Thứ Tư, 27 tháng 3, 2019

7278 - Ai có quyền đưa Mỹ tham chiến ở nước ngoài?



Cuộc chiến của Saudi Arabia tại Yemen là một thảm họa nhân đạo. Các cuộc không kích, dịch tả và nạn đói đã giết chết hàng chục ngàn người. Nước Mỹ là một bên tham gia, dù ở hậu trường, của cuộc xung đột này. Mỹ đã cung cấp máy bay (được bảo trì bởi các thợ cơ khí người Mỹ), vũ khí và tin tức tình báo cho Saudi Arabia.

Các nhà lập pháp Mỹ cuối cùng đã nhận thức được thảm họa này. Vụ sát hại Jamal Khashoggi, một nhà báo người Ả Rập, bởi các sát thủ Saudi Arabia và phản ứng yếu ớt của Tổng thống Donald Trump đối với sự kiện này đã làm thay đổi các tính toán chính trị. Bây giờ Quốc hội đã sẵn sàng yêu cầu chấm dứt hỗ trợ quân sự cho chiến dịch của người Saudi: Thượng viện đã bỏ phiếu ủng hộ quyết định này vào ngày 13 tháng 3; Hạ viện sẽ sớm làm theo. Ông Trump có thể sẽ phủ quyết nghị quyết. Cả hai bên nói rằng họ đang thực hiện đặc quyền hiến định của mình. Vậy ai mới có quyền cho phép tiến hành các hành động quân sự – Quốc hội hay tổng thống?

Hiến pháp trao quyền cho Quốc hội. Các nhà soạn thảo Hiến pháp, vốn cảnh giác với quyền lực tập trung và dẫn tới sự hình thành một dạng chế độ quân chủ ở Mỹ, đã trao quyền cho cơ quan lập pháp trong việc động viên quân đội và tuyên chiến. Tổng thống sẽ lãnh đạo quân đội với tư cách là tổng tư lệnh và bảo vệ đất nước chống lại các cuộc tấn công. Nhưng Quốc hội phải là nơi bắt đầu bất kỳ hành động tấn công nào. James Madison đã cảnh báo về một vị tổng thống phản ứng thái quá và hiếu chiến vào năm 1793 khi ông gọi chiến tranh là “người đỡ đầu cho sự bành trướng của nhánh hành pháp”.
Sự phân chia trách nhiệm theo cách này đã có hiệu quả như dự định cho đến giữa thế kỷ 20. Khi đó Harry Truman đã đơn phương triển khai quân đội trong Chiến tranh Triều Tiên (ảnh), gọi đó là một “hành động cảnh sát” và đặt tiền lệ cho các tổng thống trong việc bỏ qua Quốc hội. Một thập niên sau, Lyndon Johnson phải bảo đảm được quốc hội cho phép khi đưa Mỹ can dự vào Việt Nam, hứa hẹn rằng sự can dự sẽ “có giới hạn và phù hợp”; nhưng hành động can dự đó kéo dài thêm mười năm và mở rộng sang Campuchia và Lào. Điều này làm các nhà lập pháp tức giận. Muốn xác lập lại thẩm quyền, Quốc hội đã thông qua Đạo luật Quyền lực Chiến tranh năm 1973. Đạo luật này yêu cầu các tổng thống phải báo cáo việc triển khai quân trong vòng 48 giờ và xin phép Quốc hội trong vòng 60 ngày hoặc phải rút quân.
Nhưng các tổng thống bất chấp quy định này; họ nghĩ rằng nó vi hiến vì họ đóng vai trò là tổng tư lệnh. Họ đã làm như vậy nhiều lần, ở Grenada, Somalia, Kosovo, Haiti, Libya và những nơi khác. (Đối với các đợt triển khai quân lớn, như ở Iraq năm 1991 và 2002, họ đã tìm cách xin phép Quốc hội do tự tin rằng sẽ nhận được sự đồng tình). Kết quả là quyền lực hành pháp trong các vấn đề chiến tranh đã được củng cố. Thực tế là tổng thống nắm giữ một số lợi thế nhất định so với Quốc hội. Ông ta có thể hành động một mình và dứt khoát, và do đó đặt ra các điều khoản cho cuộc tranh luận. Ông ta cũng có các thông tin tình báo mà Quốc hội không thể dễ dàng có được.
Nhưng các nhà lập pháp không phải không có vũ khí. Họ có thể cắt giảm ngân sách cho các dự án phiêu lưu quân sự và chỉ định cách chi tiêu tiền. Thông qua các phiên điều trần, họ có thể tăng phí tổn chính trị cho hành động của tổng thống nếu thất bại. Khả năng can thiệp của quốc hội đã ảnh hưởng đến hành vi của các tổng thống. Hai nhà khoa học chính trị William Howell và Jon Pevehouse đã phát hiện ra rằng các tổng thống lựa chọn vũ lực ít thường xuyên hơn và chần chừ hơn khi đảng đối lập chiếm đa số trong Quốc hội.
Hành động của Quốc hội đối với vấn đề Yemen nhiều khả năng sẽ bị ông Trump làm ngơ (với lý do các lực lượng Mỹ không tham gia trực tiếp và vì vậy không liên quan đến “các tình hình thù địch” (hostilities) như định nghĩa của Đạo luật Quyền lực Chiến tranh.) Các nhà lập pháp vẫn có thể ngừng bán vũ khí và chia sẻ thông tin tình báo, mặc dù ông Trump cũng sẽ phủ quyết các biện pháp đó. Vì vậy, chúng ta không nên mong đợi một giải pháp gọn gàng cho cuộc xung đột gây tàn phá này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét