Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019

7269 - Các yếu tố dẫn tới biến cố 19/8/1945 và sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tiếp theo và hết)


Sau cuộc đảo chính ngày 09/3/1945 lật đổ chính quyền Pháp đã tạo cơ hội cho các đảng phái mở rộng hoạt động của mình. Các đảng phái đã liên minh, liên kết cũng như chuyển hoạt động từ hoải ngoại về trong nước. Tại miền Nam cũng có những cố gắng nhằm thống nhất hoạt động của các đảng không cộng sản trong đó người chủ xướng quan trọng nhất là Tạ Thu Thâu. Ông đã có một chuyến đi xuyên Việt, và sang tận Côn Minh để tìm cách kết hợp các đảng phái quốc gia thành một mặt trận thống nhất chống lại Mặt trận Việt Minh do đảng cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Nhưng mọi cố gắng của ông để thuyết phục thành lập một mặt trận đối đầu với Việt minh đều không đạt được kết quả nào.
     Cụ thể trong những ngày nước sôi lửa bỏng đầu tháng 8/1945, các đảng phái cách mạng quốc gia đã có Hội nghị, cũng như chuẩn bị lực lượng cho hành động giành chính quyền. Hội nghị được tổ chức vào ngày 14/8, có đầy đủ đại diện các đảng phái quốc gia. Tuy nhiên, hội nghị đã không thống nhất được mục tiêu quan trọng nhất, đó là giành chính quyền ngay lập tức. Có mấy lý do dẫn tới việc không thống nhất được mục tiêu trong hội nghị và quyết tâm trong hành động thực tế như sau:
     Một là, việc giành chính quyền khi đó bắt buộc phải có sự đồng ý của Nhật Bản, tức là phải thương lượng, làm việc và hợp tác với Nhật Bản. Nhiều đảng phái quốc gia đã lo ngại khi đồng minh vào sẽ không (hoặc khó) công nhận chính phủ đã hợp tác với Nhật Bản.
     Hai là, vẫn e ngại lực lượng của Pháp, có thể thừa cơ làm một cuộc cướp chính quyền. Khoảng ngày 10/8, Hà Nội đã có tin đồn về việc Pháp âm mưu nổi dậy, và khám phá ra một kho vũ khí tại một biệt thự người Pháp. Sau đó lại có tin đồn về việc một đại diện của Pháp đã gặp Toàn quyền Nhật đề nghị cho phép Pháp đổ bộ lên cảng Hải Phòng. Chính từ những tin đồn về lực lượng của Pháp, dẫn tới sự việc đáng tiếc trong thực tế. Chiều ngày 17/8, ông Nguyễn Xuân Tiếu (Đại Việt Quốc Xã), sau khi các đảng phái quốc gia không thống nhất được việc giành chính quyền, đã quyết định một mình làm cuộc đảo chính. Ông Nguyễn Xuân Tiếu đã đem 300 quân tiến vào phủ Khâm Sai lấy cớ là một cuộc biểu tình đòi chính quyền bắt giữ tất cả những người Pháp. Nhưng đang trong lúc sự việc diễn ra, có một cán bộ trong Đại Việt Quốc Gia Liên Minh tới mật báo: “Quân Pháp vốn bị Nhật giam giữ ở trong Thành đã đào lên lấy được một số vũ khí quan trọng mà chúng đã chôn dấu từ trước, và quyết định hôm nay sẽ tràn ra đánh chiếm Hà Nội”. Ông Tiếu được yêu cầu tạm lui để chặn đánh quân Pháp trước rồi sáng mai sẽ đoạt chính quyền. Trong lúc ông Tiếu còn đang do dự thì ông Trương Tử Anh đạp xe đạp tới cũng báo tin như trên đồng thời yêu cầu ông Tiếu giao 300 thanh niên vũ trang để điều đi bố trí khắp nơi đề phòng quân Pháp từ trong thành đánh ra. Kế hoạch cướp chính quyền của ông Nguyễn Xuân Tiếu vì vậy không thành vì sáng ngày 18/8, cuộc Mít tinh của Tổng Hội Công chức tại Hà Nội bị lợi dụng biến thành cuộc biểu tình phô trương sức mạnh của Việt Minh. Mọi diễn biến đã chuyển sang tình thế khác.
     Ba là, không đánh giá đúng bản chất và thực lực của Đảng Cộng sản, của Mặt trận Việt Minh. Đây là nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới việc các đảng phái quốc gia đã bỏ lỡ cơ hội giành chính quyền trong khi lực lượng vũ trang vượt trội so với Việt Minh tại Hà Nội. Theo các tài liệu của cộng sản, lực lượng Việt Minh tại Hà Nội lúc đó có khoảng 800 người chia làm 10 đơn vị với khoảng 90 khẩu súng, ngoài ra chỉ có giáo mác, dao, gậy vv... Trong khi đó, về phía quốc gia và chính quyền, nguyên lực lượng bảo an binh đã có 1500 người được trang bị vũ trang đầy đủ, chưa kể lực lượng cảnh sát. Về phía các đảng quốc gia, lực lượng vũ trang của Đại Việt và Việt Nam Quốc Dân Đảng cũng không dưới năm sáu trăm người.
     Trong Hội nghị các đảng phái quốc gia, ông Trương Tử Anh đã phát biểu, và được nhiều đại diện đảng phái đồng tình: “Cuộc cách mạng nào cũng chỉ đi đến mục đích là giành lại độc lập cho tổ quốc, Việt Minh hay đoàn thể nào cũng vậy. Nếu Việt Minh nắm được chính quyền, chúng ta sẽ tham gia hướng dẫn họ trong công cuộc phục vụ nhân dân. Nếu họ trở mặt,lúc đó chúng ta sẽ lấy nhân dân làm hậu thuẫn mà hạ họ xuống. Vả lại lực lượng của họ không có gì cho chúng ta lo ngại. Nếu nay chúng ta dùng vũ lực với họ thì chắc chắn sẽ có đổ máu. Cộng sản chưa thấy đâu mà thấy ngay dân chúng bị tàn sát. Sau này lịch sử sẽ quy tội chúng ta là tham cầu địa vị, gây nên cảnh nồi da xáo thịt, tội đó há riêng một cá nhân gánh chịu”.
     Cũng có ý kiến phản đối, và nêu chính xác bản chất của Đảng cộng sản và Mặt trận Việt Minh của ông Lê Khang, một trong số đại diện của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Đó là: “Đến giờ phút này các anh vẫn chưa hiểu rõ Việt Minh Cộng Sản là như thế nào cả nữa là dân chúng. Tôi xin nói thẳng các anh đừng mất lòng. Cộng sản họ sẵn sàng đi đôi với tất cả các thế lực dù là thực dân Pháp hay quân phiệt Tàu, để làm sao tiêu diệt được những người cách mạng dân tộc chúng ta. Nếu nay để cho cộng sản nắm được chính quyền thì , họ sẽ đặt tình thế trước sự đã rồi. Chúng ta sẽ đi đến chỗ tự sát. Cộng sản sẽ áp dụng mọi thủ đoạn để tiêu diệt chúng ta ngay, họ sẽ tuyên truyền với quần chúng rằng chúng ta là những tên phản động, phản quốc, việt gian. Chúng ta không nên đóng vài trò thụ động. Không được phép chờ họ khủng bố mới đánh trả lại. Chúng ta nên tấn công họ trước mới nắm được phần thắng vào mình. Chúng ta nắm được chính quyền, chỉ thu số súng đạn của Bảo An binh cũng có tới 5000 khẩu súng. Cộng thêm với súng đủ loại của kho Ngọc Hà của Pháp mà Nhật tước được có trên 20.000 khẩu mà nay Nhật sẵn sàng trao trả lại cho chúng ta. Với lực lượng ấy, chúng ta có thể lập được ba sư đoàn cách mạng quân để đối phó với tình thế tiến tới một chính quyền thống nhất toàn quốc”. Ý kiến có tính chiến lược và tiên tri của ông Lê Khang đã không được chấp thuận và Hội nghị tan rã mà không có quyết định gì.
     Thông qua hai ý kiến của hai đại diện đảng phái quốc gia, có thể nói, sự thiếu thống nhất và thiếu quyết đoán do nhận định không đúng về bản chất và thực lực của cộng sản Việt Nam đã khiến cho các đảng phái quốc gia bỏ lỡ cơ hội ngàn năm một thủa. Khi mà sự thuận lợi hoàn toàn đứng về phía họ, trong thời khắc quyết định.

                                                                                ---------

     Sự ra đời của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một bước ngoặt lịch sử. Nếu xét dưới góc độ tình huống cách mạng, có thể đó là một điều tiếc nuối khi các đảng phái quốc gia cũng có cơ hội và tương đối thuận lợi hơn đảng cộng sản. Tuy nhiên, xét theo quá trình hoạt động và sự xứng đáng, một đảng có sự thống nhất, có thực lực mạnh nhất và trải qua thời gian đấu tranh lâu dài, lại được sự hậu thuẫn của một tổ chức hùng mạng là Quốc tế Cộng sản, nhà nước đó ra đời cũng là hợp lô-gic. Điều mà ngay cả những người cộng sản cao cấp khi cướp chính quyền cũng không thể nghĩ và hình dung được, những thảm họa mà nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đó sau này sẽ gây ra cho đất nước và nhân dân lại khủng khiếp và lâu dài đến như vậy. Lịch sử không có chữ nếu, mà lịch sử thường dạy cho những bài học: khi người dân không thường xuyên cảnh giác, với những cái ác và cái xấu, họ có thể sẽ nhận được những thực tế tồi tệ hơn cả những điều khủng khiếp nhất mà con người có thể tưởng tượng ra./.
Hà Nội, ngày 23/3/2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét