Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2018

6926 - Sau vụ Khashoggi, "MBS" lọt vào vòng kim cô của Donald Trump


                      Thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed Ben Salmane (MBS). Ảnh chụp ngày 11/04/2017.Reuters

Trách nhiệm của thái tử Ả Rập Xê Út Mohamed Ben Salman "MBS" càng lúc càng rõ trong vụ sát hại nhà báo đối lập Jamal Khashoggi hôm 02/10/2018 trong toà lãnh sự tại Istanbul. Trong ván cờ địa chính trị và nhiên liệu, Washington cần Riyad nhưng « MBS » bắt đầu trở thành một đối tác phiền toái. Tổng thống Donald Trump đối phó bằng cách nào ?
Tổng thống Donald Trump rất hài lòng khi thấy « MBS », biệt danh của thái tử Ả Rập Xê Út 33 tuổi củng cố quyền lực tại Riyad và cũng là bạn thân của Jared Kushner, con rễ kiêm cố vấn của chủ nhân Nhà Trắng. Đó là chuyện cũ. Chuyện mới là từ khi nghi án sát nhân, thủ tiêu nhà báo đối lập Jamal Khashoggi nổ ra, vị thái tử đầy quyền uy bị đặt vào ghế bị cáo. Hệ quả là hầu hết giới lãnh đạo quốc tế tẩy chay diễn đàn đầu tư « Viễn ảnh 2030 », khai mạc ngày 23/10, tại Riyad.
Bởi vì từ hơn hai tuần nay, thông tin từ cuộc điều tra của cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ được báo chí địa phương và Mỹ tiết lộ hàng ngày đã đánh tan những lập luận chống đỡ tình huống của chế độ Riyad và giờ đây « MBS » bị xem là nghi can số một, người chủ mưu một chiến dịch trả thù cá nhân nhưng vụng về và thất bại thảm hại.
Hệ quả của vụ tai tiếng này ra sao ? Câu trả lời tùy thuộc vào quyết định của Washington, nếu không bỏ rơi MBS thì ít ra sẽ giữ khoảng cách lạnh nhạt để gây áp lực.
MBS tự trói tay
Theo phân tích của AFP, chính tổng thống Donald Trump, thoạt đầu còn tỏ ra bao dung nhưng sau đó phải tức giận vì cảm thấy bị phản bội. Biện pháp đầu tiên là cấm visa nhập cảnh những viên chức dính liếu với đoàn sát thủ. Trả lời phỏng vấn của Wall Street Journal, tổng thống Mỹ « để yên » cho quốc vương Salman 80 tuổi nhưng nhấn mạnh đến « trách nhiệm » quản lý đất nước của thái tử MBS, nếu « có một người can dự thì người đó không ai khác hơn là Mohamed Ben Salman ».
Về mặt chiến lược, Hoa Kỳ không muốn để cho chế độ Riyad suy yếu. Ả Rập Xê Út và Israel là hai đồng minh trụ cột của Mỹ tại Trung Đông. Ngoài nhu cầu chiến lược còn có lợi ích kinh tế. Dầu hỏa, đôla của Riyad đóng góp đáng kể cho sự phồn vinh của Mỹ. Gần đây, trong chuyến công du Hoa Kỳ của thái tử MBS, hai bên đã ký hơn 300 tỷ đôla hợp đồng trong đó có 110 tỷ mua vũ khí. Chưa hết, Donald Trump còn cần Ả Rập Xê Út trong vai trò « điều hòa » thị trường dầu khí trong khuôn khổ kế hoạch trừng phạt Iran và Nga. Riyad bị mất ổn định đồng nghĩa với 13% lượng dầu cung cấp cho thị trường bị hao hụt, giá dầu sẽ leo thang.
Trợ lực và áp lực Mỹ
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, vương quyền Ả Rập Xê Út cần Mỹ để tồn tại. Không có Washington, dòng họ Salman khó giữ ngôi lâu dài, theo nhận định của Martin Indyk, cố vấn địa chính trị thời tổng thống Bill Clinton. Trong chủ trương « lợi ích nước Mỹ trước tiên », tổng thống Donald Trump từ từ nhường gánh nặng khu vực cho đồng minh Israel và Ả Rập Xê Út. Thế nhưng « MBS » đánh mất tín nhiệm, gây nhiều phiền toái cho Mỹ, từ vụ Khashoggi cho đến chuyện gây xít mích với Qatar và can thiệp vào Yemen, gây ra thảm nạn nhân đạo tại sừng Phi châu, vô tình tạo lợi thế cho Iran. Các chuyên gia khác như Gary Grappo, nhà ngoại giao nhiều năm hoạt động tại Riyad cho rằng các nước Tây phương rất e dè MBS nhưng thái tử đã củng cố được quyền lực rất khó loại trừ.
Nhưng trong trường hợp « thoát nạn » và lên ngôi, MBS sẽ là một ông vua suy yếu. Chuyên gia Joseph Bahout, Viện nghiên cứu Carnegie ở Washington dự đoán như sau : Để tồn tại, MBS sẽ đàn áp tàn bạo đối lập trong nước. Nhưng về đối ngoại vua MBS sẽ tỏ ra là đồng minh trung thành với Mỹ và cực kỳ cứng rắn với Iran, theo chính sách của chủ nhân Nhà Trắng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét