Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019

7274 - Nên xin thua cho… lành!


                                                             Hình minh họa.


Cuối tuần vừa qua, nhân dịp Thaco – một tập đoàn tư nhân - mở rộng đầu tư vào nông nghiệp tại Khu Kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam, đăng đàn tuyên bố, đại ý: Chìa khóa mới cho thành công giờ là… “ba bên (nhà nước – doanh nghiệp – dân chúng) cùng thắng” chứ không phải “hai bên (nhà nước - doanh nghiệp) cùng thắng” như trước nữa.
Dẫu mới được tính là một “bên” nhưng thực tế quản lý, điều hành nông nghiệp – nông sản – thực phẩm tại Việt Nam, tốt nhất là dân chúng Việt Nam, bao gồm cả nông dân lẫn người tiều dùng - đối tượng sử dụng nông sản và các loại thực phẩm nên xin thua cho… lành. Tự thân “win” mà người đứng đầu hệ thống công quyền vừa quảng bá không có gì đáng để mừng!
Cũng vào cuối tuần vừa qua, Cục Bảo vệ thực vật (Cục BVTV) thuộc Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) Việt Nam, phát hành công văn yêu cầu các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam ngưng ký hợp đồng mua các các loại thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate. Hoạt chất Glyphosate trong nhiều loại thuốc diệt cỏ đã từng làm rúng động dư luận trong vài năm gần đây vì có khả năng gây ung thư.
Đến giờ, Cục BVTV mới cấm các sản phẩm có chứa hoạt chất Glyphosate vì “Tòa án Mỹ vừa có phán quyết, chính thức xác định Glyphosate gây ung thư”. Tuy nhiên đại diện cơ quan này nói thêm, giới hữu trách tại Việt Nam chỉ cấm hỏi mua thêm những sản phẩm có chứa Glyphosate. Còn những hợp đồng hỏi mua các sản phẩm chứa Glyphosate đã được ký kết, hoặc đang được phân phối tại Việt Nam thì không bị ảnh hưởng (2).
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV, giải thích, sở dĩ Việt Nam không cấm nhập, không cấm kinh doanh và không cấm sử dụng những sản phẩm có chứa Glyphosate ngay lập tức vì “muốn cấm một hoạt chất nào đó đã được lưu hành phải tiến hành đúng thủ tục và thông lệ”. Thủ tục và thông lệ bảo đảm nhà nước “win” vì không phải suy tính giải pháp, doanh nghiệp “win” vì vẫn có thể thu lợi theo kế hoạch…
Còn dân chúng Việt Nam, liệu họ có “win” như Thủ tướng mới quảng bá không?
Với nông dân, nếu “win” là luôn luôn phập phồng, chẳng biết nông sản do mình làm ra có bán được hay không vì các thị trường ngoại quốc sẽ từ chối mua khi phát giác sự hiện diện của Glyphosate và với người tiêu dùng, nếu “win” là tiếp tục đối diện với nguy cơ bị đầu độc, sức khỏe bị tổn hại, mức độ an toàn về tính mạng tiếp tục bấp bênh vì không thể ngưng tiêu thụ nông sản – thực phẩm thì dân chúng Việt Nam “win” từ… lâu rồi.
Chẳng cần tìm kiếm loằng ngoằng, tốn công, mất thời gian, Lần gần nhất mà dân chúng Việt Nam “win” mới xảy ra đâu chừng một tháng. Ngày 13 tháng 2 năm 2019, Bộ NN-PTNT long trọng tuyên bố đã quyết định loạt bỏ hai hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl và Fipronil ra khỏi danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam. Nói cách khác, quyết định này cấm nhập, cấm kinh doanh những sản phẩm có chứa hai hoạt chất vừa kể.
Tuy nhiên theo “thủ tục và thông lệ” của Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, “để không gây thiệt hại cho các doanh nghiệp chuyên nhập khẩu và kinh doanh”, Bộ NN-PTNT, nhấn mạnh, quyết định cấm vừa kể sẽ lấy ngày 12 tháng 2 năm nay làm mốc để các doanh nghiệp tiếp tục nhập cảng, sản xuất các sản phẩm có chứa Chlorpyrifos Ethyl và Fipronil đến năm sau (2/2020) và buôn bán cho đến năm sau nữa (2/2021) (3).
Khi loan tin vừa kể, từ Thông tấn xã Việt Nam (của Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam) (4), báo Nhân Dân (cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương đảng CSVN) (5), đến những cơ quan truyền thông chính thức khác đã hành xử như những… giám thị của các kỳ thi quốc gia, chỉ cung cấp thông tin chứ… “không giải thích gì thêm” về tác hại của Chlorpyrifos Ethyl và Fipronil.
Theo các chuyên gia y tế, hoạt chất Chlorpyrifos là một trong những thủ phạm tạo ra quái thai vì làm suy giảm nội tiết tố sinh sản, tác động đến hệ thần kinh trung ương và thực vật của bào thai, khiến chu vi vòng đầu của trẻ sơ sinh nhỏ hơn bình thường, trẻ sơ sinh nhẹ cân… Dẫu chưa đủ chứng cứ nhưng nhiều chuyên gia tin rằng, nhiễm hoạt chất Chlorpyrifos có thể dẫn tới ung thư phổi, ung thư tuyến tiền liệt.
Tương tự, Fipronil là hoạt chất nguy hại cho nội tạng (tuyến giáp, thận, gan,…). Fipronil đặc biệt nguy hiểm vì tồn đọng rất lâu trong đất, khi thẩm thấu vào cây thì phân hủy chậm nên tích lũy sinh học trong chuỗi thức ăn tự nhiên, đặc biệt trong động vật thủy sinh, dẫn đến ngộ độc mãn tính cho các loài động vật bậc cao hơn như con người. Fipronil cũng được xem là một yêu tố gây ung thư.
Hẳn là nhà nước “win” nên mới cho phép nhập, sản xuất các sản phẩm có chứa Chlorpyrifos Ethyl và Fipronil đến tháng 2 năm 2020, rồi tiếp tục buôn bán đến tháng 2 năm 2021. Không cần động não cũng thấy, nhờ vậy, các doanh nghiệp chuyên nhập cảng, sản xuất, kinh doanh những sản phẩm có chứa Chlorpyrifos Ethyl và Fipronil cùng “win”. Dân chúng Việt Nam có xem như thế là bên thứ ba cũng… “win” không?
***
Trở lại với chuyện Cục BVTV vừa cấm các sản phẩm có chứa hoạt chất Glyphosate. Đã từng có rất nhiều người, nhiều giới hối thúc hệ thống công quyền Việt Nam hành động. Thậm chí ông Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp, khẳng định: Càng để lâu, càng có tội với dân. Hoặc có người như ông Lê Minh Nhị, cựu Chủ tịch tỉnh An Giang, nhấn mạnh: Phải hành động ngay để bảo vệ sức khỏe người Việt (6).
Cuối cùng thì Cục BVTV cũng hành động nhưng lại như… đã kể. Chẳng có thông tin nào cụ thể để người ta biết tường tận xem nhà nước “win” thế nào, các doanh nghiệp chuyên nhập cảng, sản xuất kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam “win” ra sao nhưng có thể thấy rất rõ kết quả của việc cho phép nhập khẩu, sản xuất, khuyến khích sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật, chủ yếu từ Trung Quốc.
Khi nông dân Việt Nam được thúc đẩy, trở thành “nghiện” thuốc bảo vệ thực vật, họ mặc nhiên trở thành đối tượng bị ngành công nghiệp hóa chất của Trung Quốc bóc lột. Ba năm trước, ông Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Đào tạo Phát triển cộng đồng, than rằng: “Tam nông” ở Việt Nam không phải là “nông nghiệp - nông thôn - nông dân” nữa mà là “dân nghiện - đất nghiện - nước thoái hóa” (7).
Tuy nhiên mỗi năm vẫn có vài trăm tấn thuốc bảo vệ thực vật thẩm thấu vào đất, vào nguồn nước khiến cả đất, nước lẫn nông sản cùng bị nhiễm độc, môi trường sống bị ô nhiễm, sức khỏe của cộng đồng và nhiều thế hệ bị hủy hoại. Sợ ngộ độc, người tiêu dùng Việt Nam chuyển qua mua nông sản – thực phẩm nhập cảng. Nông dân Việt Nam vốn đã mạt vì thuốc bảo vệ thực vật, giờ không còn đường sống cũng vì thuốc bảo vệ thực vật!
Năm 2017, Việt Nam tiếp tục chi 989 triệu Mỹ kim để nhập cảng thuốc bảo vệ thực vật và nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, tăng 36% so với năm 2016 (8). Có thể vì công chúng xúc động mạnh, hệ thống công quyền Việt Nam không cho biết năm 2018 đã chi bao nhiêu để nhập cảng thuốc bảo vệ thực vật. Người ta chỉ biết tổng số ngoại tệ đã chi để nhập cảng… hóa chất là 5,16 tỉ Mỹ kim, tăng 26% so với năm 2017 (9).
Nếu như thế là “win” thì chẳng riêng nông dân, mà ngay cả người tiêu dùng Việt Nam nên chủ động xin thua. Không thua, khó… lành!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét