Thứ Năm, 28 tháng 3, 2019

7301 - Đảng hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam



“Tạm đình chỉ tất cả chức vụ với Đại đức Thích Trúc Thái Minh” là nội dung đưa ra của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại buổi họp nội bộ về vụ việc chùa Ba Vàng ngay tại trụ sở của Giáo hội - chùa Quán Sứ, Hà Nội. [Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam].
Tạm coi đây là hình thức kỷ luật và có vẻ tương tự như mẫu câu quen thuộc trong thời gian gần đây mà Bộ Chính trị hay dùng: “Cách tất cả chức vụ trong Đảng nguyên phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP.HCM




Tuy nhiên nếu căn cứ vào bản Nội quy Ban Tăng sự Trung ương khóa VIII (nhiệm kỳ 2017-2022) được Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) ấn ký Quyết định số 185/QĐ-HĐTS, ban hành vào ngày 18-9-2018, gồm 15 chương, 85 điều, thì vấn đề kỷ luật ở đây phải theo trình tự cụ thể như sau:
“Tùy mức độ phạm trọng giới, mất tư cách tu sĩ, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, hoặc Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh có quyền ban hành quyết định tẩn xuất ra khỏi hàng ngũ Tăng Ni của Giáo hội theo các trình tự: 1) Nếu Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh ban hành quyết định thì phải do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN đệ trình. 2) Nếu Ban Thường trực Hội đồng Trị sự ban hành quyết định thì do Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh đề nghị và được Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh GHPGVN chuẩn y. 3) Nếu Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh ban hành quyết định thì phải có văn bản báo trình cho Ban Thường trực Hội đồng Trị sự được biết để xem xét trước khi thi hành” (Điều 74. Ban hành quyết định kỷ luật)
Ở Điều 73 về “Hình thức và biện pháp kỷ luật”, ghi (trích): “1) Tăng Ni nào vi phạm Giới luật, Trưởng ban Tăng sự tỉnh có nhiệm vụ thẩm tra, tổng hợp dữ kiện, đề nghị Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh thành lập Hội đồng Yết ma theo luật Phật và áp dụng điều 67 Hiến chương Giáo hội để xử lý. Hội đồng Yết ma chỉ có hiệu lực trong thời gian xét xử vấn đề đó. Khi Hội đồng Yết ma [*] kết luận Tăng Ni phạm trọng giới, thì tẩn xuất theo trình tự, thủ tục Giới luật, điều 67 Hiến chương Giáo hội, điều 74 Nội quy này. 
2) Tăng Ni có hành vi làm tổn thương đến thanh danh, vi phạm Hiến chương và các quy định của Giáo hội, Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh có trách nhiệm thẩm tra mức độ phạm lỗi nặng hay nhẹ để xử lý theo một trong các hình thức sau đây: a) Chỉ đạo cho Ban Trị sự huyện tiến hành phê bình, kiểm điểm trên cơ sở tinh thần đoàn kết hòa hợp, chân tình xây dựng, giúp người có lỗi thấy được lỗi lầm, thành thật nhận lỗi và quyết tâm khắc phục, sửa chữa lỗi lầm đã phạm; Cần kiên trì tiến hành từng bước, lần thứ nhất: Phê bình, kiểm điểm trước Ban Trị sự huyện. Sau thời gian tối đa 6 tháng, nếu người có lỗi chưa chuyển biến tốt, tiến hành lần thứ hai để phê bình kiểm điểm trước toàn thể Tăng Ni trong huyện.
b) Phê bình kiểm điểm trước Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh, có cảnh cáo trực tiếp, người phạm lỗi phải viết bản tự kiểm, lưu trữ tại văn phòng Ban Trị sự để giám sát sự chuyển biến của người phạm lỗi;
c) Cảnh cáo và thông tri trong toàn tỉnh biết về Tăng Ni đã phạm lỗi với đầy đủ các hành vi phạm lỗi; d) Tẩn xuất, khai trừ khỏi Giáo hội”.
Như vậy, nếu căn cứ theo Nội quy Ban Tăng sự Trung ương khóa VIII (nhiệm kỳ 2017-2022), thì không có bất kỳ điều khoản nào, bao gồm cả khi xử lý ở cấp Hội đồng Yết ma theo luật Phật, có mức kỷ luật “Tạm đình chỉ tất cả chức vụ với…”.
Điều này cho thấy việc Đảng hóa tổ chức hàng giáo phẩm cấp trung ương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã gióng thêm tiếng chuông cảnh báo về tự do tôn giáo ở Việt Nam là buộc phải theo khuôn phép của đảng cộng sản, chứ không phải hệ thống luật pháp quốc gia.
+ Chú thích:
[*] Yết-ma (zh. jiémó 羯磨, ja. katsuma) là từ phiên âm chữ karma trong tiếng Phạn, có nghĩa là Nghiệp, việc làm, hành vi (nghiệp , tác , sự ), nhưng khi dùng cách phiên âm này có nghĩa như sau: Là nghi thức mà giới tử phát nguyện để thụ trì giới; Là nghi thức tăng sĩ sám hối về giới luật mình đã phạm; Tiến trình nghi thức được cử hành bởi chư tăng có thẩm quyền (để giải quyết những vấn đề có liên quan đến sự tu tập của tăng chúng). Trong 3 nghĩa nêu trên, yết-ma thường là thuật ngữ chuyên môn được dùng trong Luật tông; Viết tắt một thuật ngữ chuyên môn của Mật tông là Yết-ma kim cương (zh. 羯磨金剛).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét