Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

6948 - Về thuyết Tam quyền phân lập của Montesquieu

Vi Yên  



“Quyền lực làm con người tha hóa. Quyền lực tuyệt đối dẫn tới tha hóa tuyệt đối.”
Chính những người nắm quyền lực trong tay như lãnh chúa Lord Acton đã thừa nhận điều đó. Kẻ nắm quyền mà không chịu sự kiểm soát thì chẳng khác nào con thú dữ chưa được thuần phục, nó có thể – trong cơn khát máu – quay ra cắn chính đồng loại của mình.
Nhưng trong một thế giới mà người ta vẫn tin rằng “chân lý thuộc về kẻ mạnh” – Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln còn khẳng định như vậy (might makes right) – thì ai có thể là người khoác chiến bào công lý để bảo vệ những công dân đơn lẻ không tấc sắt trong tay đây?
Không lẽ những kẻ nắm quyền lại đức hạnh đến nỗi tự tròng vào cổ một cái giàn gông để kiềm hãm nhau? Hay các công dân lại phải liên kết với nhau thành một lực lượng mới để đối trọng với chính quyền của họ, và rồi lại phải tìm cách kiểm soát quyền lực trong chính liên minh ấy?
Rõ ràng là những giả thuyết trên nghe chẳng có chút gì khả dĩ.
Lincoln nói rằng “hầu như tất cả mọi người đều có thể chịu đựng được nghịch cảnh, nhưng nếu bạn muốn dò xét chí khí của một con người, hãy thử trao cho họ quyền lực”. Nhưng quyền lực không phải là thứ nên đem ra để thử.
Chúng ta đã thấy chính những con người hô hào về nhân phẩm nhân quyền bằng một bầu trời đạo đức, sau khi nắm quyền, đã trở thành những kẻ giết người không gớm tay hoặc ngó lơ cho kẻ khác giết chóc lẫn nhau. Robespierre – lãnh đạo cuộc cách mạng Pháp năm 1789 – là một ví dụ điển hình, còn Aung San Suu Kyi – người dẫn dắt phong trào đấu tranh dân chủ ở Myanmar – là một ví dụ cay đắng.

Tranh châm biếm bà Aung San SuuKyi, lãnh đạo phong trào đấu tranh dân chủ của Myanmar, làm ngơ trước những vi phạm nhân quyền diễn ra trên đất nước mình. Tranh: Craig Stephens.
Chúng ta cũng thấy chính những người dân Venezuela đã hồ hởi bầu chàng lính nhảy dù Hugo Chavez – người vỗ ngực hứa hẹn đứng về phía nhân dân – lên làm tổng thống, trong một niềm hy vọng khấp khởi rằng ông sẽ thân chinh khuất phục hệ thống tham nhũng trầm trọng ở nước này, để rồi cuối cùng cái mà họ có được là một bố già độc tài kéo khoản nợ quốc gia từ 22 tỷ đôla lên thành 70 tỷ.
Vậy con người có thể làm gì để đối phó với nạn tha hóa quyền lực này? Và các chính phủ dân chủ tự do ngày nay kiểm soát quyền lực ra sao?
Nước Mỹ là một ví dụ đáng cho chúng ta tham khảo.
Ngay dòng đầu tiên trong điều 1 của Hiến pháp Mỹ, chúng ta có thể thấy những chữ in hoa gọn ghẽ: NGÀNH LẬP PHÁP. Tiếp theo đó, điều 2 bàn về ngành hành pháp, và điều 3 bàn về ngành tư pháp. Mỗi ngành có một chức năng riêng, đối trọng với nhau, và kiểm soát lẫn nhau. Đó chính là nền tảng vững chắc để tạo lập nên một xã hội Mỹ tự do, trật tự, và phồn thịnh mà chúng ta có thể thấy hiện giờ.
Triết lý đằng sau hệ thống ấy chính là thuyết tam quyền phân lập của triết gia Charles Louis de Secondat, Baron de La Brède et de Montesquieu (Charles-Louis de Secondat, Nam tước thành La Brède và xứ Montesquieu), được viết trong cuốn Tinh thần pháp luật.
Hành trình tìm kiếm tinh thần pháp luật
Sở dĩ cái tên của vị triết gia người Pháp này dài cả dặm như vậy là bởi dòng dõi quý tộc đã đem lại cho ông những tước hiệu cao quý.
Baron de La Brède có nghĩa là Nam tước thành La Brède, nơi chàng trai Charles Louis ra đời. Theo truyền thống gia đình, ông theo học ngành luật, rồi bước vào nghề tư pháp và được chỉ định làm cố vấn tại quốc hội thành Bordeaux nước Pháp khi mới ở tuổi 25.
Hai năm sau, khi người chú là Nam tước xứ Montesquieu qua đời, ông đã thừa hưởng cả tước hiệu và gia sản đồ sộ của chú mình, lẫn ghế chánh án, chủ tịch hội đồng tại Bordeaux. Kể từ đó về sau, chàng Charles Louis trẻ tuổi được biết đến với cái tên Baron de Montesquieu.
Vậy mà sau một đêm, ông đã bán đi cả văn phòng lẫn vị trí đầy quyền lực của mình.
Số là, khi còn đang tại vị ở Bordeaux, Montesquieu đã xuất bản ẩn danh tập Những lá thư của người Ba Tư. Với lối viết dí dỏm trong những lá thư của hai người Ba Tư đi du lịch phương Tây gửi về cho bạn bè họ ở quê nhà, như một lời châm biếm tao nhã và chỉ trích táo bạo về xã hội lẫn hiện trạng chính trị phù phiếm ở Pháp thời đó, cuốn sách này ngay lập tức nổi danh.
Người ta sớm phát hiện ra tác giả là Montesquieu.
Khi đạt tới đỉnh cao ái mộ của công chúng thì cuốn sách lại bị thu hồi và tiêu hủy bởi một sắc lệnh của phe ủng hộ chính phủ trong quốc hội. Hành động kiểm duyệt của chính quyền đã phản tác dụng, nó trở thành một lời loan báo rầm rộ, khiến tác phẩm được lan truyền mạnh mẽ hơn nữa.
Song Montesquieu rõ ràng không đam mê với danh tiếng và quyền uy.
Trong cuốn Tư tưởng của tôi được viết vào những năm cuối đời, Montesquieu biện giải về hành động của mình rằng “chỉ việc nghiên cứu mới là liều thuốc hiệu nghiệm cho tôi chống lại những lo lắng về cuộc đời.”
Ông rời bỏ quyền lực, một mình đi khảo cứu hệ thống chính trị vòng quanh các nước Ý, Đức, Áo, Hung, Thụy Sỹ, Ba Lan, rồi dừng chân tại Anh vào mùa thu năm 1729, mà về sau ông gọi đó là một hành trình tìm kiếm tinh thần pháp luật.
Mười tám tháng lưu lại ở Anh đã để lại trong tâm trí Montesquieu sự ngưỡng mộ đối với lối sống của con người và phương thức vận hành trong nền chính trị nước này. Trở về lâu đài riêng tại thành La Brède, trong cuộc tĩnh tâm suy nghiệm ở quê hương, Montesquieu bắt tay vào việc viết Tinh thần pháp luật, cuốn sách đã đưa ông trở thành nhà lý luận chính trị có uy tín và ảnh hưởng nhất trong thế kỷ 18.
Ý nghĩa của chính quyền
Aristotle, trong Chính trị luận, nói rằng mục tiêu của chính trị là mưu cầu hạnh phúc, và phương tiện để đạt được mục tiêu ấy chính là đức hạnh. Ông tin rằng nhà nước tồn tại vì lợi ích của cá nhân.
Machiavelli, tác giả cuốn Quân vương, lại xem sự ổn định của nhà nước và sức mạnh của nhà vua mới là mục tiêu tối hậu. Theo ông, ta nên bảo vệ mục tiêu ấy bằng mọi giá; hay nói cách khác, mục đích biện minh cho phương tiện.
Riêng Montesquieu cho rằng nhà nước phải là một phản chiếu những tâm tình của người dân.
Nếu người dân muốn có một nền dân chủ thì luật pháp sẽ được thông qua sao cho họ bình đẳng về quyền tham chính. Còn nếu họ muốn được chính phủ chăm sóc từng chân răng kẽ tóc thì một hệ thống pháp luật theo kiểu chủ nghĩa xã hội thuần túy sẽ được thiết lập.
Montesquieu không ủng hộ một dạng thức luật pháp cụ thể nào. Ông không bao giờ nói, đây mới là thứ luật pháp đúng nhất, còn đây thì là chính phủ tốt nhất.
Ông hiểu rằng, tuy luật pháp là không đổi, có tính khuôn mẫu, và có thể dự đoán, song bản chất con người lại biến chuyển không ngừng, có thể mắc sai lầm, và không thể dự đoán được. Không phải ai ở nền văn hóa nào cũng giống nhau. Vì vậy, luật pháp của mỗi quốc gia cần phải linh hoạt với chính con người xứ đó: “Chính phủ ổn thỏa nhất là chính phủ phù hợp với ý thích và tâm tính của những người dân ủng hộ nó.”
Cũng vì vậy mà ông không cổ xúy cho dân chủ, cũng chẳng bảo vệ chế độ quý tộc hay quân chủ chuyên quyền.
Tinh thần pháp luật của ông không tìm kiếm những hình thức đơn thuần của nhà nước, như những gì Plato, Thomas Hobbes hay John Locke đã làm trước đó. Ông đi tìm kiếm một quy luật điều chỉnh tất cả những hình thức ấy, giữa dòng chảy vận động không ngừng của các thiết chế theo thời gian.
Quyền lực trung gian
Trong Những cân nhắc về Nguyên nhân của Sự thịnh đạt và suy vong của người La Mã, một tuyển tập bàn về lịch sử La Mã – cũng được xuất bản ẩn danh – Montesquieu đã tán dương tinh thần chính trị của công dân các nền cộng hòa.
Ông nhận xét rằng các nền cộng hòa xưa tồn tại dựa trên đức hạnh, khi con người biết “yêu chuộng luật pháp và quê hương”, và họ “liên tục quan tâm tới lợi ích của cộng đồng”. Thế nhưng, về sau không ai còn được chứng kiến những giá trị này nơi con người nữa.
Montesquieu nhận ra rằng, tâm hồn của các công dân hiện đại “cằn cỗi và suy đồi” đã ngăn cản một nền đạo đức cần thiết cho tự trị.
Thời hoàng kim đã khép lại. Những khôn ngoan chính trị của nền cộng hòa cổ đại vốn hướng dẫn thế giới trong suốt hàng thế kỷ, đã dần trở nên vô ích trong thời quân chủ chuyên chế.
Dưới thời chế độ quân chủ, quyền lực của các vị vua luôn được kiểm soát bởi các thiết chế trung gian – đó chính là các tầng lớp quý tộc.
Montesquieu viện dẫn câu chuyện ở Pháp vào thế kỷ 16, khi chàng quý tộc Viscount d’Orte không chịu thảm sát người Huguenots dù đó là lệnh của vua Charles IX, bởi chàng tin rằng không nên giết người vô tội ngay cả khi vua ra lệnh trực tiếp. Rõ ràng ví dụ này cho thấy tầng lớp quý tộc đã hình thành một thiết chế ít nhiều độc lập so với nhà vua, khiến cho việc thực thi quyền lực của nhà vua trở nên khó khăn hơn.

Tầng lớp quý tộc ở châu Âu, lực lượng kiềm hãm quyền lực tùy tiện của nhà vua. Tranh: Life in London, 1823, Pierce Egan.
Tại Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thời đó, sức mạnh của giáo hội là rào chắn duy nhất chống lại quyền lực tùy tiện của nhà vua. Ở Pháp, nghị viện có chức năng tương tự như một rào cản, nó làm chậm lại quyền hành pháp của nhà vua bằng cách phản đối.
Chính vì vậy, Montesquieu tuyên bố rằng sự tồn tại của chế độ quân chủ phụ thuộc trước hết vào tầng lớp quý tộc, rằng “không có nhà vua thì không có quý tộc, không có quý tộc thì không có nhà vua; thay vào đó ta sẽ có một kẻ bạo chúa”.
Song chức năng của “quyền lực trung gian” chỉ đơn thuần là làm cho việc thực thi quyền lực hoàng gia trở nên đỡ tùy tiện mà thôi.
Thế kỷ 18 của Montesquieu không phải là chỗ cho một thực trạng chính trị bế tắc đến vậy. Giờ là lúc phải tìm kiếm một nguyên tắc mới. Và những trăn trở ấy đã khai sinh ra thuyết tam quyền phân lập của Montesquieu.
Tam quyền phân lập
Năm 1748, cuốn sách Tinh thần pháp luật dài hơn 1000 trang với 31 tập đã ra mắt lần đầu ở Geneva mà không đề tên của tác giả, nhưng – bằng một cách nào đó – mọi người đều biết vị tác giả kín tiếng kia là ai.
Hơn hai mươi năm ở yên trong lâu đài nghiền ngẫm tài liệu phục vụ cho việc soạn cuốn Tinh thần pháp luật đã khiến Montesquieu suy giảm thị lực trầm trọng. Khi cuốn sách hoàn tất cũng là lúc ông bị đục thủy tinh thể và gần như hoàn toàn mù mắt.
Cũng như Những lá thư Ba Tư, cuốn Tinh thần pháp luật thành công ngay khi vừa ra mắt. Nhưng nó cũng kéo theo những cuộc luận chiến nảy lửa, nhất là bởi lối viết phê phán giáo hội của Montesquieu.
Hai năm sau, Montesquieu viết thêm cuốn Bảo vệ Tinh thần pháp luật để đáp lại những lời buộc tội, nhất là từ những người theo giáo phái Jansen.
Nhưng tác phẩm của ông vẫn liên tục bị cơ quan kiểm duyệt của tòa thánh La Mã phê phán. Cuối cùng, Tinh thần pháp luật chính phủ Pháp cấm lưu hành từ năm 1751, và cũng như những tác phẩm xuất sắc nhất thời đó, Tinh thần pháp luật kiêu hãnh bước vào trong danh sách những tác phẩm bị cấm của giáo hội.
Sử gia Francis Newton Thorpe viết rằng “bởi Montesquieu trần thuyết về luật chứ không phải ban hành luật, ông khác với Moses và Solon. Bởi ông là một kẻ thực tế, một con người hiện đại, ông khác với Plato và Aristotle. Ông hoàn toàn không mang những thành kiến xuất phát từ chủng tộc, tôn giáo, đất nước, nghề nghiệp và tuổi tác. Bởi vì cái tinh thần trọn vẹn này, tác phẩm của ông đã chọc giận cơn tị hiềm của các phe đảng, các trường phái chính trị, và cả các trật tự đã được thiết lập nơi con người.”

Trích câu nói của Montesquieu trong cuốn Tinh thần luật pháp. Ảnh: Luật Khoa.
Chất liệu chính cho Tinh thần pháp luật của Montesquieu là những ngày tháng ông lưu lại ở nước Anh.
Tại Anh, chính phủ hoạt động tốt nhờ có sự tham gia của các nhân tố: người dân, quan tòa, tầng lớp quý tộc, và nhà vua. Không ai nắm giữ toàn bộ quyền lực, mỗi người đều có một quyền lực nhất định rõ ràng, tất cả đều liên quan và liên kết với nhau, kiểm tra lẫn nhau, cân bằng lẫn nhau.
Bởi “kinh nghiệm muôn thuở đã tỏ rõ rằng bất cứ ai sở hữu quyền lực sẽ luôn luôn có khuynh hướng lạm dụng quyền lực ấy”, nên giải pháp là phải phân bổ quyền lực ra các bên, và để cho mỗi bên nắm giữ quyền lực sẽ kiểm soát lẫn nhau. Ba bên ở đây chính là lập pháp, hành pháp, tư pháp:
“Nếu cơ quan cầm quyền vừa là kẻ thi hành luật vừa tự mình là kẻ lập pháp, thì họ có thể tàn phá quốc gia bằng những ý chí sai lầm. Nếu họ còn nắm luôn cả quyền xét xử nữa thì họ có thể đè nát mỗi công dân theo ý muốn của mình.”
Kỳ thực nguyên tắc tam quyền phân lập của Montesquieu thoạt nghe có vẻ đơn giản, đại khái rằng: nhánh lập pháp thì lo chuyện làm luật, ra luật; nhánh hành pháp thì lo việc thi hành pháp luật; còn nhánh tư pháp dùng luật để xử lý các vụ tranh chấp. Như vậy, mỗi bên nhận một việc, và dùng quyền lực của mình để kiểm soát lẫn nhau.
Song cơ chế phân quyền này vốn dĩ đã tồn tại từ thời cộng hòa La Mã, dưới một dạng thức mờ nhạt hơn.
Ở La Mã, đứng đầu là pháp quan có vai trò như vua, viện nguyên lão là tập hợp giới quý tộc có vai trò quyết định chính sách, và viện bình dân chịu trách nhiệm thông qua luật pháp. Đó là một dạng chính thể hỗn hợp (mixed government).
Song chỉ cho tới thời kỳ hiện đại, theo Montesquieu, Anh Quốc mới chính là quốc gia có nền tự do thuần khiết nhất nhờ đã đưa ra những phát kiến chính trị như cơ quan lập pháp đại diện, hệ thống lưỡng viện, và trên hết là sự tách biệt các nhánh quyền lực. Chính những lợi ích trái ngược của hai nhánh lập pháp và hành pháp ở Anh đã kích thích sự hình thành các đảng đối lập trong hệ thống chính trị, mà ngày nay trở thành các lực lượng đối trọng nắm giữ quyền lực để kiểm soát lẫn nhau.
Nhìn về Việt Nam
Thế nhưng liệu cách hiểu tam quyền phân lập như trên đã đủ hay chưa?
Trong một bài phỏng vấn bàn về cuộc sửa đổi hiến pháp Việt Nam năm 2013, cựu chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An đã đề xuất về nguyên tắc tam quyền phân lập rằng “cân bằng và kiểm soát quyền lực là một cơ chế cực kỳ quan trọng trong Hiến pháp nhằm tránh sự lạm quyền và thoái hóa”.
Ông đã bỏ sót – không biết là vô tình hay hữu ý – một yếu tố hết sức quan trọng.
Montesquieu liên tục nhấn mạnh một ví dụ rằng, ở Venice, rõ ràng các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp được phân chia thành nhiều hội đồng khác nhau. Tuy nhiên, những kẻ nắm giữ quyền lực trong các hội đồng này lại cùng đến từ một tầng lớp quý tộc, họ hòa lẫn vào nhau, dung dưỡng cho nhau, thành thử việc phân quyền chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Ở Việt Nam, chúng ta hoàn toàn chưa có tam quyền phân lập – khi mà các cơ quan hành pháp và tư pháp đang đứng dưới Quốc hội (lập pháp).
Song nếu có tam quyền phân lập đi chẳng nữa, thì e rằng nó không thể vận hành được. Bởi chừng nào Hiến pháp còn giữ điều 4, rằng Đảng Cộng sản kiểm soát toàn bộ hệ thống nhà nước, thì chừng đó các thiết chế hóa ra cũng chỉ là công cụ để hợp pháp hóa sự cai trị của Đảng mà thôi.

Nhà bất đồng chính kiến Nguyễn Văn Đài và các đồng sự trong một phiên tòa ngày 15/4/2018. Trong một hệ thống chính trị không có tư pháp độc lập như Việt Nam, người dân gần như không thể tranh biện với chính quyền. Ảnh: VNA/Lam Khanh/Reuters.
Ảnh hưởng
Mở đầu tác phẩm Những luận bàn về pháp luật của mình, thẩm phán nổi tiếng người Anh Sir William Blackstone trích dẫn Montesquieu rằng nước Anh có lẽ là nước duy nhất trong đó mục tiêu của Hiến pháp là tự do chính trị và dân sự. Về sau, cũng chính Blackstone là người đã đưa chủ thuyết của Montesquieu ngược vào trong triết lý chính trị của Anh.
Hầu như chính trị gia Âu Mỹ nào cũng biết đến Montesquieu. Họ trích dẫn ông ở khắp nơi, từ những bài phát biểu, những tiểu luận, cho tới những bản hiến pháp mà họ thông qua.
Nhà lập quốc Mỹ Washington từng đọc đi đọc lại cuốn Tinh thần pháp luật. Người ta tìm thấy trong bản in cuốn sách Tinh thần pháp luật mà ông đọc, cũng như bản của Madison, đầy rẫy các ghi chú bên mép lề.
Song di sản được nhắc đến nhiều nhất của Montesquieu có lẽ chính là tầm ảnh hưởng của Tinh thần pháp luật lên hiến pháp Mỹ, bản hiến pháp lâu đời nhất còn tồn tại tới ngày nay.
Không chỉ vậy, nguyên tắc tam quyền phân lập trong hiến pháp Mỹ đã trở thành một tham chiếu cho tất cả các nước cộng hòa sau này, và cả những quốc gia theo chế độ dân chủ nghị viện hay bán tổng thống.
Bản Hiến pháp Ba Lan năm 1791 cũng áp dụng nguyên tắc tam quyền phân lập của Montesquieu: “Mọi quyền lực trong xã hội phải xuất phát từ ý chí của nhân dân. Do đó, để cho sự toàn vẹn của các bang, quyền tự do dân sự, và trật tự xã hội luôn trong trạng thái cân bằng, thì chính quyền Ba Lan phải, và luôn phải theo ý chí của luật này, bao gồm ba thiết chế, ấy là: cơ quan lập pháp trong tay hội đồng các đẳng cấp, cơ quan hành pháp tối cao trong tay Vua và các quan, và một cơ quan tư pháp có quyền tài phán…”
Bởi tầm quan trọng ấy, mà Tinh thần pháp luật của Montesquieu đã là một cuốn sách giáo khoa không thể thiếu trong chương trình khoa học chính trị trong suốt hàng trăm năm nay.
Tinh thần pháp luật, cho tới thế kỷ 21 của chúng ta, tuy đã có hơn phân nửa kiến thức trở nên lỗi thời, song thông điệp mà Montesquieu muốn truyền tải hãy còn vẹn nguyên như cách đây ba thế kỷ: “Nhân dân cần được soi sáng. Đó là điều ta chớ thờ ơ. Những định kiến của các nhà cầm quyền thường bắt đầu là định kiến của dân tộc. Thời còn dốt nát, người ta chẳng hoài nghi gì, ngay cả khi người ta làm điều bậy bạ nhất. Đến thời sáng suốt người ta còn run lên khi làm điều tốt đẹp nhất.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét