Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

7324 - EVFTA: VAI TRÒ CỦA CÁC TỔ CHỨC PHI CHÍNH PHỦ QUỐC TẾ (P.1)



“Thật vui mừng vì Quốc Hội Châu Âu vừa bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) [với chúng ta]”. Thủ tướng một quốc gia Đông Nam Á cách đây hơn vài tuần đã thốt lên như vậy sau khi chứng kiến lễ ký kết FTA giữa nước ông và Liên minh Châu Âu (EU). Tiếc thay, tên của vị Thủ tướng này không phải Nguyễn Xuân Phúc, mà là Lý Hiển Long, và quốc gia nói trên là Singapore chứ không phải Việt Nam.
Vậy là, trong khi Singapore đã trở thành quốc gia ASEAN đầu tiên ký một hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu thì số phận của bản hiệp định tương tự giữa Việt Nam và EU (EVFTA) chưa biết sẽ đi về đâu.
Thông tin gần nhất được xác nhận là Hội đồng Châu Âu chỉ sẽ xem xét EVFTA sớm nhất vào tháng 5. Nếu được thông qua ở cơ quan này, bản hiệp định sẽ còn phải được chuyển đến Quốc Hội Châu Âu để bỏ phiếu phê chuẩn. [2] Và vì Châu Âu sẽ bầu Quốc Hội vào đúng tháng 5, nên EVFTA, dù có qua được cửa Hội đồng Châu Âu cũng sẽ phải đối mặt với một Quốc Hội mà tới giờ không ai dám chắc là sẽ có thái độ thế nào về vấn đề tự do thương mại nói chung và EVFTA nói riêng. 
Nghĩa là, EVFTA chẳng những sẽ được dời lại khá lâu nữa mà còn phải đối mặt với một tương lai vô định. Cùng với đó là những thiệt hại cho lợi ích quốc gia không thể đo đếm hết được. 
Lý do khiến EVFTA bị trì hoãn, tới giờ thì không ai nghi ngờ gì nữa, là bởi sự chậm trễ của chính quyền Việt Nam trong việc cải thiện các vấn đề môi trường, lao động và nhân quyền để đáp ứng yêu cầu từ EU đối với một kiểu đối tác thế hệ mới. 
Và trong lý do này có một khía cạnh liên quan tuy ít được chú ý nhưng có tầm quan trọng không nhỏ. 
Đó là, nếu theo dõi sát các diễn biến về EVFTA ở Brussels nơi EU đóng trụ sở sẽ thấy chưa bao giờ các tổ chức phi chính phủ quốc tế (INGOs) về nhân quyền tập trung vào Việt Nam nhiều đến như vậy. Chính những nỗ lực vận động của họ tới từng cơ quan EU, từng Dân biểu đã góp phần giúp chủ đề nhân quyền Việt Nam thu hút được sự chú ý đặc biệt nơi thủ phủ EU. Có thể nói không quá rằng sau mỗi động thái quan trọng của EU về EVFTA luôn có bóng dáng của các INGOs có văn phòng vận động ở Brussels.
Nhưng vì sao các INGOs ở Brussels lại tập trung vào Việt Nam? 
Đã đành là vì có nhiều bằng chứng cho thấy tình hình nhân quyền đang xấu đi ở Việt Nam những năm vừa qua, như trì hoãn cải cách pháp lý và số người bị bắt giữ vì các lý do chính trị tăng lên. Song, quan trọng không kém chính là lối hành xử của chính quyền Việt Nam với chính các INGOs này. 
Đến đây bạn đọc hẳn sẽ thấy ngạc nhiên, vì sao các INGOs ở Châu Âu mà chính quyền Việt Nam lại có thể ‘đụng chạm’, và bằng cách nào?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét