Một cuộc mít-ting của Hồng Vệ Binh Trung Quốc năm 1966. Ảnh: Quillette
“Nghe cho kỹ! Chủ tịch Mao đã hối thúc chúng tôi nổi dậy và tiêu diệt bọn phản động, xét lại. Làm sao ông dám ngăn cản và đòi trừng phạt tôi. Ông nói đúng. Tôi không phải con trai của ông. Tôi thuộc về Chủ tịch Mao và Cách mạng.”
***
Vào tháng 11 năm 1968, sau một ngày học sặc mùi chính trị như thường lệ ở trường tiểu học, La Hứa gặp một người bạn đồng môn trên đường về nhà.
“Tớ tin chắc cậu đã nghe về Nixon.”
“Nixon nào?” – La Hứa hỏi lại.
Người bạn của La Hứa trố mắt ngạc nhiên: “Tổng thống mới của Hoa Kỳ ấy.”
La Hứa đỏ mặt vì thẹn. Làm sao cậu có thể không biết về Nixon? Chủ tịch Mao Trạch Đông đã dặn dò mọi công dân, kể cả trẻ em, của Trung Hoa xã hội chủ nghĩa phải chú ý đến hoạt động kinh tế chính trị của nhà nước cũng như quốc ngoại. Ông rõ ràng khẳng định rằng cuộc Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản tại Trung Quốc sẽ làm dấy lên làn sóng cách mạng vô sản toàn thế giới. Làm sao cậu có thể không biết về Nixon cơ chứ?
La Hứa giả vờ gằn giọng một câu chửi rủa hết sức thời trang để khỏa lấp nỗi xấu hổ của mình: “À, quả trứng thối to nhất trong những quả trứng thối của bọn đế quốc tư bản.”
La Hứa nay đã là giảng viên khoa Lịch sử của Đại học Công lập bang New York, chi nhánh Cortland, Hoa Kỳ. Cuộc trò chuyện giữa ông và người bạn học tiểu học nọ, theo ông, thật ra không quá đặc biệt. Đó là thứ mà những đứa trẻ sáu bảy tuổi ở Trung Quốc vẫn thường nói đến trong cuộc Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản.
Bắt đầu từ thập niên 50, ý thức hệ Marx – Mao được tiêm nhiễm, nhồi nhét vào đầu hàng triệu trẻ em Trung Quốc. Với tư cách là thế hệ đầu tiên được sinh ra và lớn lên trong một nước Trung Hoa mới, dưới lá hồng kỳ cách mạng, những đứa trẻ này chấp nhận một cách vô tư bất kỳ điều gì chúng được dạy ở trường và những gì truyền thông nhà nước xả ra hàng ngày. Chúng tuyên thệ sự trung thành vô điều kiện dành cho Chủ tịch Mao kính yêu, cố gắng rèn luyện hằng ngày để trở thành những người kế thừa cách mạng xứng đáng, và hứa cống hiến cuộc đời mình cho lý tưởng cộng sản. Đây là nguồn lực chủ yếu cho sự trỗi dậy của Hồng Vệ Binh những năm sau đó.
Hồng Vệ Binh (Red Guards), theo quan sát của các nhà sử học và xã hội học chuyên về Trung Hoa, đến cuối cùng, cũng chỉ là những đứa trẻ không nhận được một hệ thống giáo dục nhân bản và hoàn thiện. Tuy nhiên, khác với trẻ em “hư” tại những quốc gia khác, Hồng Vệ Binh được nuôi dưỡng, khuyến khích, và hỗ trợ bởi thượng tầng kiến trúc chính trị quốc gia Trung Hoa. Hình thành một cách tự phát từ các thành phần thanh thiếu niên cực đoan hóa bởi lý tưởng Mao, phong trào nhanh chóng trở thành món đặc sản “điên khùng nhất” của Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản tại Trung Quốc.
Liều doping đến từ thượng tầng
Theo giáo sư sử học và chính trị học Roderick MacFarquhar (Đại học Harvard – Mỹ) và giáo sư Hoa ngữ Michael Schoenhals (Đại học Lund – Thuỵ Điển), nhóm cực đoan đầu tiên bắt đầu gọi mình là “Hồng Vệ Binh” bao gồm bảy học sinh của trường trung học trực thuộc Đại học Thanh Hoa (Tsinghua University – 清华大学) lừng danh ở Bắc Kinh.
Vài tuần sau khi Mao Trạch Đông phát động Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản vào tháng 5/1966, nhóm Hồng Vệ Binh thứ nhất này sản xuất và tuyên truyền một số biểu ngữ, băng-rôn chỉ trích chương trình giảng dạy đại học (cũng như các cấp độ giáo dục khác) là chưa đủ vô sản, có nguồn gốc và chủ đích tư sản. Những ý tưởng này được cho là xuất phát từ các tạp chí, báo đài, và tư tưởng Mao Trạch Đông nói chung. Hiển nhiên, ban giám hiệu và các giáo sư đại học cũng nhanh chóng phản bác và gọi nhóm này là cực đoan, có các tư tưởng sai lệch – phản cách mạng.
Ngày 29/5, nhóm này tiếp tục gặp gỡ bí mật và thống nhất đã đến lúc cần phải hình thành một phong trào quần chúng có quy mô trong giới học sinh – sinh viên (và có vẻ không loại trừ cả thiếu niên – nhi đồng). Một poster tuyên truyền khác được ra đời và chính thức ký dưới cái tên chung Hồng Vệ Binh, trong đó kêu gọi:
“Bảo vệ nền chuyên chế vô sản và lý tưởng của Mao Trạch Đông bằng mạng sống của chúng ta…”
Nó cũng khẳng định:
“Kẻ nào dám chống lại lý tưởng Mao Trạch Đông, bất kể chúng là ai, bất kể chúng nhân danh điều gì, bất kể chúng có ở vị trí cao đến như thế nào, sẽ bị đập tan thành trăm mảnh.”
Bắt đầu với những cuộc diễu hành trên khắp cả nước, nhưng Hồng Vệ Binh chỉ thật sự tìm được động lực phát triển thành một thế lực có sức phá hoại sau khi lãnh đạo phong trào ở thời điểm này liên lạc được với vợ của Mao – Giang Thanh (Jiang Qing), người sau này cầm đầu “Tứ nhân bang” (Gang of Four). Giang Thanh giúp Hồng Vệ Binh chuyển các biểu ngữ tuyên truyền đến cá nhân Mao, cùng một lá thư thể hiện lòng trung thành. Chứng kiến “thành quả” giáo dục của mình, Mao đã trả lời nhóm Hồng Vệ Binh một cách nhiệt tình, thích thú. Chi tiết này được thuật lại trong cuốn “Cuộc Cách mạng Văn hoá” (The Cultural Revolution) của giáo sư sử học Frank Dikötter (Đại học Hong Kong).
Khi Hội nghị Trung ương lần thứ Ba của đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào ngày 1/9/1966, Mao chính thức cho lưu hành “Thư gửi các Hồng Vệ Binh của trường trung học trực thuộc Đại học Thanh Hoa“. Trong đó, ông hết lời ca ngợi tinh thần nổi dậy của các thiếu niên Trung Quốc nhằm chống lại chủ nghĩa tư bản, bọn xét lại (revisionists), và bọn phản động (reactionaries). Mao cũng cam kết sẽ ủng hộ hết mình các hoạt động của Hồng Vệ Binh để thực hiện thành công cuộc Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản. Đúng vào lúc đảng Cộng sản Trung Quốc đang có những bất đồng về cách thức quản lý quốc gia và xây dựng hủ nghĩa xã hội giữa nhóm Mao Trạch Đông và nhóm Lưu Thiếu Kỳ (Liu Shaoqi) – Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping), Hồng Vệ Binh là một sự bổ sung không thể hoàn hảo hơn.
Để thúc đẩy sự phát triển của phong trào sinh viên – học sinh cực đoan hơn nữa, Mao và tay chân thân cận tổ chức gặp gỡ, nói chuyện với hơn một triệu học sinh, thiếu niên, nhi đồng ở quảng trường Thiên An Môn. Khoảng 1.500 “lãnh đạo trẻ tuổi” của phong trào Hồng Vệ Binh cũng được mời lên tường thành Thiên An Môn để đứng cùng Mao, một vinh dự lớn vào thời điểm đó, và cũng là lời chứng thực không thể rõ ràng hơn của chính quyền Mao dành cho Hồng Vệ Binh. Tính đến cuối năm 1966, Mao đã tham dự và phát biểu khích lệ tại tám buổi diễu hành lớn, tập trung hơn 11 triệu thanh thiếu niên – nhi đồng trên toàn quốc.
Cảm thấy được trao quyền và ủng hộ, kèm theo quân số đông đảo, Hồng Vệ Binh hung hãn lật tung mọi giá trị văn hóa xưa cũ của Trung Hoa.
Hoành hành
Trong nửa sau năm 1966, tờ Nhân dân Nhật báo (People’s Daily – một trong các cơ quan tuyên truyền chính yếu của đảng Cộng sản Trung Quốc) cho đăng bài kêu gọi “Phá Tứ Cựu” (Four olds): Lý tưởng cũ, Văn hóa cũ, Tập quán cũ và Thói quen cũ. Họ cáo buộc rằng chúng đang tiếp tục đầu độc xã hội và ngăn chặn Trung Quốc tiến lên xã hội chủ nghĩa. Ngay hôm sau, Hồng Vệ Binh tràn ra đường để thực thi lời kêu gọi ấy.
Các cửa hiệu bị đập phá vì kinh doanh, mua bán mang bản chất tư bản.
Biển hiệu, tên đường bị dỡ bỏ và đổi lại vì chúng gợi nhớ truyền thống, lịch sử phong kiến – tư sản mại bản phản cách mạng.
Cách xưởng sản xuất, công ty cung cấp dịch vụ bị can thiệp và đình trệ vì chúng là hành vi bóc lột giai cấp vô sản.
Bảo tàng và thư viện bị phá hoại.
Nhà dân bị lục soát để tìm kiếm vật phẩm “phong kiến – tư sản”
Theo một số thống kê của học giả La Hứa được đăng trên Tạp chí Lịch sử, Chính trị và Văn hoá (A Journal of History, Politics and Culture), chỉ trong vài tháng đầu tiên của phong trào, có hơn 4.922 di sản văn hóa và di tích lịch sử tại Bắc Kinh đã bị phá hoại hay thậm chí là phá hủy hoàn toàn (trên tổng số 6.847). Khoảng 110 nghìn ngôi nhà tại Bắc Kinh và hơn 10 triệu nhà dân trên toàn Trung Quốc bị xâm nhập, cướp bóc.
Nhưng những đứa trẻ cực đoan này không chỉ dừng lại ở đó. Hồng Vệ Binh còn đặc biệt nổi tiếng bởi tính bạo lực và bất phân, theo giáo sư sử học và Đông Á học Weili Ye của Đại học Massachusetts (Mỹ).
Chúng rất hăng hái trong việc đấu tranh chống lại các yếu tố xấu, độc của xã hội. Mà yếu tố xấu, độc này bao gồm những kẻ thù giai cấp (class enemies) như cựu địa chủ, phú nông, các nhà tư bản, thành viên của chính phủ quốc gia trước đó (Nationalist Government – chỉ Trung Hoa Dân quốc, tức Đài Loan ngày nay). Chiến dịch còn bao gồm cả việc đấu tố những đảng viên, nhân viên công quyền bị cho là rơi vào con đường tư bản, tự diễn biến. Bất luận là với cha mẹ hay thầy cô, Hồng Vệ Binh không ngần ngại đả phá bất kỳ ai chúng cho là phản động.
Đỉnh điểm của bạo lực là Tháng Tám Đỏ (Red August – năm 1966), với hàng ngàn người bị tra tấn đến chết hoặc tự sát vì bị đấu tố làm nhục, bị công kích quấy rối điên cuồng bởi các Hồng Vệ Binh. Đối với những đứa trẻ này thì “Nhân từ với kẻ thù giai cấp là tàn độc với nhân dân vô sản”.
Trong suốt thời gian Hồng Vệ Binh làm loạn, báo chí nhà nước thân Mao liên tục khen ngợi phong trào vì tinh thần đấu tranh kiên cường và những hoạt động cách mạng mạnh mẽ. Không chỉ vậy, phe nhóm của Mao còn ngăn cấm công an Trung Quốc can thiệp khi Hồng Vệ Binh thực hiện “nhiệm vụ cách mạng” của mình.
Tự sát
Hỗn loạn và bạo lực – không lâu sau các nhóm Hồng Vệ Binh rơi vào đấu tranh phe phái, với tính khát máu không kém như khi đấu tranh chống lại “kẻ thù giai cấp”. Giáo sư xã hội học Andrew G. Walder (Đại học Stanford) thuật lại điều này trong một bài báo khoa học xuất bản năm 2006.
Một dạng đấu tranh phe phái phổ biến là giữa nhóm Hồng Vệ Binh hoàn toàn theo Mao và các nhóm Hồng Vệ Binh có cân nhắc quan điểm và đường lối của Đặng Tiểu Bình và Lưu Thiếu Kỳ.
Một dạng đấu tố và tranh giành quyền lực khác diễn ra giữa những Hồng Vệ Binh “thuần chủng” (bloodline theory), tức phe có cha mẹ và gia đình phụng sự cho Mao và cách mạng, với những Hồng Vệ Binh không thuần chủng, hay phe có gốc gác gia đình tiểu tư sản, tư sản, hay thậm chí là quan chức trong chính quyền Quốc Dân Đảng.
Đỉnh điểm của cuộc xung đột giữa các nhóm Hồng Vệ Binh vô tổ chức và khát máu này là khi nhiều danh gia vọng tộc hay có công với cách mạng dần trở thành con mồi cho hoạt động đấu tố. Bất kể lịch sử trung thành của họ với Mao như thế nào, bất kể họ đang làm chức vụ gì, các nhóm phiến loạn Hồng Vệ Binh đều tìm ra cách đấu tranh chống lại. Và hài hước thay, rất nhiều người bị đấu tố lại chính là… cha mẹ của các Hồng Vệ Binh lãnh đạo. Tức giận, nghi ngờ, và bối rối, nhiều nhóm Hồng Vệ Binh thậm chí còn tổ chức đấu tố cá nhân và phá hoại các cơ sở hoạt động trung tâm của phong trào Cách mạng Văn hóa, một đòn đánh trực diện vào Mao Trạch Đông.
Chiến tranh phe phái giữa các nhóm Hồng Vệ Binh kéo dài hơn một năm trời.
Cuối năm 1967, Mao cho quân đội tiếp quản tạm thời các trường đại học và trung học trên toàn quốc. Ngày 28/7/1968, Mao cho mời năm lãnh đạo có tiếng nói nhất trong các nhóm Hồng Vệ Binh. Một mặt, ông khen ngợi họ về những thành tựu trong quá khứ, nhưng quan trọng hơn là lên án cuộc chiến phe phái không hồi dứt. Mao phán xét dứt khoát là Hồng Vệ Binh đã phạm sai lầm nghiêm trọng và sự phê phán thẳng thừng đến từ vị lãnh tụ tối cao khiến cho các lãnh đạo Hồng Vệ Binh xấu hổ. Sau cuộc họp, Hồng Vệ Binh chấm dứt sự tồn tại của mình như một tổ chức xã hội – chính trị độc lập.
***
Hồng Vệ Binh là một vết nhơ trong lịch sử Trung Quốc nói riêng và lịch sử thế giới nói chung. Biến trẻ em trở thành công cụ chính trị vốn đã không phải là điều tốt lành gì. Cực đoan hóa chúng bằng những tư tưởng, học thuyết biến thái lại càng nguy hiểm hơn. Chừng nào thanh thiếu niên nhi đồng còn bị xem là “cánh tay đắc lực”, là “lực lượng nòng cốt” để các thế lực chính trị giật dây, thì chừng đó những thế hệ Hồng Vệ Binh kế tiếp luôn có thể được sản sinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét