

Hồ sơ công khai trong vụ việc này cho biết vào ngày 24-4-2015, Bộ Quốc Phòng đề nghị Thủ tướng cho phép chỉ định nhà đầu tư mua tài sản trên đất gắn với chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất Ba Son hiện hữu. Thường vụ Quân ủy trung ương [Bí thư Quân ủy Trung ương thời gian đó là ông Nguyễn Phú Trọng] và Bộ Quốc phòng thống nhất chọn Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Thương mại TP.HCM là nhà đầu tư mua tài sản trên đất và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất Ba Son.

Nội dung nói trên được đánh số công văn 2490/BQP-CNQP do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trương Quang Khánh [*] ký gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Theo tường trình của công văn này, vào ngày 27-3-2015, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Tổng cục Công nghiệp quốc phòng và Tổng Công ty Ba Son triển khai quy trình lựa chọn, đề xuất nhà đầu tư mua tài sản trên đất gắn liền với chuyển nhượng quyền sử dụng khu đất Ba Son hiện hữu. Kết quả, Công ty cổ phần Đầu tư Dịch vụ Thương mại TP.HCM được lựa chọn là nhà đầu tư mua tài sản trên đất và nhận quyền chuyển nhượng sử dụng khu đất Ba Son.

Đến lúc đó báo chí mới nhận ra một thực tế phủ phàng là sau khi có quyết định di dời cảng Ba Son để phát triển đô thị, chính quyền TP.HCM – cụ thể là chính quyền ông Lê Thanh Hải – Lê Hoàng Quân đã không hề có một thông tin công khai, chính thức và chi tiết về chủ đầu tư thật tế, về nội dung đồ án quy hoạch của dự án, cũng như phương hướng giữ gìn di sản này.

Vingoup chính thức chường mặt

Cuối tháng 3-2016, người ta thấy Vinhomes rao bán dự án rầm rộ ở khu trung tâm phức hợp Ba Son – Sài Gòn, với tên gọi mới là khu phức hợp Vinhomes Ba Son Sài Gòn; hay còn có tên ‘Vinhomes Golden River Bason’. Nhân danh Khu đô thị Vinhomes, ông chủ Phạm Nhật Vượng đã cho đập hết những nhà xưởng ở Ba Son, cũng như cho lấp luôn ụ tàu ở nơi khởi đầu là xưởng thủy của chúa Nguyễn cuối thế kỷ 18, đến xưởng sửa chữa, đóng tàu của người Pháp thế kỷ 19.

Những quan chức chóp bu liên quan trực tiếp đến ‘Vinhomes Golden River Bason’ ngay lúc ban đầu, theo ghi nhận từ hồ sơ như đã nói ở phần trên, gồm có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Chủ tịch UBND TP.HCM rồi Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải.

Câu hỏi đặt ra là có phải nguyên cớ ‘đốt lò tham nhũng’ của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa đến chuyện khui lại toàn bộ vụ việc đất vàng Ba Son?

Ghi nhận từ giới kinh doanh bất động sản ở Sài Gòn thì lý do đó nếu có cũng chỉ là vẻ bên ngoài. Nhiều nghi vấn phe nhóm chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc (và cũng có thể liên quan đến cả ông tân Chủ tịch nước) mong muốn được chia phần, nhất là trong bối cảnh ngân sách quốc gia đang đầm đìa nợ.

Tính đến tuần lễ cuối tháng 10-2018, đà giảm của cổ phiếu VIC của Vingroup đã khiến ông Phạm Nhật Vượng trở thành người mất nhiều tiền nhất một tuần giao dịch. Từ mức giá 99.100 đồng/cổ phiếu vào cuối tuần trước, đóng cửa phiên thứ 6 (26-10), VIC chỉ còn ở mức 96.400 đồng, giảm gần 2,7%. Với lượng cổ phiếu khổng lồ sở hữu tại doanh nghiệp của mình, khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Vượng đã giảm tới hơn 2.365 tỷ đồng chỉ trong tuần cuối tháng 10-2018. Hiện tại, hơn 876 triệu cổ phiếu VIC mà vị đại gia này nắm giữ có giá trị trường vào khoảng 84.400 tỷ đồng .

Cổ phiếu VIC giảm giá còn khiến 2 nữ đại gia khác tại Vingroup là bà Phạm Thu Hương (vợ ông Phạm Nhật Vượng) và bà Phạm Thúy Hằng (em gái bà Phạm Thu Hương) cũng mất hàng trăm tỷ đồng. Hơn 151 triệu cổ phiếu VIC bà Hương sở hữu tuần qua đã giảm giá hơn 400 tỷ đồng , trong khi giá trị thị trường của hơn 100 triệu cổ phiếu VIC của bà Hằng cũng đã giảm hơn 270 tỷ đồng...

Có yếu tố vốn từ Trung Quốc?

Giới doanh nghiệp bất động sản ở Sài Gòn nói rằng tuy vẻ ngoài là Vingroup vay vốn làm ăn phần lớn từ Ngân hàng Đầu tư quốc tế Credit Suisse (Thụy Sĩ), song dường như báo chí quốc doanh lại hạn chế đưa tin chi tiết về phương thức vay, đưa đến ngộ nhận đồng vốn này không liên quan chi đến nghi ngại của sách lược “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc.

Thực tế là Vingroup dùng tài sản cổ phần trong các công ty con cho những hợp đồng phương thức ‘đảm bảo bằng cổ phần’ ký với Credit Suisse AG, chi nhánh Singapore. Bên nhận bảo đảm ngoài số cổ phần này ngoài Credit Suisse AG còn có một loạt các ngân hàng khác như TA Chong, Taipei Fubon Commercial, Hua Nan Commercial, First Commercial, Entie Commercial, Chang Hwa Commercial (chi nhánh Hongkong), Mega Ac Mega (chi nhánh nước ngoài) của Đài Loan và ICBC Bắc Kinh, ICBC Asia tại Hong Kong, Bank of China (chi nhánh Singapore) của Trung Quốc, United Nation (Anh) và Maybank International, chi nhánh Labuan (Malaysia).

Thông thường, một hợp đồng đảo bảo bằng cổ phần được sử dụng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ cho một khoản vay thương mại, hoặc một khoản trái phiếu do bên bảo đảm phát hành.

Liệu với dòng tộc nhà Phạm Nhật Vượng - Phạm Nhật Vũ, cái sảy có nảy cái ung từ chuyện “rút hồ sơ vụ quy hoạch Ba Son về Bộ Công an?”.

[*] Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trương Quang Khánh, sinh năm 1953, có anh ruột là ông Trương Quang Được (1940- 2016), nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nguyên Phó bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội khóa XI. Ông Khánh có người em trai là Trương Quang Nghĩa, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đương kim Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét