Chủ Nhật, 28 tháng 10, 2018

6934 - Từ phiếu tín nhiệm đến lá phiếu trưng cầu ý dân



Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chuẩn bị kỷ luật đảng viên Chu Hảo, giám đốc Nhà xuất bản Tri Thức và phó hiệu trưởng Đại học Phan Châu Trinh. Lý do, ông Chu Hảo đã ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’.

Có gì khác nhau giữa ông Chu Hảo với đồng chí Chu Hảo?

“Từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đồng chí đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng chí đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Chu Hảo là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”.

Thông cáo Báo chí Kỳ họp 30 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, đã cáo buộc như vậy về ‘đồng chí’ Chu Hảo. [Toàn văn tại: http://bit.ly/2ArEygV]

Thế nhưng trên cương vị Chủ tịch nước, tin rằng ông Nguyễn Phú Trọng sẽ phải phản đối kết luận mang tính suy diễn “tác động xấu tới tư tưởng xã hội” mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quy kết ông Chu Hảo.

Ảnh: TNO
Lý do, ở nghi lễ Tuyên thệ được diễn ra lúc hơn 15g10 ngày 23-10, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tuyên thệ như sau: “Dưới cờ đỏ thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước, tôi - Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó”.

Theo Hiến pháp, thì cả Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều phải răm rắp tuân thủ hiến định “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật” (Điều 4.3). Tương tự, công dân và đảng viên Chu Hảo được hiến pháp bảo hộ “các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.

Việc cáo buộc ông Chu Hảo “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống” là phân biệt đối xử đảng viên Chu Hảo với công dân Chu Hảo, vi phạm Điều 16.2, Hiến pháp 2013, là “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”.

Hiến pháp cũng không ưu ái, hay phân biệt công dân thuộc đảng phái nào, tất cả công dân đều được quyền tự do ngôn luận, được quyền ý kiến phản biện các chính sách của cơ quan nhà nước (Điều 25, Điều 28).

Có đúng là 'Tổng bí thư làm Chủ tịch nước hợp ý Đảng, lòng dân'?

Trước ngày 23-10, rất nhiều báo chí đã có bài viết tụng ca cùng chủ đề tít tựa 'Tổng bí thư làm Chủ tịch nước hợp ý Đảng, lòng dân'. [Đơn cử: http://bit.ly/2JeOoFthttp://bit.ly/2q9x5gjhttp://bit.ly/2PWT1a2;http://bit.ly/2D20yS9http://bit.ly/2O4hokchttp://bit.ly/2PpcG5e].

Nếu đã tự tin như vậy, thì đã đến lúc cần kiểm chứng bằng con số cụ thể để tăng tính thuyết phục, đồng thời cũng là dập tắt mọi giọng điệu ngờ vực, xuyên tạc của ‘thế lực thù địch’ xoay quanh vấn đề ‘hợp ý Đảng, lòng dân’ dành cho ông Nguyễn Phú Trọng.

Điều 14.1 của Luật Trưng cầu ý dân trao cho Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng quyền yêu cầu Quốc hội thực hiện việc trưng cầu ý dân. Tờ trình về trưng cầu ý dân sẽ bao gồm những điều mà ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đang rất tự tin, nhưng dân chúng thì hoài nghi, trong đó có ông Chu Hảo (và cả người viết bài này!).

Những hoài nghi đó là gì? Hiến pháp hiện thời ghi điều 4 về chuyện đảng lãnh đạo, thế nhưng nhiều người dân, trong đó có ông Chu Hảo đã gửi yêu cầu đòi bỏ điều 4. Từng có một số cựu quan chức đảng viên, trong đó có ông Chu Hảo kiến nghị đổi tên trở lại đảng Lao động Việt Nam như thời cụ Hồ là chủ tịch. Tương tự, không ít dân chúng, đảng viên như ông Chu Hảo yêu cầu trả lại tên nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa như thời cụ Hồ cũng là chủ tịch.

Nhưng ý kiến kể trên còn nhằm để giải quyết bài toán trăn trở trong chính nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam. Nói có sách, mách có chứng. Các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII đã nhận định, “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”. Bởi, “Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm”. Bởi, “Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”...

Ông Chu Hảo (trái) và ông Nguyễn Phú Trọng (phải). 
Như vậy để tốt hơn cho việc quản trị quốc gia, tìm kiếm sự phù hợp thể chế thích ứng hiện tình đất nước trong bối cảnh hội nhập, cần thiết trưng cầu ý dân về việc bãi bỏ nguyên tắc “Đảng cử, dân bầu”, và chấm dứt việc áp đặt tư tưởng chính trị vào những cá nhân lãnh đạo. Tất cả các quan chức, viên chức đều sòng phẳng theo pháp luật hiện hành, không chịu lệ thuộc, phụ thuộc vào các ràng buộc của cơ quan đảng.

Nếu nhân dân vẫn tiếp tục tín nhiệm đảng Cộng sản Việt Nam trong công tác lựa chọn cán bộ, thì chắc chắn họ sẽ ủng hộ lá phiếu “Đảng cử, dân bầu”. Khi ấy ông Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ thêm tin tưởng vào các quyết định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bởi ở đây có sự đồng thuận bằng lá phiếu trưng cầu cho câu tuyên thệ hôm chiều 23-10 của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng về “nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, nhân dân giao phó”.

Bằng ngược lại, trong quá trình thực hiện các quyền của Chủ tịch nước, rất có thể ông Nguyễn Phú Trọng nhầm lẫn giữa hai quyền lực: Thứ nhứt, Chủ tịch tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Còn với Tổng Bí thư, thì thứ nhứt ở đây lại là “Tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; phục tùng tuyệt đối sự phân công và điều động của Đảng” (trích Điều 2.1, Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, phiên bản 2011 -http://bit.ly/2q9OJ3N).

Lợi ích của quốc gia, lợi ích của dân tộc là tối thượng, chứ không phải “còn đảng còn mình”. Vậy còn chần chừ gì nữa cho thực thi Luật Trưng cầu dân ý?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét