Thứ Hai, 29 tháng 10, 2018

6961 - Nhìn vào người đứng đầu biết vận mệnh của đảng, của quốc gia


Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước trước Quốc hội ở Hà Nội hôm 23/10/2018
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước trước Quốc hội ở Hà Nội hôm 23/10/2018 AFP


Cuối cùng thì ông Tổng Bí thư đảng cộng sản VN Nguyễn Phú Trọng cũng đã kiêm luôn chức danh Chủ tịch nước sau phiên họp của Quốc hội vào ngày 23.10 vừa qua.
Như vậy, ngoại trừ ông Hồ Chí Minh, người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam cũng là Chủ tịch nước đầu tiên và giữ cương vị này trong một thời gian dài (đến tháng 9.1969) và ông Trường Chinh, đang làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước được bầu giữ cương vị Tổng bí thư thay cho ông Lê Duẩn qua đời tháng 7.1986 và đảm nhiệm đến tháng 12.1986, đến nay mới có ông Nguyễn Phú Trọng một mình ngồi luôn 2 ghế.
Vở hài kịch độc diễn của ông Nguyễn Phú Trọng, người duy nhất có tên trong danh sách để bầu Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021 đã hạ màn với kết quả: ông Nguyễn Phú Trọng trở thành Chủ tịch nước với 99,79% phiếu (476/477 ĐBQH, tức là chỉ có 1 người không bầu cho ông Trọng). Một tỷ lệ không tưởng, chỉ có trong những quốc gia độc tài, ngu dân!
Nhưng vở kịch độc diễn ấy cũng đã nói lên một điều, ông Trọng đã hoàn toàn “chiến thắng” trong cuộc chiến tiêu diệt các đối thủ chính trị, và hoàn toàn kiểm soát từ bên đảng cho tới Quốc hội bù nhìn!
Tháng 10.2012 khi đọc đọc diễn văn bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng đã không dấu được sự nghẹn ngào uất ức vì đã không thể lật đổ được ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Mặc cho bao nhiêu lời đồn đoán về một sự thay đổi nhân sự cấp cao trước đó, ông Nguyễn Tấn Dũng thoát khỏi bị trừng phạt dù bị phê bình, thậm chí “tên của người mà ai cũng biết là ai” còn không được đề cập đến, ông Trương Tấn Sang khi đó là Chủ tịch nước trong một cuộc họp tiếp xúc cử tri ở TP.HCM đã gọi “một đồng chí trong Bộ chính trị không bị thi hành kỷ luật” là “đồng chí X” (cái biệt danh “đồng chí X” này đã gắn chết với ông Nguyễn Tấn Dũng suốt một thời gian dài trên các trang blog, mạng xã hội). Nhớ lại hình ảnh ông Trọng khi đó để thấy ông Trọng đã đi được một chặng đường dài, bây giờ thì chả có ai dám ngáng đường ông!

Một con người thần phục Tàu và cực kỳ tham vọng quyền lực!

Gần đây có hai nhân vật lãnh đạo, và từng là lãnh đạo, thuộc hàng top của đảng cộng sản VN qua đời-Trần Đại Quang và Đỗ Mười. Trong lúc nhà cầm quyền cho tổ chức tang lễ long trọng, rình rang, cho báo chí viết những bài tụng ca hết lời về cuộc đời, về “thành tích cách mạng” của cả hai, thì trên mạng xã hội và trong dư luận quần chúng chỉ thấy có những cảm xúc vui mừng, hả hê, căm hận, khinh ghét... Bởi đối với lịch sử, đối với đất nước, nhân dân, cả hai nhân vật này đều là những tội đồ, từng gây ra bao tội ác, bao sai lầm cho dân cho nước.
Song, có sự khác nhau trong nguyên nhân gây ra tội ác giữa thế hệ lãnh đạo cộng sản thời kỳ đầu như Đỗ Mười (hay Hồ Chí Minh, Lê Duẩn-đã chết, Lê Đức Anh-sắp chết...) và các thế hệ lãnh đạo gần đây từ cấp trung ương như Trần Đại Quang, Nguyễn Tấn Dũng…cho tới đám quan chức địa phương. Đó là, tội ác của Đỗ Mười và thế hệ cộng sản đời đầu là do cuồng tín, cuồng đảng, dốt nát, không biết trời cao đất rộng là gì (nên mới có những chuyện như quyết đánh Miền Nam đến cùng, quyết cải tạo tư bản, cải tạo công thương nghiệp, phát nát kinh tế, văn hóa MN vì muốn biến MN thành giống như miền Bắc, mê muội tin vào tình đồng chí với Liên Xô, Trung Cộng…) Còn tội ác của Trần Đại Quang và thế hệ cộng sản sau này là do lòng tham vô đáy, họ không còn tin gì vào CNXH, học thuyết Mác Lê hay lý tưởng của đảng, họ bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ là để bảo vệ những quyền lợi của mình và của con cháu mình, họ cũng chẳng còn tin vào Nga hay Tàu nhưng vì hèn, vì sợ mất đảng, mất chế độ mà quỵ lụy với Tàu…
Nhưng, riêng ông Nguyễn Phú Trọng thì dường như lại có phần giống với thế hệ lãnh đạo trước kia-vẫn bám vào lý luận Mác Lênin, bám vào CNXH, đồng thời có nhiều nét nguy hiểm-một kẻ tham quyền lực nhưng bây giờ lại có quyền lực tuyệt đối trong tay, hơn mọi lãnh đạo gần đây, và sự thần phục Tàu tuyệt đối!
Một mặt, Nguyễn Phú Trọng nhất nhất học theo Tập Cận Bình. Họ Tập có phong trào chống tham nhũng “đả hổ, diệt ruồi, săn sói, quét muỗi” thì Nguyễn Phú Trọng cũng nêu cao quyết tâm chống tham nhũng. Nhưng tham nhũng ở Trung Quốc hay ở Việt Nam thì không thể nào tiêu diệt được, một khi hai quốc gia này còn tồn tại mô hình thể chế chính trị độc tài độc đảng với quyền lực của đảng cộng sản đứng trên cả luật pháp, tư pháp, hành pháp lẫn truyền thông. Cho nên chống tham nhũng ở hai quốc gia này chỉ là tiêu diệt phe cánh mà thôi. Trọng cũng học theo Tập tiêu diệt tất cả những ai có nguy cơ ngáng đường hoặc có khả năng thay thế mình.
Hiện tại ở Trung Quốc, quyền lực của Tập Cận Bình cực lớn. Việc tư tưởng của Tập Cận Bình được đưa vào bản hiến pháp sửa đổi sau phiên họp của đảng Cộng sản Trung Quốc trong tháng 1.2018 đã đặt ông Tập ngang hàng với hai cố lãnh đạo Trung Quốc là Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Chưa kể, Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 25.2.2018 đã đề xuất bỏ điều khoản giới hạn thời kỳ nắm quyền hai nhiệm kỳ của chủ tịch trong hiến pháp nước này, mở đường cho ông Tập Cận Bình nắm quyền vĩnh viễn, chẳng khác nào một ông Vua.
Nguyễn Phú Trọng có lẽ cũng mơ có quyền lực lớn như thế, nhưng dù cho hiện tại Trọng đã diệt hết mọi đối thủ chính trị và nắm cả hai chức danh, thì từ tầm nhìn, tư duy, năng lực, cho tới bản lĩnh, ông Trọng vẫn cứ thua Tập Cận Bình rất xa, và cũng không có được uy tín, thiện cảm hay sự kính nể của dư luận nhân dân có hiểu biết, quan tâm về chính trị. Ông Trọng vẫn bị “chết” với cái xú danh “Trọng lú” chả biết có từ bao giờ.
Mặc khác, Nguyễn Phú Trọng lại thích tạo phong cách giản dị, liêm khiết, ăn mặc xuề xòa như cách lãnh đạo thời kỳ đầu và cũng muốn được như Hồ Chí Minh nên cho báo chí bơm thổi, tụng ca về mình, có những bài báo còn gọi ông Trọng là “Người”, là “Ngài”, hơn cả Hồ Chí Minh hồi xưa chỉ được gọi là “Người”!
Đó là một con người như thế nào? Bề ngoài thì ra vẻ khiêm nhường, khiêm tốn, đạo đức, nhưng bên trong thì tham vọng quyền lực kinh hoàng. Bề ngoài thì lì lì, như lú lẫn, nhưng bên trong thì nghĩ trăm mưu nghìn kế diệt đối thủ, diệt tất cả những ai ngáng đường, lúc nào cũng “nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn”, tuổi cao, sức yếu, tài không bao nhiêu, nhưng nhất định không chịu nhường ghế mà cứ ngồi đó để đưa đất nước này đi theo con đường CNXH “không biết đến hết thế kỷ này đã có hay chưa”. Mang tiếng là có chữ, ít gì cũng "Cử nhân Văn chương" Khoa Văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, là Tiến sĩ ngành khoa học lịch sử ở Liên Xô cũ, thực ra là Tiến sĩ ngành xây dựng đảng, rồi thì được phong là Giáo Sư (bằng cấp lãnh đạo nước này lúc nào cũng rất to, chính trị gia các nước nghe cứ mà phát sốt), nhưng cú đánh đầu tiên sau khi xưng Vương là đánh vào một trí thức, đánh vào việc xuất bản sách nâng cao kiến thức, mở rộng hiểu biết cho nhân dân! Tiếp theo là kiên trì với những dự luật bóp miệng dân như dự luật An ninh mạng!

Hình ảnh một chính khách, lãnh đạo quốc gia trông cũ kỹ, lạc hậu so với thế giới!

Một trong những bài báo nịnh bợ lộ liễu đăng trên một trang web rất khả nghi là thaotin.net viết về ông Trọng: “Chiếc áo cũ rách cổ tay và nhân cách giản dị của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng"! Thật ra thời ông Hồ, ông Duẩn, thậm chí đến thời ông Linh, ca tụng lãnh đạo ăn mặc giản dị, áo rách cũng còn hợp người hợp cảnh, còn thời đại bây giờ lãnh đạo là phải ăn mặc cho tử tế, tác phong hiện đại, văn minh, trông con người nhìn là biết có bản lĩnh, có đầu óc; ngay như họ Tập bây giờ cũng ăn mặc bệ vệ, đi đâu cũng có phu nhân sang trọng đi kèm, vậy mà lũ bồi bút vẫn cố mà khen cái sự giản dị áo rách của ông Tổng! Áo rách, áo cũ, tác phong quê mùa chỉ là tiểu tiết, đáng nói hơn, là đầu óc, tư duy cũ kỹ, bảo thủ, lạc hậu của ông Trọng, mở miệng ra là lý luận Mác Lenin, lý tưởng XHCN, sự ưu việt của đảng...
Chưa kể, giữa tình cảnh đất nước đang bị Trung Cộng o ép về mọi mặt, người dân rất mong nhìn thấy một chính khách, một lãnh đạo quốc gia mạnh mẽ, đầy bản lĩnh, dám ăn to nói lớn nghĩ lớn làm việc lớn, có tham vọng đưa đất nước trở thành một cường quốc trong khu vực và không sợ hãi trước bất cứ mưu đồ xâm lăng, thôn tính của bất cứ cường quốc nào, chứ không phải cái vẻ khiêm nhường “nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn” như ông Trọng! Nhưng tất nhiên, một lãnh đạo như thế chỉ có thể tìm được trong một cơ chế tự do, dân chủ với lá phiếu của người dân chứ không phải trong một thể chế chính trị độc tài đang ở vào thời kỳ mục ruỗng như ở VN. Và một con người do một thể chế như vậy tạo ra như ông Tổng Trọng, tất cả thì giờ lẫn mưu mô dành để diệt phe này phe kia và nghĩ cách làm sao để đảng cộng sản tồn tại lâu dài, kể cả dựa vào Trung Cộng, thì làm sao mà dám nghĩ đến chuyện thay đổi, bỏ đảng, bỏ Tàu!
Nhìn vào hình ảnh một lãnh đạo đảng, lãnh đạo quốc gia như thế, để thấy rằng vận mệnh nước này còn tăm tối lâu, nếu như người dân không tỉnh thức!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét