Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2018

7453 - Tôi tố cáo


Chứng cứ cho tố cáo

Người có dấu hiệu hành vi vi phạm pháp luật ở đây là ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam. [*]

Trong bản tin phát hành lúc 14g50 ngày 21-11, báo Tuổi Trẻ điện tử có đoạn viết: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng các doanh nghiệp nhà nước còn yếu kém do không chịu đổi mới, đặc biệt là “có những anh mười mấy sân sau, đừng tưởng Thủ tướng không biết”. [http://bit.ly/2Q5QU79]

“Có đồng chí ở đây, tôi không tiện nói tên, có đến 14 -15 cái ‘sân sau’, đừng nói Thủ tướng không biết đâu. Tình trạng như vậy, các đồng chí ạ, không phải cơ quan chức năng người ta không biết. Các đồng chí phải tự nhìn vào các yếu kém của mình”. Báo Thanh Niên điện tử đã trích dẫn lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bản tin phát hành lúc 15g02 ngày 21-11 [http://bit.ly/2KnuFUQ]

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu DNNN đi đầu trong phát triển, cầm trịch nền kinh tế. Ảnh: Quỳnh Trang.
Một nội dung tương tự như báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên cũng được đăng trên báo Người Lao Động điện tử lúc 13g34 ngày 21-11 [http://bit.ly/2Fz8Seb]. Báo Sài Gòn Giải Phóng phiên bản điện tử trong bản tin phát hành lúc 16g58 ngày 21-11 cũng trích dẫn tương tự về lời phát biểu liên quan ‘sân sau’ của Thủ tướng Phúc [http://bit.ly/2A9CJ72]

Báo điện tử Vietnam Net cũng có bài tường thuật với lời dẫn trực tiếp lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tương tự như các tờ báo kể trên [http://bit.ly/2BpT89j]. Báo điện tử VnEspress cũng có bài cùng nội dung như các đồng nghiệp [http://bit.ly/2DQJNd2].

Các nhật báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Sài Gòn Giải Phóng ở số phát hành báo giấy sáng ngày 22-11 cũng có bài tường thuật như nội dung đã đăng trên báo điện tử vào chiều hôm 21-11 về tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.  

Trong kinh doanh, khái niệm ‘sân sau’ của doanh nghiệp nhà nước, đồng nghĩa với một hình thức của tham nhũng. Hồi trung tuần tháng 5-2018, khi góp ý cho đề án tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, được Hội nghị Trung ương 7 thảo luận, Ủy viên Trung ương đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói rằng nhiều lãnh đạo tỉnh như chủ tịch, bí thư có cả doanh nghiệp “sân sau”, đặt trụ sở ngay tại nhà mình. Những người đó không hề nghĩ đến sự phát triển cho tỉnh, mà chỉ nghĩ đi xin Trung ương được dự án nào thì nghĩ cách tạo lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm, ủng hộ tùy tiện nhà thầu này, nhà thầu kia... [http://bit.ly/2Kp7PMl]

Những dẫn chứng khác

Dễ dàng kiểm chứng lời của ông Nguyễn Chí Dũng qua vụ việc bà Phan Thị Mỹ Thanh, nguyên phó bí thư Tỉnh ủy, trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Trong thời gian giữ các cương vị tỉnh ủy viên, giám đốc Sở Công thương, bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch, bà Phan Thị Mỹ Thanh vẫn tham gia điều hành Công ty TNHH Cường Hưng do chồng mình là cổ đông sáng lập, chủ tịch hội đồng thành viên. Điều này là vi phạm Luật phòng chống tham nhũng.

Trong thời gian giữ cương vị ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, phó chủ tịch UBND tỉnh, bà Phan Thị Mỹ Thanh có các vi phạm, khuyết điểm: ký các văn bản của UBND tỉnh chấp thuận cho Công ty Cường Hưng đầu tư dự án khu dân cư thương mại xã Phước Tân, vi phạm Luật phòng chống tham nhũng và quy định về những điều đảng viên không được làm.

Trong thời gian này, bà Thanh còn ký các văn bản của UBND tỉnh không thuộc lĩnh vực phụ trách, vi phạm quy chế làm việc và vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư. Bà Thanh còn không minh bạch trong kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.

Tuy nhiên bà Phan Thị Mỹ Thanh không bị khởi tố hành vi vi phạm pháp luật hình sự tương ứng với hàng loạt sai phạm được Ủy ban Kiểm tra trung ương kết luận và được báo chí đăng tải rộng rãi vào sáng ngày 4-7-2017.

Một vụ việc đình đám khác. Đầu tháng 10-2014, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Yên đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ công ty TNHH MTV Vũng Rô (gọi tắt là công ty Cảng Vũng Rô) để đối tác nợ lớn, khó đòi đề nghị xét xử đối với các bị can Nguyễn Minh (SN 1958, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty Cảng Vũng Rô) và 7 cộng sự. Tất cả 8 bị can đều bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo quy định tại khoản 3, Điều 281, Bộ luật Hình sự.

Hồ sơ vụ án cho biết ông Nguyễn Minh trong quá trình điều hành công ty Cảng Vũng Rô, đã thành lập công ty TNHH sản xuất Thương mại Đại Lộc (địa chỉ tại KCN Đồng An, thị xã Thuận An, Bình Dương). Ông Minh nhờ một người cháu và chồng bà Nguyễn Vũ Thùy Trang (thủ quỹ công ty Cảng Vũng Rô - chi nhánh TP.HCM) đứng tên góp vốn thành lập công ty Đại Lộc, mỗi người góp 200 triệu đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, hai người này không hề góp vốn mà do ông Minh nhờ đứng tên.

Sau khi thành lập ‘công ty sân sau’, ông Minh đã tuồn vốn của Nhà nước cho công ty Đại Lộc thông qua các hợp đồng mua bán vải sợi với nhiều điều khoản có lợi cho công ty Đại Lộc... Việc chuyển tiền từ công ty Cảng Vũng Rô sang cho công ty Đại Lộc gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 37,3 tỉ đồng.

Biết mà không xử lý là dung dưỡng hay đồng phạm?

“Chống lưng”, “sân sau”, “nhóm lợi ích”, “luật ngầm” là những thuật ngữ xuất hiện khá nhiều trên báo chí những năm gần đây. Và như tường thuật của các tờ báo kể trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tự cho biết là ông tường tận những doanh nghiệp nhà nước nào đang có “sân sau”. Nôm na, ông Nguyễn Xuân Phúc gián tiếp xác nhận có chuyện móc ngoặc giữa một số quan chức nhà nước với các doanh nghiệp để giành những dự án kinh tế, gói thầu,...

Với người dân, kể cả các nhà báo chuyên trách mảng nội chính thì đúng là không dễ trả lời rằng có bao nhiêu doanh nghiệp “sân sau” đã thắng thầu ở các dự án kinh tế, ở các gói thầu…? Bởi bằng chứng đâu để nói các doanh nghiệp thắng thầu là “sân sau” hay có “mối quan hệ” với những người có chức, có quyền? Quả là quá khó để tìm được câu trả lời thỏa đáng, càng khó hơn khi phải đưa ra bằng chứng để chứng minh quan chức có liên quan với các “mối quan hệ” đã tác động như thế nào để có được lợi thế.

Tuy nhiên một khi chính miệng người đứng đầu Chính phủ tuyên bố là ông biết “có những anh mười mấy sân sau”, thì đó là một chứng cứ được xác lập, và cơ quan điều tra đã có thể nhanh chóng vào cuộc.

Ngoài ra cũng cần làm rõ vì sao Thủ tướng biết đâu là những doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật nhưng vẫn không yêu cầu cơ quan thực thi pháp luật xử lý? Liệu đây có phải là hành vi được coi là ‘đồng phạm’, là của 'bánh ít đi, bánh quy lại'?

Có ý kiến cho rằng sở dĩ Thủ tướng chỉ dừng ở mức đánh tiếng hăm he, vì thực tế, có thể còn nhiều “sân sau” khác khó phát hiện hơn. Bởi “sân sau” núp bóng dưới nhiều hình thức, được ngụy trang nhiều lớp mà quan chức hưởng lợi có khi chỉ góp vốn bằng... chính sách.

Chú thích:

[*] Theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2011, công dân có thể tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Như vậy, trên tinh thần mọi hành vi vi phạm pháp luật đều được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, người dân có quyền tố cáo bất cứ hành vi vi phạm pháp luật nào. 

Do đó không thể quy chụp người viết bài này về tội danh nói xấu lãnh đạo nằm trong nhóm tội danh 'làm nhục, vu khống'; hoặc nhóm tội danh 'sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân' ở Điều 16, Luật An ninh mạng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét