Thứ Ba, 30 tháng 10, 2018

6935 - Những ý kiến phản biện bức thư ngỏ gửi Đảng Cộng sản về Giáo sư Chu Hảo



Giáo sư Chu Hảo và Nhà xuất bản Tri Thức.
Giáo sư Chu Hảo và Nhà xuất bản Tri Thức.



Ngày 25/10/2018, Giáo sư Chu Hảo, Giám đốc Nhà xuất bản Tri thức, và cũng là một đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam bị đảng của ông kỷ luật, với lý do là xuất bản những quyển sách không phù hợp, và tự chuyển biến tư tưởng không giống với tư tưởng của Đảng Cộng sản.
Lập tức một số đảng viên cộng sản có tiếng như ông Nguyên Ngọc, ông Mạc Văn Trang,… chính thức tuyên bố từ bỏ Đảng Cộng sản. Nhưng hai ngày sau đó một bức thư ngỏ được một số nhân sĩ trí thức trong và ngoài đảng gửi lên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, cho rằng quyết định của họ là một sai lầm.
Một trong những người ký trong bức thư đó là Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng lá thư đó là nhắm tới 4 triệu đảng viên còn lại trong đảng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A là một nhà hoạt động xã hội, phản biện, phê bình rất mạnh mẽ những chính sách của Đảng Cộng sản. Ông công khai nói rằng Việt Nam phải là một quốc gia đa đảng thì mới tiến bộ được.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng và Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho đài RFA biết nhận định của hai ông về những diễn biến mới này.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, hiện Chủ tịch Hội nhà báo độc lập, hiện sống ở Sài Gòn lại cho biết là bức thư ngỏ gửi đảng cộng sản của các nhân sĩ trí thức là điều không nên làm, điều này thể hiện tâm lý xin cho, công nhận Đảng Cộng sản đang có một quyền lực trên giới trí thức. Ông Dũng cho rằng bức thư ngỏ thể hiện một cách thức hoạt động mang tính cách cải lương.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, từng giảng dạy đại học ở Bỉ, hiện sống tại Sài Gòn cũng nói rằng ông ngạc nhiên khi bức thư ngỏ ra đời, với lời lẽ mang tính chất thỏa hiệp.
Theo Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Giáo sư Chu Hảo không phải là một gương mặt phản biện trực tiếp đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, những quyển sách ông xuất bản mang những nội dung kinh tế xã hội phương tây, không đả động trực tiếp đến Việt Nam. Ông Phạm Chí Dũng đặt câu hỏi rằng phải chăng việc kỷ luật ông Chu Hảo liên quan đến những đấu đá trong nội bộ đảng cộng sản Việt Nam.
Ông Phạm Chí Dũng nêu lên nhận xét rằng nếu so sánh với ông Chu Hảo, thì nhà văn Nguyên Ngọc, một cây bút rất nổi tiếng của văn học cách mạng cộng sản lại có những chỉ trích rất nặng nề đến đảng cộng sản, như là buộc tội đảng này bán nước hại dân.
Theo ý kiến của Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, Đảng Cộng sản Việt Nam kỷ luật ông Chu Hảo vì ông là người cổ súy những giá trị của văn hóa và dân chủ phương Tây. Ông cho rằng điều này làm cho Trung Quốc khó chịu. Giáo sư Hưng cho rằng việc kỷ luật ông Chu Hảo chỉ hai ngày sau khi ông Nguyễn Phú Trọng chính thức nắm hai chức vụ đứng đầu nhà nước và Đảng Cộng sản, là một thất bại nặng nề về chính trị, vì thế, Giáo sư Hưng kết luận rằng phải có một tâm trạng rất cuống cuồng trong Đảng Cộng sản lo ngại ảnh hưởng phương Tây, mà một trong những người cổ súy nó là Giáo sư Chu Hảo.
Ba ngày sau khi Đảng Cộng sản kỷ luật ông Chu Hảo, bức thư tuyên bố bỏ đảng của ông ký ngày 26/10/2018 được công bố. Trong bức thư này ông nói rõ rằng ông đã nhận thấy Đảng Cộng sản Việt Nam từ lâu không còn tính chính danh, có những hoạt động không chính đáng, tuy nhiên do có điều kiện cụ thể xung quanh mình, ông đã cố gắng tận dụng chổ đứng của ông trong tổ chức đảng cộng sản để góp phần đấu tranh xây dựng.
Nhận xét về điều này Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng cho rằng ông Chu Hảo nêu lên một vấn đề rất thực tế đó là tại Việt Nam nếu không có liên hệ với tổ chức đảng thì khó có thể tiến hành những việc cải cách.
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nói ông trân trọng bức thư của ông Chủ Hảo, và ông nghĩ rằng sau sự kiện này Đảng Cộng sản sẽ không còn để cho ông Chu Hảo hoạt động như từ trước đến nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét