Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

7319 - Tương lai nào cho đối đầu Mỹ – Trung?



Câu chuyện Mỹ-Trung tranh giành vị trí bá chủ thế giới như một vở kịch lớn nhiều tập vẫn đang tiếp diễn, với những màn kịch vẫn còn chưa biết. Tuy Mỹ-Trung ngừng bắn đã gần một tháng (từ 1/12/2018), nhưng con đại bàng Mỹ và con rồng Trung Quốc vẫn đang vờn nhau. Thỏa thuận ngừng bắn 90 ngày để đàm phán như một khoảng lặng trước cơn bão lớn. Bước vào năm mới 2019 với những bất định từ đối đầu Mỹ – Trung, chúng ta thử điểm lại một số sự kiện trong năm cũ 2018, vì câu chuyện năm mới thường bắt đầu từ năm cũ.
Cuối năm cũ có gì mới?
Hai năm qua, đã có 12 quan chức hàng đầu trong chính quyền Trump từ chức (hoặc bị sa thải). Bộ trưởng quốc phòng James Mattis là “người lớn” và vị tướng cuối cùng phải ra đi, sau H.R. McMaster (Cố vấn An ninh Quốc gia) và John Kelly (Chánh văn phòng Nhà Trắng). Tuy tin này không bất ngờ, nhưng Mattis từ chức chủ yếu vì bất đồng quan điểm với Trump về quyết định rút quân đột ngột khỏi Syria làm “giọt nước tràn li”. Điều đó càng bộc lộ tình trạng bất hòa và bất ổn trong Nhà Trắng.  Đơn từ chức của Mattis đã nói lên nhiều điều.
Tại Lầu Năm góc, trong khi mọi người nghỉ lễ Giáng sinh và Năm mới, James Mattis phải dọn văn phòng để nghỉ việc luôn từ 1/1/2019 (chứ không phải 28/2/2018 như ông dự định). Trump đã nổi giận buộc Mattis nghỉ sớm 2 tháng chỉ vì ông đã chỉ trích tổng thống trong đơn từ chức, lại còn in ra 50 bản như truyền đơn để phân phát trong Lầu Năm góc. Mattis được nhiều người khen ngợi và nuối tiếc càng chọc tức Trump. Tuy Mattis ra đi là một điều đáng tiếc đối với nhiều người, nhưng nó phản ánh quan điểm của Trump. Trước mắt quyết định rút 2.000 quân khỏi Syria có vẻ gây sốc, nhưng về lâu dài nó phản ánh một tầm nhìn mới.
Trong bối cảnh tranh chấp chiến lược Mỹ-Trung, Mattis phải ra đi sớm hơn dự kiến để lại một lỗ hổng trong Nhà Trắng vì ông là tác giả chính của Chiến lược Quốc phòng (NDS) và tầm nhìn chiến lược “Indo-Pacific Mở và Tự do” (FOIP). Nhưng Trump bổ nhiệm Patrick Shanahan (thứ trưởng quốc phòng) là cánh tay phải của Mattis trong việc soạn thảo NDS. Tuy Shanahan cũng có lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc, nhưng ông ủng hộ Trump về chủ trương lập bộ tư lệnh không gian (mà Mattis không tán thành). Trong khi nước Mỹ phân hóa và chia rẽ về nhiều vấn đề, hầu như tất cả đều đồng thuận chống Trung Quốc. Trump quyết định rút quân khỏi Syria (và Afghanistan) cũng nhằm mục đích tập trung chống Trung Quốc.
Trong khi Biển Đông trở thành tâm điểm (và “thùng thuốc súng”) trong tranh chấp chiến lược Mỹ-Trung, Việt Nam dễ bị mắc kẹt vào trò chơi quyền lực giữa hai siêu cường (hay “bẫy Thucydides”). Dù Biển Đông dậy sóng hay tạm lắng thì Việt Nam (và các nước ASEAN) vẫn không yên.  Theo Carl Thayer, từ tháng 10/2018, Việt Nam đã “lặng lẽ” hủy bỏ 15 hoạt động giao lưu quốc phòng với Mỹ (kế hoạch năm 2019), vì “sợ làm mất lòng Bắc Kinh” (nếu không phải vì đạo luật CAATSA). Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng động thái này chỉ là “tình thế” vì hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt vẫn tiến triển tốt. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ đã thăm Việt Nam 2 lần trong năm 2018. Theo Lê Hồng Hiệp, hành động của Trung Quốc tại Biển Đông có thể là nhân tố quan trọng nhất, quyết định tương lai hợp tác chiến lược Mỹ-Việt.
Vừa đánh vừa đàm
Ngoài những vấn nạn phải đối phó thường xuyên như biến đổi khí hậu (do thiên tai) và tham nhũng (do nhân họa), câu chuyện đầu năm đang làm thiên hạ đau đầu là cuộc chiến Mỹ-Trung. Trước thềm năm mới, Mỹ-Trung vừa hòa hoãn về thương mại, với “thỏa thuận ngừng bắn 90 ngày” tại Buenos Aires (1/12/2018), vừa triển khai chiến tranh lạnh về kinh tế, với vụ bắt “công chúa Huawei” (Mạnh Vãn Chu) tại sân bay Vancouver (1/12/2018).
Nếu 2018 là năm bản lề, đã mở ra bước ngoặt chiến lược (turning point) trong quan hệ Mỹ-Trung, từ hợp tác chuyển sang đối đầu, năm 2019 có thể kích hoạt cuộc chiến thương mại tới điểm bùng phát (tipping point), làm thay đổi bàn cờ Mỹ-Trung và trật tự thế giới. Tuy chưa biết Mỹ-Trung có bị xô đẩy vào “bẫy Thucydides” hay không, nhưng sang năm 2019, hình thái “vừa đánh vừa đàm” chắc vẫn là đặc trưng của trò chơi quyền lực Mỹ-Trung.
Khi cuộc chiến Mỹ-Trung leo thang và mở rộng, người ta mới nhận ra chiến tranh thương mại chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Những góc khuất của “tảng băng chìm” đầy ẩn số và biến số đang lộ dần như các mảnh ghép của một chiến lược tổng thể mà Mỹ đang nhắm vào Trung Quốc. Nếu ta chỉ quan tâm đến chiến tranh thương mại, thì chỉ “thấy cây mà không thấy rừng” và bỏ qua bức tranh lớn. Sau một thời gian dài nước Mỹ như ngủ quên, nay đã thức tỉnh và điều chỉnh chiến lược, coi Trung Quốc là đối thủ số một (theo NDS).
Trong khi thỏa thuận ngừng bắn 90 ngày có thể đem lại “thế thượng phong” cho Trump, nó như “chiếc phao cứu sinh” đối với Tập Cận Bình. Nhưng có một sự kiện nằm ngoài dự kiến của Tập là Mạnh Vãn Chu (Meng Wanzhou) bị bắt tại sân bay Vancouver (1/12/2018), là một đòn bất ngờ làm Tập và Bắc Kinh mất mặt. Tuy không rõ Trump có biết hay không, nhưng Tập và các cố vấn chắc bị động và lúng túng nên mấy ngày sau mới có phản ứng. Quyết định bắt 2 công dân Canada là nhằm trả đũa và trấn an dư luận (để gỡ thể diện).
Như “họa vô đơn chí”, ngày 1/12/2018, giáo sư vật lý Trương Thủ Thịnh (Zhang Shou Cheng) đã bất ngờ nhảy lầu tự vẫn. Ông Trương và quỹ đầu tư Danhua Capital đang bị FBI điều tra vì liên quan đến chương trình “Nghìn Nhân tài” (Thousand Talents program), nhằm thu hút công nghệ và nhân tài về các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), người máy (robotics) và blockchain.  Robert Lighthizer khẳng định (30/11/2018) Danhua Capital (vốn ban đầu US$434,5 triệu) liên quan đến kế hoạch “Made in China 2025”.
Theo chuyên gia Vũ Quang Việt, nếu Trung Quốc muốn vượt ra khỏi “bẫy thu nhập trung bình” (hiện nay là $8.000) phải có 3 yếu tố: (1) khả năng hấp thụ khoa học kỹ thuật và tự nghiên cứu phát triển, (2) khả năng vốn tự có, và (3) thị trường đủ rộng cho phát triển, đặc biệt là đẩy khu vực phát triển thấp bắt kịp khu vực phát triển cao trong nội địa. Nhưng nay cả 3 yếu tố này đang phụ thuộc nhiều vào hệ quả của cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Chiến lược hay chiến thuật?
Trong bối cảnh đó, Tập đã tách vụ Mạnh Vãn Chu ra để trả đũa Canada, nhưng cố tránh gây căng thẳng với Mỹ vì ngừng bắn 90 ngày với Mỹ lúc này là nước cờ chiến lược quan trọng, nên Tập phải nuốt giận nhượng bộ Trump.  Ngoài quyết định mua 500.000 tấn đậu tương (trị giá $180 triệu) và giảm 25% thuế nhập khẩu ô-tô Mỹ (từ 40% xuống còn 15%), Bắc Kinh còn cấm bán sang Mỹ chất fentanyl (gây nghiện) và phạt thật nặng những ai vi phạm, đồng thời hứa xem xét lại vụ Qualcomm mua công ty NXP, và sẵn sàng mở cửa thị trường.
Tuy chưa rõ như vậy đã đủ để thuyết phục Trump hay vẫn “quá ít và quá muộn” (too little too late), nhưng qua vụ phạt ZTE (đã thành án lệ) và xử lý tiếp Huawei (đang diễn ra), Trump muốn tăng sức ép lên “chuỗi cung ứng” (như công nghệ 5G) là “gót chân Asin” của Trung Quốc. Huawei và ZTE là 2 chủ bài về công nghệ cao của Trung Quốc (Huawei lớn hơn ZTE 5 lần), nên chắc Tập phải cứu. Mới đây, Bắc Kinh có dấu hiệu điều chỉnh kế hoạch “Made in China 2025”, tuy chưa rõ đây là điều chỉnh chiến lược hay chỉ là chiến thuật.
Theo South China Morning Post, chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo các địa phương không tuyên truyền rầm rộ về “Made in China 2025” như trong ba năm vừa qua. Tuy Tập Cận Bình không dễ dàng đầu hàng Mỹ và bỏ kế hoạch chiến lược mang dấu ấn của mình, nhưng có thể ông đã nhận ra sai lầm và phải điều chỉnh. Bắc Kinh đang soạn thảo một kế hoạch mới để thay thế (vào đầu tháng 3/2019) chậm lại một thập kỷ (tới 2035). Tuy chưa rõ Henry Kissinger và Henry Paulson có thuyết phục được Tập đáp ứng các yêu sách của Trump không, nhưng theo yêu cầu của Tập, yêu sách 142 điểm của Mỹ được hai bên giữ kín (để giữ thể diện).
Trong khi đó, một số quan chức trong chính quyền Trump như bộ trưởng thương mại Wilbur Ross (có quan điểm ôn hòa) nghi ngờ kế hoạch mới của Bắc Kinh và cho rằng họ chỉ xuống thang để hoãn binh chứ chưa chịu từ bỏ kế hoạch “Made in China 2025”. Nên nhớ rằng báo cáo điều tra (từ  8/2017) của Đại diện Thương mại Mỹ theo Điều 301 Đạo luật Thương mại Hoa Kỳ (1974) là căn cứ cho chiến thương mại và danh sách 142 điểm mà Trump yêu cầu Bắc Kinh phải đáp ứng. Tháng trước, báo cáo cập nhật của văn phòng Lighthizer (USTR) vẫn khẳng định “Bắc Kinh chưa biết sợ (undaunting) và chưa làm gì để cải thiện tình hình”.
Quyết định của Trump cử Robert Lighthizer làm trưởng đoàn đàm phán với Trung Quốc chắc làm Bắc Kinh đau đầu. Vậy Lighthizer là ai? Tại một cuộc họp ở Nhà Trắng (8/2017), Robert Lighthizer đã lý giải đầy sức thuyết phục tại sao phải cứng rắn với Bắc Kinh, nên Trump đã lệnh cho ông điều tra và đề xuất các phương án triển khai. Trước đây, trưởng đoàn đàm phán thường là bộ trưởng tài chính (Steven Mnuchin) hoặc bộ trưởng thương mại (Wilbur Ross), nay Trump coi đàm phán với Trung Quốc là một ưu tiên hàng đầu, vì cơ hội tái cử năm 2020 phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề này. Vì vậy, đây là một canh bạc lớn đối với Trump. Về con người và phong cách, Lighthizer và Trump tuy khác hẳn nhau, nhưng tư tưởng lớn gặp nhau.
Phần nổi của tảng băng chìm
Để tránh nhầm lẫn về khái niệm, trước hết “ngừng bắn tạm thời” (truce) là Mỹ tạm dừng chưa đánh thuế 25% để đàm phán tiếp (và nghỉ Giáng Sinh), chứ không phải “đình chiến” (ngừng bắn hẳn để chấm dứt chiến tranh). Thứ hai, “ngừng bắn tạm thời” chỉ liên quan đến cuộc chiến thương mại là “phần nổi của tảng băng chìm”, trong khi Mỹ-Trung xung đột trên nhiều lĩnh vực. Thứ ba, thời hạn 90 ngày chỉ là “hoãn binh” (chiến thuật), nhưng quá ngắn để Trung Quốc có thể chuyển đổi cơ cấu (structural changes) như Mỹ đòi hỏi.
Khi cuộc chiến leo thang, Tập và Trump đều cần hoãn binh để đối phó với những vấn đề nội bộ. Trong khi Trump bị sức ép từ thị trường chứng khoán và mấy bang trồng đậu tương, Tập phải đối phó với những vấn đề cấp bách trong nước tiềm ẩn rủi ro. Tuy Mỹ và Trung Quốc đã thông tin và lý giải khác nhau về thỏa thuận ngừng bắn 90 ngày, nhưng nếu Trung Quốc không thay đổi được trong 15 tháng qua thì làm sao họ có thể thay đổi trong 3 tháng tới.
Nói cách khác, trong khi Mỹ-Trung “đối đầu” (về chiến lược) thì họ “vừa đánh vừa đàm” (về chiến thuật). Trong bối cảnh đó, Mạnh Vãn Chu đã bị mắc kẹt trong trò chơi quyền lực mới như một tù binh hay con tin chờ quyết định dẫn độ. Mạnh Vãn Chu và Huawei bị cáo buộc đã gian lận để cung cấp thiết bị viễn thông cho Iran qua Skycom (một công ty con của Huawei) nên đã vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ (từ 2009 đến 2014). Theo các luật sư, một toà án tại New York đã có trát bắt Mạnh Vãn Chu từ 22/8/2018.
Theo Bloomberg (7/12/2018) nếu đàm phán thương mại đổ vỡ, và Trump áp thuế 25% lên toàn bộ hàng hóa của Trung Quốc (tổng cộng $517 tỷ), thì Trung Quốc có thể nguy to. Trong cuộc chiến thương mại “bất cân xứng”, Trump tin rằng sau “hiệp hai” Bắc Kinh sẽ “hết đạn” và tổn thất nặng nề. Các chuyên gia kinh tế dự báo sang năm 2019, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ giảm từ 6,5% xuống còn 5%, và chứng khoán Trung Quốc sẽ giảm 9,4%. Có lẽ Tập Cận Bình và các cố vấn chủ chốt đã tính toán lại, thấy cần phải xuống thang và đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn, nhằm điều chỉnh kế hoạch trước khi quá muộn.
Gần đây, Viện Hoover (Standford University) phối hợp với George Washington University và Asia Society, đã quy tụ được một nhóm (working group) gồm 33 chuyên gia hàng đầu của Mỹ và một số nước khác, để phân tích những hoạt động của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng đối với các lĩnh vực (quốc hội, chính quyền bang, cộng đồng Hoa kiều, trường đại học, viện nghiên cứu, báo chí, doanh nghiệp, và công nghệ) tại Mỹ và các nước khác. Đây là lần đầu tiên có một công trình nghiên cứu công phu và toàn diện, về thách thức của Trung Quốc trong hơn một năm qua. Tuy hầu hết các chuyên gia này trước đây đều ủng hộ chủ trương hợp tác với Trung Quốc (Constructive Engagement), nhưng nay chính họ lại đề xuất phải cảnh giác với Trung Quốc (Constructive Vigilance).
Việt Nam trong dòng thời cuộc
Tại diễn đàn “Vietnam Business Outlook 2019” (2/11/2018), tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh (đại học Fulbright, thành viên tổ tư vấn của thủ tướng) đã nhận xét thẳng thắn “triển vọng kinh tế năm 2019 khá ảm đạm”. Nguyên nhân chủ yếu vừa do suy thoái kinh tế toàn cầu, vừa do tác động khó lường của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Theo Tự Anh, không nên đặt vấn đề “Việt Nam được lợi gì từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung” (vì lợi bất cập hại). Một là, cuộc chiến này của Trump được sự đồng thuận của cả hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ. Hai là, cuộc chiến này không chỉ về thương mại mà là cuộc chiến tổng lực để sắp xếp lại trật tự thế giới. Ba là, còn nhiều rủi ro ở phía trước nên chớ vội lạc quan, vì “bên ngoài đang có bão”.
Theo Tự Anh, Việt Nam có nhiều cơ hội để tăng trưởng cao, nhưng khi thực hiện thì lưng chừng, nên kết quả cũng chỉ ở mức lưng chừng. Cứ sau 10 năm, lại có bất ổn vĩ mô xảy ra một lần. Năm nào kết thúc bằng số 9, thì kinh tế lại trục trặc do nền tảng tăng trưởng vĩ mô có vấn đề. Các bất ổn vĩ mô đã xảy ra trong các năm 1979, 1989, 1999, 2009. Năm 2019 chắc cũng không ngoại lệ (tuy đã ký CPTPP và có thể ký EVFTA). Đối với các hiệp định thương mại, ký kết và thực hiện không tương xứng. Ký hiệp định thương mại chỉ là cơ hội, còn tranh thủ được cơ hội hay không lại là chuyện khác (như bài học AFTA và WTO). Nguyên nhân do năng lực chúng ta chưa được chuẩn bị, “như bị trói chân tay rồi thả xuống nước để bơi”.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ và cơ hội mới. Vấn đề là làm thế nào để nhận diện được nguy hay cơ, và khôn ngoan “biến nguy thành cơ”.  Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam có mấy rủi ro lớn: Một là độ mở cao và quá lệ thuộc vào xuất nhập khẩu; Hai là nhập siêu quá lớn (đặc biệt là với Trung Quốc); Ba là quá lệ thuộc vào đầu tư FDI như “bẫy gia công” (chiếm 50% tổng thu nhập và 70% hàng xuất khẩu); Bốn là bội chi ngân sách quá cao (tới 6% GDP); Năm là vay mượn quá nhiều (mắc vào “bẫy nợ công”).
Theo chuyên gia Vũ Quang Việt (TBKTSG, 3/9/2018), Việt Nam nợ Trung Quốc hơn $6 tỷ trong tổng số nợ nước ngoài gần $100 tỷ. Tuy khoản nợ này không lớn bằng các nước khác, nhưng đủ lớn để gây sức ép với Việt Nam như “bẫy nợ”, trong bối cảnh tài khóa bất ổn hiện nay. Gần đây, Trung Quốc tăng cường ép Việt Nam “gác tranh chấp để cùng khai thác dầu khí tại Biển Đông”, như ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói (Sài Gòn, 16/9/2018): “Cách tốt nhất để kiểm soát bất đồng trên biển là hợp tác khai thác trên biển”. Đó là cái bẫy mà Việt Nam và Philippines cần tránh, như Malaysia gần đây đã tỉnh ngộ và thủ tướng Mahathir gọi đó là “chủ nghĩa thực dân kiểu mới”. Trong khi đó, Mỹ rất cảnh giác và sẵn sàng đánh thuế cao (tới 25% -35%) lên các mặt hàng của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc. Riêng đối với thép Trung Quốc sản xuất tại Việt Nam, Mỹ có thể đánh thuế tới 256%.
Vũ Quang Việt cho rằng kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc. Đến nay, Trung Quốc làm chủ thầu 49/62 dự án xi măng; 16/27 dự án BOT, 90% dự án EPC. Năm 2017 Việt Nam nhập từ Trung Quốc $57 tỷ hàng hóa (bằng 30% tổng giá trị nhập khẩu), đưa mức nhập siêu lên $26.3 tỷ (bằng 10% GDP). Hệ thống viễn thông của Việt Nam cũng dựa vào công nghệ của Trung Quốc. Trong khi Viettel dựa vào Huawei để xây dựng hạ tầng viễn thông 3G, và dựa vào ZTE về điện thoại, thì VNPT cũng dùng công nghệ ZTE, trong khi ZTE và Huawei đang bị các nước Mỹ, Anh, Nhật, Úc, Canada tẩy chay (hoặc cấm) vì an ninh quốc gia.
Tuy chưa biết xu thế đối đầu Mỹ-Trung sẽ kéo dài bao lâu, nhưng xu thế hợp tác đã kéo dài bốn thập niên (quá lâu). Cuộc chiến Mỹ-Trung sẽ không kết thúc ngay cả khi Trump và Tập ký hiệp định hòa hoãn, vì đây là cuộc chiến của thế kỷ 21 để định hình lại trật tự thế giới. Trong khi một số nước xoay trục để “thân Trung” (như Philippines) là hiện tượng nhất thời (có thể đảo ngược), các nước khác xoay trục để “thoát Trung” (như Malaysia) là hiện tượng phản tỉnh (backlash) nên là xu hướng khó đảo ngược. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần cải cách thể chế và điều chỉnh chiến lược để kiến tạo một “không gian sinh tồn” an toàn hơn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét