Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2019

7357 - Công khai: Thiếu công, thừa… khai!



Scandal liên quan đến gian lận ở Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2018 vừa được hâm nóng. Tuy cuộc điều tra kéo dài đã chín tháng nhưng giới hữu trách chỉ công bố một phần kết quả điều tra... Dù vẫn khẳng định không có vùng cấm nhưng các viên chức hữu trách vừa tạo ra vùng… CÂM. Cam kết sẽ loan báo công khai kết quả điều tra hiện chỉ mới thấy nửa sau là… KHAI tới mức công chúng không chịu nổi!
Tháng 7 năm ngoái, sau khi Bộ Giáo dục – Đào tạo (Bộ GDĐT) công bố kết quả Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2018, công chúng phát giác điểm của nhiều thí sinh ở Hà Giang cao bất thường. Sau khi “rà soát”, Bộ GDĐT thừa nhận, có ít nhất 330 bài thi bị sửa để nâng điểm cho 114 thí sinh.
Người ta tin rằng, những thí sinh được sửa bài, nâng điểm nếu không phải là con, cháu giới “đầy tớ” ở Hà Giang thì cũng là con, cháu của những doanh nhân có máu mặt ở tỉnh này. Bước đầu, đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN, Bí thư tỉnh Hà Giang, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Giang, công khai than “buồn” khi cả con lẫn cháu của đồng chí nằm trong số 114 thí sinh mà đồng chí bảo là “bị” sửa điểm!
Chuyện chưa ngừng ở đó! Sau Hà Giang, công chúng và báo giới tiếp tục trưng ra những bằng chứng cho thấy, gian lận trong chấm thi Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2018 còn xảy ra ở Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn. Bộ GDĐT và Bộ Công an lại tất tả “rà soát”. Bước đầu, đã xác định được ở Sơn La có “sáu sai phạm lớn trong tổ chức thi”...
***
Kể từ tuần trước, Bộ Công an rồi Bộ GDĐT tuần tự công bố kết quả điều tra gian lận Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông 2018. Ở Sơn La đã xác định được có 97 bài thi được sửa đê nâng điểm cho 44 thí sinh. Có bài thi được nâng tới 9 điểm. Có thí sinh được cho thêm 26,55 điểm/30 điểm! Ở Hòa Bình đã xác định được có 140 bài thi bị sửa để nâng điểm cho 56 thí sinh. Có bài thi được nâng tới 9,25 điểm. Có thí sinh được cho tới 26,45 điểm/30 điểm!..
Chuyện lại cũng chưa ngừng ở đó! Trong khi đại diện Bộ Công an lấp la, lấp lửng đang tiếp tục làm rõ thì ông Bùi Trọng Đắc, Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình, mở hàng cho ngành GDĐT bằng tuyên bố, cơ quan của ông chủ trương không tiết lộ danh tính của các thí sinh được nâng điểm, cũng như không loan báo danh sách các thí sinh ở tỉnh Hòa Bình trúng tuyển vào các trường của công an, quân đội trong đợt tuyển sinh năm ngoái.
Sau ông Đắc, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng của Bộ GDĐT, bảo rằng, việc công bố danh tính thí sinh được nâng điểm phải tuân thủ Hiến pháp, Luật Dân sự và có công bố hay không, công bố đến đâu, công bố vào thời điểm nào sẽ do Bộ Công an quyết định. Ông Trinh thề là Bộ GDĐT không dung túng, không bao che, rất quyết liệt nhưng thỏ thẻ với công chúng là công bố tên các thí sinh được nâng điểm có thể… tác động cực đoan!
Tâm tình của ông Trinh đã làm công chúng sôi sùng sục, chỉ trích không chỉ dậy lên trên mạng xã hội mà còn lan rộng ở các diễn đàn của hệ thống truyền thông chính thức. Quỳnh Nga, một độc giả của báo điện tử VietNamNet, cho rằng, đó là sự bao biện cho dối trá để tước đoạt cơ hội của những đứa trẻ khác. Hãy nghĩ đến tình trạng cực đoạn của triệu triệu công dân khi thấy Bộ GDĐT chăm chăm lo cho những cá nhân cố tình vi phạm pháp luật (1).
Theo hướng đó, độc giả Đỗ Quang nhận định, cần xem lại lối tư duy của Bộ GDĐT, tại sao chống cái xấu mà lại sợ… cực đoan. Tư duy nghẽn tắc như thế thì làm sao hành xử sáng láng, minh bạch được? Tương tự, độc giả Quang Vinh thắc mắc, danh tính những thí sinh được nâng điểm có thuộc phạm trù phải bảo mật theo qui định pháp luật không? Nếu không thì phải công khai bởi tất cả đều phải “sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” mà!
Trên diễn đàn của báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, độc giả Nguyen Van Giang nhấn mạnh, bản chất sửa bài thi, nâng điểm là tham nhũng do đó phải công khai danh tính những người vi phạm. Không công khai là bao che cho vi phạm và là một dạng vi phạm pháp luật khác. Ỉm danh tính những thí sinh được nâng điểm là bất công với những thí sinh lương thiện mất cả tương lai vì gian lận. Độc giả Nguyễn Vinh cũng xem scandal sửa bài, nâng điểm là đưa - nhận nên phải công bố cả danh tính thí sinh lẫn phụ huynh.
Hoàng Sa, một độc giả khác của diễn đàn luận bàn về việc Bộ GDĐT muốn lờ đi trách nhiệm công bố danh tính những thí sinh đã được nâng điểm trên báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, nửa đùa, nửa thật: Bộ GDĐT nhân văn quá, nhân văn đến… đến không thể chịu được! Hoàng Sa lưu ý: Công khai danh tính của các thí sinh được nâng điểm không những chỉ ảnh hưởng đến tương lai tiền đồ của các cháu mà còn ảnh hưởng đến cả… bố các cháu nữa ấy chứ (2)!
Trong nhận thức công chúng, bao gồm cả độc giả tham gia diễn đàn của hệ thống truyền thông chính thức lẩn người dùng mạng xã hôi Việt ngữ, “bố các cháu” mới là tác nhân chính khiến Bộ GDĐT, Bộ Công an ngần ngừ trong việc công bố danh sách thí sinh được nâng điểm và bất kể chín tháng đã qua, vẫn lấp la, lấp lửng trong việc bạch hóa quá trình tìm kiếm - xử lý những cá nhân đã tác động đến các viên chức hữu trách để những viên chức nào sắp đặt kế hoạch, tổ chức sửa bài, nâng điểm cho thí sinh.
Sau khi Lệ Cam Trần bỡn cợt trên trang facebook của cô rằng, nếu sợ những thí sinh được nâng điểm bị tổn thương, sao không công bố danh sách phụ huynh (?), vài chục thân hữu của cô đã xúm vào can vì đó là… xúi bậy! Vũ Long giải thích, công bố danh sách phụ huynh mua điểm cho con có thể khiến các vị đó cảm thấy quê với đồng bào, rồi họ xin… từ chức thì lấy ai… phục vụ nhân dân. Quang Tran nhìn thấy một khía cạnh… bậy bạ khác của đề nghị công bố danh sách phụ huynh những thí sinh được nâng điểm: Phụ huynh các em đều là “thú dữ”, có cả quyền lẫn tiền! Tỉnh nào công khai, tỉnh đó sẽ loạn vì… đánh nhau (3)!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét