Tân Cương là một vùng lãnh thổ tự trị của Trung Quốc với gần 22 triệu người, trong đó có khoảng 11 triệu người Duy Ngô Nhĩ. Sắc tộc thiểu số Hồi giáo này đang chịu đựng nỗi thống khổ của việc bị giám sát và đàn áp thô bạo bởi "bộ máy an ninh tổng lực" của chính quyền trung ương.
Kể từ sau các cuộc biểu tình bạo động của người Duy Ngô Nhĩ vào năm 2009, chính quyền Trung Quốc đã tăng cường các chính sách an ninh nhằm vào họ một cách quy mô. Trong vòng một thập kỷ, ngân sách dành cho an ninh đã tăng gấp 10, đạt đến hơn 9 tỷ đô-la vào năm 2017.[1] Riêng từ năm 2016 đến năm 2017, ngân sách đã tăng lên 92%.[2] Một phần của ngân sách tăng thêm này được dùng để tuyển dụng khoảng 100 ngàn vị trí an ninh mới.[3]
Cho đến nay, khoảng 7 ngàn đồn công an được thiết lập để giám sát người dân khu tự trị.[4] Cùng với đó, các phương tiện công nghệ, kể cả các phương tiện công nghệ cao như camera công cộng, thiết bị bay không người lái cũng được dùng đến. Các thông tin của người dân như dữ liệu smartphone, đường nét gương mặt đều bị nhận diện bởi công nghệ.[5] Riêng mẫu ADN, dấu vân tay, mống mắt, nhóm máu được thu thập thông qua chương trình khám sức khỏe miễn phí kể từ năm 2016.[6]
Theo cách nói của báo giới, Tân Cương đối với Trung Quốc là một phòng thí nghiệm khổng lồ về giám sát điện tử, để từ đó các công cụ giám sát sẽ được nhân rộng đến các vùng khác ở trong nước, thậm chí, ra ngoài biên giới quốc gia.
Ngoài các công cụ trên, một công cụ khác là các trại cải tạo. Theo BBC, có ít nhất 44 trại cải tạo đã được chính quyền trung ương mở ra để giam giữ những người Duy Ngô Nhĩ[7] "ly khai", "cực đoan tôn giáo" và "khủng bố". Đối tượng tiềm năng nhất cho các trại cải tạo là những người Duy Ngô Nhĩ sinh từ năm 1980, vì đây là thành phần "bạo lực" và "không đáng tin cậy", theo cách nhìn của chính quyền Trung Quốc.[8]
Theo Adrian Zenz, một nhà nghiên cứu tại Đức, hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ tại các trại cải tạo.[9] Nhiều hãng thông tấn trên thế giới thậm chí đưa ra con số khiếp đảm hơn – gần hoặc hơn 1 triệu.[10]
Khi bị giam giữ trong trong các trại cải tạo, một người may mắn thì được thả sau nhiều tuần, kém may mắn hơn thì được thả sau nhiều tháng hay nhiều năm, và bi kịch nhất là biến mất vĩnh viễn. Các tù nhân bị đối xử thô bạo, với các điều kiện nghèo nàn về thực phẩm, vệ sinh và y tế.[11] Gần như tất cả người Duy Ngô Nhĩ ở nước ngoài đều có các thành viên trong gia đình bị giam giữ tại các trại cải tạo ở Tân Cương.[12]
Đồn công an, công nghệ cao, trại cải tạo không phải là toàn bộ công cụ. Tinh vi hơn, Trung Quốc còn thi hành các chính sách xóa bỏ văn hóa của người Duy Ngô Nhĩ. Theo lời ông Dolkun Isa, chủ tịch Hội Người Duy Ngô Nhĩ Thế giới, từ năm 2017, Trung Quốc tăng cường cấm đoán nhiều hoạt động tôn giáo ở Tân Cương, như ngăn cản nhân viên công vụ hành lễ tại nhà thờ, buộc mọi người ăn thịt heo, uống rượu trong tháng ăn chay của người Hồi giáo.[13]
Thêm vào đó, Trung Quốc còn buộc người Duy Ngô Nhĩ thực hành văn hóa của người Hán. Từ ngày 1/4/2017, chính quyền trung ương thực hiện chính sách "trừ khử cực đoan" mà thực chất là chính sách "Trung Quốc hóa", bao gồm việc buộc người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải tạo học tiếng Trung Quốc, hát Hồng ca Trung Quốc, đặt lại tên theo kiểu Trung Quốc, và cảm ơn Đảng Cộng sản Trung Quốc trước khi ăn.[14]
Đầu năm 2018, người thiểu số bản địa còn bị buộc đón tiếp các quan chức Trung Quốc đến nhà mình sống chung để "được" các quan chức này giám sát và tuyền truyền chính trị. Kết quả đến nay là hơn 1 triệu quan chức Trung Quốc đã đến sống chung với các gia đình nông thôn ở miền nam Tân Cương.[15]
Đỉnh cao của sự trấn áp là mổ cướp nội tạng. Theo một báo cáo của cựu nghị viên David Kilgour (Canada), luật sư nhân quyền David Matas (Canada) và nhà báo Ethan Gutmann (Mỹ), một trong các nhóm nạn nhân của mổ cướp nội tạng tại Trung Quốc là người Duy Ngô Nhĩ.[16] Không rõ lượng người Duy Ngô Nhĩ bị mổ cướp nội tạng là bao nhiêu, song cũng như các học viên Pháp Luân Công, những ai bặt vô âm tín đều có thể đã là nạn nhân của cách thức chết chóc này.
Nhìn tổng thể, bức tranh Tân Cương thật buồn thảm, đen tối và chẳng có mấy hi vọng vào tương lai, khi một nửa dân số của nó là người Duy Ngô Nhĩ mất tự do và bị tẩy não. Cứ như vậy, chẳng bao lâu nữa, Tân Cương sẽ không còn những người Duy Ngô Nhĩ thứ thiệt, mà chỉ còn những người Ngô Duy Nhĩ vong thân, những người bị đánh cắp hết căn cước và không còn biết được đâu là nguồn gốc thực sự mà mình thuộc về.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét