Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2019

7335 - Thảm cảnh mò cua bắt ốc



Bé trai 10 tuổi phải mò cua bắt ốc nuôi bố và bà nội.

Cách đây khoảng 50-60 năm về trước, mò cua bắt ốc là sinh kế của những người nghèo khổ nhất ở Việt Nam. Sinh kế này gắn liền với tủi nhục, vất vả và đói nghèo. Và sinh kế mò cua bắt ốc không biết tự bao giờ đã sản sinh ra thành ngữ “mò cua bắt ốc” để chỉ những người  nghèo làm các nghề nặng nhọc, có thu nhập không ổn định, ít học hành.

Việt Nam đã đi qua gần 1/5 thế kỷ 21, thế giới đang chuẩn bị được phủ sóng internet toàn bộ từ vũ trụ bao la và xa xôi, nhưng vẫn có rất nhiều người Việt Nam phải gắn chặt vào nghề hạ bạc mò cua bắt ốc.
Trong khi phần lớn quan chức Việt Nam có đời sống vương giả thì có rất đông người dân Việt Nam phải sống bằng mò cua bắt ốc- một hình thái kinh tế cổ xưa được định danh là kinh tế hái lượm trong bối cảnh thế giới đang tiến nhanh về một nền kinh tế sáng tạo, và chính phủ Việt Nam hô hào cách mạng 4.0. Nhiều thương đau ngút ngàn đã diễn ra từ hoạt động kinh tế hái lượm- mò cua bắt ốc này, một hình thái kinh tế xa lạ đối với thế giới văn minh.
Ngày 17-3-2019, báo chí nhà nước và mạng xã hội đồng loạt thông tin, vào ngày 16-3, tại thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng, Đắk Lắk đã xảy ra vụ đuối nước khiến 3 bà cháu tử vong. Nạn nhân là bà H’Viên M’lô (54 tuổi) và 2 cháu H’Sơn Ra (11 tuổi), H’Sô Ka (8 tuổi) cùng trú tại buôn Ur.  Bà H’Viên cùng 2 người cháu ra hồ thủy lợi Đà Lạt (thuộc buôn Ur) mò bắt ốc bán kiếm tiền. Trong lúc bắt ốc, 3 bà cháu đã trượt chân rơi xuống vũng nước sâu và bị đuối nước.
Cần đặt ra câu hỏi, việc chết đuối của ba bà cháu có trách nhiệm của chính quyền các cấp hay không? Chắc chắn rằng, ba bà cháu phải mò cua bắt ốc vì quá nghèo đói. Vậy vì sao họ nghèo đói? Nguồn gốc nằm ở chính quyền. Chính trị học hiện đại xác quyết  rằng, khi một công dân đói nghèo và bất hạnh, khi một gia đình đói nghèo và bất hạnh, khi một cộng đồng đói nghèo và bất hành, thì chính quyền phải chịu trách nhiệm về sự đói nghèo và bất hạnh của một công dân, của một gia đình, của cả cộng đồng. Nếu Việt Nam có một chính quyền dân chủ như hàng chục hàng trăm nước khác, liệu nhiều người dân Việt Nam có phải đi mò cua bắt ốc để kiếm sống không, và gặp thương đau không?
Nếu  vào Google và gõ cụm từ  " mò cua bắt ốc ở Nghệ An", chỉ trong vòng 0,54 giây Google đã cho ra 450 triệu kết quả, trong đó có những kết quả thực sự đau đớn. 
“Cụ già 85 tuổi vẫn mò cua bắt ốc nuôi con cháu ốm yếu”  là một bài báo đăng tải trên báo Nghệ An vào ngày 07/05/2016, cho biết, bà Phạm Thị Nhậm (85 tuổi) trú ở xóm 10 Xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu (Nghệ An) dù tuổi đã cao sức yếu, nhưng vì thương con thương cháu có hoàn cảnh ngặt nghèo nên hằng ngày bà vẫn còm lưng mò cua, bắt ốc bán kiếm tiền đổi gạo nuôi con cháu.
Bài báo" Bé trai 10 tuổi phải mò cua bắt ốc nuôi bố và bà nội" trên báo Nghệ An online ngày 19-5-2016 cho biết, mới 10 tuổi,  nhưng em Nguyễn Đăng Hùng ở xóm 8, xã Nhân Sơn, Đô Lương , Nghệ An ngoài giờ đi học, còn tranh thủ đi mò cua, bắt ốc để bán lấy tiền nuôi bố bị bệnh và bà nội già yếu  đã 70 tuổi. 
Bài báo "Cậu bé lớp năm mò cua bắt ốc nuôi bà nội" trên báo Công an Nghệ An đăng tải ngày 7-12-2013 cho biết, em Lê Văn Chiến, học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương (Nghệ An) sau những buổi đến lớp, em lại cặm cụi bên ruộng lúa, ao hồ mò cua, bắt ốc để lấy tiền nuôi bà và nuôi dưỡng ước mơ được cắp sách đến trường .
Bài báo  "Mò cua bắt ốc làm trụ cột của cả gia đình ở tuổi lên 10" trên website Đài PT-TH Nghệ An xuất bản vào ngày 25-5-2016 cho biết, mới 10 tuổi nhưng  em Nguyễn Đăng Hùng ở xã Nhân Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An ngoài giờ đi học, còn phải tranh thủ đi mò cua bắt ốc để bán lấy tiền nuôi bố bị bệnh và bà nội năm nay đã 70 tuổi. Từ nhiều tháng nay, mỗi khi đi học về là em Nguyễn Đăng Hùng lại tranh thủ ra đồng để mò cua bắt ốc về vừa để làm thức ăn, vừa để bán lấy tiền trang trải cho cuộc sống gia đình.
Bản tin " Nghệ An: đi mò cua bắt ốc một học sinh chết đuối trên sông Lam" trên website Đài tiếng nói Việt Nam ngày 3-6-2015 cho biết, em Đinh Chí  Minh ở  xã Thanh Yên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đi mò cua bắt ốc dọc sông Lam thì sẩy chân bị dòng nước cuốn trôi đến 18h cùng ngày mới tìm được thi thể.
Còn nhiều bản tin, bài viết về thảm cảnh mò cua bắt ốc ở Nghệ An. Nhưng chỉ chừng đó bản tin, bài viết thôi cũng đủ để nói lên sự nghèo đói tận cùng ở một miền quê có con người hiếu học, lao động chăm chỉ.
Liệu thảm cảnh mò cua bắt ốc ở Nghệ An đã đại diện đầy đủ cho thảm cảnh mò cua bắt ốc ở Việt Nam chưa? Hãy vào Google và chỉ gõ cụm từ “mò cua bắt ốc”! Google cho ra 6 triệu 770 ngàn kết quả.
Nổi bật nhất là video clip “đưa bé gái mồ côi mò cua bắt ốc kiếm tiền đi học khám bệnh”, tiếp theo là kết quả ba bà cháu chết đuối ở  Đắk Lak ngày 16-3 vừa qua.
Một video clip trên trang VN Express đăng tải vào ngày 12-12-2015 cho thấy một cụ bà 90 tuổi áo rách mò cua bắt ốc trong giá rét. Giữa tiết trời đông Hà Nội, cụ bà tóc bạc trắng chỉ mặc một chiếc áo cộc mỏng, bên ngoài khoác chiếc áo nilon sờn rách, mò cua bắt ốc sống qua ngày. Nhà của cụ bà ở thôn Đấu Tranh, xã Minh Cường, Thường Tín, Hà Nội. Cụ hay nhặt ni lông, bắt ốc ở gần cầu vượt Đỗ Xá.
Bài báo “Rớt nước mắt với cảnh em bé cởi truồng mò cua bắt ốc” trên trang soha.vn ngày 3-4-2014 cho đăng tải tấm hình em bé Điện Biên trần truồng khi mò cua bắt ốc , thay vì được ăn no ngủ kỹ, em bé phải lao vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền, san sẻ một phần lo lắng với bố mẹ.
Vào ngày 24-11-2017, báo Vietnamnet có bài “Chồng mò cua bắt ốc, chăm vợ ung thư”  cho biết, anh Phạm Duy Tinh, thôn Đông Tân, xã Đông Hà, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận dù mang nhiều bệnh tật nhưng phải mò cua bắt ốc để chăm sóc và nuôi vợ là chị Triệu Thị Vui đang mắc bệnh ung thư hiểm nghèo.
Báo An ninh thủ đô online ngày  12-2-2017 có bài “30 năm mò cua bắt ốc nuôi mẹ già và 4 em bại liệt” cho biết, bà Lê Thị Ninh  55 tuổi, ở thôn Lộc Thượng, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, ngày qua ngày, chẳng quản mưa nắng và bệnh tật, bà vẫn lụi cụi mò cua bắt ốc, làm thuê cuốc mướn để nuôi sống cả gia đình.
Tất cả các thông tin trong các bài báo được dẫn đều cho biết một thực tế đau xót: những người mò cua bắt ốc là những người cực kỳ nghèo khổ, nhiều người là lao động trẻ em và lao động người già mà các công ước quốc tế không cho phép, nhiều người  có hoàn cảnh neo đơn và bệnh tật….Và trong tất cả các trường hợp phải mò cua bắt ốc, chính quyền không thể hiện trách nhiệm với họ.
Bao giờ Việt Nam không còn thảm cảnh mò cua bắt ốc và những thương đau ngút ngàn nảy sinh từ hoạt động kinh tế hái lượm ấy?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét