Trúc Giang (VNTB)
“Ví dụ gần đây, chúng đưa tin rằng kết luận của Thủ tướng Chính phủ về đất đai Thủ Thiêm là chưa rõ ràng, thiếu minh bạch. Đặc biệt chúng tấn công Luật An ninh mạng, Luật Đặc khu, đẩy cao chiến dịch kêu gọi người dân xuống đường tuần hành, biểu tình, bạo loạn, gây hậu quả rất nghiêm trọng ở nhiều tỉnh thành phố trong thời gian qua”.
Đoạn trên là trích bài phát biểu của Thiếu tướng, đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Minh Hoàng, trước Quốc hội sáng 27-10 về các hoạt động chống phá, xuyên tạc chủ trương chính sách trên không gian mạng. Clip này được phát trực tiếp trên kênh truyền hình quốc gia VTV.
Muốn chia phần chiếc bánh quyền lực?
Kết luận của Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng là trong thực thi Luật An ninh mạng ở sắp tới, cần những văn bản điều chỉnh bổ sung cơ chế hợp đồng tác chiến giữa công an và quân đội, lực lượng chức năng khác, bảo đảm cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thống nhất, xử lý kịp thời các tình huống. Hiện tại, trong dự thảo về nghị định thực hiện Luật An ninh mạng, thì chức trách hoàn toàn thuộc quyền của Bộ Công an.
Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng. Ảnh: VNN |
Đến nay, Việt Nam chưa có Luật Tự do thông tin; mà chỉ có Luật Tiếp cận thông tin. Đã vậy, bên cạnh Luật An ninh mạng sắp hiệu lực, lại có Luật An toàn thông tin mạng. Trước đó nữa, là Luật Công nghệ thông tin.
Đó là chưa kể tới dự Luật Bảo vệ bí mật nhà nước được dự báo nếu Quốc hội Việt Nam ở kỳ họp thứ 6 - khóa XIV hiện tại lại bấm nút thông qua, thì mai này nhà chức trách sẽ đóng dấu mật cả vào chất vấn của đại biểu Quốc hội, làm cho đại biểu Quốc hội không thể trả lời cử tri về thông tin mà mình chất vấn. Nếu dự luật này cho phép luôn chuyện lãnh đạo bí mật về thân thế sự nghiệp – như vụ năm sinh, bệnh tình của cố chủ tịch nước Trần Đại Quang chẳng hạn, tất yếu thế lực thù địch sẽ mặc sức mà xuyên tạc…
Tự do thông tin: Nền tảng cho một xã hội minh bạch
Trong thời đại bùng nổ của Internet và mạng xã hội, dòng chảy của thông tin là vô cùng lớn. Vì thế, thay vì ngăn chặn dòng chảy của thông tin – một việc bất khả thi và phản tác dụng, sẽ tốt hơn nếu người dân có thể tiếp cận thông tin chính thống và chính xác.
Thế nhưng đây lại là điều mà tất cả các luật liên quan về thông tin vừa kể ở trên đều đi ngược lại, tìm mọi cách để hạn chế quyền tự do thông tin. Kể cả việc sẳn sàng dùng các điều luật hình sự để ‘chụp chiếc mũ phản động’, kiểu như ‘lợi dụng quyền tự do ngôn luận’ để ‘xuyên tạc chính sách Đảng và Nhà nước’; thậm chí cả đao to búa lớn ‘lật đổ chế độ’, dù chỉ bằng… ‘nước bọt’ của những tiếng nói kêu gọi quyền tự do ngôn luận như Hội Anh em dân chủ gần đây, hoặc vụ án ‘Anh Ba Sàm’ vài năm trước.
Ảnh minh họa. |
Theo website https://www.foia.gov/about.html, năm 1966, Đạo luật Tự do thông tin của Hoa Kỳ (The Freedom of Information Act - FOIA) được thông qua. Đạo luật này đã cung cấp cho công chúng quyền yêu cầu truy cập hồ sơ từ bất kỳ cơ quan liên bang nào. Nó thường được mô tả như là luật giữ công dân biết về chính phủ của họ. Các cơ quan liên bang phải tiết lộ bất kỳ thông tin nào được yêu cầu theo FOIA, trừ khi nó thuộc một trong chín loại miễn giảm nhằm bảo vệ các quyền lợi như quyền riêng tư cá nhân, an ninh quốc gia và thực thi pháp luật.
Đạo luật Tự do thông tin của Hoa Kỳ được sửa đổi năm 1974 - sau vụ bê bối Watergate - buộc cơ quan phải tuân thủ nhiều hơn; sửa đổi năm 1986 nhằm hướng tới việc cung cấp sự bảo vệ rộng rãi hơn cho các thông tin thực thi pháp luật và sửa đổi năm 1996 nhằm cho phép truy cập nhiều hơn vào thông tin điện tử.
Nếu thực lòng dân chủ…
Ở Việt Nam thì thông tin, đặc biệt là tin tức liên quan về chính trị, về các quan chức trong bộ máy cầm quyền vẫn là thứ hàng hóa độc quyền của Đảng và Nhà nước, nên dân chúng phải tự tìm kiếm bằng nhiều nguồn khác nhau tràn ngập trên mạng internet. Chính điều này lý giải cho số liệu mà Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng đã nêu nhưng lại không dẫn nguồn điều tra: “Liên quan đến việc cố chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, trong một số ngày cuối tháng 9-2018 trên mạng xã hội đã có 36.000 bài viết, 174.921 bàn luận, 198.384 lượt chia sẻ và hàng triệu lượt like với những thông tin, hình ảnh xuyên tạc ác ý nhằm nói xấu chế độ”. [Nguồn đã dẫn]
Với việc Đảng Cộng sản Việt Nam đang hô hào quyết tâm chỉnh đốn việc kiểm soát tài sản cán bộ, thì sự hợp tác giữa một nền tảng thông tin tự do, cộng một nền báo chí tích cực, có thể thúc đẩy hành xử minh bạch trong giới quan chức. Để làm được điều đó, có lẽ không nên có những phát biểu kiểu hằn học kể tội mà không nêu chứng cứ như bài phát biểu của Thiếu tướng, đại biểu Quốc hội TP.HCM Nguyễn Minh Hoàng, trước Quốc hội sáng 27-10 vừa rồi.
Ảnh minh họa. |
Các nguyên tắc về minh bạch phải trở thành nguyên tắc thực sự trong hoạt động của bộ máy công quyền. Đó là một quá trình dài, nhưng đáng để theo đuổi nếu như các quan chức của Đảng cầm quyền thực lòng muốn Việt Nam dân chủ.
Không có tự do thông tin, thì thông tin được quyền tiếp cận (Luật Tiếp cận thông tin) sẽ nằm trong định hướng mà bên cung cấp thông tin muốn đặt để. Chuyện quy hoạch Thủ Thiêm suốt 20 năm qua và cho tận hôm nay là đơn cử.
Thêm việc bóp nghẹt thông tin khi thực thi Luật An ninh mạng vào tháng 1-2019 tới đây, coi như ở Việt Nam, ‘thông tin’ vẫn là món hàng bao cấp, Đảng và Nhà nước cho thông tin thế nào thì cứ vậy mà người dân biết. Lá phiếu bầu chủ tịch nước vừa qua là minh họa dễ thấy nhứt.
Một cộng đồng hiểu biết thông tin tường tận hơn thì có thể tham gia hữu hiệu hơn trong các tiến trình dân chủ của quốc gia.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét