Giáo sư Chu Hảo
Ngày 27 tháng 10 năm 2018, sau khi báo chí loan tải việc GS Chu Hảo bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật đảng, một thư ngỏ do các cựu thành viên của IDS ký tên được gửi tới hai nơi: Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu xem xét lại quyết định này. Bức thư ngỏ không những không gây được sự chú ý nào từ phía người nhận mà làm cho phía người “biết” ngạc nhiên, bất mãn và không ít ngôn từ lên án, chê bai bức thư đã xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.
Thư ngỏ gửi cho các cấp cao nhất của Việt Nam đã trở thành đề tài châm biếm dành cho người gửi bởi không phải từ những năm gần đây mà đã gần hai mươi năm trước hình thức thư ngỏ đã xuất hiện. Ngày 2 tháng 9 năm 2000 tại Hà Nội bức thư ngỏ của 5 nhà bất đồng chính kiến gồm các ông Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Hoàng Tiến và Trần Dũng Tiến gửi Quốc hội Việt Nam, đòi dân chủ hóa, tăng cường pháp trị, dẹp bỏ mọi hành vi truy bức đối với TS Hà Sĩ Phu.
Chín năm sau, vụ khai thác bauxite đã dậy lên một phong trào chống đối dữ dội và sự ra đời của trang Bauxite do GS Huệ Chi cùng nhà giáo Phạm Toàn chủ trương và điều hành với mục đích duy nhất là chống lại dự án khai thác bauxite do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký lệnh triển khai. Liên tiếp trong ba lần, thư ngỏ của các trí thức gửi cho Chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị vạch rõ những tai hại của dự án này và tha thiết yêu cầu chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị cho ngưng lại. Tuy nhiên, ba lá thư ngỏ không một tiếng vang từ nơi nhận, chúng như bay vào không gian vô tận của sự im lặng rất . . . bình thường!
Ngày 10 tháng 7 năm 2011, một thư ngỏ khác của 71 trí thức với tiêu đề “Bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay” cũng được gửi đi tới cơ quan cao nhất là Bộ Chính Trị và nó cùng chung số phận với những bức thư ngỏ trước đó.
Hơn một tháng sau, ngày 21 tháng 8 năm 2011, 36 trí thức hải ngoại cũng gửi thư ngỏ cho Bộ Chính trị kêu gọi chính quyền thúc đẩy cải cách chính trị theo hướng dân chủ hóa để “có đủ sức mạnh bảo vệ và phát triển đất nước” trước mưu đồ lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Có lẽ do quá xa lá thư hình như không tới tay Bộ Chính Trị do đó không ai phụ trách việc trả lời.
Rồi đầu năm 2013 nhóm trí thức nhân sĩ gồm 72 người ký tên gửi Quốc hội với bản đề nghị sửa đổi Hiến pháp có tên “Dự thảo mới”. Kiến nghị 72 trở thành lịch sử không phải nó được lắng nghe mà vì tâm huyết của những người ký nó cũng rơi vào u minh. Không một phúc đáp, không một tiếng vang nào từ người nhận.
Rồi thư ngỏ của 127 nhân sĩ trí thức, thư ngỏ của 61 đảng viên trung thành với cách mạng, thư ngỏ yêu cầu ngưng dự án Đặc khu và Luật An ninh mạng, thư ngỏ trả tự do cho Trần Huỳnh Duy Thức. . . và bây giờ là thư ngỏ của nhóm trí thức cựu thành viên của Viện Nghiên cứu Phát triển IDS yêu cầu Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương rút lại biện pháp kỷ luật đối với GS Chu Hảo.
Không ai nghi ngờ sự trong sáng của những người ký vào những lá thư ngỏ đầy hoài bão, nhưng người ta nghi ngờ sự công chính của các nơi được gửi tới. Hai đơn vị Quốc hội và Bộ Chính trị được những bức thư ngỏ công khai hướng tới nhưng hết thư này tới thư khác cả hai nơi không nơi nào có phản ứng dù tích cực hay tiêu cực đối với tâm huyết của những bức thư ngỏ này.
Có điều rất lạ là tính kiên nhẫn phi thường của những vị trí thức, nhân sĩ từng ký tên liên tục vào những bức thư ngỏ ấy. Có thể tâm lý nước chảy đá mòn làm cho họ trì chí trước những hòn đá vô tri, nhưng họ quên một điều sự vô tri ấy không phải do bẩm sinh mà do tính “kiêu ngạo cộng sản” đã làm họ biến tướng để trở thành đá tảng.
Đá chỉ có thể đập chứ không thể đối thoại hay yêu cầu, đặc biệt vô ích hơn khi nghĩ rằng đá có thể đọc những bức thư đầy tâm huyết của những con người yêu nước thương nòi.
Một trong những lý giải về sự kiên nhẫn vô giới hạn của các tác giả thư ngỏ là quý vị ấy còn tin vào tính bản thiện của người nhận thư. Thời gian sẽ làm cho một ý chí, một định kiến hay một chính sách sai lầm có thể điều chỉnh hay thay đổi. Cả tin vào đó cho nên những bức thư ngỏ không dán tem tiếp tục xuất hiện cho tới ngày hôm nay, ngày mà TBT Nguyễn Phú Trọng vừa nhận thêm một chức vụ nữa trong cuộc đời chính trị đầy hào quang của ông.
Hào quang từ khi tuyên thệ Chủ tịch Quốc hội khóa XI vào năm 2006, để 3 năm sau chính ông là người được thư ngỏ của nhân sĩ trí thức gửi Quốc hội yêu cầu ngưng dự án Bauxite Tây nguyên. Ông đã im lặng trong suốt hai nhiệm kỳ làm Chủ tịch Quốc hội với biết bao lần nhận được thư ngỏ tương tự.
Rồi ông lên chức Tổng Bí thư, những nhân sĩ trí thức lại hy vọng lần này có thể ông sẽ thay đổi. Nhưng lạ, ông vẫn là ông tuy có khác đi vị trí cầm quyền. Lại im lặng nhận thư rồi không đọc.
Rồi ông nhận thêm chức Chủ tịch nước. Hai chức vụ trong một con người hẳn làm ông ít nhiều thay đổi, nhưng một lần nữa, các nhân sĩ trí thức của IDS lại lầm. Ông vẫn là ông và thư ngỏ vẫn là thư ngỏ.
Những bức thư ngỏ ấy như được gửi tới một người tình phụ bạc. Khi đã phụ bạc rồi thì con tim trở nên lạnh lùng, khối óc không còn tư duy theo nghĩa thông thường. Người gửi thư cứ hy vọng và phía sau bức thư không niêm ấy là sự dửng dưng tàn nhẫn.
Trả lời phỏng vấn của RFI, TS Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng viện IDS, cho biết lý do thư ngỏ được gửi tới UB Kiểm tra Trung ương như sau:
“Mục tiêu của thư ngỏ không phải là nói với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tuy lá thư này là gởi cho ủy ban đó, mà những người soạn thảo muốn kêu gọi các đảng viên và giới trí thức, những người còn đang làm việc trong các cơ quan Nhà nước, những người có thể nói không khác gì chúng tôi, có khi còn nói mạnh hơn nữa, nhưng bảo họ ký một cái gì đấy, lên tiếng một cách tập thể, thì họ có thể còn ngần ngại”.
Suy cho cùng, các vị học giả trí thức chỉ dùng hình thức thư ngỏ để gián tiếp gửi thông điệp cho những người trách nhiệm cao nhất là Quốc hội hay Bộ Chính trị chứ trong tận cùng suy tư họ không thể không hiểu rằng không bao giờ hai cơ quan này hạ cố trả lời cho những bức thư đậm chất chống đối mặc dù ngôn ngữ khôn khéo và đầy thuyết phục. Nếu khởi động một lần trả lời thư ngỏ thôi, Đảng, Chính phủ và Quốc hội sẽ ê chề khi phát hiện ra rằng khả năng biện luận của mình chỉ là một anh học trò lớp ba trường làng so với những cái đầu đầy kiến thức của những người ký tên vào những bức thư ngỏ ấy.
Lần sau, cũng cùng nội dung ấy nhưng thư ngỏ không gửi cho Quốc hội, Bộ Chính trị hay Chính phủ nữa, mà người nhận là “đồng bào cả nước” thì sự thể sẽ ra sao?
Con đường từ đồng bào tới Quốc hội, Bộ Chính trị chắc chắn là gần hơn so với cách gửi trực tiếp. Đồng bào sẽ lan truyền thông tin và sự lan truyền ấy có hiệu quả gấp ngàn lần so với cách gửi hiện nay. “Đồng bào” sẽ hành xử khác với “Nhân dân” sau khi bị chụp lên đầu đủ thứ mũ, mà chiếc mũ “đồng thuận” nặng nề đã làm vấy bẩn danh từ cao quý này mất rồi.
Xin hãy bắt đầu bằng câu “Thư ngỏ gửi đồng bào cả nước. . .”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét