Đường phố Sài Gòn hôm 26 tháng 10 năm 2018. RFA
Ngoài phí môi trường trong xăng, nay lại thêm một đề xuất thu phí ô nhiễm môi trường trên các phương tiện tham gia giao thông tại thành phố Hồ Chí Minh.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận ý kiến chuyên gia và một số người dân tại Sài Gòn về đề xuất này.
Quy định vùng và thu phí
Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh vừa đề nghị xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với các loại xe tham gia giao thông, đồng thời triển khai thu phí ô nhiễm môi trường trên tất cả các phương tiện.
Trả lời báo chí hôm 23 tháng 10, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, Bùi Xuân Cường cho biết, đề án triển khai kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy tại Thành phố Hồ Chí Minh nếu được Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận, thì có thể thực hiện vào năm 2019.
Cụ thể sẽ kiểm soát điều kiện an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với các loại xe gắn máy 2 hoặc 3 bánh, xe hơi, xe tải… lưu thông trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Từ kết quả kiểm soát, sẽ quy định vùng lưu thông cho các phương tiện theo chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ tiến hành thu phí ô nhiễm môi trường đối với các loại xe tham gia lưu thông.
Để hiểu rõ thêm về việc thu thuế phí môi trường trên phương tiện lưu thông, chúng tôi hỏi chuyện Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam, và được ông cho biết;
“Thật ra thu phí đối với phương tiện xả thải thì nó là một trong các loại phí mà nhiều quốc gia trên thế giới đã có. Và nó được tính vào phí môi trường hay thuế môi trường của các quốc gia đó. Tùy theo từng quốc gia, người ta có thể tính theo cách này hoặc cách khác dưới dạng nội suy hay ngoại suy, vào tổng thuế môi trường cho các hoạt động giao thông vận tải, cũng như các phương tiện có phát khí thải ra môi trường.”
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, đánh thuế xả thải tức là sẽ đánh thuế vào tất cả các phương tiện có thải khí CO2 ra môi trường, bất kể đó là phương tiện giao thông đường bộ, đường thủy hay đường không. Theo ông, ở các quốc gia khác trên thế giới, thông thường người ta sử dụng phí này cho xe hơi. Tuy nhiên thực tế ở Việt Nam, lượng xe 2 bánh gắn máy quá đông và xả thải quá nhiều, nên cần phải xem xét.
Theo thống kê của Sở thống kê thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 5 năm 2018, tại Sài Gòn có hơn 8,3 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó có hơn 7,6 triệu xe gắn máy.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Ngô Trí Long đưa ra nhận định liên quan đề xuất thu phí môi trường:
“Đây mới là đề xuất thôi, nhưng tất nhiên là khi mỗi một loại thuế đặt ra thì cần phải xem xét hết sức thận trọng. Đặc biệt là đánh thuế vào phương tiện do ảnh hưởng môi trường, thì người ta đã thu thuế bảo vệ môi trường vào xăng dầu rồi, mà bây giờ lại đưa thêm một loại thuế phí nào nữa thì quả thật là gánh nặng cho người dân. Nếu sợ ảnh hưởng môi trường thì cứ không cho lưu hành phương tiện gây ảnh hưởng môi trường.”
Đánh thuế vào người nghèo
Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, những phương tiện gây ô nhiễm thì nhà nước đã có biện pháp xử lý, mà ô nhiễm là do sử dụng xăng dầu. Mà xăng dầu hay than đều đã bị đánh thuế môi trường. Cho nên theo ông việc này cần phải xem xét thận trọng, nếu không sẽ đè gánh nặng lên cho người dân.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Ngãi, thu phí môi trường đối với các loại xe tham gia lưu thông, đặc biệt là xe gắn máy hai bánh, chẳng qua là đánh thuế vào người nghèo. Trong khi xe hơi là xe xả khói nhiều nhất.
Tiến sĩ Ngô Trí Long cũng đồng quan điểm về nhận định này:
“Tôi thấy là thực chất hiện nay phần lớn người dân thì đa số là người lao động nghèo, thu nhập của người ta đã thấp, đời sống khó khăn, phương tiện người ta sử dụng cũng không phải loại hiện đại, mà tương đối ở mức độ mà công nghệ thấp. Thế mà bây giờ lại tiếp tục đánh thuế vào đây thì thực chất vấn đề an sinh xã hội như thế nào cũng cần phải lưu ý.”
Chúng tôi hỏi chuyện một người dân hành nghề chạy xe ôm tại Sài Gòn, và được anh cho biết:
“Tụi em đi làm ở ngoài đường thì phụ phí trong xăng dầu đã đóng rồi. Mà bây giờ bắt đóng thêm nữa thì thu nhập sẽ giảm thêm nữa. Thu nhập càng ngày càng khó khăn, phí thì lại thêm, sao sống được. Nhà nước cần phải điều chỉnh lại thôi, chứ đâu tính thêm người dân được.”
Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nếu mình đã gây ra ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống xã hội, thì mình phải đóng góp để cùng với xã hội khắc phục. Và bản thân mình sau đó cũng sẽ được hưởng việc khắc phục môi trường đó. Và theo ông, dù là người giàu hay người nghèo, nếu mà gây ô nhiễm thì phải đều chịu mức phí như nhau.
Người dân khác cũng ở Sài Gòn tuy ủng hộ việc thu phí sẽ giúp hạn chế xe gắn máy nhưng cũng bày tỏ lo ngại tiền thu phí môi trường đó sẽ được sử dụng như thế nào:
“Em nghĩ về chi phí thì không ai muốn phát sinh thêm chi phí. Vì trong cuộc sống thì cần phải mưu sinh. Nhà nước mà tăng các chi phí đó lên thì họ phải có những biện pháp khắc phục cho người dân tốt hơn. Ví dụ họ thu phí người dân thì phải làm gì để bù lại cho người dân. Nếu nhà nước tăng phí mà không làm gì cho dân thì đó là một điều không nên. Em thấy người ta cứ tăng phí mà chưa thấy cái phí đó phát huy được tác dụng gì đó. Nhà nước nên sớm minh bạch vấn đề này.”
Theo Tiến sĩ Ngô Trí Long, khi thu phí môi trường vào phương tiện giao thông, thì hệ lụy của nó là thu nhập người dân sẽ giảm rất lớn. Mà khi thu nhập giảm thì ảnh hưởng đến đời sống. Thu nhập giảm cũng làm nhu cầu giảm, khi cầu giảm thì cũng ảnh hưởng đến sản xuất. Cho nên theo ông, chính phủ cần phải xem xét hết sức thận trọng việc thu thêm phí môi trường này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét