Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

7313 - Nuôi Trung ương Đoàn bằng nuôi một bộ. Đã đến lúc Đoàn Thanh niên 88 tuổi ‘cai sữa’ ngân sách



Đoàn đại biểu của Đoàn Thanh niên vào lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 10/12/2017. Ảnh: Việt Dũng/Tuổi Trẻ.

Vào ngày 26/3/2019, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh sẽ kỷ niệm 88 năm ngày thành lập (26/3/1931 – 26/3/2019). Theo báo cáo của Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI năm 2017 thì Đoàn Thanh niên (từ đây xin được gọi ngắn gọn là Đoàn) hiện có khoảng 6,4 triệu đoàn viên, trên tổng số khoảng 23,6 triệu thanh niên Việt Nam (từ 16 – 30 tuổi).
Vậy hãy thử xem người thanh niên 88 tuổi này đã sử dụng những nguồn lực nào để “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng” của gần 24 triệu thanh niên mà họ đại diện.
Nghiễm nhiên hưởng ngân sách nhà nước 
Đoàn không phải là một tổ chức chính trị – xã hội thông thường, mà là một trong sáu tổ chức chính trị – xã hội đặc biệt được Hiến pháp ghi nhận tại Điều 9, cùng với Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Công đoàn, Hội Nông dân và Hội Cựu chiến binh.
Với địa vị như vậy, Đoàn nghiễm nhiên có một suất trong gói ngân sách nhà nước hàng năm mà Quốc hội phê duyệt (dĩ nhiên cũng chỉ là phê duyệt mang tính thủ tục).
Năm 2019, mức dự toán chi ngân sách cho Trung ương Đoàn (với 19 đơn vị trực thuộc) được phê duyệt là 322,2 tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên hơn 110 tỷ, chi mục tiêu quốc gia là 12,3 tỷ. Với mức này, ngân sách cho Trung ương Đoàn cao hơn Thanh tra Chính phủ (316,4 tỷ), Uỷ ban Dân tộc (255 tỷ), Đài Truyền hình Việt Nam (248,9 tỷ), Văn phòng Chủ tịch nước (198,6 tỷ), và thấp hơn Ngân hàng Nhà nước một chút (363,3 tỷ).
Nói cách khác, nuôi Trung ương Đoàn tương đương với nuôi thêm một bộ.
Năm 2018, con số tương ứng là 254,4 tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên là 106,9 tỷ đồng, chi để thực hiện các mục tiêu quốc gia và các mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội là hơn 10 tỷ đồng.
Theo báo cáo công khai Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 của Trung ương Đoàn, tổng ngân sách hoạt động năm 2017 từ nguồn ngân sách nhà nước là 179,454 tỷ đồng, trong đó có khoảng 109 tỷ đồng là để dành vận hành hệ thống quản lý hành chính (tức chiếm 60,7% tổng ngân sách).
Năm 2016, Đoàn được hưởng một gói ngân sách cao đột biến, lên tới 551,505 tỷ đồng. Điều này có thể hiểu được do đây là năm tổng tuyển cử và kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đoàn.
Để dễ hình dung, chúng ta có thể liên hệ tới một nhóm nông dân chuyên xây cầu từ thiện ở Sóc Trăng. Thành lập năm 2015, sau ba năm họ xây được 47 cầu bê tông bắc qua kênh rạch với kinh phí từ 70 – 100 triệu đồng/cầu (chưa tính nhân công). Nếu lấy mức tối đa là 100 triệu đồng/cầu thì với ngân sách của Đoàn năm 2018 có thể xây được 2.544 cây cầu.
Một ví dụ khác là câu lạc bộ “Bạn thương nhau” ở Đà Nẵng xây dựng được bảy trường học kiên cố cho học sinh vùng cao với kinh phí từ khoảng 200 triệu đến 560 triệu đồng/trường (chưa tính nhân công). Nếu tính chi phí là 500 triệu đồng/trường thì ngân sách năm 2018 của Đoàn đủ để xây hơn 500 trường.
Xin lưu ý, đây chỉ là ngân sách của chính quyền trung ương cấp cho cơ quan trung ương của Đoàn. Mạng lưới của Đoàn ở các địa phương thì lại “ăn” vào ngân sách nhà nước ở địa phương theo cấp bậc hành chính tương ứng. Con số này là bao nhiêu vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Thanh niên tình nguyện là một phong trào thường thấy của Đoàn Thanh niên. Ảnh: Báo Đại Đoàn Kết.
Vai trò và cách sử dụng ngân sách của Đoàn
Đoàn được xem là một tổ chức quần chúng, thành lập trên cơ sở tự nguyện cũng như phục vụ nhu cầu của thanh niên. Trên thực tế, các tổ chức này hoạt động và phục vụ cho “nhiệm vụ chính trị” cốt lõi, là cánh tay nối dài của nhà nước, là “đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam” (tôn chỉ của Đoàn).
Đoàn Thanh niên được tổ chức và vận hành theo mô hình hành chính từ trung ương xuống đến cấp xã, phường với đầy đủ chức danh thuộc biên chế ăn lương nhà nước. Họ có nhiệm vụ hoạt động trải dài trong tất cả cả mục tiêu chính sách, và mang bản chất là những hội độc quyền (trong mỗi lĩnh vực, trên mỗi địa bàn chỉ được phép thành lập một hội). Việc vẫn dựa vào bao cấp nhà nước, khiến các hội đoàn, trong đó đặc biệt là các hội đặc thù, khó có thể thực hiện được sứ mệnh thực sự của nó.
Theo Nghị quyết 07 NQ/TWĐTN của Trung ương Đoàn, Đoàn đang áp dụng mức đóng đoàn phí 2.000 đồng/tháng đối với đoàn viên không hưởng lương và 5.000 đồng/tháng đối với đoàn viên hưởng lương.
Thử nhẩm tính, nếu Đoàn thực sự nghiêm túc và sốt ruột trong việc thu đoàn phí để duy trì hoạt động, mức thu khả quan của Đoàn hằng năm sẽ vào khoảng 153 tỷ đồng (tổng dựa trên mức thu thấp nhất: 2.000 đồng/tháng x 6,4 triệu đoàn viên). Còn mức cao nhất có thể thu được là 384 tỷ đồng. Mức trung bình là khoảng 268 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước lại cho Đoàn được nhiều hơn và dễ dàng hơn thế.
Theo Điều 4, Quyết định 57/2015 của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên, kinh phí các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng và xã hội do Đoàn hoặc các tổ chức khác của thanh niên tổ chức sẽ do ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện. Bên cạnh đó, Đoàn có thể huy động từ các nguồn đóng phí thành viên, vốn xã hội hóa hoặc từ các nguồn tài trợ, viện trợ hợp pháp.
Vì sự đảm bảo như vậy, Đoàn có mặt trong các khoản chi cho các mục tiêu phát triển quốc gia, trong đó có hai mục tiêu quan trọng nhất là: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới. Ngoài ra, Đoàn tham gia vào hầu hết các vấn đề trong các mục tiêu an sinh xã hội, các chủ trương chính trị trong đời sống xã hội tại Việt Nam, trải từ các hoạt động phòng chống mại dâm, chăm sóc sức khỏe cho người nhiễm HIV, bảo vệ môi trường, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, v.v.
Đoàn còn là một trong các tổ chức nhận ủy thác và quản lý nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách Xã hội theo chính sách hỗ trợ tạo việc làm của Chính phủ (Điều 21 Nghị định 61/2015). Điều này cho thấy quyền lực của Đoàn không chỉ giới hạn ở các nhiệm vụ phục vụ các mục tiêu xã hội đối với nhóm đối tượng mà Đoàn đại diện, mà còn thể hiện chức năng của một cơ quan hành chính trong việc quyết định và thi hành các mục tiêu kinh tế, chính trị khác.
Luật Ngân sách Nhà nước 2015 đã đưa các tổ chức chính trị xã hội vào nhóm đối tượng phải công khai ngân sách. Tuy nhiên, việc công khai sẽ chỉ bắt đầu từ năm ngân sách 2017, nên số liệu xác thực về nguồn ngân sách phân bổ cho Đoàn cũng như các tổ chức chính trị xã hội khác trước năm 2017 vẫn là một dấu hỏi.
Kiểm toán Nhà nước và các cơ chế kiểm tra khác cũng chưa thể có báo cáo đánh giá sự minh bạch tài chính và hiệu quả hoạt động của Đoàn, ngoài việc Đoàn tự kiểm điểm, phê và tự phê trong các báo cáo đại hội.
Quang cảnh sự kiện 1.000 thanh niên tham gia làm con đường 700m do Thành Đoàn Hà Nội tổ chức năm 2013. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Đoàn ở đâu giữa đời?
Các hoạt động phong trào thiếu tính sáng tạo của Đoàn (nhưng đảm bảo sự hiện diện áp đảo về mặt số lượng của nhóm “dự bị tiên phong”) đã triệt tiêu các sáng kiến cải cách và khiến Đoàn không thể tự thân thu hút thanh niên kiến tạo xã hội, và không thể tồn tại nếu không có bầu sữa ngân sách.
Các hoạt động phong trào của Đoàn, ngoài việc tạo ra những giá trị khó kiểm chứng về mặt tinh thần và cổ vũ khả năng tưởng tượng của đoàn viên, vẫn tiếp tục là cơ sở để chấm điểm phong trào với các sinh viên đại học, vốn là một trong các tiêu chí để đánh giá điểm rèn luyện và xét duyệt học bổng. Đoàn nuôi dưỡng những ý thức hệ được chấm điểm, và được tưởng thưởng xứng đáng bởi những vị trí chính trị trong tương lai. Vậy Đoàn đại diện cho các đoàn viên của mình, hay đại diện cho người chi tiền cho mình?
Một ví dụ về việc các hoạt động Đoàn đã cổ vũ trí tưởng tượng và kích động hiệu ứng tinh thần của thanh niên là việc Thành đoàn Hà Nội huy động gần 1.000 đoàn viên thanh niên tham gia làm 700m (theo bản đồ trên giấy) đường liên thôn tại Hà Nội năm 2013. Kinh phí cho con đường này là 1,5 tỷ đồng, tương đương ít nhất 15 cây cầu mà nhóm nông dân làm từ thiện ở Sóc Trăng tiến hành như đã kể ở trên.
Khi ấy, Bí thư và Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội đã giải thích rằng “có thể giá trị ngày công lao động không phải là quá lớn nhưng thể hiện tinh thần của người trẻ với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Thành đoàn muốn tạo ra hiệu ứng lan tỏa, phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ”.
“Quan điểm trong hoạt động tình nguyện của Thành đoàn là giáo dục bằng trải nghiệm thực tế, vì vậy mới huy động 1.000 thanh niên trong buổi sáng khởi công”, họ giải thích.
Cần phân biệt đi tình nguyện và đi thực tế, vì dùng tiền ngân sách và lãng phí nguồn nhân lực chỉ để đi “trải nghiệm thực tế” và thỏa mãn tinh thần hăng hái với nhiệm vụ chính trị của địa phương, thì dù dựa trên sự kiện tốt đẹp nào cũng là bất hợp lý và khắc sâu chủ nghĩa hình thức của hệ thống.
Dự thảo Luật về Hội năm 2016 (hiện đã bị tạm dừng) đã làm tăng thêm tình trạng phân biệt đối xử giữa các hội đoàn, khi miễn trừ sáu tổ chức không chịu sự chi phối của Luật về Hội là Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn tức Tổng Liên đoàn Lao Động, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, điều này phù hợp với “lịch sử phát triển và vai trò đặc biệt quan trọng của các tổ chức đó, phù hợp với thể chế chính trị của nước ta”.
Liệu sau 88 năm với phần lớn thời gian ăn lương ngân sách và nhất quán trong các hoạt động xung kích phong trào, đã đến lúc Đoàn tự lập và thôi bú mớm bầu sữa ngân sách hay chưa? Câu hỏi này có lẽ vẫn không có lời đáp (hoặc không muốn đáp), trong hoàn cảnh các tổ chức chính trị xã hội vẫn là cánh tay nối dài của đảng lãnh đạo để kiểm soát độc quyền mọi mặt xã hội. Chẳng ai muốn tự chặt đi cánh tay của mình.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét