Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

6964 - Thấy gì từ ‘nợ công vẫn tăng, vay để trả nợ gốc tăng nhanh’?



       Vòng lẩn quẩn


Kỳ họp quốc hội vào tháng 10 - 11 năm 2018 một lần nữa rón rén đề cập tình trạng “số tuyệt đối về nợ công tiếp tục đà tăng và vay để trả nợ gốc hàng năm có xu hướng tăng nhanh” - được phát ra bởi Ủy ban Tài chính ngân sách quốc hội.  

Có thể nhận ra thực trạng nào từ đánh giá trên?

Tình hình đã trở nên khốn quẫn thực sự mà dù không hề muốn nhưng từ nay về sau các cơ quan tài chính của một quốc hội quen não trạng ‘gật’ cũng phải nhảy nhổm lên.

Cho dù toàn bộ ‘tập thể Bộ Chính trị’, chính phủ và quốc hội đã ‘nhất trí cao’ để vào cuối năm 2017 thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) mà không chấp nhận đưa các khoản vay nợ nước ngoài của tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước vào khái niệm nợ công quốc gia, trong khi loại nợ này lại là một trong 5 định nghĩa về nợ công của cơ quan thống kê của Liên hiệp quốc, một phân tích của Tiến sĩ Vũ Quang Việt vào đầu năm 2017 ngay trên một tờ báo nhà nước là Thời báo Kinh tế Sài Gòn, nợ của 3.200 doanh nghiệp nhà nước theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014 là 4,9 triệu tỉ đồng (231 tỉ đô la Mỹ), gấp nhiều lần con số 1,5 triệu tỉ đồng mà Bộ Tài chính đưa ra chỉ cho một số tập đoàn và công ty lớn. Ước tính thêm cho thấy năm 2016, nợ của doanh nghiệp nhà nước là 324 tỉ đô la Mỹ, bằng 158% GDP.

Tức cộng cả nợ chính phủ và nợ doanh nghiệp nhà nước sau khi trừ đi phần Chính phủ bảo lãnh trùng lặp, tổng số nợ năm 2016 là 431 tỉ đô la Mỹ, bằng 210% GDP- gấp hơn 3 lần con số 61,4% GDP trong báo cáo mới nhất của Thủ tướng Phúc vào trước quốc hội vào tháng Mười năm 2018.

Cho đến nay, nợ công quốc gia vẫn còn y nguyên, thậm chí còn tồi tệ hơn những năm trước.

Trong thực tế, cứ mỗi năm ngân sách Việt Nam lại phải xuất ra khoảng 5 tỷ USD để trả tiền lãi cho các chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB), Nhật Bản… Còn nếu tính cả khoản trả nợ gốc, ngân sách Việt Nam có thể phải chi ra đến 10 – 12 tỷ USD/năm để trả nợ nước ngoài.

“Hiện, ngân sách trung ương nhiều năm không có thặng dư trả nợ, mà nguồn trả nợ sử dụng là từ vay mới” – đây là một sự thừa nhận hiếm có trong báo cáo của các ngành chức năng Việt Nam tại kỳ họp quốc hội tháng 10 – 11 năm 2017.

Sau một thời gian dài cố gắng bưng bít thông tin và chỉ đạo báo chí nhà nước né tránh tối đa cụm từ “vay đảo nợ” với lý do “hết sức nhạy cảm”, từ cuối năm 2015 đến nay và cùng với hình ảnh thăng hoa tung tóe của ngân sách cạn kiệt, “vay đảo nợ” đã dần được công khai hóa trên báo chí và cuối cùng đã được chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận như một cách nói không còn trốn đi đâu được.

Có khả năng là ngân sách Việt Nam đã phải “vay đảo nợ” từ năm 2011 – thời điểm mà Chính phủ phải ra nghị quyết về thắt chặt đầu tư công và bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu khan tiền mặt trong hệ thống ngân hàng, khiến mặt bằng lãi suất cho vay tăng vọt đến 20 – 30% /năm.

Chỉ có điều, chính vào lúc giới quan chức cao cấp Việt Nam buộc phải dần chấp nhận những cụm từ “nhạy cảm chính trị”, cơ chế cho vay đảo nợ từ quốc tế lại không còn “thoáng” như xưa. Nếu trong suốt vài chục năm trước, Việt Nam được vay tín dụng với lãi suất ưu đãi chỉ 0,8%/năm cùng thời gian ân hạn để trả nợ lên đến 30 – 40 năm, thì từ tháng Bảy năm 2017, các chủ nợ quốc tế đã chấm dứt chế độ ưu ái đó, thay vào đó là mức lãi suất cho vay tăng gấp ba lần “thời xa vắng” – từ 2,5 đến 2,7%/năm, còn thời gian ân hạn giảm xuống chỉ còn 15 – 20 năm.

Trong tình cảnh quỹ dự trữ ngoại hối chỉ có khoảng 60 tỷ USD mà trong đó có đến 12 tỷ USD thuộc về trái phiếu chính phủ Mỹ, phần còn lại phải lo chống đỡ con bão nhập siêu từ Trung Quốc lẫn chi tiêu “ngoài kế hoạch” của chính phủ lẫn khối đảng, đồng thời ngân sách không còn bất kỳ khoản kết dư nào để trả nợ nước ngoài, Việt Nam chỉ còn biết cách cắm đầu vay mượn quốc tế, dù với lãi suất cao hơn nhiều so với trước, để đảo nợ.

Tình cảnh đối với ngân sách Việt Nam hiện thời còn hơn cả một vòng luẩn quẩn: nếu không vay thêm nước ngoài thì không thể đảo nợ, mà không đảo nợ được thì lại không thể vay thêm!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét